6 bản làng cổ đẹp như tranh vẽ ở Hà Giang
Hà Giang có những ngôi làng đẹp tựa tranh vẽ du khách nhất định phải tới một lần, như làng cổ Thiên Hương, Lô Lô Chải, Nặm Đăm…
Thiên Hương
Làng cổ Thiên Hương nằm cách thị trấn Đồng Văn tầm 7km, là địa điểm khá mới lạ so với Hoàng Su Phì, Mèo Vạc… Cũng chính vì ít khách du lịch và các hoạt động thương mại chưa phát triển nên cảnh vật, không khí ở đây vô cùng trong lành, nguyên sơ. Ngôi làng cổ này rất thích hợp với những ai yêu thích vẻ đẹp bình yên, cổ xưa, yên tĩnh.
Bất cứ ai từng đến làng cổ Thiên Hương đều ấn tượng bởi vẻ đẹp bình yên nơi đây. Ảnh: Van Hni
Bước vào làng, du khách sẽ ấn tượng ngay với những mái nhà trình tường truyền thống của người Mông, xen kẽ mái ngói âm dương cổ kính. Ngay phía dưới chân đồi là dòng sông Nho Quế hùng vĩ, nên thơ. Đặc biệt đây cũng là địa điểm check in cực đẹp cho những bạn trẻ đam mê “sống ảo”. Vào mùa đông, cánh đồng hoa tam giác mạch sẽ nở rộ tạo nên khung cảnh muôn màu sắc.
Hoa tam giác mạch cực đẹp ở Hà Giang. Ảnh: Van Hni
Làng Lô Lô Chải
Lô Lô Chải nằm dưới chân núi Rồng, cách Cột cờ Lũng Cú chỉ tầm 1km, là nơi sinh sống của người Mông và Lô Lô. Ngôi làng này từ lâu đã là địa điểm nổi tiếng lưu giữ được nguyên vẹn những giá trị về văn hóa, vật chất và tinh thần của các dân tộc vùng cao.
Những bản làng bình yên ở Lô Lô Chải. Ảnh: Phạm Hằng
Video đang HOT
Ngoài kiến trúc nhà trình tường, những mái nhà ở đây cũng được lợp ngói máng san sát tạo nên vẻ đẹp đơn sơ, bình dị. Đặc biệt, Lô Lô Chải có loạt làng nghề truyền thống như làm mộc, thêu thùa và các lễ hội quanh năm như Lễ cúng Thần Rừng, lễ mừng lúa mới…
Du Già
Du Già là xã nhỏ thuộc huyện Yên Minh, cách thành phố Hà Giang khoảng 70km, là nơi cư trú chủ yếu của người Tày và H’mông.
Khác với Thiên Hương hay Lô Lô Chải, Du Già mang vẻ đẹp hùng vĩ và hoang sơ vì có nhiều ngọn núi cao, rừng rậm rạp và con thác Thâm Luông ngày đêm tung bọt trắng xóa.
Du Già có nét đẹp hùng vĩ. Ảnh: Huyền Trang
Làng Ma Lé
Làng Ma Lé (hay Má Lé) là một xã thuộc huyện Đồng Văn, cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 148km. Với đặc điểm vị trí nằm giữa Đồng Văn và Lũng Cú, Ma Lé ít được chọn là nơi dừng chân của khách du lịch. Đa phần mọi người sẽ chọn ở lại phố cổ Đồng Văn để đi chợ đêm hoặc chạy thẳng lên Lũng Cú tham qua cột cờ.
Dân tộc ở đây đa phần là người Giáy với những kiến trúc, phong tục độc đáo. Quanh bốn bề của làng là núi đá sừng sững, đường vào khuất trong những tán cây. Nhiều ngôi nhà cổ ở đây đã có tuổi đời 100 năm, in dấu thời gian với vẻ đẹp trầm mặc.
Ma Lé đẹp nhất vào mùa xuân khi hoa đào nở, hoặc cuối thu khi những thửa ruộng bậc thang tam giác mạch chạy nghiêng nghiêng trên triền núi nở rực rỡ. Ngoài ra đây cũng là địa điểm săn mây lý tưởng cho những bạn trẻ ưa khám phá.
Ma Lé là ngôi làng cổ với dân cư đa phần là người Giáy Ảnh: MALE Homestay
Làng Nặm Đăm
Nằm cách thành phố Hà Giang khoảng 45km về phía Bắc, làng Nặm Đăm là nơi sinh sống của dân tộc Dao. Bản làng ở Quản Bạ này từng được trao danh hiệu Làng Văn hóa du lịch cộng đồng vì vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Được biết đến hiện tại, người dân ở đây vẫn mặc trang phục truyền thống của dân tộc Dao và sống rất mộc mạc, gần gũi thiên nhiên.
Thiên nhiên và con người Nặm Đăm rất mộc mạc. Ảnh: Tetminhduky
Tới Nặm Đăm, khách du lịch có thể trải nghiệm những hoạt động thú vị như tắm lá thuộc, bẻ ngô, hái rau rừng… hoặc chụp ảnh tại những điểm nổi tiếng như như thác Nai, hồ Nặm Đăm…
Để đến thôn Nặm Đăm, du khách đi theo quốc lộ 4C về hướng Bắc. Qua cổng trời Quản Bạ, bạn có thể hỏi thăm cư dân địa phương để tiếp tục di chuyển về thôn.
Lao Xa
Lao Xa là một địa điểm thuộc Thung lũng Sủng Là Hà Giang và cách trung tâm Sủng Là chỉ khoảng 6km.
Lao Xa có nét đẹp đặc trưng của một bản làng vùng cao, chính là sự yên bình, nhẹ nhàng, không ồn ào, không xô bồ. Đây là nơi mà lịch sử – văn hoá – con người sống hài hoà, nương tựa, gắn bó vào nhau một cách chặt chẽ. Lao Xa nổi tiếng bởi làng nghề chạm bạc truyền thống.
Lao Xa đẹp và yên bình. Ảnh: Vương Anh Quỳnh
Hà Giang: Vĩ Thanh về con đèo "sống mũi ngựa"
Tôi không có ý định viết lại sự ra đời của tuyến đường Hạnh Phúc, bởi đã có nhiều bài viết hay, sâu sắc, vì nó quá nổi tiếng, đã đi vào lịch sử như một trang huyền thoại.
Với ngót 200 cây số dốc đèo, là bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và không ít người đã nằm lại vĩnh viễn nơi địa đầu Tổ quốc, bởi vậy con đường thực sự là khúc bi tráng đem lại nhiều đổi thay, phát triển đi lên. Con đèo quá hiểm trở nên đồng bào địa phương còn gọi là đèo "sống mũi ngựa", hoặc đèo "ngựa trụy thai"...
Trước khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận Công viên Địa chất toàn cầu, Tổng cục Du lịch Việt Nam thừa nhận, chỉ 24 cây số đường đèo từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, là con đường mở trên đỉnh núi đẹp nhất Việt Nam.
Con đường Hạnh Phúc hôm nay thênh thang rộng mở, nhiều khúc cua đã được nắn lại, có thành lan can vững chắc để bảo vệ an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông... Ngồi trên chiếc xe du lịch, tôi mỏi mắt ngắm nhìn những ngôi nhà tường trình đất nện, mái ngói âm dương sẫm màu, tường đá bao quanh rêu phong, trước sân, sau vườn hoa đào, hoa lê nở tràn rực rỡ, thung lũng Pả Vi đẹp như một lẵng hoa ngũ sắc, khách du lịch quốc tế, trong nước thong dong ngắm cảnh, chụp hình, rồi họ vào chợ thưởng thức đặc sản: Ăn thắng cố ngựa, uống rượu Há Ía và những đặc sản của Mèo Vạc không nơi nào có được... Người dân Mèo Vạc đã khấm khá lên từ nuôi bò hàng hóa, làm du lịch cộng đồng, mật ong Bạc hà cũng đã có thương hiệu... Xa xa, núi đồi, rừng cây, nương vườn, hoa lá tươi non đang vươn lên mãnh liệt trên vùng đất nắng gió, mù sương.
Đi trên con đường đẹp như mơ, mà lợi ích kinh tế, xã hội của nó đem lại cho đồng bào vùng cao là không thể đong đếm được... Xin được nhắc lại vài thông số vô cùng ý nghĩa để bạn đọc hình dung về sự ra đời của con đường như thế nào. Với ngót 200 km đường Hạnh Phúc thì chúng ta đi trên 66 km đá xanh, 59 km đá sít, 29 km đất. Nghĩa là phải đào phá, san lấp 60 vạn thước đá, 2 triệu mét khối đất, 25 tấn mìn, 2 triệu ngày công ròng rã 6 năm trời. Chỉ duy nhất một máy khoan đá, không có xe vận tải... Ở Lũng Táo, Sà Phìn là nơi hiểm trở, nhiều đá nhất. Riêng 40 mét ở thôn Lũng Hòa, xã Sà Phìn một Đại đội thanh niên của tỉnh Cao Bằng làm trong 3 tháng, bạt đi 3 vạn rưỡi khối đá... Đoạn Mã Pì Lèng 22 km toàn đá gan trâu, đá mặt quỷ, đục lỗ nổ mìn chùn choòng, gẫy choòng. Công nhân phải treo mình vào vách núi phá đá, đốt mìn. Mỗi cây số đường ở đây mất từ 14.000 - 19.000 công, có cây số tốn 33.000 công, phải qua hơn 20 mùa trăng thì đoạn đường mới xong... Mỗi sớm, đội cảm tử ra quân, đơn vị lặng lẽ làm lễ truy điệu sống, bởi nổ mìn, phá đá treo mình vào vách ta luy rất hiểm nguy, có khi đứt dây bảo hiểm hoặc lở đá, trượt chân... và sự hy sinh là không tránh khỏi. Nhớ lại đầu thế kỷ XX người Pháp qua đây họ phải ngả mũ vái chào và thốt lên: Đây đúng là một tượng đài địa chất! Khi tuyến đường hoàn thành, tổng kết lại mới thấy sự phi thường, tất cả vì biên cương Tổ quốc. Tham gia làm đường Hạnh Phúc có 1.039 thanh niên nam, nữ của 6 tỉnh: Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà, thanh niên Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, cùng với hàng vạn dân công tại chỗ cùng tham gia...
Điểm nhấn của Mã Pì Lèng hôm nay là nhóm tượng đài dựng lên ở điểm cao nhất của con đèo, bề thế và xứng tầm với chiều cao 16 mét. Hệ thống móng tượng, dầm sàn, chiếu nghỉ 3 lớp, thang lên xuống bằng xi măng cốt thép, ốp đá xẻ, được bố trí hài hòa, phù hợp tổng thể cảnh quan xung quanh. Nhà bia thiết kế theo kiến trúc truyền thống hai tầng, 8 mái lợp ngói mũi hài, ngoài ra còn có hệ thống đèn chiếu sáng, chống sét, thoát nước... tôi thấy có nhiều bạn trẻ, khách du lịch, thành kính dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ một thế hệ thanh niên giàu lý tưởng, ý chí, không quản hy sinh, gian khổ, để con đường đúng nghĩa là con đường mang lại hạnh phúc cho đồng bào vùng cao... Lúc này tôi chạnh nhớ đến những ngôi mộ của những thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc yên nghỉ vĩnh viễn ở nghĩa trang huyện Yên Minh. Các anh, chị vẫn nằm trên Cao nguyên đá cực Bắc Tổ quốc, dẫu hơn nửa thế kỷ đã đi qua, nhắc nhở về một thời gian nan chẳng dễ gì quên được. Sự hy sinh của các anh, các chị đã làm nên tầm vóc con đường - huyết mạch khổng lồ của quê hương vươn tới tương lai...
Có người bảo với tôi, lên Mèo Vạc mà chưa trải nghiệm hẻm vực Tu Sản - danh thắng kỳ vĩ có một không hai, là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, đi thuyền trên sông Nho Quế, nghe hát dân ca Mông thì coi như chưa đến Mèo Vạc...
Thật vậy, trên Mã Pì Lèng ở độ cao 1.200 - 1.400 mét thả mắt ngắm nhìn dòng sông Nho Quế phía xa kia, gữa trùng điệp núi non mới thật "mãn nhãn", chẳng thế mà bao nhiêu nghệ sỹ nhiếp ảnh mọi miền đất nước, không quản ngại xa xôi với hy vọng chụp được một tác phẩm ảnh nghệ thuật để đời. Chếch lên phía Bắc có một khối núi khổng lồ vỡ đôi, dòng Nho Quế ì ầm, ghềnh thác chảy qua như bất chấp không gian, thời gian... Từ khi sông Nho Quế bị chặn dòng làm thủy điện, Mèo Vạc đã nhanh chóng có sản phẩm du lịch mới: Đi thuyền trên sông nước, du khách có khoảnh khắc đắm mình vào không gian trời mây bao la, núi non hùng vĩ huyền ảo... ngước nhìn lên Mã Pì Lèng, phóng tầm mắt về Thượng Phùng, Sơn Vĩ, mới cảm hết được vẻ đẹp hoang sơ mê đắm của Mèo Vạc, vùng quê 3/4 đá... Nếu đi ô tô theo hướng về Mèo Vạc, cách đỉnh Mã Pì Lèng hơn chục cây số, đi bộ tiếp 30 phút nữa, gặp con đường mòn xuống bến thuyền Tà Làng, hoa dại, hoa Tam giác mạch, hoa cải... nở tràn hai bên đường, hương thơm trong gió ngào ngạt, du khách có dịp trải nghiệm 49 khúc cua ngoạn mục trên con đường mòn xuống bến nước... Nếu ngồi trên du thuyền ngược phía thượng nguồn, hoặc xuôi dòng về hạ du cầu Tràng Hương, con thuyền bồng bềnh có cảm giác rất lạ và thú vị như thể con người đang đi vào thế giới siêu thực... dẫu trải nghiệm một lần nhưng ấn tượng thật khó quên, muốn được tan hòa vào thiên nhiên kỳ thú ở nơi xa xăm, cách trở mà thật gần gũi, ấm áp tình người.
Đêm Mèo Vạc tĩnh lặng, tôi mở cửa sổ phòng khách, Làng Văn hóa cộng đồng Pả Vi vẫn nhộn nhịp người qua lại, ngôi sao xanh trên đỉnh núi Chí Sán nhấp nháy như đang tâm tình: Đỉnh Chí Sán bên trời lặng lẽ/Bát rượu đêm như lửa trong lòng/Mai tôi xa dễ gì quên Mèo Vạc/Có một người phương ấy vẫn chờ mong...
Làng du lịch dưới chân đèo Mã Pì Lèng tỉnh Hà Giang Tiếng động cơ của hàng chục chiếc xe máy tập trung ngay đầu Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H'mông phá tan không gian yên tĩnh của núi rừng khi chúng tôi có mặt ở thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào một buổi sáng sớm. Toàn cảnh Làng văn hóa du lịch...