6 phim tệ nhất từng đoạt Oscar
Nhiều năm trôi qua, khi xem lại những bộ phim từng đoạt giải ở hạng mục “Phim xuất sắc nhất”, khán giả đã đặt câu hỏi, tại sao nó lại có thể là phim xuất sắc nhất?
Driving miss Daisy (1989)
Ngoài danh hiệu Phim xuất sắc nhất, Driving miss Daisy còn mang về cho nữ diễn viên Jessica Tandy giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Truyện phim xoay quanh vấn đề phân biệt chủng tộc diễn ra tại Mỹ. Theo đó, cô Daisy – một goá phụ người Do Thái và lái xe của cô – ông Hoke ( Morgan Freeman) – một người đàn ông da màu đã dần nhìn thấy những thay đổi tích cực trong xã hội Mỹ trước vấn nạn kỳ thị chủng tộc. Phim chỉ đơn thuần là một sự lựa chọn an toàn trong bối cảnh nước Mỹ lúc bấy giờ. Nó hợp với vai trò của một bộ phim tuyên truyền hơn là một bộ phim nghệ thuật.
Oliver! (1968)
Những bộ phim nhạc kịch vốn luôn được người dân Mỹ ưa chuộng và dường như hội đồng trao giải Oscar đã cố rút ngắn khoảng cách giữa tính nghệ thuật và tính đại chúng trong lựa chọn riêng. Năm 1968, bộ phim nhạc kịch Oliver! được trao giải Phim xuất sắc nhất nhưng nó không bao giờ là một bộ phim nhạc kịch thành công trong lòng khán giả.
Khi đặt phim bên cạnh tác phẩm nổi tiếng Oliver Twist của nhà văn Charles Dickens, Oliver! bỗng trở nên… ngớ ngẩn. Cho đến nay, đây là bộ phim nhạc kịch được đầu tư mạnh tay nhất trong những bộ phim từng được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên. Phim kéo dài 153 phút với những màn diễn xuất nhàm nhạt bị coi như một cực hình đối với cả những khán giả kiên nhẫn nhất.
Around the world in 80 days (1956)
Đây là một trong những bộ phim gây tranh cãi nhất trong lịch sử Oscar. Đứng bên cạnh những đề cử nổi bật như The king and I hay The ten commandments, bộ phim của đạo diễn Michael Anderson tưởng như không có cơ hội nào giành giải. Cuối cùng, điều bất ngờ đã xảy ra. Các thành viên trong hội đồng thẩm định đã đánh giá cao bộ phim hài kể về người đàn ông quý tộc Anh muốn đi du lịch vòng quanh thế giới bằng một chiếc khinh khí cầu.
Video đang HOT
Shakespeare in love (1998)
Thường thể loại phim hài kịch không được hội đồng trao giải Oscar ưa chuộng, việc Shakespeare in love giành giải Phim xuất sắc nhất đã làm nổ ra một cuộc tranh cãi rầm rộ mới không phải chỉ bởi hội đồng trao giải bất ngờ thay đổi khẩu vị mà còn vì nội dung nhạt nhẽo của phim lại có thể đánh bại những tên tuổi lớn như Life is beautiful của đạo diễn nổi tiếng người Ý Roberto Benigni hay Saving private Ryan của đạo diễn Steven Spielberg. Điều đáng khâm phục duy nhất đối với bộ phim này là nhà phân phối Miramax đã mạnh tay chi ra hàng triệu đô la quảng cáo cho phim.
Chicago (2002)
Đây là bộ phim nhạc kịch thứ hai giành giải Oscar ở hạng mục Phim xuất sắc nhất sau Oliver! nhưng thậm chí phim này còn bị “ném đá” nhiều hơn phim trước vì nó chỉ đơn thuần là một bộ phim giải trí với những cảnh nhảy múa sexy của những người đẹp nổi tiếng Hollywood như Catherine Zeta-Jones hay Renée Zellweger.
Nội dung phim nghèo nàn và điểm mạnh của Chicago chỉ dừng lại ở vẻ hào nhoáng, hấp dẫn của các diễn viên. Trước Chicago từng có những bộ phim nhạc kịch Broadway được chuyển thể thành công lên màn ảnh và có nội dung sâu sắc hơn thế nhiều.
How green was my valley (1941)
Đôi khi hội đồng trao giải cũng bị ảnh hưởng bởi doanh thu và dư luận. Tại giảiOscar năm 1941, How green was my valley nhận được 10 đề cử và giành được 5 giải bao gồm cả hạng mục quan trọng như Phim xuất sắc nhất. Giờ đây, hầu như người ta không còn nhắc tới bộ phim từng một thời đình đám này. Thay vào đó, bộ phim bị coi là thảm hoạ của năm 1941 – Citizen Kane lại được tôn vinh “ngất trời”.
Bộ phim này khi ra đời bị coi là một thất bại thảm hại về doanh thu và đương nhiên nó không có đất để “đấu” với How green was my valley. Bây giờ, Citizen Kane ngày càng được đánh giá cao và luôn đứng ở nhóm đầu trong các cuộc bình chọn dành những bộ phim xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh.
Theo Dân Trí
Sức ám ảnh dai dẳng từ những bộ phim chống chiến tranh
Đằng sau mỗi cuộc chiến tàn khốc là những câu chuyện bi thương đầy ám ảnh về phận người...
Saving Private Ryan - Giải cứu binh nhì Ryan
Bộ phim được đề cử 11 giải Oscar và giành được một giải cho Đạo diễn xuất sắc nhất - Steven Spielberg.
Saving Private Ryan mở đầu bằng cảnh đổ máu của quân Đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ hai khi đổ bộ lên bờ biển Normandy ngày 6/6/1944. Vô số những người lính trẻ tuổi đã nằm xuống bên bờ biển biến bờ biển hôm đó thành một màu đỏ sậm. Ngày 6/6 từ đó được gọi là ngày tử thần, D-Day (Death Day). Khi khói súng bắn đầu tan, những nhân vật chính bắt đầu xuất hiện. Thuyền trưởng Miller (do Tom Hanks thủ vai) nhận được lệnh từ cấp trên yêu cầu anh dẫn trung đội của mình vào vùng nguy hiểm nơi quân Đức đang đóng để giải cứu binh nhì có tên James Ryan.
Ryan là con trai trong một gia đình có bốn người con, ba anh trai của Ryan đã chết tại chiến trường trong những ngày rất gần nhau và mẹ anh ở nhà đã nhận được giấy báo tử của cả ba con trai trong một ngày. Tướng George Marshall, người đứng đầu quân đội Mĩ lúc đó khi được nghe kể về trường hợp của gia đình Ryan, ông hiểu rằng người mẹ đã phải chịu đựng quá nhiều nỗi đau và đứa con trai duy nhất còn lại của bà cần phải được trở về an toàn. Đó là xứ mạng mà trung đội của thuyền trưởng Miller được giao.
Họ phải đối mặt với nguy hiểm và cái chết để giải cứu một anh binh nhì. Đoạn mở đầu và đoạn kết được quay trong nghĩa địa với hình ảnh Ryan khi về già, đứng bên những tấm bia mộ trải dài ngút tầm mắt. Để cứu được Ryan và thoát khỏi vòng vây của quân Đức, trung đội đã hy sinh gần hết, chỉ còn lại ba người sống sót. Cuối phim là hình ảnh ông cụ Ryan đứng trước mộ của thuyền trưởng Miller cùng đại gia đình, ông hỏi mọi người trong nhà rằng mình có phải là một người tốt không, đã sống một cuộc đời có ích cho mọi người hay không và sau đó Ryan khóc trước mộ Miller.
Pearl Harbor - Trân Châu Cảng
Pearl Harbor là bộ phim thành công lớn của nền điện ảnh Mĩ với gần 450 triệu đô la Mĩ tiền vé bán ra. Bộ phim tuy bị giới phê bình chỉ trích vì những chi tiết lịch sử không đúng sự thật nhưng cũng như đa số những phim điện ảnh khác làm dựa trên một sự kiện lịch sử nào đó, khó có thể tránh khỏi những điểm hư cấu. Bộ phim giành được một giải Oscar về Hiệu ứng âm thanh xuất sắc nhất.
Trân Châu Cảng lấy bối cảnh những ngày tháng căng thẳng đầu tiên khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Bộ phim tái hiện lại cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Nhật vào Trân Châu Càng, cuộc tấn công khiến cả nước Mĩ bàng hoàng, đau đớn trong thương vong. Mĩ chính thức tham chiến. Hận thù, căm uất, nước Mĩ vùng lên chống trả quân đội Nhật...
Đan xen trong bối cảnh lịch sử ấy là mối tình tay ba giữa một nữ y tá và 2 chàng phi công của quân đội Mĩ. Mối tình trải qua sóng gió, đau thương, nhưng cuối cùng những người anh hùng bước ra từ cuộc chiến đẫm máu đã tìm thấy hạnh phúc cho mình.
Life is Beautiful - Cuộc sống tươi đẹp
Bộ phim giành được ba giải Oscar cho Diễn viên nam chính xuất sắc nhất, Phim có kịch bản gốc hay nhất và giải giành cho phim nước ngoài hay nhất.
Guido (do Roberto Benigni thủ vai) là một người đàn ông gốc Do Thái nhỏ bé nhưng rất thông minh, vui vẻ, nhiệt tình và lãng mạn. Anh làm nghề bồi bàn. Bằng tình yêu và sự hóm hỉnh của mình, Guido đã chinh phục được cô giáo Dora xinh đẹp (do Nicoletta Braschi thủ vai). Hai người kết hôn và có một cậu con trai nhỏ tên là Giosue (Giorgio Cantarini đóng).
Tổ ấm của họ bị chia lìa trong trại tập trung của phát xít Đức dành cho người Do Thái, Guido và con trai là người Do Thái nên bị bắt vào đó. Dora dù không phải người Do Thái nhưng vẫn xin vào trại tập trung của Đức quốc xã. Ở trong trại tập trung, Guido đã biến cuộc sống khổ cực và man rợ thành một trò chơi thú vị và gay cấn cho cậu con trai nhỏ. Cậu bé không những không cảm thấy sợ hãi mà còn bị cuốn vào trò chơi do người cha tạo nên bằng sự lạc quan và tình yêu cuộc sống. Cuộc đời của các thành viên trong gia đình bước sang một trang đau thương nhất nhưng trong họ vẫn luôn ngời lên thứ ánh sáng của yêu thương dành cho gia đình và cuộc sống. Cả gia đình sống giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết nhưng trong họ niềm tin chưa bao giờ lụi tắt.
The Great Escape - Cuộc tẩu thoát vĩ đại
The Great Escape là một trong những bộ phim điện ảnh làm về đề tài chiến tranh mang nội dung nhẹ nhàng và có nhiều trường đoạn hài hước nhất. Tuy vậy, nó vẫn phản ánh nội dung chân thật của những cuộc chiến ngoài mặt trận và mang đúng nghĩa một bộ phim về đề tài chiến tranh. Nó được coi là một thành công lớn của điện ảnh Mĩ trong những năm 70.
Dựa trên một câu chuyện có thật xảy ra trong Chiến tranh thế giới thứ II, một nhóm binh sĩ thuộc phe đồng minh bị quân Đức bắt. Những người này đều là những binh sĩ rất giỏi đào tẩu, vì vậy họ bị nhốt riêng trong một nhà tù đặc biệt, được xây dựng kiên cố để "chống đào tẩu". Tuy vậy, thủ lĩnh của nhóm tù binh khẳng định quyết tâm họ phải làm được một "mẻ lớn", giải cứu cho hàng trăm người tù cùng một lúc. Nửa đầu của phim rất hài hước trong đó những người tù che mắt những tay quản trại để đào một đường hầm bí mật. Nửa sau của phim lại vô cùng phiêu lưu mạo hiểm khi các tù nhân đã trốn ra khỏi nhà tù thành công và tìm mọi cách để trốn thoát vòng vây kẻ thù, tìm tới những nước trung lập trong cuộc chiến.
Theo Dân trí
Bi kịch "đóng khung" hình ảnh của sao Rất nhiều ngôi sao đình đám Hollywood bị "đóng khung" hình ảnh ở những dạng vai quen thuộc và luôn tìm cách để thoát ra. Một số người đã thành công, nhưng một số khác thì không... Jennifer Aniston Trước khi trở thành một ngôi sao, tỏa sáng trên những phim sitcom có tỉ lệ người xem cao nhất trong lịch sử truyền...