6 tuần đầu sau khi sinh, có nhiều sự thật phũ phàng chẳng được ai nhắc đến nhưng chắc chắn sẽ xảy ra
Liên quan đến những ngày sau sinh, có rất nhiều điều đã xảy ra trong 6 tuần đầu khi bạn và con về nhà, cả về thể chất, tinh thần và cảm xúc.
1. Phải làm bạn với chiếc bỉm “siêu to khổng lồ”
Bạn đã biết về sản dịch nhưng sau khi sinh, bạn chẳng ngờ mình phải “làm bạn” với loại bỉm “siêu to khổng lồ” và sẽ còn dùng nó nhiều tuần sau nữa. Sản dịch sẽ chuyển từ màu đỏ sẫm sang màu và nâu sang trắng và vàng; cuối cùng chỉ còn lại từng đốm nhỏ xíu. Sản dịch sẽ không ngừng tiết cho tới 4-6 tuần sau sinh, cho dù bạn sinh thường hay sinh mổ.
Sản dịch không giống như 1 chu kỳ kinh nguyệt, vì vậy, hãy đóng bỉm ngay cả khi bạn nghĩ rằng máu đã ngừng chảy.
Lần đầu đi đại tiện sau khi sinh sẽ rất kinh khủng bởi bạn sẽ có cảm giác lo sợ chỉ khâu đứt rời (Ảnh minh họa).
2. Bạn có thể cảm thấy nóng rát khi đi tiểu
Nếu bạn bị rách gần niệu đạo, tiểu tiện có thể gây ra cảm giác bỏng rát dữ dội. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, đó có thể là dấu hiệu bị nhiễm trùng. Tương tự, bạn có thể thấy đau khi ngồi xuống một lúc. Thật sự ấn tượng nếu một phụ nữ vừa mới sinh có thể ngồi dậy và bắt chéo chân.
3. Lần đại tiện đầu tiên là tồi tệ nhất
Nhiều bà mẹ cho biết lần đầu đi đại tiện sau khi sinh sẽ rất kinh khủng bởi bạn sẽ có cảm giác lo sợ chỉ khâu đứt rời. Việc lau rửa cũng rất đáng sợ bởi lúc ấy, “cô bé” cực kỳ nhạy cảm. Bên cạnh đó, mang thai thường đồng nghĩa với tình trạng táo bón đối với nhiều sản phụ, khiến đại tiện càng thêm khó khăn. Sử dụng thuốc làm mềm phân có thể giúp giải quyết nỗi lo này.
4. Các cơn co thắt không hề dừng lại
Các cơn co thắt sau sinh kéo dài khoảng 2 đến 3 ngày và có xu hướng trở nên dễ chú ý hơn trong các lần mang thai tiếp theo. Cảm giác đau có thể từ mức nhẹ đến mức giống như đau bụng kinh nguyệt. Chúng xảy ra để bảo vệ bạn – đó là cách cơ thể cố gắng đưa tử cung trở lại kích thước bình thường. Chúng sẽ nặng hơn nếu bạn chọn cho con bú mẹ bởi hoạt động cho bú kích hoạt hormone oxytocin, vốn làm cho tử cung co bóp.
5. Đau ngực, đau đầu, mờ mắt…
Có một số dấu hiệu cảnh báo sau sinh như đau ngực, máu đóng cục có kích thước một quả trứng hoặc đau đầu kèm theo thay đổi thị lực… Hãy cảnh giác nếu bạn gặp phải một trong các triệu chứng trên và tham vấn bác sĩ ngay.
Video đang HOT
Nhiều mẹ bỉm sữa thổ lộ rằng, ngày thứ 4 sau sinh, tâm trạng họ tụt dốc (Ảnh minh họa).
6. Tàu lượn cảm xúc
Bạn rất yêu thiên thần bé nhỏ của mình nhưng đồng thời lại cảm thấy buồn bã, lo lắng hoặc bị mắc kẹt trong cuộc sống mới. Nồng độ estrogen và progesterone, vốn ở mức cao khi mang thai, giảm mạnh sau sinh. Nhiều mẹ bỉm sữa thổ lộ rằng, ngày thứ 4 sau sinh, tâm trạng họ tụt dốc và nỗi buồn khi phải đối mặt với thực tế chăm con xâm chiếm cả tâm hồn. Hãy chắc chắn rằng bạn có được sự hỗ trợ cần thiết vào ngày thứ tư sau sinh để vượt qua cơn bão cảm xúc.
7. Bạn có thể đánh mất chính mình
Những thách thức của việc chấp nhận một cuộc sống mới có thể đột ngột ập đến. Việc chuyển sang một nhiệm vụ mới – làm mẹ – thực sự khó khăn. Chưa kể, cơ thể của bạn trông cũng thật khác. Cảm giác hẳn rất khó khăn khi đứng trước gương với cái bụng vẫn tròn, bộ ngực căng, làn da chảy xệ. Chỉ cần nhớ rằng: cơ thể sẽ trải qua nhiều thay đổi vào mỗi giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Điều đó hoàn toàn tự nhiên và bình thường.
8. Lo lắng không ngừng
Cảm giác lo âu không ngừng, giống như điều gì xấu sẽ xảy ra với con, là tình trạng chung của rất nhiều mẹ bỉm sữa. Bạn có thể lo lắng mình sẽ làm rớt con xuống cầu thang hay con sẽ ngừng thở vào ban đêm… Mặc dù tất cả các bậc cha mẹ đều có thể trải qua những khoảnh khắc đó, nhưng nếu những nỗi sợ hãi ngăn cản bạn rời khỏi nhà; sống cuộc sống của mình hay khiến bạn thức dậy vào ban đêm dù đã hoàn toàn kiệt sức, bạn có lẽ đã mắc chứng lo âu/trầm cảm sau sinh.
Thiếu ngủ sau sinh là tình trạng phổ biến (Ảnh minh họa).
9. Thiếu ngủ là một hình thức tra tấn
Tình trạng thiếu ngủ đi kèm với việc chăm sóc trẻ sơ sinh thường hay “ngủ ngày chơi đêm” – tác động nặng nề đến bạn. Và “hãy ngủ khi bé ngủ” chẳng thiết thực chút nào vì bạn còn có nhiều việc phải lo, phải làm. Thay vào đó, bạn nên tập trung vào những điều nhỏ bé giúp cải thiện tâm trạng mỗi ngày. Ví dụ, đề ra mục tiêu cụ thể: tắm táp, thưởng thức một bữa ăn nóng, làm giấc ngủ ngắn buổi trưa hay dạo bộ xung quanh tòa nhà.
10. Bạn có thể cảm thấy một ngày kết thúc quá dở dang
Theo thời gian, nhiệm vụ hàng ngày càng nhiều thêm đến nỗi bạn khó hoàn thành tất cả. Hãy lập danh sách những việc đã làm thay vì những việc cần làm. Nó sẽ có tác dụng như một liều thuốc vực dậy tinh thần cho bạn.
11. Choáng ngợp với vai trò mới
Các bà mẹ được mặc định là “phải lòng” đứa con của mình ngay từ những giây phút đầu tiên. Nhưng không phải ai cũng như vậy. Thực tế là mọi người đều có cách phản ứng của riêng mình, đều trải qua các giai đoạn khác nhau để thích ứng với vai trò mới: làm cha mẹ. Bạn có thể cảm thấy choáng ngợp, ngột ngạt hoặc bối rối về việc bạn là ai ngay lúc này hay lo lắng về việc mối quan hệ của bạn với người kia sẽ chịu tác động ra sao sau khi có con… Nhưng đồng thời bạn vẫn có thể trở thành một người mẹ tuyệt vời.
12. Việc gì cũng không biết
Đọc bao nhiêu cuốn sách nuôi dạy con, tham khảo bao nhiêu nguồn tin từ mạng xã hội, người thân, bạn bè… đến lúc bắt tay vào thực tế chăm sóc em bé của mình, bạn ngỡ ngàng nhận ra, dường như mình không hề biết gì. Nhất là trong giai đoạn đầu, khi bạn phải vật lộn để cho con bú. Nhưng hãy nhớ rằng, dù khó khăn hay dễ dàng, nó cũng không liên quan tới việc bạn thông minh ra sao hay là người mẹ tốt đến mức nào. Bạn và em bé của bạn đều đang phải học. Mọi thứ không đến tức thì.
13. Không phải mọi khoảnh khắc đều vui vẻ
Việc nuôi dạy con cái là sự kết hợp giữa niềm vui khôn xiết và nỗi sợ hãi khủng khiếp cùng sự bực bội. Bạn hay nghe người ta nói hãy tận hưởng từng khoảnh khắc bên con vì nó diễn ra quá nhanh! Nhưng không phải mọi khoảnh khắc đều tuyệt vời. Hãy lùi lại một bước trong những lúc khó khăn rồi tập trung vào những chi tiết nhỏ, ví dụ, những móng tay bé xíu đáng yêu của con. Dù bạn có tức điên người và quát vào mặt con lúc 4 giờ sáng, những ngón tay bé xíu của con vẫn thật đáng yêu!
'Ăn dao' mổ đẻ không sợ bằng 6 tiếng nằm phòng hậu phẫu
Tôi xin kể câu chuyện của mình để chia sẻ với các mẹ cảm giác trải qua cuộc mổ đẻ là như thế nào.
Trong suốt thời kỳ mang bầu bé Sóc tôi rất khỏe mạnh, cân nặng tăng bình thường nên tôi luôn sẵn sàng tâm lý sẽ sinh thường để tốt nhất cho con. Thế nhưng gần đến ngày sinh, tôi bỗng dưng bị mất ngủ. Tôi vào nhiều diễn đàn trên mạng thì thấy rất nhiều mẹ chia sẻ về chuyện phải mổ đẻ vì gặp khó khi sinh. Bất giác tôi lo lắng khi nghĩ đến bản thân mình.
Sáng thứ 7 hôm ấy, bỗng dưng tôi bị vỡ ối tại nhà dù còn 1 tuần nữa mới tới ngày dự sinh. Chị chồng và chồng vội vàng đưa tôi vào bệnh viện.
Cảm giác đau đẻ thật kinh khủng. Đau như cắt từng khúc xương. Mỗi lần bác sĩ vào khám lại nói "2 phân, chờ thêm nhé". Tôi đau bụng dồn dập từ 9h sáng đến 12h trưa đã thấy khổ sở vô cùng mà mới mở được hai phân? Chờ bao giờ đến 8 phân, 10 phân để đẻ bây giờ.
Nằm không được, ngồi không xong, tôi đứng vịn giường và cố gắng lê từng bước chân, hít thở chịu đựng cái đau để chờ đẻ.
Đầu giờ chiều, cả nhà sốt sắng vì thấy tôi đau quá, đau đến kiệt sức. Khi chị bác sĩ vào khám thì vẫn chưa đẻ được, phải chờ thêm. Tôi gần như cầu xin chị cho tôi mổ đẻ nhưng chị vẫn động viên cố gắng chờ thêm chút nữa.
Cuối cùng, bác sĩ trưởng khoa ra khám và dặn chờ thêm 1 tiếng nữa nếu không đẻ thường được thì sẽ mổ vì vỡ ối sớm rồi.
Khoảnh khắc mổ đẻ (ảnh minh họa)
1 tiếng trôi qua dài như bất tận với những cơn đau, tôi được bác sĩ truyền dịch, tử cung bắt đầu mở được 4cm nhưng vẫn không đẻ thường được. Tôi kiệt sức trên bàn đẻ và câu cuối cùng tôi nghe được từ bác sĩ đó là đưa vào phòng mổ ngay.
Như người đuối nước vớ được cọc, cả cơ thể nhẹ bẫng, chân không còn cảm giác, tôi hết cảm giác đau sau liều thuốc gây tê. Khuôn mặt tôi cách bác sĩ phẫu thuật một tấm rèm, tôi lơ mơ thấy có người ấn bụng mình. Tôi cứ nghĩ thời gian gây tê đến lúc mổ phải 30 phút là ít, nhưng chỉ vài phút thôi tôi đã thấy óp ép ở bụng dưới. Chị y tá đứng cạnh hỏi tôi nhiều câu đại khái thấy thế nào, có mệt không... Tôi không nói được gì chỉ gật đầu. Mãi sau này tôi mới biết chị ấy hỏi để tôi quên không ngủ.
Tôi láng mang nghe tiếng khóc chào đời của con trẻ và bác sĩ nói cháu là bé trai. Cháu được đưa ra bàn sơ sinh ngang với bàn mổ của tôi. Tôi nhìn rõ con trai mình. Chị bác sĩ đưa cho hai mẹ con tôi chạm da nhau rồi đưa cháu đi.
Sau khi khâu vết mổ, nhân viên y tế đưa tôi sang phòng hậu phẫu. Đây mới thực là nơi khiến tôi sợ hãi. Lúc này phòng hậu phẫu chỉ có tôi và 4 người khác. 4 bệnh nhân này đều là người được phẫu thuật gây mê, chỉ có tôi là gây tê.
Khi một người thoát mê, tiếng ho bật lên khùng khục, bác sĩ liên tục gọi "Minh này, Minh mở mắt ra xem nào, Minh ơi, Minh ơi...". Trong khi đó, toàn thân tôi cảm giác lạnh toát, chân và tay run lên cầm cập, run tới mức cả chiếc cáng dường như cũng rung theo. Tôi sợ hãi nghĩ về cái chết.
Ngước mắt nhìn đồng hồ, lúc này mới 4h chiều, bác sĩ nói tôi ở đây tới 8h tối mới được chuyển ra phòng thường. Hai hàng nước mắt tôi cứ lăn dài trên má mong chờ tới giây phút ôm con vào lòng.
Trong 4 tiếng đồng hồ, một chốc lại có cáng đẩy vào phòng hậu phẫu: người mổ đẻ, người mổ u xơ, người chọc trứng...
Cạnh giường tôi cũng là một chị vừa mổ đẻ. Chị bị dị ứng thuốc gây tê. Chị liên tục kêu lạnh, vừa khóc vừa xin chăn đắp. Đắp thêm 1 cái chăn rồi 2 chăn vẫn chưa đủ, chị ấy lại gọi "bác sĩ ơi cứu em, em lạnh quá...".
Có lẽ, ở phòng hậu phẫu lúc này tôi là tỉnh táo nhất. Tôi không thể ngủ được và lúc nào cũng sợ hãi. Tôi sợ ngủ đi mình sẽ không tỉnh lại nữa. Mỗi khi có bệnh nhân thoát mê, người tôi lại run lên.
Tôi nghĩ tới những người sinh thường, sinh xong là được nằm ôm con còn tôi thì nằm một mình nơi phòng hậu phẫu lạnh lẽo. Cứ nghĩ tới con trai, tôi lại nhìn chiếc đồng hồ ở góc phòng hồi sức. 8h tối đã đến nhưng tôi vẫn chưa thể về với con vì cáng tôi nằm góc trong cùng phòng hậu phẫu, phải đợi nhân viên y tế đưa hết bệnh nhân phía ngoài ra. Vậy là đến 10h tối tôi mới nghe được cuộc điện thoại của nhân viên y tế gọi cho chồng vào cửa phòng đón tôi.
Khi ra khỏi phòng hậu phẫu, nhìn thấy chồng và chị chồng, tôi bật khóc tu tu tưởng như mình vừa thoát cửa tử. Đến giờ Sóc đã được 3 tuổi mà cảm giác của ngày hôm đó vẫn luôn khiến tôi rùng mình. Khoảnh khắc sợ hãi nhất không phải là lúc "ăn dao" mà chính là lúc nằm trong phòng hậu phẫu.
Vũ Kim Oanh (Hà Nội)
Sản phụ vượt cạn sinh bé gái giữa khuya trong khu cách ly Huế xuất viện Sau 14 ngày cách ly phòng dịch Covid-19 theo quy định và vượt cạn trong hoàn cảnh khó khăn, mẹ con một sản phụ ở Huế đã hoàn thành cách ly được xuất viện về nhà. Sản phụ ở Huế sinh con trong khu cách ly - Đình Toàn Chiều 12.4, chị P.T.Nh. (27 tuổi, ngụ ở đường Phan Chu Trinh, TP.Huế) đã...