6 tháng, xử lý hơn 700 vụ xe buýt vi phạm
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã có tới 715 vụ việc vi phạm quy định về hoạt động xe buýt bị lập biên bản xử lý…
Xử lý vi phạm tăng không phải là tăng vi phạm
Báo cáo tại Hội nghị giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 31/7, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, chất lượng dịch vụ của xe buýt vẫn còn những mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu của đông đảo hành khách. Theo đó, có 715 vụ việc vi phạm quy định về hoạt động xe buýt đã bị lập biên bản xử lý (tăng 90% so với năm 2011).
Tuy nhiên, ông Hải giải thích, việc gia tăng mạnh số vụ việc bị lập biên bản không phải do tình trạng vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn, mà do công tác thanh tra, kiểm soát được làm thường xuyên, cương quyết hơn. “Những năm trước việc kiểm tra kiểm soát thiếu hụt, không chặt chẽ, bỏ sót lọt nhiều. Nay việc kiểm soát vi phạm được tăng cường hơn nên phát hiện nhiều vi phạm hơn. Thực tế, vi phạm trong thời gian gần đây đã giảm mạnh” – ông Hải khẳng định.
Video đang HOT
Ông Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cũng thừa nhận, tình trạng xe buýt vi phạm luật giao thông vẫn còn khá phổ biến, với những biểu hiện như vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng còi hơi tuỳ tiện… Đặc biệt, trên xe buýt, tình trạng trộm cắp còn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo kết quả phòng chống tội phạm hình sự trên các tuyến xe buýt của tổ công tác 142 (Công an Thành phố), trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện, bắt giữ, xử lý trên các xe buýt và tại các điểm đỗ xe buýt là 87 vụ với 123 đối tượng.
Trước sự băn khoăn, lo lắng của các phóng viên về nạn trộm cắp trên xe buýt, đặc biệt khi các nạn nhân là những sinh viên tỉnh lẻ lên Hà Nội học, ông Hải cho rằng, trộm cắp móc túi trên xe buýt là một vấn nạn xảy ra thường xuyên, nhưng rất khó giải quyết triệt để vì hình phạt dành cho tội móc túi còn nhẹ. Tình trạng này chỉ giảm khi có lực lượng chuyên ngành tăng cường như tổ công tác 141, 142. “Có một cái dở là hiện chưa có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn nên chỉ có một giải pháp là làm thường xuyên hơn” – Ông Hải nói.
Tình trạng xe buýt phóng nhanh vượt ẩu vẫn diễn ra phổ biến, nhưng tai nạn do xe buýt gây ra đã giảm – ảnh minh họa
Tắc đường, 100 lượt xe phải bỏ chuyến mỗi ngày
Việc chạy ẩu của xe buýt là một trong những nguyên nhân gây tắc đường, nhưng chính xe buýt cũng là “nạn nhân” của tắc đường. Điều này được chứng minh bằng một con số khá ấn tượng, khi theo lời ông Giám đốc Trung tâm, có tới 12.022 lượt xe không thực hiện được chuyến đi và 691 lượt xe phải quay đầu do tắc đường trong 6 tháng qua. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày có khoảng 100 lượt xe buýt không thực hiện được trót lọt lộ trình.
Một vấn đề khiến dịch vụ xe buýt bị hạn chế về chất lượng, đó là hiện nay tình trạng chiếm dụng hạ tầng xe buýt (nhà chờ, điểm đỗ…), chiếm dụng lòng đường vỉa hè còn khá phổ biến, gây khó khăn cho xe buýt ra vào điểm đón khách, nguy hiểm cho hành khách lên xuống xe, tiềm tàng nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Theo thống kê, tại các quận nội thành có trên 70% vị trí thường xuyên bị chiếm dụng bởi hàng rong, xe máy, ô tô, xe rác…
Theo ông Hải, hiện nay số lượng nhà chờ dành cho khách đi xe buýt còn thiếu (cả Thành phố có 1.700 điểm dừng đón trả khách nhưng chỉ có 292 nhà chờ) là do quy định những vỉa hè chiều rộng từ 4m trở lên thì mới được lắp. “Có một bất cập là làm hạ tầng trong nội thành vô cùng khó khăn, chỉ cắm một điểm dừng đỗ thôi đã rất khó vì không ai muốn làm nhà chờ, điểm đỗ trước cửa hàng, cơ sở, cơ quan… Ngược lại, ngoại thành thì bà con luôn muốn cắm biển hay dựng nhà chờ ở gần. Có khi cắm ra xa thì người nhấc lại gần để mong có người qua lại, mua bán.” – ông Hải cho biết.
Trái ngược với thắc mắc của báo giới cũng như người dân về việc đường phố Hà Nội nhỏ nhưng lại dùng xe buýt to, ông Hải phân tích: “Xe buýt to chở được nhiều người hơn, nếu thay một xe buýt to bằng 2 xe buýt nhỏ thì chiếm dụng mặt đưòng nhiều hơn, trong khi đó lại xả khí ra môi trường nhiều hơn. Chúng tôi đã tính toán rất kỹ để nếu có điều kiện thì thay xe buýt nhỏ bằng xe buýt to.”
Nói về vấn đề tai nạn giao thông liên quan đến xe buýt, ông Hải cho biết dù chưa cập nhật số liệu cụ thể của 6 tháng đầu năm nay, nhưng chắc chắn là giảm rõ rệt so với năm ngoái do hệ thống giao thông của Thủ đô có thuận lợi hơn, số lượt xe buýt bị bỏ do ùn tắc cũng giảm hơn.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, trong 6 tháng cuối năm, Trung tâm dự kiến sẽ đưa thêm 5 tuyến đấu thầu vào hoạt động và sắp tới chuyển đổi hình thức của 10 tuyến từ không trợ giá trên cơ sở tổ chức lại mạng lưới tuyến hợp lý, mở rộng vùng phục vụ, tạo ra sự liên thông, liên kết và kết nối của mạng lưới vận tải hành khách công cộng, giảm thời gian chuyến đi của hành khách, tăng chất lượng dịch vụ của mạng lưới, giảm được mật độ phương tiện giao thông từ khu vực ngoài vành đai 3 vào khu vực trung tâm thành phố, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Trong năm 2012, Thành phố cũng sẽ đầu tư mới 100 nhà chờ và thay mới 142 nhà chờ đã xuống cấp để phục vụ hành khách đi xe buýt; cải tạo thêm 3 điểm đầu cuối là Xuân Mai, Sóc Sơn và Thanh Tước.
Theo VNMEdia