63 địa phương “ẵm” gần 80% số chi ngân sách Nhà nước
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa công bố báo cáo về tình hình đầu tư vốn ngân sách Nhà nước, trong đó tổng vốn đầu tư từ ngân sách đạt hơn 204.900 tỷ đồng (bằng 78% kế hoạch cả năm, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước).
Đáng nói, việc phân bổ vốn đang có sự chênh lệch lớn trong đó, vốn cho các địa phương chiếm gần 80%, đạt 156.500 tỷ đồng, còn lại là vốn phân bổ cho các bộ, ngành khoảng 48.400 tỷ đồng.
Địa phương được phân bổ vốn ngân sách nhiều nhất là Hà Nội đạt 25.600 tỷ đồng (chiếm 16% tổng vốn cấp cho các địa phương); thành phố Hồ Chí Minh 13.400 (chiếm 8,5%), tỉnh Bình Dương 4.838 tỷ đồng; Nghệ An 4.572 tỷ đồng; Quảng Ninh 4.548 tỷ đồng; Vĩnh Phúc 4.182 tỷ đồng; Bà Rịa – Vũng Tàu 3.743 tỷ đồng.
Xây dựng cơ sở vật chất, trụ sở nghìn tỷ là nguyên nhân bội chi ngân sách tăng cao (ảnh minh họa)
Về phía bộ ngành, Bộ Giao thông Vận tải được hưởng vốn ngân sách lớn nhất, đạt 15.600 tỷ đồng (chiếm trên 32% vốn cho trung ương quản lý); tiếp theo là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 5.211 tỷ đồng; Bộ Y tế 2.206 tỷ đồng; Bộ Giáo dục và Đào tạo 2.187 tỷ đồng…
Hai bộ được phân bổ ngân sách đầu tư ít nhất và giảm là Bộ Khoa học và Công nghệ 234 tỷ đồng, giảm 13%; Bộ Thông tin và Truyền thông 102 tỷ đồng, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN), 10 tháng đầu năm, theo Tổng cục Thống kê, NSNN tiếp tục thâm hụt trên 188.00 tỷ đồng do số thu không đủ chi.
Tính đến thời điểm 15/10/2016, số thu ước tính đạt 736.400 tỷ đồng nhưng số chi đã lên tới 924.800 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 154.100 tỷ đồng, chiếm hơn 16%; chi trả nợ và viện trợ đạt 122.400 tỷ đồng, chiếm hơn 13% tổng chi, còn lại là chi cho phát triển và quản lý hành chính. Mức thâm hụt NSNN là 188.400 tỷ đồng, trong đó mỗi tháng 18.840 tỷ đồng, mỗi ngày thâm hụt hơn 628 tỷ đồng tiền NSNN.
Một trong những nguyên nhân khiến NSNN luôn bội chi cao, thâm hụt lớn là do chi tiêu ngân sách của các địa phương vượt mức thu thực tế. Số địa phương thu ngân sách địa phương (NSĐP) không đủ chi nhiều hơn số địa phương thu NSĐP nhiều hơn mức chi.
Video đang HOT
Lấy ví dụ, năm 2014, theo số liệu quyết toán thu chi ngân sách Nhà nước của Kiểm toán Nhà nước, nhiều tỉnh thu NSĐP không đủ chi dù số thu này được phân bổ tỷ lệ 100% cho chi. Tình trạng chi vượt mức thu đã khiến NSNN mỗi năm phải phân bổ hỗ trợ (thực chất bù chi ngân sách) cho NSĐP hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Cụ thể trong số liệu quyết toán thu chi NSNN năm 2014, 14 tỉnh Trung du miền Núi phía Bắc, có số thu NSĐP đạt hơn 52.156 tỷ đồng, tuy nhiên, số chi vượt lên 121.054 tỷ đồng, thiếu hụt hơn 68.898 tỷ đồng, số NSNN bổ sung cho là hơn 78.826 tỷ đồng.
Đi đầu trong tỷ lệ thu không đủ chi ngân sách là Hà Giang khi số thu đạt 1.824 tỷ đồng, số chi đạt trên 9.237 tỷ đồng, NSNN phải bổ sung trên 7.631 tỷ đồng. Tỉnh Lào Cai, số thu ngân sách địa phương cũng chỉ đạt 6.400 tỷ đồng, nhưng chi ngân sách lại trên 10.300 tỷ đồng, khiến ngân sách Nhà nước phải bổ sung thêm 5.600 tỷ đồng. Tỉnh Phú Thọ, thu ngân sách cũng ở mức 5.100 tỷ đồng, trong khi đó chi ngân sách vượt trên 10.500 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước phải bổ sung hơn 5.600 tỷ đồng.
Trái lại, một số địa phương có số thu NSĐP lớn, nhưng tỷ lệ chi NS chỉ được duyệt dưới 100%, trong đó có TP.HCM duyệt chi 23% số thu ngân sách; Hà Nội 42%. Cụ thể, Hà Nội thu ngân sách đạt 191.663 tỷ đồng, chi ngân sách của địa phương này chỉ ở mức 75.488 tỷ đồng (chưa đạt tỷ lệ phân bổ ngân sách Nhà nước theo quy định là 42%).
Tại TP.HCM cũng tương tự, tỷ lệ phân bổ ngân sách thu – chi của địa phương này là 23%, năm 2014 TP HCM thu ngân sách đạt 280.593 tỷ đồng, số chi đạt 59.950 tỷ đồng (chưa đủ tỷ lệ 23%).
Theo một số chuyên gia kinh tế, tỷ lệ và cơ cấu phân bổ ngân sách trung ương và địa phương đã và đang áp dụng từ nhiều năm nay nhưng không được đánh giá và cải thiện. Việc hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho số hụt chi NSĐP đã và đang khiến không ít tỉnh không có kế hoạch cải cách cân đối ngân sách, dựa dẫm vào trợ giúp từ Nhà nước. Để giảm thâm hụt ngân sách lớn và năm sau luôn cao hơn năm trước, rất cần phải tái cơ cấu, cải cách việc thu chi ngân sách và hạn chế trợ giúp của NSNN cho NSĐP, nhất là việc chi thường xuyên của các địa phương.
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri
Áp lực gia tăng, nợ công có thể áp sát mức trần?
Nếu tổng nợ công tăng thêm 385.375 tỷ đồng, tổng nợ công của Việt Nam vào cuối năm 2016 sẽ đạt mức 2.993.335 tỷ đồng, bằng 64,4% GDP.
Áp lực gia tăng từ thâm hụt ngân sách khiến nợ công tăng cao
Đó là nội dung chính trong báo cáo cập nhật tháng 8/2016 của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC). Theo BVSC, thâm hụt ngân sách luôn ở mức cao hơn so với dự toán.
Thâm hụt ngân sách ở mức cao
Vào cuối tháng 7/2016, Quốc hội đã thông qua quyết toán ngân sách nhà nước 2014 với tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.130.609 tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 1.339.489 tỷ đồng, và bội chi là 249.362 tỷ đồng. So với dự toán, mức bội chi này cao hơn 11%. Đáng lưu ý, số liệu quyết toán năm 2013 cho thấy mức thâm hụt ngân sách trên thực tế còn cao hơn nhiều so với dự toán, lên tới 46%.
Gần đây nhất, số liệu cập nhật ngân sách lần hai vào tháng 4/2016 của Bộ Tài chính cũng cho thấy mức thâm hụt ngân sách năm 2015 dự kiến cao hơn 13% so với dự toán.
Kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ năm 2016 theo mục đích sử dụng (đvt: tỷ đồng). Nguồn: Quyết định 1011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tính toán của BVSC.
Tỷ lệ thâm hụt ngân sách luôn ở mức rất cao trong mấy năm gần đây. Cụ thể, tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP của Việt Nam là 6,6% trong năm 2013; 6,3% năm 2014; 6,1% năm 2015 và ước tính (theo dự toán) 5,5% năm 2016. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách này có thể không phù hợp với thông lệ quốc tế khi nó bao gồm cả khoản chi trả nợ gốc của Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả khi loại trừ khoản chi trả nợ gốc thì mức thâm hụt của Việt Nam vẫn ở mức rất cao, từ 4,2 đến 5% GDP, cao hơn nhiều so với giới hạn cảnh báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là 3%.
Theo tính toán của BVSC, áp lực gia tăng nợ công trong năm 2016 có thể lên đến 385.375 tỷ đồng và không chỉ đến từ thâm hụt ngân sách. Theo quyết định số 1011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính về kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016, tổng kế hoạch vay nợ của Chính phủ là 452.000 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vay để đảo nợ là 95.000 tỷ đồng, kế hoạch bảo lãnh tổng cộng là 85.025 tỷ đồng.
Trên thực tế, ngoài phần phát sinh do thâm hụt ngân sách, áp lực gia tăng nợ công còn có thể đến từ các khoản trái phiếu đầu tư trực tiếp của chính phủ, các khoản chính phủ đi vay để cho vay lại, và các khoản bảo lãnh của chính phủ.
Con số dự báo cho năm 2016 cho thấy áp lực ròng gia tăng nợ công đến từ thâm hụt ngân sách là 197,350 tỷ đồng, chiếm 51% tổng áp lực ròng gia tăng nợ công trong năm. Phần còn lại trong áp lực gia tăng nợ công đến từ các khoản trái phiếu đầu tư, cho vay lại và bảo lãnh của Chính phủ. Theo đó, tổng áp lực gia tăng nợ công trong năm là 385.375 tỷ đồng (bằng tổng kể hoạch vay nợ trừ đi phần đảo nợ và trả nợ gốc, cộng với tổng bảo lãnh). Tổng áp lực gia tăng nợ công này có thể hiểu là mức tối đa tăng ròng nợ công trong năm 2016 theo kế hoạch, đặt trong giả thiết các khoản trái phiếu đầu tư, cho vay lại và bảo lãnh hoàn toàn phát sinh mới và được cộng dồn vào năm trước (không có số liệu đáo hạn của những khoản này).
Kịch bản gia tăng nợ công 2016
BVSC đưa ra các kịch bản gia tăng nợ công 2016 trong mối liên hệ giữa thâm hụt ngân sách và tăng trưởng kinh tế.
Nợ công có thể đạt mức 64,4% GDP vào cuối năm 2016, áp sát mức trần nợ công Quốc hội cho phép cho đến năm 2020. Theo số liệu cập nhật gần đây của Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ công vào cuối năm 2015 bằng 62,2% GDP. So với con số GDP cập nhật của Tổng cục thống kê cho năm 2015, con số nợ công tuyệt đối của Việt Nam vào cuối năm này là 2.607.960 tỷ đồng. Giả định là tổng nợ công sẽ tăng thêm 385.375 tỷ đồng theo tính toán ở trên, tổng nợ công của Việt Nam vào cuối năm 2016 sẽ đạt mức 2.993.335 tỷ đồng, bằng 64,4% GDP.
Áp lực nợ công giai đoạn 2013-2016 (tỷ đồng). Nguồn: Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và tính toán của BVSC.
Tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2016 có thể thấp hơn con số dự báo ở trên nếu tăng trưởng được cải thiện, nhưng áp lực gia tăng bội chi ngân sách trên thực tế sẽ là thách thức lớn nhất đối với Chính phủ trong quản trị nợ công. Theo thông báo kết quả phiên hợp thường kỳ của Chính phủ vào tháng 7/2016, tăng trưởng GDP có thể đạt 6,3% hoặc 6,5% trong năm 2016. Nếu ước tính này thành hiện thực, tỷ lệ nợ công/GDP có thể thấp hơn, bằng 64,1% (với tăng trưởng 6,3%) hoặc 63,9% (với tăng trưởng 6,5%) vào cuối năm 2016.
Tuy nhiên theo tính quy luật các năm trước, nếu giả định thâm hụt ngân sách trên thực tế cao hơn 10% so với dự toán, tỷ lệ nợ công/GDP có thể tăng lên 64,9% theo kịch bản tăng trưởng cẩn trọng của BVSC; 64,6% và 64,5% theo hai kịch bản của Chính phủ.
Theo Diên đan doanh nghiêp
Nợ công đang tiến sát trần? Nếu tổng nợ công tăng thêm 385.375 tỷ đồng, tổng nợ công của Việt Nam vào cuối năm 2016 sẽ đạt mức 2.993.335 tỷ đồng, bằng 64,4% GDP. Thâm hụt ngân sách cao hơn dự toán Cuối tháng 7/2016, Quốc hội đã thông qua quyết toán ngân sách nhà nước 2014 với tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.130.609 tỷ đồng,...