52 tỷ đồng “vứt không” giữa ruộng
Do thiếu vốn cùng những thay đổi về chính sách nên dự án mới thực hiện được một phần với số tiền 52 tỷ đồng thì dừng lại giữa chừng. Hơn 2 năm nay, đoạn đường được đầu tư 52 tỷ đồng bị “vứt không” giữa đồng ruộng khiến người dân không khỏi xót xa.
Tuyến đường thẳng tắp, được trải nhựa đẹp đẽ nhưng nằm vô dụng giữa đồng hơn 2 năm nay.
Đầu tư giữa chừng rồi dừng
Dự án tuyến đường nối giữa đường Hàm Nghi ( TP Hà Tĩnh) với tỉnh lộ 21 (thuộc xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà) được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt năm 2009.
Tuyến đường dài 5,6km, được giao cho UBND huyện Thạch Hà làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn 367 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ là 330 tỷ đồng, còn lại là vốn từ ngân sách tỉnh.
Được khởi công từ cuối năm 2014, đến tháng 6/2016 khi dự án hoàn thành xong đoạn 2,3km với tổng số tiền 52 tỷ đồng thì bất ngờ dừng lại.
Từ đó đến nay dự án này vẫn án binh bất động. Đoạn đường đã hoàn thành dài 2,3km bị “vứt” giữa đồng ruộng, thành đường đi cho trâu bò.
Ghi nhận của PV Dân trí tại tuyến đường này, mặt đường được thảm nhựa bằng phẳng, rộng 11m, được chia thành 4 làn, gồm 2 làn cho ô tô và 2 làn cho phương tiện thô sơ. Hệ thống biển báo dọc tuyến đường đã được lắp đặt đầy đủ, nhiều hệ thống cọc tiêu đã bị gãy.
Tuyến đường làm dở dang như thế này đã trở thành cái bẫy do nhiều tài xế không thạo đường
“Không hiểu vì lý do gì mà con đường này làm giữa chừng như thế. Ngày ngày đi làm đồng thấy con đường này mà xót của lắm các chú ạ”, một người dân ở xã Thạch Xuân cho biết.
Dự án làm giữa chừng nên từ đây cũng xảy ra nhiều chuyện cười ra nước mắt do nhiều người chạy xe nhầm vào đường này. Thậm chí theo người dân nơi đây thì đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn do các tài xế không quen đường, thấy con đường đẹp và vắng vẻ nên phóng nhanh và… lao thẳng xuống ruộng.
Video đang HOT
“Nhiều người sống ở đây biết đường cụt nên khi đi qua họ rẽ theo đường đất chạy sang phía Thạch Đài, còn người nơi khác đến không biết họ thường lao thẳng. Rất nhiều người đi đường đã lao xuống ruộng, nhất là vào ban đêm”, người dân nơi đây cho biết.
Do thiếu vốn?
Một số cọc tiêu bị gãy
Liên quan đến dự án này, ông Ngô Đức Quy, Phó trưởng Ban Xây dựng cơ bản huyện Thạch Hà cho biết, nguyên nhân khiến con đường bị “tắc” giữa chừng là do nguồn vốn rót về dự án chậm, thời gian thực hiện dự án kéo dài dẫn đến trượt giá. Mặt khác thời điểm thi công, Chính phủ có chỉ thị cắt giảm đầu tư công, xử lý nợ xây dựng cơ bản nên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cấp về dự án giảm, không đủ để thực hiện dự án theo thiết kế được phê duyệt.
Còn 3,3km đường còn lại đã được tỉnh cắt, tách ra khỏi dự án để chuyển sang hình thức đầu tư BT (hình thức đổi đất lấy hạ tầng) và giao cho sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.
Theo ông Ngô Đức Quy, việc 3,3km đến nay chưa được đầu tư phụ thuộc vào tỉnh kêu gọi. Hiện tại chưa có doanh nghiệp nào chính thức tiếp nhận đoạn đường này. Cũng có nhiều doanh nghiệp về khảo sát, lên phương án đầu tư nhưng chưa có doanh nghiệp nào ký hợp đồng. Tỉnh muốn đầu tư theo thiết kế đường 42m chứ không phải theo thiết kế 12m như trước đây nên nguồn vốn đầu tư vào dự án này rất lớn dẫn đến nhiều doanh nghiệp còn e ngại.
Bỏ 52 tỷ đồng làm đường cho… trâu bò
“Chúng tôi mong muốn nếu chưa thể thông tuyến được thì các cấp, các ngành bổ sung đầu tư nối đoạn đường này về huyện lộ 2 với chiều dài khoảng 1,2km. Huyện lộ 2 là con đường huyết mạch nối trung tâm thị trấn huyện Thạch Hà về các xã vùng phía Tây Nam của huyện. Việc đấu nối sẽ phát huy được công năng, đảm bảo một phần mục tiêu của dự án” – ông Quy nói.
Xuân Sinh
Theo Dantri
7 năm triển khai, giải ngân 80 tỷ, dự án mới xong... 1km đường
Dự án đường ứng cứu phòng hộ vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) dài hơn 12km, được quyết định đầu tư trên 372 tỷ đồng. Sau hơn 7 năm xây dựng, dự án giao thông cấp bách này đang "dậm chân tại chỗ" vì... đói vốn.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, năm 2011, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định phê duyệt dự án "Đầu tư xây dựng công trình đường ứng cứu phòng hộ Vườn quốc gia Cúc Phương". Dự án do UBND huyện Nho Quan làm chủ đầu tư, dài hơn 12km (bắt đầu từ điểm giao với QL12B, điểm cuối là cổng vườn quốc gia Cúc Phương) với tổng mức đầu tư hơn 372 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn hợp pháp khác.
Đường ứng cứu phòng hộ vườn quốc gia Cúc Phương được quyết định đầu tư xây dựng hơn 372 tỷ đồng.
Đây là công trình đường giao thông cấp II, với mục tiêu cấp bách chính là ứng cứu phòng hộ vườn quốc gia Cúc Phương; ổn định dân cư, phát triển kinh tế vùng núi đặc biệt khó khăn phía Tây tỉnh Ninh Bình. Toàn tuyến đường đi qua 4 xã của huyện Nho Quan gồm: Đồng Phong, Văn Phương, Văn Phong và Cúc Phương.
Đến nay, sau hơn 7 năm triển khai dự án, công trình đường giao thông cấp bách này vẫn đang dở dang, ngổn ngang, chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành. Nguyên nhân được chủ đầu tư cho biết là do thiếu vốn.
Toàn tuyến đường 12km này nhiều năm qua lúc nào cũng trong tình trạng "đang thi công". Đoạn được thi công xong tạm thời, bắt đầu xuống cấp. Những nơi chưa được đầu tư xây dựng thì mặt đường hư hỏng nặng, ổ voi, ổ gà khắp nơi. Người dân địa phương mỗi khi đi trên con đường trăm tỷ này không khỏi ngao ngán, chưa biết đến bao giờ mới hết cảnh "mưa thì ngập, lầy lội, nắng thì bụi mù mịt".
Sau hơn 7 năm triển khai, đến nay dự án trăm tỷ cấp bách vẫn đang còn ngổn ngang, dang dở vì "đói vốn".
Đại diện Chủ đầu tư cho biết, do thiếu vốn nên đến nay dự án mới chỉ làm xong cơ bản được... 1km đường, đoạn qua xã Đồng Phong. Đoạn qua các xã Văn Phong, Văn Phương mới chỉ thực hiện kiểm đếm, chưa đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân, qua xã Cúc Phương cũng mới chỉ dải đá cấp phối...
Đây là con đường huyết mạch quan trọng của các xã khó khăn của huyện Nho Quan, hàng ngày người dân chủ yếu đi lại trên con đường này để giao thương. Do đường chưa thi công xong, nên mỗi khi đi trên con đường là nỗi ám ảnh đối với mọi người, đặc biệt là các cháu học sinh. Mưa thì đường lầy lội, nắng thì bụi mù mịt, quần áo đến lớp luôn ám một màu bụi đường.
Một người dân cho biết, khi biết dự án được đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp tuyến đường, người dân rất vui mừng phấn khởi, vì có đường lớn giao thông sẽ thuận tiện hơn. Tuy nhiên, chờ mãi đường vẫn chưa xong, giờ thì chỉ biết chờ đợi và sống chung với con đường... "nát bét".
"Đường chậm tiến độ khiến cuộc sống người dân hai bên đường chúng tôi bị đảo lộn, lúc nào trong nhà cũng bụi như ngoài sân. Việc sinh hoạt đã khó chứ nói gì đến việc phát triển kinh tế. Khổ nhất là các cháu học sinh, ngày nào cũng phải đi trên "con đường đau khổ" này" - người dân nói.
Được biết, sau trận lũ lịch sử vào tháng 10/2017, UBND tỉnh Ninh Bình đã cấp thêm vốn để xây dựng đường, hệ thống kè ngăn lũ tại dốc Quèn Thạch. Hiện nay, đơn vị thi công vẫn đang phá đá, mở đường. Mặt đường một số đoạn đã được đổ bê tông, kè ngăn lũ cũng đang được xây nhưng vẫn đang còn rất ngổn ngang.
Ổ voi, ổ gà xuất hiện khắp nơi trên tuyến đường khiến cuộc sống người dân địa phương bị đảo lộn.
Một lãnh đạo huyện Nho Quan cho biết, tổng số vốn theo quyết định là như vậy nhưng đến nay mới chỉ giải ngân được hơn 80 tỷ đồng. Vì thế mà dự án bị thiếu vốn, thi công chậm nhiều năm qua. Huyện cũng rất mong dự án được bố trí nguồn vốn sớm để triển khai xây dựng lại vì đây là công trình cấp bách, trọng điểm không chỉ của địa phương mà của cả tỉnh và quốc gia vì ảnh hưởng lớn đến công tác ứng cứu phòng hộ vườn quốc gia Cúc Phương.
Nhiều hộ dân đang sống, có đất hai bên đường bị giải tỏa lo lắng, việc kiểm đếm đã được thực hiện nhiều năm qua nhưng đến nay công tác đền bù vẫn chưa được thực hiện. Người dân sống trong thấp thỏm lo âu, ruộng vườn để không, đời sống và sản xuất bị ảnh hưởng rất nhiều.
Mỗi ngày các em học sinh phải đi học trên "con đường đau khổ" này, chưa biết bao giờ mới hết ngao ngán.
Dốc quèn mới được cấp thêm vốn để phá đá mở đường, xây kè ngăn lũ vẫn đang được thi công.
Nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi đi trên con đường được quyết định đầu tư hàng trăm tỷ đồng rồi thi công dang dở.
Thái Bá
Theo Danrti
Cỏ "bao trùm" dự án bệnh viện 227 tỷ đồng sau 8 năm triển khai Để phục vụ cho dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã phải thu hồi gần 3,2ha đất (trong đó gần 3ha đất nông nghiệp) của hàng chục hộ dân. Thế nhưng sau 8 năm triển khai, dự án vẫn như cánh đồng hoang, cỏ mọc um tùm. Dự án chỉ mới thực hiện được 2 dãy nhà rồi bỏ không suốt nhiều năm Theo...