6 vũ khí hàng không đáng ngại nhất của Trung Quốc
Các lực lượng không quân của Bắc Kinh đã có bước tiến rất xa, vậy Washington có nên lo lắng?
Không quân Trung Quốc không còn là một không quân nông dân của các tiêm kích cổ lỗ, không có khả năng tung sức mạnh vượt quá biên giới. Trong chiến tranh Lạnh, họ đã không cần có một lực lượng tốn kém như vậy hoặc không phải tiến hành một cuộc chiến tranh lớn bên ngoài biên giới Trung Quốc.
Hiện giờ, khi kinh tế Trung Quốc phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, lợi ích của Trung Quốc cũng đã bành trướng vượt ra ngoài biên giới nước này, thực sự thậm chí còn vượt ra ngoài khu vực lợi ích truyền thống Đông Á, vươn ra phạm vi thực sự toàn cầu. Một không quân Trung Quốc đang nổi lên với khả năng hỗ trợ những lợi ích đó và khả năng thách thức những quyền lực lâu đời như Mỹ và Nhật Bản.
Công nghiệp hàng không vũ trụ non trẻ của Trung Quốc đang khuấy động hàng loạt hệ thống vũ khí. Từ các tên lửa hành trình bay chậm và thấp đến vũ khí siêu vượt âm bay qua bầu trời với tốc độ Mach 5, từ các máy bay ném bom dựa trên các thiết kế có từ 60 năm trước đến các máy bay chiến đấu tiên tiến thế hệ 5, không quân Trung Quốc đã thực hiện bước nhảy vọt lớn.
1. Vũ khí siêu vượt âm WU-14
Trung Quốc đang tích cực nghiên cứu phát triển các vũ khí siêu vượt âm. Đây là loại vũ khí mới có khả năng bay với tốc độ Mach 5-10, tức 3.840 – 7.680 dặm/h. Vũ khí siêu thanh bay cực nhanh và rất khó bắn hạ.
Ngày 7/8/2014, Trung Quốc đã tiến hành vụ thử thứ hai vũ khí siêu vượt âm (HGV) WU-14. Vụ thử được tiến hành từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây đã rơi gần hơn mong đợi, nghe nói là gần Bulong Hu Hotsprings Resort ở Nội Mông.
Vụ thử nghiệm thất bại không phải hoàn toàn bất ngờ, do các tải trọng cực lớn khi bay ở tốc độ siêu vượt âm, những nghiên cứu siêu vượt âm kể cả của Mỹ đều có tỷ lệ thử nghiệm thất bại cao. Tuy nhiên, vụ thử trước đó vào ngày 9/1/2014 cũng từ Thái Nguyên lại thành công.
Các vụ thử nghiệm gần đây của Trung Quốc có sử dụng cái gọi là phương pháp “khởi tốc lượn” để đạt được tốc độ siêu vượt âm. Vũ khí này phóng sâu vào khí quyển bằng một động cơ tên lửa hay một tên lửa đạn đạo cải hoán và lướt trở lại trái đất với tốc độ siêu vượt âm. Năng lượng động học của phương tiện liệng như vậy có uy lực như một đầu đạn nổ.
Các vũ khí siêu vượt âm có nhiều lợi thế. Tốc độ siêu vượt âm có nghĩa là nó có thể bay xa hơn, nhanh hơn, đưa tải trọng của nó đi trong vòng vài phút phóng. Vũ khí siêu vượt âm rất khó bắn hạ bằng các hệ thống phòng không hiện tại và cũng có thể sử dụng tốc độ của chúng tấn công lực lượng ra quyết định của đối phương, tấn công các mục tiêu trước khi chính phủ nước ngoài có thể phản ứng hiệu quả với chúng.
Video đang HOT
Trước vụ thử ngày 9/1, được biết Trung Quốc đã có một chương trình nghiên cứu siêu vượt âm, nhưng người ta ít biết đến hướng đi của nó. Việc sử dụng động cơ tên lửa khởi tốc nhiên liệu lỏng được suy đoán ra từ vụ thử ngày 7/8 có thể cho thấy rằng, Trung Quốc có ý đồ sử dụng WU-14 để mang vũ khí hạt nhân.
2. Máy bay chỉ huy/báo động sớm KJ-2000
KJ-2000 là máy bay chỉ huy/báo động sớm (AEW&C) chủ yếu của Trung Quốc. Giống như E-3 Sentry của Mỹ, KJ-2000 là một máy bay lớn, thân rộng mang một radar hình đĩa quay trên lưng, có khả năng phát hiện máy bay ở xa hơn 300 dặm.
Máy bay AEW&C rất cần thiết cho không quân hiện đại hoạt động trong những khu vực căng thẳng, có không phận lớn để bảo vệ, hoặc lực lượng không quân viễn chinh. Trong trường hợp Trung Quốc, KJ-2000 có thể được sử dụng để mở rộng mạng lưới giám sát của Trung Quốc vượt ra ngoài tầm với của các hệ thống radar mặt đất, vào sâu các khu vực như Biển Đông và biển Hoa Đông.
KJ-2000 là phương tiện nhân bội lực lượng, có thể dùng để phát hiện máy bay địch và cung cấp thông tin chỉ huy và điều khiển cho các tiêm kích Trung Quốc. Một máy bay KJ-2000 có thể bay với radar quay quét sục sạo máy bay địch ở tất cả các hướng. Sau đó, nó có thể hướng dẫn các tiêm kích Trung Quốc bay với radar được tắt đi khiến chúng khó bị phát hiện hơn.
Các phi công không quân Trung Quốc thường phải dựa vào sự hướng dẫn của các nhân viên điều khiển mặt đất. Khi các chiến dịch trên không của Trung Quốc di chuyển ra xa bờ biển hơn và ở bên ngoài tầm của các trạm radar mặt đất thì các máy bay như KJ-2000 sẽ là cần thiết để hướng dẫn bay cho các tiêm kích. KJ-2000 đã được cử vào vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc, gần quần đảo Senkaku.
Sự thiếu hụt máy bay AEW&C làm hạn chế nghiêm trọng khả năng của Trung Quốc duy trì các hoạt động trên không bên trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Nếu muốn có khả năng tiến hành các chiến dịch quy mô lớn, nhịp độ cao, trong thời gian dài, không quân Trung Quốc sẽ cần có nhiều hơn nữa các máy bay này.
3. Máy bay ném bom H-6
H-6 là máy bay ném bom hạng nặng đầu tiên và duy nhất đến nay của Trung Quốc. Được sản xuất theo giấy phép của Liên Xô vào cuối những năm 1950, thiết kế ban đầu của máy bay đã lỗi thời từ lâu. Trung Quốc đã liên tục nâng cấp khung thân H-6 để duy trì khả năng chiến đấu và thậm chí bổ sung các nhiệm vụ mới cho nó.
Được thiết kế để thả bom hạt nhân rơi tự do, việc thiếu các máy bay thay thế cho H-6 có nghĩa là máy bay ném bom H-6 đã được phát triển cho các vai trò khác nữa, bao gồm cả máy bay ném bom thông thường, máy bay mang tên lửa và thậm chí cả máy bay tiếp dầu dầu. Không quân Trung Quốc được cho là có khoảng 80 chiếc H-6 làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân và mang tên lửa hành trình cùng với 10 chiếc làm nhiệm vụ tiếp dầu trên không. Không quân hải quân Trung Quốc có khoảng 30 H-6 dùng cho nhiệm vụ trinh sát và chống hạm bằng tên lửa chống hạm YJ-83 “Ưng kích”.
Hai đặc tính hữu ích nhất của H-6 là tầm bay xa và tải trọng lớn. Ứng dụng tốt nhất của H-6 là khả năng mang đến 6 quả tên lửa hành trình tầm xa CJ-10. Sự kết hợp H-6/CJ-10 được thiết kế để mang lại cho Trung Quốc khả năng tấn công tầm xa, chính xác các mục tiêu mặt đất.
Trung Quốc được cho là đang phát triển loại máy bay thay thế cho H-6 chỉ vì tiềm năng khung thân H-6 đã được khai thác gần như hết. Loại máy bay thay thế được các nhà quan sát quân sự Trung Quốc đặt tên là “H-X” gần như chắc chắn sẽ là một máy bay ném bom tàng hình có khả năng tiếp dầu trên không.
4. Máy bay tiếp dầu Il-78
Trong nhiều thập kỷ sau cách mạng, Trung Quốc dự kiến đối phó với bất kỳ cuộc chiến tranh nào nổ ra trên bầu trời Trung Quốc bằng các tiêm kích tầm ngắn. Kết quả là khả năng tiếp dầu trên không cho máy bay quân sự không phải là một ưu tiên đối với Trung Quốc.
Hiện nay, khi Trung Quốc đang thúc đẩy các yêu sách chủ quyền cũ đối với các nước xung quanh, họ đã bắt đầu phải phái các tiêm kích của mình đi ra xa hơn. Các quần đảo như Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông và Trường Sa ở Biển Đông nằm ngoài tầm với của máy bay bố trí trên đất liền. Khoảng cách từ các căn cứ không quân Trung Quốc trên đảo Hải Nam tới quần đảo Trường Sa đang tranh chấp là 670 dặm, tức là suýt soát gấp 2 lần bán kính chiến đấu của tiêm kích J-10. Ngoại trừ một tàu sân bay như Liêu Ninh, cách duy nhất để các tiêm kích Trung Quốc có thể đến được các hòn đảo này là nhờ tiếp dầu trên không từ các máy bay tiếp dầu như Il-78.
Il-78 là máy bay vận tải Il-76 của Nga được cải hoán thành máy bay tiếp dầu và mang lượng nhiên liệu đủ để bơm đầy 20 lần các thùng dầu của một chiếc J-10. Kéo theo sau ba ống tiếp dầu dài, Il-78 có thể đồng thời tiếp dầu cho 3 tiêm kích trên không. Mặc dù, Il-78 có thể tiếp dầu đồng thời cho nhiều máy bay hơn so với KC-10 của Mỹ, nhưng nó mang ít dầu bên trong hơn KC-10.
Ước tính, Trung Quốc có khoảng 8 Il-78, nhưng gặp khó khăn để mua nhiều hơn. Họ đã ký hợp đồng mua thêm máy bay vận tải Il-76, chắc là với ý đồ cải hoán chúng thành máy bay tiếp dầu, nhưng do Nga gặp khó khăn trong sản xuất, nên chỉ có một số ít Il-76 đã được bàn giao. Một giải pháp khác là mua sắm biến thể tiếp dầu của máy bay vận tải chiến lược Y-20, nhưng Y-20 mới chỉ đang ở giai đoạn phát triển. Cho đến khi Trung Quốc giải quyết được sự thiếu hụt máy bay tiếp dầu, khả năng của PLAAF hỗ trợ cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng biển xung quanh sẽ bị hạn chế.
5. Họ tên lửa hành trình DH-10
Khả năng tên lửa hành trình của Trung Quốc đã được phát triển màn bí mật và tin giả, và ngay cả hiện giờ, người ta không biết nhiều về các tên lửa hành trình Trung Quốc. Đông Hải-10 (DH-10) là tên lửa hành trình đã được Trung Quốc phát triển trong nhiều thập kỷ, và có thể có áp dụng công nghệ lấy cắp từ tên lửa Tomahawk thu được.
DH-10 được cho là rất giống với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ với một mũi tròn, cánh dày và một động cơ turbine phản lực. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính tầm bắn của DH-10 là khoảng 941 dặm, tương đương với biến thể mới nhất của Tomahawk là Block IV-E.
DH-10 được cho là sử dụng một số hệ thống dẫn đường: quán tính, so sánh ảnh địa hình đường viền và vệ tinh. Biến thể mới nhất của DH-10 là DH-10A hoặc đôi khi được gọi là CJ-10 có độ chính xác ước tính là dưới 10 m nhờ hệ dẫn vệ tinh. Kích cỡ đầu đạn có lẽ đâu đó trong vòng 500 kg.
Mặc dù nhiều quốc gia sở hữu tên lửa hành trình, tình trạng phát triển quân sự không đồng đều của Trung Quốc có nghĩa là tên lửa hành trình chiếm một vị trí độc đáo trong kho vũ khí Trung Quốc. Giống như kho tên lửa đường đạn thông thường tầm ngắn và tầm trung bình lớn của Trung Quốc, DH-10 có thể được dùng để thay thế cho máy bay tấn công có người lái khi tấn công các mục tiêu ở tầm xa. Khác với các tên lửa đường đạn thông thường của Trung Quốc, tên lửa hành trình có thể né tránh radar đối phương và có khả năng tấn công chính xác. Các cuộc tấn công phối hợp của tên lửa đường đạn và tên lửa hành trình để áp đảo các hệ thống phòng thủ của đối phương có vẻ là kịch bản triển khai lý tưởng.
6. Tiêm kích J-20
Là sự gia nhập cuộc đua tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc, J-20 là một máy bay chiến đấu 2 động cơ, cỡ lớn đang được phát triển. J-20 là dự án máy bay tham vọng nhất của Trung Quốc cho đến nay, và mặc dù vẫn còn trong giai đoạn phát triển, đây là một thành tựu ấn tượng đối với một quốc gia có công nghiệp hàng không vũ trụ còn tương đối non trẻ.
J-20 là một máy bay lớn, có cánh tam giác với thân dài và rộng, kết thúc bằng hai động cơ turbin cánh quạt. Thân máy bay có điểm nhấn là cánh ngang phía trước ở chỗ giáp với các cửa hút khí và đuôi đứng kép. Các mẫu chế thử J-20 được cho là được lắp hoặc là động cơ nội địa WS-10 hoặc là động cơ AL-31F của NPO Saturn/Nga, mặc dù các động cơ này gần như chắc chắn chỉ là tạm thời cho đến Trung Quốc tìm được các động cơ mạnh hơn.
Câu hỏi lớn nhất chưa được giải quyết liên quan đến J-20 chính là nó sẽ đảm nhiệm những nhiệm vụ gì. Hai khoang vũ khí lớn bên trong có thể mang các tên lửa không đối không, đối đất hoặc chống hạm. Là máy bay lớn, 2 động cơ tương tự như F-111 của Mỹ hoặc Su-30 của Nga, J-20 sẽ có tầm bay và khoang vũ khí bên trong để giúp nó trở thành hoặc là một tiêm kích giành ưu thế trên không hoặc là máy bay ném bom đột phá có khả năng sử dụng tầm bay và đặc tính tàng hình để vượt qua các hệ thống phòng không. Thậm chí, J-20 có thể làm được cả hai nhiệm vụ giống như F-15E Strike Eagle.
Chuyến bay đầu tiên của một mẫu chế thử J-20 diễn ra vào tháng 1/2011. Tháng 3, một mẫu chế thử cải tiến J-20 đã bay 2 giờ. Những thay đổi mới đối với máy bay gồm có các cửa hút khí nhỏ hơn, một khoang vũ khí bên trong thậm chí còn lớn hơn, những thay đổi ở cánh và một thiết bị bám quang điện tử dùng để không chiến.
Dự kiến, J-20 sẽ được trang bị cho không quân Trung Quốc vào khoảng năm 2020. Có ý kiến cho rằng, do Trung Quốc tương đối thiếu kinh nghiệm về thiết kế tiêm kích và khó khăn nói chung trong phát triển tiêm kích thế hệ 5, dự đoán J-20 đi vào hoạt động trong 6 năm tới xem ra là lạc quan thái quá.
Theo Tri Thức