59 ngày tử thủ của trung đội Hồng quân Liên Xô ở Stalingrad
Trung đội Hồng quân giữ vững tòa nhà chiến lược giữa hai chiến tuyến trong gần 2 tháng, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của phát xít Đức.
“Nhà của Pavlov” ngay sau trận đánh. Ảnh: Wikipedia.
Mùa đông năm 1942, thành phố Stalingrad trở thành tâm điểm giao tranh ác liệt giữa Hồng quân Liên Xô và phát xít Đức xâm lược. Trên chiến trường này, trung đội Hồng quân do trung sĩ Yakov Pavlov chỉ huy đã lập nên kỳ tích khi giữ vững vị trí chiến lược trước lực lượng áp đảo về quân số và hỏa lực của Đức trong suốt 59 ngày đêm, theo War History.
Trung sĩ Pavlov nắm quyền chỉ huy trung đội trinh sát sau khi tất cả sĩ quan trong đơn vị lần lượt hy sinh trong chiến đấu. Đơn vị 30 người của ông được giao nhiệm vụ đánh chiếm và giữ vững một tòa nhà 4 tầng gần bờ sông Volga do lính Đức chiếm giữ.
Pavlov nhận lệnh giữ tòa nhà này và không được rút lui, bởi nó nằm ở vị trí quan trọng chiến lược, giúp lực lượng phòng thủ quan sát cả hai phía chiến tuyến ở khoảng cách tới một km.
Cùng các đồng đội thuộc Sư đoàn bộ binh Cận vệ số 13 danh tiếng, Pavlov gia cố tòa nhà bằng 4 lớp hàng rào thép gai, gài mìn, thiết lập các ụ súng máy ở tầng hầm và trên mái nhà. Tường bên trong được đục thủng để tăng cường khả năng liên lạc, một hào giao thông trở thành tuyến đường kết nối với lực lượng bên ngoài.
Hồng quân Liên Xô đánh trả đợt tấn công của Đức. Ảnh: Bashny.
Quân Đức bắt đầu tấn công để tìm mọi cách chiếm lại tòa nhà từ ngày 27/9/1942. Khẩu súng chống tăng PTRS-41 duy nhất của trung đội được bố trí trên nóc nhà, xe tăng Đức không thể nâng nòng pháo để bắn trúng, trong khi lính Liên Xô có thể bắn xuyên qua lớp giáp mỏng trên tháp pháo xe tăng, loại chúng khỏi vòng chiến.
Nhờ chiến thuật này, trung đội Pavlov đã diệt hơn 10 xe tăng Đức trong những đợt phản kích dồn dập của địch. Quân Đức phát động nhiều đợt tấn công với tần suất ngày càng dồn dập hơn để đẩy lùi trung đội của Pavlov. Tuy nhiên, mỗi lần tấn công, quân Đức đều bị các ụ súng máy ở tầng hầm, cửa sổ và mái nhà của Hồng quân đánh bật trở lại.
Video đang HOT
Khi trận đánh kéo dài đến tháng thứ hai, trung đội Pavlov thiếu thốn lương thực và nước uống dù không bị chia cắt khỏi quân chủ lực ở phía sau. Pavlov và đồng đội không có thời gian chợp mắt do quân Đức bắn thâu đêm. Cuộc vây hãm kéo dài tới mức tòa nhà này được gọi là “nhà của Pavlov”.
Do không có giường, những người lính phải ngủ trên tấm cách nhiệt lấy từ các bức tường. Một số nhóm quân tiếp viện vượt qua được vòng vây để tới tòa nhà bổ sung lực lượng cho trung đội, nhưng quân số phòng thủ thường trực luôn giữ ở mức chỉ hơn 10 người. Sau một vài cuộc tấn công, xác lính Đức bắt đầu chất đống trước tòa nhà. Trung đội Pavlov phải ra ngoài dọn dẹp giữa các trận đánh, bởi lính Đức sử dụng chúng như lá chắn để tấn công.
Trận phòng ngự này trở thành biểu tượng cho tinh thần chiến đấu bất khuất của Hồng quân Liên Xô. Chỉ có 4 người thuộc trung đội ban đầu, trong đó có Pavlov, sống sót sau chiến dịch vây hãm của phát xít Đức. Trong 59 ngày bị vây hãm, những cư dân sống tại đây được sơ tán xuống tầng hầm. Họ ở đó tới khi Hồng quân giải vây cho trung đội Pavlov ngày 25/10.
Một góc của tòa nhà được giữ lại như một tượng đài. Ảnh: Google.
Sau trận phòng ngự này, Pavlov tiếp tục tham gia trận Berlin và trở về nhà với nhiều huân chương chiến công. Năm 1945, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Sau chiến tranh, “nhà của Pavlov” được xây dựng lại với một tượng đài trên nền nhà ban đầu.
Duy Sơn
Theo VNE
Chiến dịch Cuồng phong - canh bạc tử thần của Hitler
Hitler đặt cược vào cuộc chiến để chiếm Moscow, nhưng bất lợi trong khâu tiếp tế và thời tiết khắc nghiệt khiến Đức hứng chịu thất bại với nhiều hệ lụy về sau.
Lực lượng Đức tấn công Moscow. Ảnh: Tumblr.
Ngày 22/6/1941, phát xít Đức phát động chiến dịch Barbarossa nhằm xâm lược Liên Xô. Các cuộc bao vây nối tiếp nhau khiến Hồng quân Liên Xô chịu thương vong tới 4 triệu quân. Đầu tháng 10, khi còn cách Moscow 321 km, Hitler phát động chiến dịch "Cuồng phong" để chiếm thủ đô Liên Xô, hy vọng sớm kết thúc chiến dịch mà không biết rằng đang đặt cược vào một canh bạc tử thần, theo National Interest.
Theo chuyên gia quân sự Michael Peck, Đức Đức triển khai hơn 3 triệu quân với mong muốn sớm kết thúc chiến tranh ở mặt trận phía Đông. Nhưng đến tháng 10/1941, họ đã hứng chịu hơn 500.000 thương vong, chiếm 15% lực lượng xâm lược Liên Xô.
Các đơn vị thiết giáp Đức ở sâu trong lãnh thổ Liên Xô phải bỏ lại một loạt xe tăng trong giao tranh và khoảng 40% xe tải quân sự vì chất lượng đường sá kém. Đường sắt là tuyến tiếp tế huyết mạch cho mặt trận phía Đông, nhưng khổ đường sắt Liên Xô lại rộng hơn đường sắt Đức, khiến tàu tiếp tế không thể di chuyển cho đến khi lực lượng công binh cải tạo lại những tuyến đường này.
Khâu hậu cần không đảm bảo khiến lính Đức trên chiến trường thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, đạn dược và đặc biệt là nhiên liệu cho xe tăng.
Hồng quân Liên Xô có lợi thế đóng quân ở gần các kho tiếp tế. Liên Xô liên tục bổ sung các sư đoàn mới ra tiền tuyến, dù các tân binh chưa được huấn luyện bài bản. Tình báo Đức trước đó chắc chắn Liên Xô sẽ sụp đổ, nhưng không thể hiểu nổi vì sao Hồng quân có thể kháng cự và không ngừng lớn mạnh.
Chiến dịch Cuồng phong được ví như trận đấm bốc giữa hai võ sĩ. Liên Xô có thể triển khai hơn 1 triệu quân và 1.000 xe tăng ở Moscow, phụ nữ và thanh niên thiếu niên cũng đào nhiều tuyến phòng thủ. Quân Đức huy động gần 2 triệu binh sĩ, hơn 1.000 xe tăng, 500 máy bay để tạo thế gọng kìm tiêu diệt lực lượng bảo vệ Moscow, sau đó tràn vào thành phố.
Nếu thời tiết tốt và nguồn tiếp tế hợp lý, quân đội phát xít Đức lúc đó có thể khuất phục bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch Cuồng phong, mọi thứ đều diễn ra đúng như kế hoạch, 4 quân đoàn Liên Xô hứng chịu thất bại nặng nề ở vùng Vyazma.
Tuy nhiên, tới đầu tháng 10, mùa đông lầy lội đặc trưng (Rasputitsa) của Liên Xô bắt đầu, biến chiến trường thành những bãi sình lầy khổng lồ. Các xe cơ giới bị ngập đến trục bánh, đòi hỏi binh sĩ phải dùng sức người kéo lên. Cả bộ binh và xe tiếp tế Đức đều không thể tiến lên trong điều kiện như vậy. Trong khi đó, Liên Xô tổ chức nhiều đợt phản công, khiến quân Đức thiệt hại nặng và kiệt sức.
Xe tăng T-34 Liên Xô cũng khiến lính Đức hoảng loạn và bất lực, bởi chúng có khả năng cơ động tốt trên đường lầy lội, trong khi các vũ khí chống tăng của Đức thường không thể xuyên thủng giáp của nó.
Đức ngừng tấn công để củng cố đội hình vào đầu tháng 11, khi thời tiết ngày càng lạnh hơn, khiến các vùng đầm lầy bị đóng băng. Mặt đất trở nên cứng, bớt lầy lội, giúp họ tiến công hiệu quả hơn. Đến cuối tháng 11, các đơn vị trinh sát Đức chỉ còn cách Moscow 19 km, gần đến mức có thể quan sát thấy các ngọn tháp của thành phố bằng ống nhòm.
Các mũi tấn công của Đức nhằm vào hướng Moscow. Ảnh: Weebly.
Đến đầu tháng 12/1941, nhiệt độ hạ thấp xuống -45 độ C. Dù lường trước được sự khắc nghiệt của mùa đông Liên Xô, khả năng tiếp tế hạn chế buộc Đức phải ưu tiên cung cấp nhiên liệu và đạn dược, bỏ qua áo rét cho binh lính. Họ tin rằng sẽ chiếm được Moscow trước khi mùa đông tới.
Đúng lúc này, Liên Xô điều động 18 sư đoàn tinh nhuệ từ Siberia về Moscow để bảo vệ thủ đô. Đây là lực lượng được huấn luyện bài bản, trang bị tốt, sẵn sàng hoạt động trong mùa đông khắc nghiệt.
Trong cuộc phản công ngày 5/12, các quân đoàn Liên Xô chọc thủng phòng tuyến quân Đức một cách dễ dàng. Vũ khí Đức bị đóng băng, binh lính cũng bị lạnh cóng, có người còn bị dính chặt vào vũ khí. Các binh sĩ Đức sống sót chỉ có thể bất lực đứng nhìn đối phương xuất hiện như những bóng ma trong sương mù và tuyết trắng.
Ở thời điểm quyết định cuộc chiến, một số tướng Đức muốn rút quân ra xa khỏi Moscow, nhưng Hitler lo sợ lui binh sẽ khiến binh sĩ hỗn loạn, giúp Hồng quân Liên Xô tiến gần đến cửa ngõ Đức. Bởi vậy, ông trùm phát xít ra lệnh cho binh sĩ giữ vững vị trí chiến đấu cho đến người cuối cùng theo phương thức phòng ngự co cụm.
Trong chiến dịch kéo dài từ ngày 2/10/1941 đến 7/1/1942, ước tính Đức chịu thương vong 248.000-400.000 quân, trong khi con số này của Liên Xô khoảng 650.000-1.280.000 người. Liên Xô sau đó tăng cường tiềm lực quân sự, bắt đầu xoay chuyển cục diện chiến trường bằng trận Stalingrad từ cuối năm 1942, làm phá sản chiến dịch Cuồng phong của Đức.
Một bãi sình lầy gần thủ đô Moscow. Ảnh: Wikipedia.
Chiến trường đẫm máu ở mặt trận phía Đông tiếp tục kéo dài đến năm 1945. Hitler đã thua trong canh bạc tử thần này khi không thể chiếm được Liên Xô trong chiến dịch Cuồng phong, bởi sau đó Mỹ và Anh đã mở mặt trận thứ hai bằng cuộc đổ bộ ở châu Âu.
Thất bại trong chiến dịch Cuồng phong để lại nhiều hệ lụy cho phát xít Đức. Mệnh lệnh không rút lui của Hitler đã khiến các tập đoàn quân Đức ở Stalingrad và Normandy phải cố thủ đến khi bị xóa sổ. Quân Đức chịu bất lợi liên tục trên chiến trường cho đến khi bị đánh bại hoàn toàn vào năm 1945.
Duy Sơn
Theo VNE
Chiến dịch xâm lược đẫm máu nhất mọi thời đại của Hitler Cuộc tấn công tổng lực vào Liên Xô khiến hàng chục triệu người thiệt mạng năm 1941 của phát xít Đức được xem là cuộc xâm lược ác liệt nhất trong lịch sử. Trận Stalingrad đánh dấu sự thất bại của quân Đức ở mặt trận phía Đông. Ảnh: Wikipedia. Sau khi đánh chiếm Pháp và nhận thấy việc tấn công Anh không...