6 thanh niên tử vong: Ra đi trong nghèo khó
V ụ tai nạn lao động thương tâm tại thôn Mỹ Quang, xã Thăng Long, huyện Nông Cống xảy ra chiều 1-11 đã cướp đi sinh mạng của 6 người, làm 2 người bị thương.
Trong số 6 người tử nạn, chỉ riêng thôn Liên Sơn có 4 người, 3 người trong số đó là anh em họ hàng.
Rạng sáng 2-11, người dân ở xóm núi nghèo làng Liên Sơn, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy tiếp nhận thi thể những chàng trai mới mười tám, đôi mươi bị tử nạn trong vụ tai nạn lao động tại huyện Nông Cống về làng để chôn cất.
Bố, mẹ và em trai của nạn nhân Trường.
Sáng 2-11, lặng lẽ ngồi ở góc nhà, cụ Trương Công Muộn thất thần nói: “Tôi có 4 đứa cháu trai của ba người con trai thì 3 đứa đã bị chết trong đợt này, đó là Trương Công Trường (SN 1991), Trương Công Quang (1991), Trương Công Điệp (SN 1994). Chỉ còn lại một đứa (em trai Trường) thì sức khỏe yếu, không minh mẫn”.
Cả ba gia đình sống gần kề nhau ở xóm núi nghèo bao bọc bởi những ngọn núi có tên nghe buồn như núi: Làn Bạc, đồi Mồ Côi, Trà Đa, Thung Bụng. Cả 6 nạn nhân bị chết đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đều từng đi làm thuê nhiều nghề, ở nhiều nơi để kiếm sống nuôi mình, giúp đỡ gia đình. “Con đi đợt này, sẽ dành dụm tiền công để dịp Tết tới con về mắc điện về nhà mình”- mẹ của nạn nhân Trường là Trương Thị Rạng kể lại câu chuyện cuối cùng mà Trường nói với bà.
Có lẽ, nhà Trường là một trong những hộ gia đình nghèo nhất ở xóm này. Năm 2006, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, gia đình chị Rạng mới có căn nhà cấp bốn hai gian để ở. Hai sào lúa, ít đất bãi, không đủ nuôi sống gia đình 4 khẩu. Cả gia đình chị Rạng phải làm thuê, làm mướn khắp nơi. Lúc đưa thi thể Trường về, chòm xóm, chính quyền địa phương mới kéo tạm điện bên cạnh về nhà Trường thắp sáng lo tang lễ.
Video đang HOT
May mắn thoát chết, Nguyễn Thành Luân (SN 1986), xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy kể: “Cách đây hơn 10 ngày, chúng em nhận việc chôn 8 cột, để kéo đường điện hạ thế 0,4 KV phía dưới đường dây cao thế vào khu tập thể của Tổng Công ty mía đường Nông Cống. Khi nhận việc chúng em không được ký kết hợp đồng, không có văn bản cam kết với bất kỳ đơn vị nào, cũng không có bảo hộ lao động…
Chiều 1-11, nhóm em gồm 8 người cùng nhau làm công việc này. Khi em rải đá ở những vị trí chôn cột xong, đi bộ ngược lại để về vị trí cột thứ 2, nơi mà mọi người đang tập trung làm. Nhưng khi đi đến vị trí cột thứ 3 thì em nghe tiếng kêu la, đồng thời nhìn thấy chập cháy đường dây điện phía trên vị trí đang chôn cột thứ 2.
Lúc đó, 6 người đứng quanh hố chôn cột đều té ngửa ra sau. Nhìn thấy Phạm Hùng Nghị (SN 1992) còn thở, em vừa chạm vào áo để kéo Nghị ra thì liền bị điện giật bắn ngửa ra ngoài. Cả 6 người đứng quanh hố chôn cột bị chết. Lúc đó Nguyễn Hữu Trường (xã Tân Khang, huyện Nông Cống) đang xách nước đứng ngoài mép hố cũng bị giật bắn ra ngoài và bị thương”.
Trao đổi với báo chí, ông Ngô Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống, cho biết: “Phía Cty đã ký hợp đồng thi công đường điện với Cty Xây lắp điện và xây dựng Phương Anh, ở địa chỉ 17 Lê Chân, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa. Do trước đây, khu tập thể của Cty dùng điện chung với nhà máy. Hiện nay khu tập thể đã có khoảng 50 hộ gia đình sinh sống nên Chi nhánh điện Nông Cống yêu cầu Cty tách ra dùng điện riêng. Sau đó, công ty chúng tôi đã thuê đơn vị thiết kế, đơn vị kiểm tra và thi công”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dũng nói: “Trách nhiệm chính dẫn đến sự việc này là do những người thi công đường điện đó, những người này do Công ty Xây lắp điện và xây dựng Phương Anh thuê làm”.
Theo Tiền Phong
Vụ điện giật kinh hoàng qua lời kể người sống sót
"Thấy cháy, tôi phi như bay tới vị trí cột điện thì sững sờ khi 6 thợ đứng như trời trồng. Họ vẫn trong tư thế ôm cột điện nhưng gần như đã tắt thở", anh Luân, người chứng kiến vụ điện giật làm 6 người chết ở Thanh Hóa kể.
Đã hai ngày trôi qua kể từ khi xảy ra vụ điện giật, nhưng anh Nguyễn Thành Luân, 25 tuổi, trú tại xã Cẩm Thạch (Cẩm Thủy, Thanh Hóa), tổ trưởng tổ thợ xây lắp điện vẫn chưa hết bàng hoàng.
Luân kể, cách đây chừng nửa tháng, anh nhận được thông tin Công ty mía đường Nông Cống muốn xây lắp đường điện hạ thế dài khoảng 800 mét dẫn về phục vụ sinh hoạt cho công nhân nhà máy. Qua nhiều mối giới thiệu, Luân nhận được phần xây lắp công trình theo thỏa thuận miệng với Trưởng chi nhánh điện Nông Cống. Sau đó, anh về quê tìm thêm thợ và lập thành một tổ đưa xuống Nông Cống thuê nhà ở để thi công công trình.
Ngày 1/11, sau khi đào các hố, Luân cho thợ đổ bê tông dựng cột điện trước khi hoàn thành công đoạn cuối cùng là kéo đường dây. 6 thợ được phân công mang tời đi dựng cột tại vị trí cột số 2 (tính từ trạm biến áp về nhà máy đường), còn Luân theo ôtô đi đổ đá tại các vị trí đã đào hố sẵn.
14h chiều, anh em thợ người xách nước, người trộn vữa. Khi đổ xong xe đá xuống vị trí cột số 3, Luân đi bộ về cột số 2. "Đến gần, tôi thấy điện bốc cháy, khói và mùi khét tỏa khắp một vùng trên cánh đồng mía thôn Mỹ Quang. Cùng lúc ấy tôi nghe tiếng Nguyễn Hữu Trường (một trong hai công nhân thoát chết) vừa chạy vừa la hét thất thanh, khuôn mặt tái mét như không còn giọt máu", Luân kể.
Nguyễn Thành Luân kể lại vụ việc kinh hoàng chiều 1/11. Ảnh: Lê Hoàng.
Dừng lại giây lát, giọng vẫn còn run Luân kể tiếp: "Theo phản ứng bản năng, tôi phi như bay tới vị trí cây cột điện thì sững sờ khi 6 công nhân đứng bất động như trời trồng giữa trời. Tất cả vẫn đang trong tư thế ôm cây cột điện nhưng gần như đã tắt thở".
Tới gần miệng hố, phát hiện đứa cháu là Phạm Hùng Nghị thoi thóp thở, Luân túm vạt áo kéo Nghị ra, nhưng ngay lập tức bị nguồn điện giật bắn ra ngoài. Sau đó một nông dân đang bóc lá mía gần đó chạy lại, Luân nhờ gọi về chi nhánh điện đề nghị cắt để cứu thợ. Dòng điện bị ngắt, anh cùng người dân lại kiểm tra hiện trường thì đã quá muộn...
"Người bị cháy mặt, người bị cháy tay, người bị xém tóc..., cảnh tượng vô cùng hãi hùng. May mắn nhất trong nhóm là anh Nguyễn Hữu Trường, quê ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Khi xảy ra sự việc anh này cũng ở ngay sát miệng hố, nhưng vì không chạm tay vào cột điện nên chỉ bị áp lực đẩy văng ra ngoài nên thoát chết", Luân kể tiếp.
Nhận định về nguyên nhân tai nạn, người thanh niên này cho rằng vì tổ thợ thi công xây lắp đường điện ngay dưới đường dây trung thế 35 kV. Đường dây võng thấp, nên khi công nhân dựng cột thì nguồn điện đã phóng qua cây cột điện và tời (cây tó ba chân, được chế tạo bằng sắt thép) và giật chết 6 thợ.
Cũng theo Luân, cả anh và số công nhân thiệt mạng đều là lao động tự do, không ký hợp đồng lao động với đơn vị chủ quản cũng như chưa hề được tập huấn về kỹ thuật xây lắp điện. Họ cũng không hề trang bị bao tay, giày da và các thiết bị bảo hộ.
Luân cho hay, nhóm nhận khoán cả công trình trên cho Chi nhánh điện lực Nông Cống (thi công lắp đặt hoàn thiện từ khâu đào hố đến dựng cột, kéo dây... đường điện 0,4 kV, chiều dài khoảng 800 mét với 8 cây cột) với giá 10 triệu đồng. Làm xong anh em chia đều, trung bình mỗi thợ khoảng 100.000 đồng một ngày công.
"Tôi sốc nặng vì bị điện giật lại phải chứng kiến sự việc, trong đầu lúc nào cũng ám ảnh cảnh anh em ôm nhau chết trước mắt mà không cứu được. Cũng vì gia đình quá nghèo nên mình mới đi làm thôi chứ thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Giờ lại mang tội với gia đình dòng họ vì trong số 6 người chết có đến 4 người là họ hàng thân thích của tôi", Luân kể trong nghẹn ngào nước mắt.
Gia đình cho biết, sau khi được cấp cứu tại bệnh viện, sức khỏe anh Luân đã dần hồi phục nhưng tâm thần vẫn bất an và nhiều lúc mơ màng như người mất trí.
Trước đó khoảng 15h ngày 1/11 tại thôn Mỹ Quang, xã Thăng Long (Nông Cống, Thanh Hóa) xảy ra vụ tai nạn lao động làm 6 người thiệt mạng, 2 người khác bị thương. 6 nạn nhân đều ngoài 20 tuổi, chưa ai lập gia đình, trong đó có 4 người trú tại xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy.
Theo VNExpress
Cầm dao xử nhau vì mâu thuẫn tiền công thợ 21h30 đêm 19.9, tại đường bê tông liên xã thuộc địa phận thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, HN xảy ra vụ xô xát dẫn đến án mạng giữa nhóm thợ xây. Nhóm thứ nhất, gồm: Ngô Văn Truy (SN 1958, ở Nam Quất, Nam Triều, Phú Xuyên); Nguyễn Thành Luân (SN 1986, quê ở Hoà Thắng, Hữu Lũng, Lạng...