5km rừng phòng hộ ở Thanh Hóa cứ thủy triều lên là ngập rác
Hơn 5km rừng phòng hộ ngập mặn ven biển Thanh Hóa ngập rác thải, chủ yếu là túi nilon các loại. Việc này gây nhiều hệ lụy nếu không có giải pháp xử lý.
Cánh rừng phòng hộ rộng lớn ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) bị bủa vây bởi túi nilon khiến địa phương này khó khăn trong việc xử lý.
Thời gian gần đây, hơn 5km rừng phòng hộ xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) ngập rác thải, chủ yếu là là túi nilon đủ sắc màu bám vào các cành cây, ngọn cây sú vẹt.
Ngoài ra, rác thải khác như quần áo rách, xác động vật cũng trôi về bờ đê xã Đa Lộc. Bờ đê bãi biển luôn trong tình trạng hôi thối, ruồi nhặng sinh sôi, bu bám.
Chiều dài hơn 5km cánh rừng phòng hộ ngập túi nlon. Ảnh: Nguyễn Dương.
Người dân địa phương cho hay khi thủy triều lên, rác từ khắp nơi đổ về vùng biển Đa Lộc rồi mắc kẹt ở cánh rừng.
“Việc rác bủa vây rừng phòng hộ không chỉ gây ô nhiễm, mất cảnh quan mà còn ảnh hưởng đến việc đánh bắt, chăn nuôi thủy sản của chúng tôi. Nghiêm trọng hơn, nếu không xử lý được thì sẽ giảm chức năng che chắn, bảo vệ của cánh rừng trong mùa bão lũ”, ông Hòa, xã Đa Lộc nói.
Trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết toàn xã có hơn 400 ha rừng phòng hộ 2 năm tuổi. Việc thủy triều lên cuốn theo hàng vạn túi nilon các loại quấn chặt vào thân cây khiến hơn 100 ha đang rơi vào tình trạng chậm phát triển, gãy đổ và chết dần.
Video đang HOT
Túi nilon đủ sắc màu phủ kín các cây sú vẹt. Ảnh: Nguyễn Dương.
“Trước thực trạng này, địa phương thành lập Tổ môi trường xanh do đoàn thanh niên chủ đạo. Tổ phát động học sinh THCS thu gom rác thải mỗi tuần một lần. Tuy nhiên, lượng rác thải đổ về mỗi ngày quá nhiều khiến chúng tôi không thể xử lý hết”, ông Đỉnh nói.
Bờ đê bãi biển cũng ngập đầy rác các loại. Ảnh: Nguyễn Dương.
Chủ tịch xã Đa Lộc bày tỏ mong muốn được chính quyền và các tổ chức ở các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền cho bà con khắp nơi để họ giảm thiểu lượng rác đổ xuống biển.
Ông Đỉnh cho biết thêm trước đây có rất nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã về địa phương tham gia trồng rừng, nghiên cứu sinh. Có những tổ chức ở lại nhiều ngày tìm hiểu quy luật nước lên xuống và cách xử lý rác làm sao nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp.
Toàn huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) có hơn 500 ha rừng phòng hộ ven biển, riêng xã Đa Lộc chiếm hơn 400 ha. Cánh rừng có chức năng như “bức tường xanh” chắn sóng, chắn gió bảo vệ đê biển, bảo vệ người dân trước thiên tai, bão lũ.
Theo Nguyễn Dương (Zing)
Giao địa phương quản lý rừng để hạn chế lâm tặc?
Sau hàng loạt vụ phá rừng gây xôn xao dư luận cả nước gần đây, ngày 10/4, tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng lãnh đạo huyện Nam Giang, Phước Sơn để thực hiện cải tổ bộ máy quản lý, bảo vệ rừng từ cấp cơ sở.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, việc quản lý, bảo vệ rừng sẽ phân cấp mạnh về địa phương cấp huyện, quy rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện về việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Ông Lê Trí Thanh thị sát tại khu rừng phòng hộ Sông Kông (huyện Đông Giang) bị hạ sát
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, tại cuộc họp đã thống nhất giao Sở NN-PTNT tỉnh xây dựng đề án kiện toàn, tổ chức lại bộ máy kiểm lâm, Ban quản lý rừng. Trước mắt, sẽ áp dụng thí điểm tại huyện Nam Giang từ tháng 5/2018 để rút kinh nghiệm, triển khai trên địa bàn toàn tỉnh từ đầu năm 2019.
Theo đề án này thì việc quản lý, bảo vệ rừng sẽ phân cấp mạnh về địa phương cấp huyện, quy rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện về việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Điểm đáng chú ý là sắp xếp, tách Hạt Kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng giao về cho địa phương quản lý; như hiện nay Giám đốc Ban quản lý rừng kiêm luôn Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm của Ban quản lý rừng.
Bên cạnh đó, mỗi huyện sẽ có một Hạt kiểm lâm chịu trách nhiệm toàn diện thực thi pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện và nằm trong hệ thống ngành dọc, chịu sự quản lý của Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Các Ban quản lý rừng sẽ thuộc UBND huyện quản lý và là một đơn vị sự nghiệp về quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Rừng lim xanh ở huyện Nam Giang bị lâm tặc hạ sát
Thực tế hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 170 xã, song chỉ có 70 cán bộ kiểm lâm phụ trách xã. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường ít nhất một xã có một kiểm lâm địa bàn, một số xã có rừng nhiều có thể có 2-3 kiểm lâm địa bàn. Số kiểm lâm địa bàn này chịu sự quản lý, chỉ huy trực tiếp của Chủ tịch UBND xã.
Theo ông Lê Trí Thanh, việc giao khoán rừng sẽ được triển khai đến cộng đồng thôn. Từ thôn sẽ thành lập các Đội quản lý rừng, tuyển chọn những thanh niên đủ sức khỏe, đủ điều kiện theo quy định để thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng và được hưởng chế độ cao.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh rà soát, thống kê số kiểm lâm già yếu để có sự chuyển đổi phù hợp. Đối với các kiểm lâm lớn tuổi thì chuyển về địa bàn đồng bằng, còn kiểm lâm sức khỏe yếu sẽ khuyến khích nghỉ hưu sớm theo chế độ hiện hành.
Ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh: "Tỉnh Quảng Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh lại đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng từ cấp cơ sở. Qua đó, mong rằng sẽ kiểm soát được tình trạng phá rừng tự nhiên như hiện nay".
Được biết, trước đây tiền chi trả dịch vụ rừng do các nhà máy thủy điện đóng góp nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, sau đó chuyển về các ban quản lý rừng để cấp tới người dân. Quy trình này được thay đổi lại, UBND các huyện miền núi sẽ ứng kinh phí để cấp về các xã, thực hiện chi trả tiền dịch vụ rừng cho những đội quản lý, bảo vệ rừng. Khi Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng nhận tiền từ các nhà máy thủy điện sẽ cấp lại cho UBND các huyện miền núi.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, mặc dù thực tế Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng người dân miền núi vẫn có nhu cầu lấy gỗ để xây mới hoặc sửa chữa nhà. Nếu cấm tuyệt đối việc khai thác gỗ rừng tự nhiên là rất khó, không phù hợp với thực tiễn, đẩy người dân địa phương thành những người đi phá rừng, thành đối tượng phải bị xử lý hình sự.
Vì vậy, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ thực tế này, để chính quyền địa phương có sơ sở kiểm soát chặt chẽ việc khai thác gỗ tự nhiên của người dân bản địa ở miền núi để làm nhà.
C.Bính
Theo Dantri
Đình chỉ công tác nhiều cán bộ kiểm lâm vì để mất rừng Liên quan đến việc rừng phòng hộ Sông Kôn, rừng phòng hộ Nam Sông Bung bị lâm tặc hạ sát hàng trăm mét khối gỗ các loại; có 6 cán bộ kiểm lâm liên quan đã bị đình chỉ công tác để điều tra, làm rõ. Ngày 4/4, ông Phan Tuấn - Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Nam cho biết...