6 bước trước khi ngủ tránh hạ đường huyết ban đêm
Không bỏ qua bữa ăn tối, tránh tập thể dục quá mức trong 2 giờ trước ngủ.
Bác sĩ Lê Minh Quang, Bệnh viện Quốc tế City (TP HCM) cho biết hạ đường máu trong đêm thường gặp ở người bệnh tiểu đường. Tình trạng này do nhiều yếu tố, từ tập thể dục quá gần giờ ngủ đến uống bia rượu buổi tối. Nếu không được điều trị, hạ đường máu trong đêm có thể dẫn đến đau đầu, mất ngủ, nặng thì co giật, thậm chí tử vong.
Có thể ngăn chặn tình trạng đường máu thấp trong khi ngủ bằng 6 bước đơn giản sau:
Kiểm tra đường máu trước khi ngủ
Tất cả bệnh nhân mắc tiểu đường có nguy cơ hạ đường máu đều nên kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đi ngủ. Tùy mức độ thấp của đường trong máu, bổ sung lượng phù hợp thức ăn. Nếu sử dụng máy bơm insulin, nên xem xét việc tạm thời giảm liều lượng insulin.
Ảnh: diabetes
Nhận biết các dấu hiệu đường máu thấp
Triệu chứng hạ đường huyết xuất hiện khi lượng đường trong máu giảm dưới 70 mg/dl, bao gồm run rẩy, ra mồ hôi, nhầm lẫn, hành vi thất thường, đau đầu. Một số bệnh nhân có thể bị tình trạng “mất nhận biết tình trạng hạ đường huyết” sẽ không cảm thấy các triệu chứng của đường máu thấp.
Đường máu giảm mà không có triệu chứng dễ khiến bạn gặp nguy hiểm.
Đừng bỏ qua bữa ăn tối
Bỏ qua bữa ăn tối hoặc ăn quá ít là một trong những nguyên nhân gây hạ đường máu trong đêm. Nên có bữa ăn tối lành mạnh, cân đối và chú ý đến số lượng thức ăn.
Tránh tập thể dục quá mức vào tối muộn
Tập thể dục thường xuyên rất có ích cho bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên không nên tập thể dục nhiều ngay gần giờ đi ngủ vì có thể gây hạ đường máu trong đêm. Nên tránh tập thể dục trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ. Nếu mức đường trong máu dưới 100 mg/dl sau khi tập thể dục, nên ăn thêm gấp đôi số lượng thức ăn trước khi đi ngủ.
Hạn chế uống bia rượu buổi tối
Tiêu thụ thường xuyên thức uống có cồn như bia rượu có thể làm tăng nguy cơ bị hạ đường huyết ban đêm. Chỉ nên uống ở mức vừa phải, không quá một đơn vị cồn một ngày với phụ nữ và hai đơn vị mỗi ngày với nam giới. Một đơn vị tương đương một chai bia hoặc một ly rượu vang. Nếu uống bia rượu vào buổi tối, nên ăn thêm thức ăn.
Hãy chuẩn bị thức ăn uống sẵn sàng
Nếu bạn thường thức dậy với các triệu chứng hạ đường máu, nên có một số thứ để sẵn ngay cạnh giường như nước ngọt, nước trái cây để có thể dùng ngay mà không cần phải rời khỏi giường.
Lê Phương
Theo Vnexpress
Tiểu đường, cao huyết áp, tăng cholesterol dễ dẫn đến đột quỵ
Kiểm soát bệnh cao huyết áp, tiểu đường, cholesterol máu, rung nhĩ; tập thể dục, bỏ thuốc lá, có chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp ngừa đột quỵ.
Hơn 2 giờ diễn ra buổi tư vấn trực tuyến đột quỵ và những bệnh lý về mạch máu não, bác sĩ Mahen Nadarajah, chuyên khoa Can thiệp mạch máu, Bệnh viện Quốc tế City và Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Quang, chuyên khoa Nội tổng quát - Tiểu đường, Bệnh viện Quốc tế City nhận rất nhiều câu hỏi của độc giả. Mối quan tâm lớn nhất của độc giả là dấu hiệu nhận biết, cách phòng ngừa và chữa trị nếu không may mắc phải bệnh này.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đột quỵ là do bệnh nhân mắc những bệnh lý như tăng huyết áp, tăng cholesterol, tiểu đường và rối loạn nhịp tim (rung nhĩ). Vì vậy, để phòng ngừa bệnh đột quỵ, mọi người nên tầm soát các bệnh lý nêu trên và có chế độ điều trị thích hợp. Ngoài ra, bỏ thuốc lá, tập thể dục điều đặn, hạn chế uống bia rượu và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp bạn phòng ngừa được đột quỵ.
Dưới đây là phần tư vấn của bác sĩ Mahen Nadarajah và Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Quang.
- Biểu hiện, triệu chứng thường gặp của đột quỵ là gì thưa bác sĩ? (Nguyen Nam, 49 tuổi, Cư xá lữ gia, quận 10)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah, chuyên khoa Can thiệp mạch máu, Bệnh viện Quốc tế City:
Chào bạn,
Đột quỵ thường xảy ra đột ngột, cách để nhận biết sớm các triệu chứng của đột quỵ là áp dụng phương pháp FAST.
F = Face (mặt): yêu cầu bệnh nhân cười xem một bên mặt của bệnh nhân có bị méo hay không.
A= Arm (cánh tay): yêu cầu bệnh nhân nâng tay xem có cánh tay nào không nâng được hoặc bị rơi xuống hay không.
S = Speech (nói): yêu cầu bệnh nhân nói một câu xem có tình trạng nói lắp hoặc giọng nói bất thường hay không.
T = Time (thời gian): nếu ghi nhận bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nêu trên nên chuyển bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức vì nếu để lâu tế bào não sẽ bị tổn thương, không thể hồi phục.
Bác sĩ Mahen Nadarajah (bên trái) và Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Quang, (bên phải) tại Tòa soạn VnExpress.
- Thưa bác sĩ vì sao bệnh tiểu đường lại có thể dẫn tới đột quỵ? (Lê Văn Bình)
- Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Quang, chuyên khoa Nội tổng quát - Tiểu đường, Bệnh viện Quốc tế City:
Chào bạn,
Bệnh tiểu đường gây biến chứng trên tất cả mạch máu của toàn cơ thể. Hệ thống mạch máu cơ thể chia làm hai nhóm nhỏ và lớn. Các tổn thương trên mạch máu lớn sẽ tăng những biến cố trên hệ tim mạch và mạch máu não, từ đó, tăng tỷ lệ đột quỵ cũng như biến cố nhồi máu cơ tim.
- Đột quỵ có phải là do tắc mạch máu gây nên? Thế còn chảy máu não có gọi là đột quỵ không thưa bác sĩ?(Lê Đặng Châu Anh)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Chào bạn,
Có hai loại đột quỵ:
Loại đột quỵ thường gặp nhất là do tắc nghẽn mạch máu não gây thiếu oxy cung cấp cho não và dẫn đến tế bào não bị chết. Loại này chiếm 90% trường hợp đột quỵ.
Video đang HOT
Loại đột quỵ thứ hai là chảy máu bên trong não và làm chết tế bào não.
Cả hai loại này đều thường gặp trên người trẻ tuổi, tuy nhiên, chảy máu não thường gặp hơn do bệnh tăng huyết áp, tăng cholesterol máu không được phát hiện và kiểm soát. Vì vậy, đây là lý do mà người trẻ tuổi nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
- Tôi có người bạn vừa tử vong vì xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não. Vậy dị dạng mạch máu não có phải là thương tật bẩm sinh không? (Đinh Văn Toàn)
- Bác sĩ Lê Minh Quang:
Chào bạn,
Tỷ lệ dị dạng mạch máu do bẩm sinh là rất thấp, dưới 0,5%. Bạn có thể phát hiện sớm dị dạng mạch máu bằng cách đi tầm soát khi có triệu chứng nghi ngờ. Khi bệnh nhân bị đột quỵ do dị dạng mạch máu, phẫu thuật can thiệp nội mạch sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ biến chứng so với mổ hở (mở hộp sọ) thông thường.
Bác sĩ Lê Minh Quang.
- Xin bác sĩ cho biết, cao huyết áp dễ bị đột quỵ đúng không và những bệnh gì cũng phải cẩn thận vì dễ dẫn đến đột quỵ? (Minh Tuấn)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Chào em,
Cao huyết áp có thể dẫn đến đột quỵ, tuy nhiên tỷ lệ chỉ khoảng 5% nhưng có thể xảy ra ở các độ tuổi, kể cả ở những người trẻ tuổi. Vì vậy, mọi người cần kiểm tra để tầm soát bệnh. Bệnh tiểu đường và tăng cholesterol máu cũng dễ dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, dị dạng mạch máu cũng là một nguyên nhân gây đột quỵ.
- Bác sĩ có thể cho biết về những tiến bộ y học hiện nay trong điều trị đột quỵ? (Lê Đức Minh)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Chào bạn,
Có thể điều trị khỏi tình trạng đột quỵ phổ biến nhất (nhồi máu não) nếu bệnh nhân được điều trị kịp thời và đúng cách. Hầu hết các trường hợp, bệnh nhân có thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Bệnh nhân có thể được điều trị trong thời gian lên đến 24 giờ sau khi đột quỵ xảy ra. Để thực hiện thành công việc điều trị cần bác sĩ có nhiều kinh nghiệm. Phẫu thuật can thiệp nội mạch hỗ trợ bằng robot gần đây còn được ứng dụng trong điều trị bệnh lý này.
Bác sĩ Mahen Nadarajah.
- Xin bác sĩ cho biết, đột quỵ và trúng gió có gì giống và khác nhau? Nếu bị đột quỵ mà đánh gió, xoa dầu hoặc xông bằng lá thì có hại gì không? (Thủy Miến)
- Bác sĩ Lê Minh Quang:
Chào bạn,
Câu hỏi này là vấn đề rất được nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây.
Trúng gió và đột quỵ hoàn toàn khác nhau nhé. Đột quỵ xảy ra khi mạch máu nuôi não bị tắc hoặc vỡ dẫn đến tổn thương tế bào não. Còn trúng gió, theo cách gọi dân gian là ám chỉ cho những triệu chứng như xây xẩm, mệt, uể oải, ra mồ hôi... nguyên nhân thường do bệnh nhân bị nhiễm siêu vi hoặc mệt mỏi quá mức. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim trong giai đoạn sớm, có thể có những triệu chứng tương tự như bị trúng gió.
Nếu phát hiện có triệu chứng đột quỵ, bạn cần đưa bệnh nhân đến trung tâm can thiệp đột quỵ sớm nhất có thế, lý tưởng nhất là dưới 6 giờ từ khi phát hiện. Vì vậy, bạn không nên mất thời gian cho việc đánh gió hay xoa dầu nhé!
- Tôi thấy tình trạng đột quỵ trong nhà tắm, khi bước xuống giường xảy ra khá nhiều. Nguyên nhân là do đâu?(Trinh Trí Trung, 51 tuổi, Cư xá lữ gia, quận 10)
- Bác sĩ Lê Minh Quang:
Chào bạn,
Dạo gần đây có khá nhiều trường hợp xảy ra tình trạng đột quỵ trong nhà tắm hoặc khi bước xuống giường, nguyên nhân là do thay đổi nhiệt độ làm co mạch máu đột ngột, gây tăng huyết áp và dẫn đến đột quỵ, nhất là trên những bệnh nhân bị mắc bệnh huyết áp mà không kiểm soát tốt.
- Tôi bị bệnh tiểu đường đã uống thuốc 10 năm, tôi thực sự rất mệt mỏi, có cách nào điều trị tiểu đường mà không dùng thuốc? Dùng thuốc quá lâu, tôi đang lo sợ bị lờn thuốc sẽ dẫn đến đột quỵ khi lượng đường trong máu tăng cao. Xin bác sĩ chỉ dẫn giúp tôi. (Quốc Tiến, 55 tuổi)
- Bác sĩ Lê Minh Quang:
Chào bạn,
Hiện nay, tất cả bệnh nhân được chẩn đoán tiểu đường đều cần phải dùng thuốc thường xuyên kết hợp tập thể dục và chế độ dinh dưỡng lành mạnh để kiểm soát bệnh tiểu đường và phòng ngừa biến chứng của bệnh.
Sử dụng thuốc điều trị tiểu đường dài hạn không dẫn đến tình trạng lờn thuốc.
Đột quỵ xảy ra trên bệnh nhân tiểu đường là do tình trạng bệnh được kiểm soát không tốt trong một thời gian dài, dẫn đến biến chứng trên các mạch máu lớn, chứ không phải do ảnh hưởng của thuốc. Thậm chí một số thuốc được dùng để điều trị tiểu đường còn có tác dụng giảm đột quỵ.
Bác sĩ Lê Minh Quang.
- Có bao nhiều phương háp điều trị đột quỵ? Những ưu và nhược điểm của các phương pháp này là gì thưa bác sĩ? (Phạm Uyên, q10)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Chào em,
Có thể dùng thuốc qua đường tĩnh mạch để điều trị đột quỵ nhưng thuốc cần được cho trong vòng 3 giờ từ khi bắt đầu đột quỵ. Thuốc có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân như gây chảy máu nếu cho thuốc muộn sau 3,5-4 giờ. Thuốc không thể dùng trên nhiều bệnh nhân như bệnh nhân bị tiểu đường.
Một phương pháp mới là lấy cục máu đông khỏi mạch máu, có thể thực hiện trong vòng 24 giờ sau khi đột quỵ xảy ra. Phương pháp này giúp bệnh nhân có thể hồi phục 100% và không nhận ra bệnh nhân trước đó bị đột quỵ. Phương pháp này cần được thực hiện bởi bác sĩ nhiều kinh nghiệm nhằm đảm bảo hiệu quả cũng như giảm thiểu nguy cơ cho bệnh nhân.
- Thưa bác sĩ bệnh đột quỵ có bị tái phát không? (Minh Trang)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Chào bạn,
Đột quỵ có bị tái phát, thậm chí tỷ lệ tái phát cao hơn so với những người chưa từng bị và mức độ tổn thương não nặng hơn. Trong vòng 5 năm, 24% nữ giới và 42% nam giới bị tái phát đột quỵ. Để phòng ngừa tái phát, bệnh nhân cần điều trị tốt các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol máu, rung nhĩ, kèm với tập thể dục, bỏ thuốc lá và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Ngoài ra, trong việc điều trị, bác sĩ sẽ dùng thêm một số loại thuốc có thể bảo vệ bệnh nhân tránh tái phát.
- Khi người thân bị đột quỵ, tôi nghe nói trong thời điểm 2 giờ vàng ban đầu, nếu kịp liên lạc với bệnh viện có thể cứu kịp. Vậy khi đó tôi gọi bệnh viện CIH như thế nào để các bác sĩ có thể đến tận nhà cấp cứu và chuyển viện kịp thời để không bị trễ 2 giờ vàng này? (Trúc Linh, 26 tuổi, Hoàng Sa, Quận 3, TPHCM)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Chào bạn,
Với các phương tiện điều trị hiện đại ngày nay có thể giúp bệnh nhân hồi phục gần như 100% trong vòng 24 giờ sau khi xảy ra đột quỵ. Biện pháp điều trị trước đây là tiêm thuốc tan cục máu đông qua đường tĩnh mạch. Thuốc này cần được cho trong vòng ba giờ từ khi bắt đầu bị đột quỵ. Tuy nhiên, thuốc này có thể gây những nguy hiểm cho bệnh nhân như chảy máu, nhất là khi dùng thuốc muộn sau 3,5-4 giờ. Thuốc cũng không được chỉ định trên một số bệnh nhân, như người bị tiểu đường.
Phương pháp mới là lấy cục máu đông ra khỏi mạch máu bị tắc, có thể thực hiện trong vòng 24 giờ. Cách này cần được thực hiện bởi một chuyên gia mạch máu có nhiều kinh nghiệm ở một cơ sở được trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại.
Tại Bệnh viện CIH, bác sĩ Mahen Nadarajah là người sẽ thực hiện can thiệp lấy cục máu đông theo phương pháp mới giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn và an toàn.
- Bố mình 70 tuổi bị tai biến mạch máu não, chân tai, mặt, bị tê, mắt mờ không nhìn được gì. Xin hỏi bác sĩ trường hợp của bố mình như vậy có cách nào giải quyết được không ạ? (Nguyễn đăng hiệp)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Chào bạn,
Bố bạn bị tai biến mạch máu não do nghẽn mạch máu nếu để lâu các mạch máu sẽ không lưu thông được. Vì đột quỵ có thể tái phát, trường hợp của bố bạn cần điều trị tốt bệnh lý gốc (ví dụ như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol...). Ngoài ra, các triệu chứng tê tay, chân, mặt và mắt mờ có thể là di chứng của tai biến mạch máu não.
Bác sĩ Mahen Nadarajah.
- Thưa bác sĩ, bệnh nhân đột quỵ ăn uống cần kiêng khem những gì? (Kim Dung)
- Bác sĩ Lê Minh Quang:
Chào bạn,
Bệnh nhân đột quỵ cần bỏ thuốc lá; tránh ăn mặn, mỡ và ngọt; hạn chế uống bia rượu... Bệnh nhân nên ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt chứa chất béo chưa bão hòa. Ưu tiên ăn cá, thịt gia cầm bỏ da hoặc thịt nạc.
- Tôi có cháu trai cách đây hai năm bị tổn thương não (không rõ lý do theo bác sĩ bệnh viện). Hiện nay mắt mờ hẳn và đi lại không được. Mong bác sĩ có thể tư vấn giúp. (Châu Minh Đức, 51 tuổi, 290 Nguyễn Hoàng - Tp Đà Nẵng)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Chào bạn,
Tình trạng mờ mắt và đi lại không được của cháu nhiều khả năng là di chứng của tổn thương não. Vì không rõ nguyên nhân tổn thương não của cháu, bạn nên đưa cháu đến bệnh viện để chúng tôi có thể hỗ trợ chẩn đoán và điều trị.
- Thưa bác sĩ, có bao nhiêu loại đột quỵ? Loại nào thường hay gặp ở người trẻ tuổi? (Minh Tâm)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Đột quỵ xảy ra khi tế bào não bị chết. Có hai loại đột quỵ.
Loại đột quỵ thường gặp nhất là do tắc nghẽn mạch máu não gây thiếu oxy cung cấp cho não và dẫn đến tế bào não bị chết.. Loại này chiếm 90% trường hợp đột quỵ. Còn loại đột quỵ thứ hai là chảy máu bên trong não và làm chết tế bào não.
Cả hai loại này đều thường gặp trên người trẻ tuổi, tuy nhiên, chảy máu não thường gặp hơn do bệnh tăng huyết áp và cholesterol máu không được phát hiện và kiểm soát.
- Tôi bị đột quỵ cách đây 5 tháng, do huyết áp thấp, té và chấn thương sọ não, xuất huyết não nhẹ nay đã bình phục. Nhưng di chứng để lại là tiếng ve kêu trong đầu suốt ngày đêm khiến tôi thấy bất an. Xin các bác sĩ cho hỏi, di chứng này có nguy hiểm không và có cách nào chữa trị không? (Huỳnh Ngọc Minh, 54 tuổi, Q5, Tp.HCM)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Chào bạn,
Nhìn chung những di chứng do đột quỵ là những di chứng không hồi phục. Triệu chứng nghe tiếng ve kêu trong đầu mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Bạn có thể đến bệnh viện để bác sĩ đánh giá tình trạng và có chế độ điều trị thích hợp.
- Thưa bác sĩ, nếu muốn tầm kiểm soát đột quỵ thì phải làm sao? (dao anh tu, 30 tuổi, 12 Ngõ chợ khâm thiên hà nội)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Chào bạn,
Hiện nay Bệnh viện Quốc tế City có các gói tầm soát và điều trị bệnh đột quỵ. Gói này gồm có xét nghiệm máu, kiểm tra tim mạch và chụp mạch máu não. Bạn có thể đến khoa Can thiệp Mạch máu của bệnh viện để được khám, chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp.
- Bác sĩ Lê Minh Quang:
Chào bạn,
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đột quỵ là do bệnh nhân mắc những bệnh lý như tăng huyết áp, tăng cholesterol, tiểu đường và rối loạn nhịp tim (rung nhĩ). Vì vậy, để phòng ngừa bệnh đột quỵ, bạn nên tầm soát các bệnh lý nêu trên và có chế độ điều trị thích hợp. Ngoài ra, bỏ thuốc lá, tập thể dục điều đặn, hạn chế uống bia rượu và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp bạn phòng ngừa được đột quỵ.
- Chào bác sĩ, tôi năm nay 48 tuổi, thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá, hiện sức khỏe bình thường. Tôi đọc các thông tin sử dụng thuốc lá và rượu bia có nguy cơ đột quỵ rất cao. Xin hỏi ngoài sử dụng rượu bia, thuốc lá còn có nguyên nhân nào gây đột quỵ não? Cách phòng tránh căn bệnh này thế nào? (Thuần)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Chào bạn,
Ngoài việc hạn chế bia rượu và bỏ thuốc lá, bạn cần theo dõi và kiểm soát tình trạng huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, cân nặng và các bệnh lý tim mạch để phòng ngừa đột quỵ. Tập thể dục thường xuyên và chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng giúp ích cho việc phòng ngừa.
- Thưa bác sĩ, cách nào sơ cứu tại nhà khi bị đột quy? (Huynh thi nhu y, 33 tuổi, 22 phan huy ich quan go vap)
- Bác sĩ Lê Minh Quang:
Chào bạn,
Nếu nghi ngờ đột quỵ, về nguyên tắc cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Cần đảm bảo không bị chấn thương do té ngã, kiểm tra và duy trì đường thở. Cần cho bệnh nhân dùng thuốc hạ huyết áp nếu huyết áp tâm thu cao trên 180 mmHg. Trường hợp bệnh nhân bị bất tỉnh nên cho nằm nghiêng một bên.
- Người bệnh đột quỵ cần tập luyện như thế nào, có nên tập chạy bộ không thưa bác sĩ? Cảm ơn. (Phương Phương)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Chào em,
Tập thể dục nói chung tốt cho tất cả mọi bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân đột quỵ. Bạn nên chọn loại hình hoạt động thể lực phù hợp với tình trạng và điều kiện của bạn. Nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần. Trước khi tập luyện, bạn nên tư vấn với bác sĩ điều trị để có chế độ hoạt động thích hợp.
- Bị đột quỵ có chữa được khỏi hoàn toàn không thưa bác sĩ và điều trị ở đâu? (Hồng Trường)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Bệnh đột quỵ có thể chữa khỏi hoàn toàn. Một phương thức mới là lấy cục máu đông khỏi mạch máu. Điều này có thể thực hiện trong 24 giờ sau khi đột quỵ xảy ra. Phương pháp này giúp bệnh nhân có thể hồi phục 100% và bạn không nhận ra bệnh nhân trước đó bị đột quỵ. Việc này có thể thực hiện bởi một chuyên gia can thiệp mạch máu có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng, chẳng hạn chuyên gia can thiệp nội mạch thần kinh tại Bệnh viện Quốc tế City, nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như giảm thiểu nguy cơ cho bệnh nhân.
Những can thiệp trên sẽ cần hỗ trợ bởi một hệ thống thiết bị hiện đại như là hệ thống DSA của Trung tâm can thiệp mạch máu tại bệnh viện này.
- Thưa bác sĩ, có trường hợp bị đột quỵ méo mồm, đưa vào viện hơn một ngày sau lại đã nặng hơn, liệt nửa người? Lý do vì sao và làm thế nào để tránh bệnh nặng lên nhanh chóng? Cảm ơn bác sĩ. (Trần Duy Minh)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Chào bạn,
Lý do nặng hơn vì nguyên nhân gây ra đột quỵ chưa được ngăn chặn. Để tránh tình trạng bị nặng hơn, bệnh nhân cần được đưa càng sớm càng tốt đến trung tâm có đủ phương tiện điều trị đột quỵ và đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm.
- Em hay tức ngực và tê chân tay. Có phải triệu chứng của bệnh tim mạch không thưa bác sĩ? (Trần nguyễn nhất, 30 tuổi, Gia lai)
- Bác sĩ Lê Minh Quang:
Chào em,
Tức ngực có thể là một trong những triệu chứng của bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra triệu chứng tức ngực và tê chân tay. Bạn cần đi thăm khám với bác sĩ tim mạch để có chẩn đoán chính xác.
- Chồng tôi bị tai biến liệt bên phải, đến nay đã đi lại được, nhưng rất lười tập, luôn chống đối mọi người, thích làm theo ý mình. Bác sĩ có thể tư vấn giúp cách thức giúp bệnh nhân lạc quan, yêu đời, chịu khó luyện tập?(do thi phuong, ngo sy lien ha noi)
- Bác sĩ Lê Minh Quang:
Chào bạn,
Những bệnh nhân bị tai biến hoặc các bệnh lý mãn tính thường mắc một số chứng rối loạn tâm lý, chẳng hạn trầm cảm.
Các triệu chứng của chồng bạn như lười tập, chống đối... có thể là triệu chứng của tình trạng rối loạn tâm lý. Bạn nên đưa chồng đến thăm khám với bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý để có cách giúp chồng bạn lạc quan và yêu đời hơn.
- Vào viện, bác sĩ sẽ làm gì để chẩn đoán đột quỵ được chẩn đoán như thế nào? Có những loại xét nghiệm chẩn đoán nào? (Thu Yến)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Chào bạn,
Khi vào viện, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để kiểm tra máu để phân tích về tình trạng sức khỏe của bạn. Sau khi có kết quả cụ thể về tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp.
- Bác sĩ cho tôi hỏi, bệnh viện mất bao lâu để có chẩn đoán chính xác người bệnh bị đột quỵ? Xin cảm ơn bác sĩ. (Thu Yến)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Chào em,
Trung bình bác sĩ mất khoảng 2 giờ để chẩn đoán đột quỵ, tuy nhiên, thời gian này còn tùy thuộc vào thời điểm bệnh nhân đến bệnh viện sớm hay muộn. Trong những trường hợp bệnh nhân đến sớm, hình ảnh của tổn thương não chưa rõ ràng thì những trường hợp này sẽ được theo dõi và chụp kiểm tra lại.
- Con nhà tôi năm 8 tuổi, thỉnh thoáng cháu có biểu hiện không nhận thức được gì (đơ) trong vài giây. Ngoài ra cháu vẫn chơi đùa và học bài bình thường. Xin hỏi bác sĩ cháu bị như vậy là bị bệnh gì? (Trần Trương)
- Bác sĩ Lê Minh Quang:
Chào bạn,
Theo mô tả thì con của bạn bị động kinh bán phần. Bạn nên đưa con đến các khoa thần kinh tại các bệnh viện để được bác sĩ tư vấn và điều trị.
- Tôi thường hay đau trên chẩm đầu, lan xuống gáy cổ, hai bên thái dương. Cổ quay về hai bên rất cứng và đau. Tôi đứng lên ngồi xuống xây xẩm mặt mày, đo điện não phản ứng rất kém, đã uống thuốc điều trị rối loạn dây thần kinh thực vật nhưng không khỏi. Như vậy có phải tôi bị triệu chứng của đột quỵ và bệnh lý về mạch máu não không? (Nguyen Thi My Hanh, 1986 tuổi, DĨ an, Bình Dương)
- Bác sĩ Mahen Nadarajah:
Chào bạn,
Các triệu chứng trên không điển hình của đột quỵ hay bệnh lý về mạch máu não. Tuy nhiên để biết cụ thể và chuyên sâu hơn về bệnh, bạn nên đến bệnh viện tầm soát và xét nghiệm. Bác sĩ sẽ giúp đưa ra giải pháp điều trị phù hợp cho bạn.
Phát Đạt
Theo vnexpress.net
Chàng trai suýt mất chân vì tắc động mạch chi Nam thanh niên 24 tuổi ở Long An vào viện khám do chân đau nhức không đi lại được. Kiểm tra và chụp CT scan mạch máu chân phải tại Bệnh viện Quốc tế City (TP HCM), bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc hoàn toàn nhiều động mạch chân phải. Chàng trai được can thiệp nội mạch với kỹ thuật chụp...