5.100 vụ choảng nhau dịp Tết: Bình thường họ rất hiền!
Cả nước có hơn 19 triệu gia đình đạt gia đình văn hóa (chiếm 85,03%) nhưng chỉ trong 8 ngày nghỉ Tết đã có 5.121 vụ đánh nhau xảy ra.
Theo thống kê từ 1.300 cơ sở y tế khắp cả nước cho biết, trong 8 ngày nghỉ Tết, cả nước có 5.121 trường hợp nhập viện vì đánh nhau, trong đó 13 người tử vong. Như vậy, trung bình mỗi ngày nghỉ lễ, cả nước có hơn 600 lượt khám, cấp cứu vì xô xát. Nếu so với số vụ tai nạn giao thông, số vụ đánh nhau trong Tết phải cao hơn ít nhất 6-7 lần.
5 tỉnh, thành xảy ra đánh nhau dịp Tết nhiều nhất lại là những nơi có sô hộ gia đình văn hóa được xếp vào loại cao nhất cả nước, gồm: TP HCM: 317 ca, An Giang: 230, Kiên Giang: 224, Đồng Nai: 202 và Hà Nội: 197 ca. Nguyên nhân của các vụ đánh nhau ngày Tết là do tình trạng lạm dụng rượu bia tràn lan tại khắp các tỉnh thành.
Không thể lý giải
Chiều ngày 15/2, trao đổi với PV, ông Trần Trọng Tá – Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Toàn dân Đoàn kết tỉnh Đồng Nai tỏ ra hoàn toàn bất ngờ với thông tin mà Bộ Y tế thống kê trong dịp Tết Nguyên đán 2016. Theo ông Tá, nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chứ không phải chỉ vì lạm dụng rượu bia.
“Đồng Nai là một trong những nơi có tỷ lệ gia đình văn hóa cao nhất cả nước. Hàng năm chúng tôi cũng tổ chức nhiều chương trình thiết thực để gắn kết tình cảm cộng đồng, vận động mọi người đoàn kết xây dựng xã hội vững mạnh đi lên nhưng không hiểu sao họ lại gây lộn với nhau, đặc biệt là trong dịp Tết. Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, sử dụng rượu bia cũng chỉ là một phần thôi. Cụ thể thế nào chắc bên công an sẽ có thống kê” – ông Tá nói.
Cũng theo ông Tá, con số 202 vụ đánh nhau ở tỉnh Đồng Nai trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua cũng là con số đáng suy ngẫm, khi mà dịp Tết mọi người được nghỉ ngơi, thư giãn, không phải chịu những áp lực từ chuyện làm ăn. Thế nhưng tình trạng ức chế tâm lý dẫn tới không kiểm soát được hành động tăng đột biến là điều đáng lo ngại và cần phải có biện pháp giải quyết trong năm tới.
Nhiều người mượn rượu, bia để giải quyết mâu thuẫn thường ngày (Ảnh minh họa).
Video đang HOT
Còn bà Nguyễn Tâm Tuyết Trinh – Chánh Văn phòng Sở VHTT&DL An Giang cũng không thể lý giải được nguyên nhân vì sao người dân tỉnh nhà lại đánh nhau trong dịp Tết nhiều đến vậy. Theo bà Trinh, người dân miền Tây Nam bộ từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng là chân chất, hiền lành, quý người, trọng tình cảm.
Văn hóa “ăn nhậu” của người dân miền Tây Nam bộ cũng đã có từ xưa chứ không phải chỉ tập trung trong dịp Tết. Do đó nguyên nhân mà Bộ Y tế đưa ra cũng khiến nhiều cán bộ ở An Giang cảm thấy chưa thỏa đáng. Từ đó, bà Trinh cho rằng con số thống kê của Bộ Y tế chỉ phản ánh được “bề nổi” mà chưa đánh giá hết “phần chìm” khi chỉ dựa vào con số báo cáo từ các cơ sở y tế.
Trong khi đó, Bùi Ngọc Thanh Trung – Chánh Văn phòng Sở VHTT&DL Kiên Giang cũng tỏ ra bất ngờ trước thông tin tỉnh nhà xếp trong danh sách 5 địa phương có số vụ đánh nhau cao nhất cả nước. Ông Trung cho biết, chưa nhận được văn bản thông báo về thông tin này.
Mặc dù vậy, ông Trung vẫn cho rằng đây là một sự nhầm lẫn bởi người dân Kiên Giang bình thường rất hiền lành, quý người, trọng tình cảm. “Tôi sẽ cho kiểm tra và thông tin lại” – ông Trung nói.
Không bình thường
Nhận định về tình trạng đánh nhau tăng đột biến trong dịp Tết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến đã phải thốt lên: “Đó là điều không bình thường” trong những ngày đáng ra là dịp vui vẻ, sum vầy, nhân niềm vui.
“Dù với bất cứ lý do gì, việc gây hấn, đánh nhau trong những ngày Tết dẫn đến con số gần 3.500 người phải nhập viện vẫn là điều không thể chấp nhận được”, ông Tiến bày tỏ quan điểm.
Ông Tiến cho rằng uống rượu, bia không phải nguyên nhân gốc, mà nguyên nhân chính là cách ứng xử văn hóa, đặc biệt là trong giới thanh niên đang có vấn đề. Khi xảy ra mâu thuẫn, đáng ra phải trao đổi, tranh luận, phân tích cho nhau thì họ sẵn sàng dùng vũ lực lao vào đánh nhau thay cho lời giải thích, đó là việc rất đáng trách.
Đại tá, TS. Đỗ Cảnh Thìn, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an) nhận định, tình trạng đánh nhau sau khi uống rượu, bia trong dịp Tết thường xảy ra nhiều ở các vùng nông thôn, nơi mà “đề kháng” về pháp luật của người dân chưa được cao.
Đặc biệt, theo Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, ở nông thôn thường có tình trạng người dân vì mâu thuẫn nhỏ với nhau, rồi nhân dịp Tết, họ “mượn rượu” để nói, giải quyết mâu thuẫn, khúc mắc mà trong ngày thường người ta không nói được. Và sau khi uống rượu, bia vào, tâm lý căng thẳng nên không kiềm chế được bản thân, sẵn sàng lao vào ẩu đả.
“Khí chất của con người có người yếu đuối, có người mạnh mẽ, đó là chuyện bình thường. Nhưng kể cả với những người nóng tính, vẫn không thể “quy chụp” họ là những người hay đánh nhau. Điều quan trọng là sự hiểu biết, lối sống cá nhân của họ và ảnh hưởng, chi phối của cộng đồng.
Nếu ở trong một cộng đồng dù nhỏ nhưng ai cũng sống rất chuẩn mực, mọi người biết kiềm chế lẫn nhau, người nọ kiềm chế người kia thì sẽ không ai có cơ hội để đánh nhau” – ông Thìn phân tích.
Theo Phu nư TPHCM
Trinh sát hình sự và 4 ngày lái xe bắt kẻ giết người có cái tên... quá dài
Đại úy Nguyễn Quốc Huy tâm sự: "Các đối tượng hình sự vào thời điểm này đa số là những người có văn hóa thấp, rất manh động, liều lĩnh... nên khi bắt chúng tôi gặp rất nhiều nguy hiểm".
"Máu nghề nghiệp đã ngấm vào trong người rồi!"
Đó là trả lời của đại úy Nguyễn Quốc Huy - Chiến sĩ Trinh sát Đội hình sự Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội, khi chúng tôi hỏi anh về những hiểm nguy khi bắt cướp, bắt đối tượng phạm pháp có "hàng nóng".
"Trong khi bắt cướp và các đối tượng hình sự, chúng tôi không hề sợ bất cứ điều gì, vì máu nghề nghiệp đã ngấm vào trong người rồi. Nhưng khi bắt các đối tượng này thành công, về nhà nghĩ lại mới thấy sợ, chẳng hạn đối tượng bị nhiễm HIV, có vũ khí nóng, lạnh... điều này rất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân và các đồng chí của mình", đại úy Huy nói.
Đại úy Nguyễn Quốc Huy trao đổi với phóng viên.
Không thể "đoán trước" các tình huống khi vây bắt tội phạm nhưng theo đại úy Nguyễn Quốc Huy: "Trước khi bắt một đối tượng nào đó, chúng tôi phải lên kế hoạch cụ thể và nắm bắt tình hình từ địa bàn đến đối tượng đó đang ở đâu, dùng loại vũ khí gì, có khống chế con tin hay không... Việc nắm bắt này nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và chính bản thân chúng tôi. Ngoài ra, việc nắm bắt tình hình đó cũng nhằm đảm bảo tính mạng cho đối tượng chúng tôi thực hiện bắt".
Theo đại úy Nguyễn Quốc Huy, các đối tượng hình sự vào thời điểm này đa số là những người có văn hóa thấp, nên rất manh động, liều lĩnh nên khi vây bắt, cảnh sát gặp rất nhiều nguy hiểm. "Chẳng hạn, đối tượng ngáo đá đang có hành vi tấn công người khác, khi chúng tôi tiếp cận loại người này luôn gặp khó khăn. Loại đối tượng này, không chỉ tấn công lại các chiến sĩ trinh sát mà cả người dân, thậm chí cả bản thân họ trong tình trạng không phương hướng nên rất nguy hiểm. Thường những đối tượng ngáo đá, hành động hành vi của mình không có kiểm soát, nên rất khó lường. Trường hợp, đối tượng có hung khí nóng thì chúng tôi phải sử dụng nghiệp vụ của mình, để khống chế đối tượng bảo vệ sự an bình cho nhân dân cùng bản thân các chiến sĩ tham gia vây bắt và chính đối tượng".
"Cho đến lúc này, tôi còn nhớ như in lần truy bắt đối tượng Hoàng Bảo Ngọc Thanh Quý ở huyện Cam Lâm, Khánh Hòa - tên này đang bị Công an tỉnh Khánh Hòa truy nã về tội cướp tài sản. Sau khi trốn ra Hà Nội, Quý xin vào thử việc tại cửa hàng may của chị Nguyễn Thị Thu Hà ở đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, Hà Nội rồi nảy ý định cướp tài sản của gia chủ" đại úy Huy nói.Ấn tượng với tên cướp nguy hiểm vì có cái tên rất dài
Cơ quan công an bắt người đàn ông nghi "ngáo đá" trèo trên cây xanh đập phá.
Để thực hiện hành vi của mình, Quý dùng dao khống chế, trói chân tay chị Hà rồi cướp 2 nhẫn, 2 ĐTDĐ và khoảng 300.000 đồng rồi nhanh chân tẩu thoát. Do Quý sử dụng CMND giả để xin việc nên công tác điều tra gặp khó khăn. Khám nghiệm hiện trường, chúng tôi hiện hung thủ có bỏ lại một cuốn sổ, trên đó ghi địa chỉ số 3 Lĩnh Nam. Ngay lập tức toàn bộ các địa chỉ số nhà ở khu vực phố Lĩnh Nam được chúng tôi tập trung rà soát.
Ban đầu, chúng tôi tưởng Quý lên xe khách trốn vào tỉnh Thanh Hóa, nên chúng tôi mang xe ô tô của cơ quan truy đuổi. Tuy nhiên, Quý lại không vào Thanh Hóa mà tiến thẳng vào Huế, nên chúng tôi nhịn ăn, thay nhau lái ô tô từ Hà Nội vào Huế để truy bắt đối tượng này.
Hai ngày, hai đêm thức trắng, đến khoảng 4h ngày 17/1/2013, bằng biện pháp nghiệp vụ chúng tôi bắt được Quý ở cổng bến xe Huế. Ngay sau đó, chúng tôi lập biên bản vụ việc với cơ quan chức năng sở tại, rồi tiếp tục di lý đối tượng Quý về Hà Nội để thụ án. Quãng thời gian đi đó chúng tôi mất 4 ngày, không ngủ nhiều lúc nhịn ăn", đại úy Nguyễn Quốc Huy nhớ lại và kể.
Tuy nghề gặp muôn vàn khó khăn và đầy những mối nguy hiểm, nhưng đại úy Nguyễn Quốc Huy luôn tâm niệm: "Nếu cho lựa chọn thì tôi vẫn tiếp tục chọn công an trinh sát hình sự. Tôi luôn yêu nghề này, vì tính thích mạo hiểm". Tuy nhiên, đại úy Quốc Huy cũng thẳng thắn chia sẻ: "Nếu chọn công an trinh sát hình sự chỉ có lòng yêu nghề thôi là chưa đủ mà chọn nghề này, cần dũng cảm, kiên trì, ý chí, nhanh nhẹn... mới có sự thành công và tránh nguy hiểm cho nhân dân và bản thân cùng đồng đội".
Theo Infonet
Án mạng từ những đám đông: Nỗi lo 'nhàn rỗi' trong giới trẻ Xuất phát từ những nguyên cớ nhỏ nhặt nhưng với tâm lý đám đông, hành xử côn đồ mà nhiều vụ án nghiêm trọng đã xảy ra để rồi người chết kẻ vướng vòng lao lý. Những vụ án mạng từ nguyên cớ nhỏ nhặt Mới đây một số vụ án xảy ra khiến người ta phải "e sợ" trước cách hành xử...