6 đặc sản làm nên tinh hoa ẩm thực Phú Yên
Mỗi đặc sản Phú Yên đều chứa đầy sự tinh tế, sức sáng tạo… của con người, tổng hòa thành một nền ẩm thực đa dạng và khám phá hoài vẫn chưa hết những điều thú vị.
Xứ sở “hoa vàng, cỏ xanh” không chỉ làm nao lòng du khách phương xa bằng phong cảnh hữu tình, nên thơ mà còn gây thương nhớ bởi hương vị của muôn vàn sản vật. Mỗi đặc sản Phú Yên đều chứa đầy sự tinh tế, sức sáng tạo… của con người, tổng hòa thành một nền ẩm thực đa dạng và khám phá hoài vẫn chưa hết những điều thú vị.
Bất kỳ ai đã đến Phú Yên đều không khỏi trầm trồ trước phong cảnh hùng vĩ nhưng vẫn có nét mộc mạc, đơn sơ cùng với những bãi biển xanh biếc tựa như tranh vẽ. Đến mức, nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng và được “chọn mặt gửi vàng” làm địa điểm quay chính và duy nhất cho bộ phim chuyển thể từ tuyệt tác của Nguyễn Nhật Ánh: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
Ẩm thực Phú Yên được các chuyên gia ẩm thực hàng đầu Việt Nam đánh giá rất cao. Không chỉ bởi các món ăn nơi đây ngon vì có hương vị đặc trưng truyền thống, mà còn vì Phú Yên rất đa dạng món ăn, đặc biệt là hải sản. Du khách ghé thăm nơi đây luôn truyền tai nhau về cá ngừ đại dương – một trong những món ăn nổi tiếng xa gần của Phú Yên, hay những món ngon độc đáo như cơm gà, gỏi cá mai, cháo hàu, bò một nắng,…
Những đặc sản này là một phần không thể thiếu để tô vẽ thêm cho vẻ đẹp của Phú Yên và làm cho chuyến đi của du khách trọn vẹn hơn, thú vị hơn.
Cơm gà
Nói đến món ăn được lòng nhiều du khách nhất khi xê dịch Phú Yên, không gọi tên cơm gà là một thiếu sót lớn. Tuy không nổi tiếng bằng cơm gà ở Tam Kỳ hay Hội An nhưng cơm gà Phú Yên vẫn giữ cho mình một sức hút riêng, khó nơi nào sánh bằng.
Khâu quan trọng nhất và đặc biệt nhất khi làm cơm gà Phú Yên là chuẩn bị cơm. Gạo sau khi ngâm qua nước, để ráo thì sẽ được đảo qua với dầu ăn trên bếp lửa, sau đó đầu bếp sẽ băm thêm tí tỏi cho thơm. Tiếp tục là công đoạn nấu gạo với nước luộc gà để tạo nên màu vàng óng ánh và gia tăng độ béo của cơm gà. Thịt gà phải được tuyển chọn từ gà thả vườn, thịt non, mềm, khi ăn không bị dai mà còn giữ được vị ngọt vốn có. Cơm gà Phú Yên sẽ còn thêm phần đặc sắc với nước chấm được làm riêng cho món này.
Ngoài những nguyên liệu chính là nước mắm, chanh, tỏi, ớt xay nhuyễn, trộn đều thì trong nước chấm còn hòa quyện thêm một chút thịt gà xay, tạo nên độ béo và độ ngọt rất riêng biệt.
Cuối cùng, dĩa cơm gà Phú Yên sẽ thêm hoàn hảo khi ăn kèm với các loại rau, dưa chua và đặc biệt là hành chua ngâm. Hành sẽ được ngâm với chanh, đường từ chiều hôm trước để bán vào ngày hôm sau. Hành được ngâm không hề có vị hăng mà vẫn ngọt, giòn và có chút tê tê đầu lưỡi. Món hành chua này sẽ giúp trung hòa vị béo của gà, giúp món ăn ngon miệng hơn.
Những hạt cơm vàng óng ánh ăn kèm với thịt gà mềm ẩm, béo ngậy, thêm chút nước chấm cay cay và rau dưa giòn ngọt sẽ làm cho vị giác như chực chờ bùng nổ.
Gỏi cá mai
Món gỏi này được rất nhiều du khách ưa chuộng, tìm ăn mỗi khi đặt chân đến những vùng biển xinh đẹp. Đặc biệt hơn cả, đặc sản gỏi cá mai Phú Yên khiến nhiều du khách sau khi về từ Phú Yên thì không thể nào quên được hương vị hấp dẫn khó cưỡng.
Gỏi cá mai
Ở nơi đây, muốn ăn gỏi cá mai ngon nhất thì phải đến đầm Ô Loan – nơi nổi tiếng với nguồn cá mai tươi sống, tuyệt hảo. Đây là loài cá thường sống ở nước lợ nên rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt vì loài cá này không có mùi tanh và có màu trắng trong suốt nên được người dân Phú Yên làm thành món gỏi cá tươi sống.
Để món gỏi hoàn hảo, cá trước khi làm gỏi sẽ được ướp với nước cốt chanh để tạo vị chua. Sau đó, cho cả một đĩa trộn cùng ớt, đậu phộng, gia vị, tiêu hành, rau thì là. Sau khi trộn xong chưa vội ăn mà đợi chừng một tiếng đồng hồ để gỏi được thấm.
Nước chấm gỏi cá mai được pha bằng nước mắm ngon cùng lạc rang giã nát, rồi thêm ớt, tỏi giã cùng. Món gỏi cá mai càng thêm ngon miệng khi ăn kèm với bún và nhiều loại rau sống như xà lách, cải xanh, chuối xanh thái lát,…
Lấy một miếng bánh tráng dẻo rồi cho lên đó một ít bún tươi, thêm ít rau sống, một miếng chuối chát rồi cho gỏi cá mai vào, cuốn tròn, sau đó chấm vào chén chấm. Hương vị tươi ngon, thanh khiết của món đặc sản này chắc chắn sẽ khiến du khách ăn mãi không ngơi.
Cháo hàu
Người Phú Yên có câu: “Ô Loan hàu muỗng – Xuân Đài hàu hương”. Đến Phú Yên mà chưa có cơ hội nếm qua cháo hàu thì quả là một thiệt thòi lớn.
Cháo hàu
Video đang HOT
Món cháo hàu đúng điệu phải chọn loại gạo đỏ, thêm một chút gạo nếp cho sánh và dậy mùi thơm. Gạo được ngâm qua, vo sạch rồi cho lên bếp ninh nhừ đến khi hạt gạo nở bung, sóng sánh nhựa. Hàu được rửa sạch, lấy ruột rồi ướp với chút gia vị xào cùng với mỡ hành, thơm lừng rồi trút vào nồi cháo.
Tuy cách nấu đơn giản không khác gì so với cháo hàu các vùng khác nhưng vị ngon của hàu đầm Ô Loan mới mang đến sự khác biệt. Vị ngọt đậm, thơm rất riêng và nhiều hàm lượng canxi đã khiến cho món ăn này trở nên nổi tiếng khắp nơi.
Cháo hàu ăn nóng hay nguội đều mang đến hương vị tuyệt vời. Ngay từ muỗng đầu tiên, du khách sẽ cảm nhận vị đậm đà, mềm mượt của hàu, vị ngậy, sóng sánh của cháo cùng vị thơm thơm của chút tiêu, của rau mùi xắt nhỏ. Chẳng cần cho thêm chút gia vị, nước cháo đã ngọt lừ, sánh đậm mùi hải sản.
Ở Phú Yên có nhiều quán hải sản nên không quá khó để thực khách tìm ăn món cháo hàu. Vào buổi sáng tinh mơ, thưởng thức một tô cháo hàu ngọt thanh, du khách sẽ được nạp đầy năng lượng cho một ngày dài khám phá Phú Yên.
Bánh canh hẹ
Không phải sơn hào hải vị, bánh canh hẹ Phú Yên là món ăn dân dã chứa đậm tình quê của người con miền Trung nắng gió. Món ăn này được xem là đặc sản đại diện cho văn hóa ẩm thực xứ Nẫu nói chung và Phú Yên nói riêng.
Bánh canh hẹ
Từ nguyên liệu làm bánh cho tới cách chế biến nước dùng đều rất đặc biệt. Sợi bánh canh giống như bánh canh bột lọc và chả cá thì được làm từ nhiều loại cá khác nhau. Nào là cá cờ, cá nhồng hay cá chỉ vàng, cá thu… tất cả đều góp phần tạo nên sức hút rất lớn cho món bánh canh hẹ vang danh.
Điều tạo nên điểm đặc biệt cho món ăn này chính là hương vị nồng đượm của hẹ. Đa phần người chưa từng thử sẽ thấy e dè, nhưng khi đã thưởng thức rồi thì chắc chắn sẽ khó mà quên.
Món ăn này được ví như một bức tranh ẩm thực vô cùng đẹp mắt mà người dân Phú Yên đã gửi gắm trong đó. Ở đó có chứa hương vị quê nhà với màu xanh mướt mắt của hẹ cùng màu vàng rộm của chả cá, lẫn vào đó là màu trắng muốt của sợi bánh canh. Tất cả hòa trộn vào nhau, tạo nên một tô bánh canh hẹ thơm ngon, đẹp mắt đúng chuẩn quê nhà xứ Nẫu.
Thịt bò một nắng được xem là đặc sản mang về làm quà lý tưởng của nhiều du khách khi đến Phú Yên. Loại thịt được dùng để chế biến món bò thơm ngon này là loại bò được chăn thả nuôi tự nhiên trên các triền núi Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, thế nên thịt rất chắc và thơm.
Thịt bò một nắng
Sau khi bò được mổ, người ta sẽ chọn những miếng thịt thăn hay thịt bắp ngon nhất, chắc nhất về chế biến. Thịt sẽ được sơ chế, làm sạch, thái ra những lát hình chữ nhật với các kích cỡ khác nhau, rất tiện cho việc lựa chọn.
Thịt bò sẽ được đem đi ướp với hành, tỏi, ớt, tiêu, mắm, muối và một số loại gia vị khác trong vòng 15 phút để thịt ngấm gia vị. Sau đó, đem thịt đã được ướp ra phơi nắng một nắng để thịt khô bớt lại nhưng không khô hẳn mà vẫn giữ được vị ngọt dai. Kế đến, thịt sẽ được mang đi bảo quản, đóng gói và hút chân không. Nếu trời nắng tốt, chỉ cần phơi một hoặc hai nắng. Nếu trời không nắng hoặc mưa, có thể dùng lò than sấy, khoảng 2kg bò tươi chỉ còn lại tầm 1,2kg bò một nắng thành phẩm.
Trước khi thưởng thức, thịt phải được nướng trên bếp than cho chín hẳn. Món bò khô một nắng chỉ cần ăn kèm với một số loại rau thơm và nước tương là đã vô cùng tuyệt hảo.
Thịt bò dai dai, thơm mùi nắng, cay cay mang đến hương vị độc đáo, càng ăn càng cuốn hút. Còn gì thú vị hơn trong tiết trời se se lạnh, được ngồi bên bếp than nướng thịt và thưởng thức cùng gia đình hay bạn bè.
Muối kiến vàng Phú Yên là món chấm độc đáo có một không hai. Với những người sành ăn và cầu kỳ thì trong nhà bao giờ cũng trữ sẵn một lọ muối kiến.
Muối kiến vàng
Quy trình làm nên đặc sản muối kiến vàng không hề đơn giản. Nguyên liệu chính là loại kiến rừng khá to được người dân bắt về rồi giã nhuyễn với lá é cùng một vài loại lá rừng, thế mà thành một thứ đồ chấm thịt tuyệt vời. Loại kiến này vừa mang vị hơi mặn lại còn hơi chua thanh dịu, mang đủ đặc điểm cả muối lẫn chanh, kết hợp hài hòa và cân bằng vị giác.
Chính vì thơm ngon và độc lạ như thế nên muối kiến vàng dần được nhiều người biết đến, vang danh khắp nơi. Thứ đặc sản này không những ngon mà còn có thành phần dinh dưỡng khá cao, rất tốt cho sức khỏe.
Nếu có ai đó hỏi rằng muối kiến vàng ăn với gì tuyệt hảo nhất? Câu trả lời chính là bò một nắng – đặc sản trứ danh của Phú Yên. Xé từng miếng khô bò nóng hổi, thơm phức rồi chấm với chén muối kiến vàng kế bên, hương vị đó ngon một cách khó cưỡng. Thịt dai dai, đậm đà gia vị hòa cùng vị mặn cay, chua chát từ muối. Tất cả tạo nên một bộ đôi hoàn hảo, không thể tìm được ở bất cứ đâu.
Cách làm bánh canh hẹ đậm chất Phú Yên khiến cả nhà bất ngờ
Bạn có biết cách làm bánh canh hẹ của người Phú Yên hay không? Món ăn đặc sản thơm ngon này nếu không được thưởng thức thêm một lần nữa thì thật đáng tiếc đấy nhé.
Bánh canh là một món ăn dân dã được chế biến và sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày. Không những thế, món ăn này còn xuất hiện ở khắp các tỉnh thành với hương vị tuy có sự biến tấu đôi chút nhưng lúc nào cũng vẫn giữ nguyên được sự hấp dẫn không thể chối từ.
Nếu bạn đã "trót yêu" món bánh canh hẹ đặc trưng của vùng biển Phú Yên mà lâu rồi lại không có dịp quay trở lại để thưởng thức thêm nhiều lần nữa thì giờ đây, hãy học ngay cách làm bánh canh hẹ đậm chất Phú Yên này để trổ tài chiêu đãi cả nhà, chiêu đãi chính bản thân mình mà không cần phải đi đâu xa nhé.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 1kg xương ống heo
- 2 miếng cá thu lớn
- 200gram bánh canh bột gạo
- 100gram chả cá bất kỳ
- 20 quả trứng cút
- 150gram nấm rơm
- 1 củ củ cải trắng
- 350gram hẹ
- 5 nhánh hành lá
- 3 củ hành tím
Cách làm bánh canh hẹ đặc sản Phú Yên đơn giản tại nhà
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu và nấu nước lèo
Xương ống heo sau khi mua về, bạn rửa sạch với nước 2 - 3 lần rồi cho vào nước muối ngâm chừng 10 phút. Sau đó, bạn vớt xương ra và xả lại bằng nước cho sạch nước muối và mùi hôi tự nhiên.
Tiếp đến, bạn cho xương vào nồi nước đun sôi trong khoảng 4 - 5 phút để xương tiết ra hết các chất bẩn. Các chất bẩn này thường kết lại thành dạng bọt nâu. Xong xuôi thì bạn vớt xương ra rồi rửa lại với nước một lần nữa cho sạch.
Tiếp nữa, bạn bắc nồi lên bếp, thêm vào 1 thìa canh dầu ăn rồi đun đến khi dầu sôi lên thì cho hành tím thái mỏng vào đảo đều. Bạn phi hành tím đến khi thơm và ngả sang màu vàng thì cho xương heo vào xào sơ qua trong khoảng 3 - 4 phút.
Sau đó, bạn đổ vào nồi tầm 1,2 lít nước lọc, đun ở mức lửa lớn đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa và hầm xương liu riu trong khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Trong quá trình hầm xương, khi thời gian trôi qua khoảng 30 phút thì bạn thả thêm vào nồi 2 lát cá thu đã sơ chế sạch sẽ cùng củ cải trắng đã làm sạch và cắt dạng khoanh tròn dày, cà rốt làm sạch thái dạng khoanh tròn hoa 5 cánh và nấm rơm đã làm sạch. Khi cá thu chín thì bạn vớt cá ra rồi dằm thịt thành những miếng nhỏ vừa ăn.
Sau khi hầm xương xong theo đúng thời gian nêu trên, trước khi tắt bếp, bạn cho thêm vào 4 - 5 đầu hành trắng đã rửa sạch nhé.
Mách nhỏ:
- Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể chỉ hầm xương tầm 45 phút cũng được nhưng nước dùng sẽ không thơm ngọt được như nước dùng hầm lâu hơn.
- Trong quá trình hầm xương, bạn nhớ vớt hết phần bọt nổi trên mặt để nước dùng được trong hơn.
- Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể hầm xương bằng nồi áp suất trong khoảng 30 phút là được.
- Lúc hầm xương, bạn có thể nêm nếm với một ít muối, mì chính và hạt nêm để nước dùng thêm phần đậm đà.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
Trong cách làm bánh canh hẹ này, khi đợi nước dùng hầm xong, bạn hãy tranh thủ sơ chế các loại nguên liệu cần thiết khác cho bát bánh canh của mình. Cụ thể như sau:
Với trứng cút, bạn rửa sạch rồi cho vào nồi luộc chín. Sau đó, bạn vớt trứng ra bát nước lạnh rồi từ từ bóc bỏ lớp vỏ của chúng đi. Phần trứng cút thu được bạn cho ra một chiếc bát riêng nhé.
Với chả cá, bạn cắt ra thành những miếng nhỏ vừa ăn.
Với hành lá và hẹ, bạn nhặt rửa sạch sẽ rồi thái nhuyễn hỗn hợp này, càng nhuyễn càng thơm ngon và đẹp mắt hơn.
Với bánh canh, bạn cho vào nồi nước sôi trụng qua 1 - 2 lần để bánh canh mềm ra. Sau đó, bạn vớt bánh canh cho ngay vào bát tô nước lạnh để sợi bánh dai ngon hơn và không bị dính vào nhau.
Còn với giá đỗ, bạn cũng có thể trụng sơ qua trước khi ăn. Tuy nhiên, nếu bạn ăn được giá sống thì không cần trụng cũng được nhé.
Bước 3: Hoàn thiện món bánh canh hẹ đặc biệt
Đầu tiên, bạn vớt bánh canh ra rổ cho ráo nước. Sau khi bánh canh ráo rồi thì bạn chia đều ra bát tô của các thành viên trong gia đình mình.
Tiếp đến, bạn lần lượt xếp cá thu, chả cá, trứng cút, hẹ, hành lá và giá đỗ lên trên phần bánh canh ở mỗi bát.
Sau đó, bạn chan đều nước dùng nóng hổi đang sôi vào từng bát tô.
Cuối cùng, bạn nên thêm vào 1 ít hành phi vàng, 1 ít hạt tiêu xay nhỏ, vài lát ớt thái mỏng, một chút nước cốt chanh và một ít gia vị nữa là hoàn hảo.
Chỉ đơn giản vậy thôi là bạn đã hoàn thiện xong món bánh canh hẹ đặc sản của vùng đất Phú Yên để chiêu đãi cả nhà rồi đấy.
Lời kết
Bánh canh hẹ là mọt món ăn kết hợp hài hòa giữa sợi bánh canh mềm dai, chả cá thơm, thịt cá thu ngọt vị và đặc biệt là hương thơm khác lạ của rau hẹ cùng màu xanh bắt mắt của nó. Món ăn này nhìn thì hấp dẫn mà ăn rồi thì nhớ mãi không quên. Chúc bạn thực hiện thành công cách làm bánh canh hẹ Phú Yên này để trổ tài nhé!
Ẩm thực ba miền trên đất Đồng Nai Với đặc thù là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai được xem là mảnh đất lành thu hút người nhập cư đến sinh sống và làm việc của vùng Đông Nam bộ. Cùng với dòng người này, nhiều phong tục, tập quán và phong cách ẩm thực đặc trưng của từng vùng miền cũng được mang đến...