6 lưu ý về trang phục đi lễ chùa đầu năm
Tại các nước phương Đông nói chung, văn hóa mặc ở những chốn đền chùa linh thiêng thường rất được chú trọng, thậm chí còn được đưa ra làm tiêu chí đánh giá ý thức con người.
Kiểu ăn mặc hớ hênh, phản cảm ở các đền chùa đang là vấn đề nhức nhối trong dư luận những năm gần đây. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo, ăn mặc gợi cảm quá mức vừa phạm giới uế tạp Phật đường, vừa phạm giới bất kính, dù người đó có mất công thờ cúng cũng không có ích gì.
Những kiểu mốt được khen là thời thượng ngoài phố chưa chắc đã hợp với không gian thiền định
Nhiều người thường nghĩ lên chùa chỉ cần mặc kín là được. Thực tế, dù không có quy định rõ ràng hay cấm đoán nghiêm ngặt, người nhà Phật vẫn có khá nhiều nguyên tắc riêng được ngầm quy ước về chuẩn mực trang phục cho bất cứ ai muốn bước chân vào chùa.
Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn tránh được tình trạng gây ác cảm hay làm “nhức mắt” người xung quanh bởi lỗi ăn mặc đáng tiếc khi đi lễ chùa đầu năm:
Chọn màu sắc nhã nhặn
Theo quan niệm của đạo Phật thì ở nơi thờ tự linh thiêng, sự giản dị, tôn nghiêm luôn được đưa lên hàng đầu. Những bộ đồ màu sắc nhã nhặn sẽ là lựa chọn lý tưởng. Nếu có thể, bạn hãy chọn những trang phục có cùng tông màu với loại áo tràng các Phật tử thường mặc đi lễ chùa là màu nâu và lam.
Trang phục được khuyên dùng trong các đền chùa là áo tràng hoặc quần áo màu trầm như lam, nâu, xám…
Các bạn trẻ tại Câu lạc bộ Hà Nội 14 Chữ chọn Pháp phục màu xám trong một khóa tu tập thiền định
Nói “không” với đồ xuyên thấu dù không hở
Mặc dù không phải bộ đồ xuyên thấu nào cũng phản cảm và có rất nhiều “mánh” để làm cho chúng trở nên kín đáo, nhưng chúng cũng vẫn không phải loại trang phục nên mặc đi chùa.
Dù bạn có cẩn thận mặc áo quây lót trong chiếc sơ mi voan hay quần ôm cùng màu bên trong chiếc váy mỏng thì loại trang phục này vẫn được xếp vào thứ quần áo dễ gây tò mò và gợi cảm không cần thiết.
Những bộ đồ có sử dụng nhiều chất liệu ren lưới nói chung không phải là lựa chọn lý tưởng khi đi lễ chùa
Tránh những kiểu kết hợp tuy kín nhưng không phù hợp
Quần short kết hợp cùng legging tối màu, quần short giả váy, đồ quá bó chẽn… là những kiểu trang phục tuy không hớ hênh nhưng cũng dễ gây phản cảm. Trong một không gian thiền thanh tịnh, với người đi lễ phần đông là các cụ già, những người trung niên thì những trang phục quá mức “xì – teen” như vậy rất dễ làm “nhức mắt” người xung quanh.
Tốt nhất, bạn hãy để dành những thứ đồ này mặc khi đi dạo phố, đi mua sắm hay đi chơi cùng bạn bè.
Video đang HOT
Các bạn trẻ rất dễ bị đánh giá là cẩu thả khi mang cách phối đồ năng động, trẻ trung của thời trang đường phố vào chùa
Quần tất lưới không phải là lựa chọn phù hợp
Loại quần tất lưới và quần tất quá nhiều hoa văn từng được khuyến cáo không nên mặc tới môi trường công sở vì độ khêu gợi quá mức của nó. Bởi vậy, cũng không có lý do gì hợp lý để bạn chọn mặc chúng đi chùa. Nếu bạn vẫn muốn mặc váy thì thay vì tất lưới, hãy chọn một chiếc quần tất màu trơn đơn giản.
Quần tất lưới chưa bao giờ được “chào đón” nơi đền chùa bởi sự sexy quá mức cần thiết
Hạn chế những chi tiết lôi thôi, rườm rà
Những loại váy áo nhiều dây dợ, tà dài thướt tha rất dễ gây vướng víu ở những nơi đông đúc như các đền chùa ngày đầu năm. Những chi tiết rườm rà trên quần áo rất dễ vướng vào hương hoặc bị tàn hương rơi làm rách, cháy vải.
Ở những nơi quá đông đúc, việc bị cháy, thủng quần áo do tàn hương hay tàn thuốc không phải chuyện hiếm gặp
Ngoài ra, có nhiều nơi quy định phải tháo bỏ giày dép trước khi vào sắp lễ nên hãy chọn những đôi giày đơn giản, dễ tháo, dễ đi thay vì những đôi boot cao quá gối hay giày buộc dây cầu kỳ.
Không mặc váy ngắn, áo cộc, váy xẻ, trang phục cut-out…
Tất nhiên, những loại quần áo hở hang rõ rệt như váy ngắn, váy xẻ cao, áo khoét cổ sâu… là những thứ đồ tối kỵ khi đi lễ chùa. Ở một số điểm du lịch, trước khi vào chùa, du khách còn được trang bị những miếng vải khổ rộng quấn quanh người như chiếc váy dài chấm mắt cá chân để dùng cho những ai mặc quần sooc, váy ngắn…
Tuy nhiên, dịch vụ này ở Việt Nam không phổ biến và xét về thẩm mỹ thì việc quấn thêm mảnh vải quây cũng không thể đẹp bằng khi bạn mặc sẵn những bộ đồ kín đáo của mình.
Những bộ váy ngắn, bó sát đều không phù hợp khi đi chùa
Nhìn chung, ai cũng muốn được mặc đẹp, được thể hiện gu thời trang của mình ở những nơi công cộng. Nhưng khi đến với nơi chùa chiền lễ Phật, hãy tạm gác lại những sở thích trưng diện của bản thân để lựa chọn cho mình bộ đồ phù hợp nhất, không làm ảnh hưởng đến không gian linh thiêng và không gây “chướng mắt” những Phật tử đi chùa.
Theo Hoài Thu
Danviet.vn
8 lưu ý giúp chị em đẹp hơn với áo dài
Đối với áo dài thì dáng chuẩn, mặc đẹp thôi chưa đủ. Người biết mặc áo dài sao cho đẹp và quyến rũ nhất là những người đủ hiểu biết và tinh tế để thể hiện đúng cốt cách, tinh thần của bộ quốc phục dân tộc.
Chuyện mặc áo dài với phụ nữ Việt nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng mặc sao cho đẹp, cho gợi cảm và duyên dáng đúng tinh thần của bộ quốc phục dân tộc thì không phải ai cũng biết.
Tà áo dài mang trong mình cả tinh thần và cốt cách người phụ nữ Việt từ bao đời nay
Đặc trưng nổi bật của áo dài là nét thanh lịch, kín đáo, nhã nhặn, ôm sát cơ thể để tôn lên những đường cong tuyệt mỹ của người con gái Việt. Phần lưng áo được đẩy lên cao tạo cảm giác về đôi chân dài và chiều cao lý tưởng. Tuy nhiên, cũng chính vì đặc điểm ôm sát, tôn dáng mà áo dài cũng rất dễ "tố cáo" những nhược điểm cơ thể nếu người mặc không tinh ý với những "mánh" riêng khi mặc loại trang phục này.
Cùng tham khảo những bí quyết mặc áo dài sao cho đẹp và quyến rũ nhất:
1. Kiểu dáng
Áo dài Việt truyền thống có thiết kế cổ cao, tay dài, hai tà trước sau cân đối. Theo thời gian, kiểu dáng áo cũng có những cách tân mới mẻ, lạ mắt để phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại và vóc dáng từng người.
Nếu bạn muốn che khéo khuyết điểm cổ ngắn hay tôn vinh vòng 1 đầy đặn, hãy lựa chọn những kiểu áo cổ tròn, cổ chữ V hay cổ thuyền duyên dáng.
Tuy nhiên, dù có biến tấu, cách tân đến thế nào thì áo dài cũng vẫn cần giữ được vẻ đẹp nhã nhặn, kín đáo và ý nhị vốn có.
"Nữ hoàng giải trí" Hồ Ngọc Hà là một trong những người đẹp sở hữu bộ sưu tập áo dài cách tân đẹp và đồ sộ nhất nhì showbiz Việt
Không cần những khoảng hở quá táo bạo và liều lĩnh, nữ ca sĩ khôn ngoan lựa chọn những cải biến về họa tiết, kiểu dáng như tay bồng, cổ vuông, cổ đổ...
2. Chất liệu
Đặc điểm chung của áo dài là mềm mại, thướt tha, bay bổng. Chất vải càng mềm, rũ càng tạo cảm giác thu nhỏ lại 3 vòng của người mặc. Người có dáng vóc hơi mập thì nên chọn những chất liệu co dãn, mềm mại nhưng phải đủ dày để không bị hằn lên những ngấn mỡ thừa và đặc biệt nên tránh xa những loại vải bóng.
Vải được chọn may áo dài phổ biến là lụa tơ tằm, lụa tổng hợp, gấm, phi bóng hoặc nhung, ren...
3. Màu sắc, họa tiết
Tùy từng hoàn cảnh, điều kiện khác nhau mà bạn nên chọn những loại hoa văn phù hợp như hình rồng phượng trong áo dài cưới hỏi, hoa văn trống đồng trong các cuộc thi nhan sắc...
Màu vải trơn được cho là "dễ tính" nhất và phù hợp với hầu hết tất cả mọi người. Còn những họa tiết dạng hoa dây, kéo dài từ ngực xuống tà áo sẽ tạo cảm giác thon thả, thanh mảnh hơn cho người mặc.
4. Nội y
Để tôn lên vẻ đẹp nền nã, ý nhị vốn có của áo dài, nội y không nên quá nổi bật tạo cảm giác thiếu tôn trọng truyền thống. Nên chọn nội y gam màu nude hoặc cùng màu với áo dài là kín đáo nhất. Với đặc trưng bó sát và ôm trọn đường cong cơ thể, áo dài nên được kết hợp với áo ngực kiểu dáng trơn, nếu có ren hay hoa văn thì nên được may chìm hoặc tối giản.
Với những cô nàng tự tin với bờ vai gợi cảm và muốn diện áo dài ren trong, hãy chọn những chiếc bra (nội y) dây trong hoặc loại có thể tháo rời dây đeo.
Những loại bra ôm gọn hết bầu ngực, hơi nhọn cao ở đầu và khoảng cách 2 cúp ngực gần nhau sẽ tạo dáng cho phần thân trên của người mặc gọn gàng và tròn trịa nhất.
Với quần, nên tránh chọn các loại quần có đường viền ống quá dày, vì quần của áo dài thường rất mỏng, hầu hết được may bằng vải phi bóng nên dễ làm lộ đường viền bên trong.
5. Phụ kiện
Những bạn gái yêu thích vẻ đẹp cổ điển có thể chọn khăn vấn, kiềng cổ đi kèm với áo dài, nhưng cách kết hợp này thường chỉ hợp trong lễ cưới hỏi long trọng hay khi chụp hình. Diện áo dài đi sự kiện, đi tiệc bạn có thể chọn những bộ vòng ngọc trai đồng màu từ bông tai, dây chuyền đến vòng tay, nhẫn... Nó sẽ là điểm nhấn khiến bạn nổi bật và đầy lôi cuốn trong mắt người đối diện.
Với những phụ kiện như túi xách, ví cầm tay, nên chọn những đồ nhỏ gọn, có thể cùng tone màu với áo dài hoặc màu đen trắng đơn giản.
Sự kết hợp hai màu đen - trắng trên bộ áo dài truyền thống luôn được các thiếu nữ ưa chuộng và không bao giờ là lỗi mốt
6. Kiểu tóc
Tất nhiên, không có bộ áo dài nào sinh ra để được kết hợp với một bộ tóc quá cá tính và bụi bặm. Những kiểu tóc "ghi điểm" nhất trong trang phục áo dài là tóc buông xõa tự nhiên, tóc búi trễ thướt tha hay tóc tết vương miện điệu đà.
7. Trang điểm khuôn mặt
Áo dài không hợp với khuôn mặt trang điểm đậm, cầu kỳ và quá sắc nét. Các gam màu trung tính như phấn hồng, nâu với son môi màu nhạt sẽ tạo chiều sâu và nét thanh lịch, hoài cổ, là những lựa chọn thông minh và được nhiều người ưa chuộng nhất.
Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia trang điểm nổi tiếng Minh Lộc, người từng trang điểm cho nhiều chân dài đình đám của làng giải trí Việt như Angela Phương Trinh, Lý Nhã Kỳ, Nguyễn Thị Loan... tư vấn: "Trang điểm bằng những tone màu nhẹ nhàng như nâu vàng, nâu hồng, nâu be rất hợp với trang phục áo dài. Nếu muốn tạo điểm nhấn hơn cho diện mạo của mình, các bạn nên chọn nhấn bằng màu son môi đỏ tươi hay hồng cánh sen... tùy theo gam màu của bộ trang phục và bối cảnh xuất hiện."
8. Phong thái
Đối với áo dài thì dáng chuẩn, mặc đẹp thôi chưa đủ. Người biết mặc áo dài sao cho đẹp và quyến rũ nhất là những người đủ hiểu biết và tinh tế để thể hiện đúng cốt cách, tinh thần của bộ quốc phục dân tộc.
Bên cạnh việc chọn kiểu dáng, chất liệu, trang điểm... thì phong thái của người mặc qua từng cử chỉ, dáng đi và ngôn ngữ giao tiếp dịu dàng, lịch thiệp mới làm nên vẻ đẹp thực sự cho người phụ nữ Việt trong tà áo dài truyền thống.
Chính phong thái của người mặc thể hiện qua từng cử chỉ, ánh mắt, dáng đi... mới toát lên được vẻ lịch thiệp, thanh cao vốn có của bộ quốc phục dân tộc.
Trao đổi về nhà thiết kế áo dài Lan Hương về cách mặc áo dài đẹp và duyên dáng nhất, chị chia sẻ: "Phụ nữ Việt từ thuở xa xưa đã luôn mặc chiếc áo dài kín đáo, lịch sự mỗi khi ra đường. Một bà bán xôi cũng mặc tà áo dài duyên dáng mà đội thúng xôi trên đầu. Đôi khi, chính loại trang phục này là thứ đã nhắc nhở người phụ nữ Việt cái nết đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên đầy nữ tính. Bởi vậy, người mặc áo dài ngày nay cũng nên biết "đối xử" với áo dài sao cho phù hợp với những tố chất, nét đẹp vốn có của nó."
Theo Hoài Thu
Dân Việt
10 pha đụng hàng nổi cộm của sao Việt đầu năm mới Áo dài, váy dạ hội, thời trang dạo phố xuân... là những set trang phục được các người đẹp yêu thích, diện vào dịp Tết, vì thế đã nảy sinh nhiều trường hợp đụng độ váy áo. Trong bộ ảnh thời trang xuân Ất Mùi, Chi Pu và Hương Giang cùng chọn một thiết kế áo dài họa tiết hoa cổ điển, hơi...