63 tỉnh, thành xây dựng thành công chuỗi nông sản an toàn
Sáng 22/2, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.
Nhiều chuyển biến tích cực
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời gian qua, việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đã thu được những kết quả rất lớn.
Toàn cảnh Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019. Ảnh: N.Q
Cụ thể, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi đã được thông qua, xây dựng được tiêu chí rõ ràng về chất lượng, an toàn thực phẩm cho sản phẩm nông nghiệp, tạo hành lang pháp lý để đưa các ngành sản xuất nông nghiệp vào chuỗi khép kín.
Việc rà soát các vật tư nông nghiệp cũng được ngành triển khai một cách mạnh mẽ. Chỉ trong năm 2018, ngành đã loại bỏ 1.774 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật, 1.052 sản phẩm thuốc thú y, 3.621 sản phẩm phân bón kém chất lượng, không an toàn ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.
Năm 2018, đã có hơn 1.800 cơ sở trồng trọt với diện tích khoảng hơn 80.000 ha, khoảng hơn 500 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích nuôi hơn 2.600 ha, hơn 2.800 trang trại và hộ chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương. 63 tỉnh thành phố xây dựng thành công gần 1.250 chuỗi, 1.450 sản phẩm và gần 3.200 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi.
63 tỉnh thành phố xây dựng thành công gần 1.250 chuỗi nông sản an toàn trong năm 2018. Ảnh: N.Q
Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp liên kết với Hợp tác xã, hộ nông dân tổ chức chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn quy mô lớn như Tập đoàn Vingroup, Dabaco, công ty Hùng Nhơn, Sanha, Ba Huân… Liên minh hợp tác xã Việt Nam cũng đã tổ chức hệ thống siêu thị kết nối với hơn 100 hợp tác xã nông nghiệp hình thành các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn…
Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đã có chuyển biến rất tích cực, minh chứng là năm 2018 không phát hiện chất cấm Salbutamol trong các mẫu thịt và nước tiểu được kiểm tra.
Tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh là 13,1%, giảm 51% so với năm 2017; số mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh chiếm tỷ lệ 0,2%, giảm 68,2% so với năm 2017.
Theo thống kê sơ bộ, sau khi thực hiện giám sát tối cao về an toàn thực phẩm, số vụ vi phạm an toàn thực phẩm đã giảm 38% và số người bị ngộ độc thực phẩm giảm 26% – ông Tiệp cho hay.
Video đang HOT
Chủ động vượt qua thách thức
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đã được cải thiện đáng kể.
Có được kết quả này một phần là do công tác thanh tra, giám sát được đổi mới theo hướng tăng thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Chế tài xử lý vi phạm an toàn thực phẩm cũng được điều chỉnh theo hướng có tính răn đe cao hơn, từ mức xử phạt vài trăm ngàn/vụ lên hàng chục triệu đồng/vụ, tùy mức độ vi phạm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: N.Q
Tuy nhiên, đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn một số thách thức nhất định. Tỷ lệ phát hiện số mẫu vi phạm về chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm rau củ quả và hóa chất kháng sinh trên thủy sản lại có xu hướng tăng so với trước.
Cụ thể, năm 2018 phát hiện 18 mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chiếm 1,41% và tăng so với tỷ lệ 0,6% của năm 2017; cùng đó, 46 mẫu thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh – chiếm 1,5% và tăng so với tỷ lệ 0,89% của năm 2017.
Tình trạng trên đã và đang tác động không tốt đến mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu rau củ quả và thủy sản, những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Hậu quả trước mắt là đã có lô hàng xuất khẩu bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất, kháng sinh bị trả lại, tiêu hủy gây thiệt hại về kinh tế, uy tín của doanh nghiệp nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung.
Để khắc phục tình trạng trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần củng cố lại quy trình sản xuất; trong đó, người sản xuất, chế biến cũng như kinh doanh nông sản cần chủ động cập nhật các quy định mới về an toàn thực phẩm và thực hiện nghiêm túc quy định, khuyến cáo về thời gian cách ly, thời gian ngừng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh…
Việc quản lý an toàn thực phẩm chỉ mang lại hiệu quả cao nhất khi được thực hiện, giám sát đồng bộ, liên tục trong suốt chuỗi sản xuất từ giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, thu hoạch, vận chuyển, chế biến tới tiêu thụ.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ: Bộ Nông nghiệp vẫn phải tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ việc giám sát, quản lý an toàn thực phẩm; đồng thời, cập nhật hệ thống trang thiết bị và phương pháp thử… để làm sao xử lý và đảm bảo những tiêu chí quốc tế đề ra.
Chỉ có như vậy thì nông sản Việt Nam mới đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính, mang lại giá trị xuất khẩu cao hơn, đạt được mục tiêu Chính phủ đã giao năm 2019 là 42-43 tỷ USD USD và xa hơn là chuyển đổi nền nông nghiệp từ quy mô nhỏ lẻ, tự cấp tự túc sang nền nông nghiệp hội nhập và phát triển bền vững, Thứ trưởng khẳng định.
Theo Danviet
Phát triển thịt mát nhưng vẫn phải đảm bảo ATTP cho thịt tươi
Ngày mai (10.8), tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hội thảo góp ý Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) Thịt mát - Yêu cầu kỹ thuật. Việc ban hành TCVN về thịt mát có ý nghĩa như thế nào, lộ trình thực hiện ra sao? Phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Nguyễn Như Tiệp (ảnh) - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) nhằm làm rõ vấn đề này.
Cung ứng thịt an toàn, chất lượng cao
Được biết, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) đã được Bộ NNPTNT giao chủ trì xây dựng tiêu chuẩn về thịt mát. Ông có thể cho biết những nét chính trong dự thảo lần này?
- Dự thảo tiêu chuẩn thịt mát có mấy điểm quan trọng chính, đó là yêu cầu về kỹ thuật đối với sản phẩm thịt mát. Theo đó, chúng tôi đã nêu rõ quy trình về sản xuất thịt mát, là sau khi thân thịt con lợn được giết mổ, làm sạch xong, thì phải đưa ngay vào kho lạnh để hạ nhiệt độ thân thịt xuống từ 0 - 4 độ C trong thời gian từ 16-24 giờ để đảm bảo quá trình chín sinh hóa.
Sắp có tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát. Ảnh: T.L
Sau đó, thân thịt được đưa ra pha lọc, sơ chế trong điều kiện nhiệt độ phòng được làm lạnh, nhiệt độ thân thịt lúc đó yêu cầu không quá 7 độ C. Quá trình vận chuyển, bảo quản, bày bán cũng được yêu cầu bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 0- 4 độ C.
Theo ông, chất lượng thịt lợn của chúng ta hiện nay như thế nào?
- Chất lượng thịt cho người tiêu dùng ở trong nước hiện nay đang ở mức trung bình và nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ khâu giết mổ, sơ chế, pha lọc. Số liệu giám sát trên diện rộng những năm gần đây cho thấy, mặc dù tỷ lệ mẫu vi phạm giảm, nhưng tỷ lệ mẫu vi phạm về các chỉ số vi sinh, ví dụ như E.Coli vượt mức cho phép hay Salmonella (vi khuẩn gây thương hàn) lại ở mức tương đối cao. Nguyên nhân là do khâu giết mổ, vận chuyển, bảo quản sau giết mổ không đảm bảo vệ sinh.
Như vậy, rất cần thiết phải có sự đổi mới trong công tác quản lý chất lượng thịt, thưa ông?
- Chúng ta cần phải đổi mới trong xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các cơ sở giết mổ, vận chuyển và kinh doanh, bày bán sản phẩm để người ta đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động giết mổ, bảo quản, bày bán để làm sao giảm thiểu tỷ lệ nhiễm vi sinh xuống.
Hiện tại ở Việt Nam đang lưu hành hai sản phẩm: Một là thịt tươi, hai là thịt lạnh đông. Thịt lạnh đông đương nhiên sau khi giết mổ người ta đem đi cấp đông thì sẽ không còn cơ hội để vi sinh vật xâm nhập và phát triển. Còn đối với thịt tươi, sau khi giết mổ xong lại để ở nhiệt độ thường, cộng thêm các thực hành trong giết mổ, bảo quản, bày bán không được vệ sinh nên gây ô nhiễm, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Nguyên tắc để giảm ô nhiễm vi sinh là nhanh, lạnh và sạch.
Gần đây rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào cơ sở giết mổ để đảm bảo nguyên tắc đó, nhanh, lạnh và sạch. Và chúng ta cũng có cơ chế, chính sách để hỗ trợ khâu bảo quản và bày bán. Để đảm bảo nguyên tắc lạnh, trên thế giới đưa ra tiêu chuẩn thịt mát.
Bộ tiêu chuẩn này được xây dựng ra với mục đích vừa để minh bạch chất lượng thịt, vừa giúp quản lý các cơ sở giết mổ dễ dàng hơn. Theo ông, điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng thịt trong tương lai?
- Đương nhiên tiêu chuẩn này ban hành để nâng cao chất lượng thịt trong tương lai và tiến đến chúng ta cũng chỉ sản xuất thịt mát vì thịt này mới đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng trong thời kỳ quá độ vẫn tồn tại 2 loại sản phẩm, bởi vì không thể một lúc chuyển sang làm thịt mát được. Các cơ sở giết mổ, sơ chế, pha lọc cũng được định hướng sẽ chuyển sang thịt mát. Điều này không những để cung ứng cho người tiêu dùng sản phẩm thịt an toàn, chất lượng cao mà còn phục vụ công tác tiếp cận thị trường.
Đẩy mạnh truyền thông để người tiêu dùng thay đổi thói quen
Ông đã thấy tín hiệu các doanh nghiệp thực phẩm hưởng ứng như thế nào đối với bộ tiêu chuẩn đang dự thảo?
- Tôi cho rằng các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến thịt rất hứng khởi, muốn sớm có tiêu chuẩn. Chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến lần cuối vào 10.8, sau đó sẽ hoàn thiện, trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và chính thức ban hành vào cuối tháng 9.2018.
Việc chúng ta chuẩn hóa tiêu chuẩn về thịt mát là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đảm bảo việc quản lý, đảm bảo nguồn thịt an toàn, chất lượng cao cho người dân, nhưng đồng thời cũng phục vụ cho xuất khẩu thịt sau này.
Nếu sản phẩm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong toàn bộ quá trình từ giết mổ, pha lọc đến bảo quản, bày bán thì mới được ghi nhãn thịt mát. Còn nếu không đáp ứng một trong các yêu cầu đó thì ghi là thịt tươi. Chúng ta không ngăn cản loại hình sản phẩm nào cả nhưng phải minh bạch thông tin cho người tiêu dùng.
Vẫn phải có kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm cho thịt tươi
Người Việt vẫn có thói quen ưa dùng thịt tươi. Vậy trong ngày một ngày hai thói quen đó có thay đổi được không và chúng ta có khó khăn gì khi đẩy mạnh tiêu thụ thịt mát, thưa ông?
- Để áp dụng tiêu chuẩn thịt mát, các cơ sở giết mổ, sơ chế, pha lọc thịt phải đầu tư thêm về kho lạnh, về phương tiện vận chuyển. Còn làm sao chúng ta tiêu thụ được sản phẩm thịt mát thay sản phẩm thịt tươi hiện nay thì phải đẩy mạnh truyền thông cho người tiêu dùng biết thế nào là thịt mát, thịt mát khác với thịt tươi như thế nào và lợi ích của thịt mát khác thịt tươi ra sao?.
Theo đó, doanh nghiệp phải có một chương trình tuyên truyền, truyền thông rất chi tiết về thịt mát. Tức là chúng ta phải tham chiếu các tài liệu của quốc tế, phải thực nghiệm trên một số thứ nữa để làm sao đưa ra những bằng chứng hết sức thuyết phục. Chỉ như vậy mới có thể thuyết phục người tiêu dùng. Được sử dụng một sản phẩm vừa an toàn vừa chất lượng cao thì người tiêu dùng sẽ ủng hộ, lúc đó sẽ thúc đẩy được ngành công nghiệp chế biến thịt mát.
Từ thay đổi nhận thức sẽ dẫn tới thay đổi hành vi, tức là người ta phải nhận thức được bởi vì từ trước đến nay nhiều người chưa phân biệt được thịt tươi và thịt mát; thứ hai cũng chưa có bằng chứng thuyết phục đúng là thịt mát an toàn, chất lượng hơn thì bây giờ phải cung cấp thông tin để người ta hiểu. Trong thời gian tới, lộ trình chuyển tiếp phải có cả thịt mát và thịt tươi bán song song ở chợ truyền thống.
Tuy nhiên, tôi cũng phải khẳng định rằng, không phải tất cả thịt tươi là mất an toàn, mà chiến lược của chúng ta vẫn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thịt tươi, chứ không phải chỉ phát triển thịt mát mà bỏ rơi thịt tươi. Tới đây, Bộ NNPTNT và các Bộ, ngành khác sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo an tòa thực phẩm đối với thịt tươi, ấm.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Thịt mát rã đông từ thịt đông lạnh là đánh lừa người tiêu dùng Thị trường có 3 dòng sản phẩm riêng biệt: thịt ấm, thịt mát, thịt đông lạnh. Việc rã đông thịt lạnh mà gọi là thịt mát khi buôn bán là đánh lừa khái niệm đối với người tiêu dùng. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) - Bộ NNPTNT cho biết như...