50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2006 – 2008
Sau những biến chuyển nhất định ở giai đoạn 2003 – 2006, TVB khởi đầu khoảng thời gian sau đó với không ít khó khăn. Tuy nhiên, dù biết bao kẻ đi, người ở, nhà đài vẫn luôn trung thành với sứ mệnh phục vụ khán giả. Dẫu có lúc chông chênh, nhưng họ vẫn luôn nỗ lực không ngừng cho đến hôm nay.
Sóng Gió Gia Tộc (2007)
Với tư cách là “người anh” tiên phong cho series Đường tâm phong bạo, Sóng gió gia tộc thật sự đã tạo tiền đề vững chắc cho thành công của những phần phim tiếp theo. Ra mắt khán giả vào năm 2007, câu chuyện về gia đình của ông chủ tiệm hải vị Đường Nhân Giai ( Hạ Vũ) trở thành chuẩn mực cho dòng phim tình cảm gia đình của TVB sau này.
Tú Cầm luôn gây áp lực để tranh giành tài sản Đường gia
Chuyện phim xoay quanh những cuộc đấu đá và tranh giành tài sản đằng sau cánh cửa hào môn bề thế của Đường gia. Người ta thường có câu “một núi không thể có hai hổ”, song Đường Nhân Giai lại có đến hai người vợ, khiến những mâu thuẫn trong gia đình ngày càng trở nên phức tạp hơn. Trong khi Lăng Xảo ( Lý Tư Kỳ) – người vợ cả là một phụ nữ khéo léo, nhỏ nhẹ và ôn hòa thì người vợ lẽ Tú Cầm ( Quan Cúc Anh) lại khá ồn ào, thiếu điềm tĩnh. Tú Cầm luôn cho rằng bản thân bà đã phải chịu quá nhiều những bất công, khổ cực khi còn trẻ. Vì vậy, với tình yêu thương mù quáng của một người làm mẹ, Tú Cầm ra sức giành lấy gia tài của Đường gia cho con trai mình – Đường Chí Hoan ( Lê Nặc Ý). Nhưng rồi “tức nước” ắt “vỡ bờ”. Khi mọi việc dần đi quá giới hạn của nó cũng là lúc Lăng Xảo phát huy vai trò làm chủ tổ ấm một người phụ nữ. Bà quyết định đuổi Tú Cầm đi, để rồi từ đây, sóng gió mới thật sự dấy lên ở nhà họ Đường.
Đến cuối cùng gia đình vẫn là điều họ xem trọng nhất
Giám chế Lưu Gia Hào đã mang những mâu thuẫn thường thấy trong gia đình lên màn ảnh một cách gần gũi và chân thực. Đồng thời, người đàn ông họ Lưu cũng khéo léo khắc họa, lồng ghép thứ tình cảm đẹp giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em với nhau xuyên suốt diễn tiến của câu chuyện. Tình yêu thương, sự bao dung và đoàn kết là những gì người ta thấy được ở gia đình của Đường Nhân Giai. Họ có thể xâu xé lẫn nhau, nhưng tuyệt nhiên sẽ không bao giờ để người ngoài làm tổn hại đến người nhà mình.
Trần Hào, Lê Nặc Ý, Huỳnh Tông Trạch, Dương Di
Ở thời điểm ra mắt, phim thật sự đã gây tiếng vang tại thị trường châu Á, chiếm được rất nhiều cảm tình của khán giả màn ảnh nhỏ. Với những cái tên sáng giá như Mễ Tuyết, Trần Hào, Trần Pháp Lai, Dương Di, Lâm Phong, Huỳnh Tông Trạch, Chung Gia Hân… Sóng gió gia tộc đã trở thành “tượng đài” của dòng phim tình cảm gia đình, rất khó có bộ phim TVB nào sau này có thể vượt qua được.
Thử thách hôn nhân (2007)
Khi ra mắt ở thị trường Hong Kong năm 2007, Thử thách hôn nhân đã dẫn đầu trong top 10 bộ phim có rating cao nhất với 2,12 triệu lượt xem. Nội dung phim xoay quanh cuộc sống bị bủa vây bởi những áp lực vô hình của con người trong xã hội hiện đại. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Hoàn cảnh và nỗi lo lắng của từng nhân vật không ai giống ai, nhưng điểm chung duy nhất giữa họ chính là tất cả đều phải loay hoay tìm lối thoát cho sự ngột ngạt của đời sống thường nhật.
Những bà nội trợ với áp lực cuộc sống
Đạo diễn Lâm Chí Hoa đã khai thác câu chuyện ở nhiều khía cạnh khác nhau thông qua từng nhân vật, từng gia đình. Nếu Mông Gia Gia ( Đặng Tụy Văn) mắc chứng bệnh lo lắng về cách ăn mặc khác thường của chồng; Đinh Mai Hương ( Diệp Đồng) bị nhiễm bệnh xã hội từ chồng thì Tào Mỹ Nga ( Thương Thiên Nga) lại gặp vấn đề trong hôn nhân vì người thứ ba. Cuộc sống dần trở nên mỏi mệt đến bế tắc khi không ai trong số họ có thể giải quyết vấn đề của chính mình. Đó cũng chính là thực trạng của người dân Hong Kong nói riêng và thế giới nói chung ở giai đoạn sau này. Trong bối cảnh áp lực cuộc sống ngày càng đè nặng trên vai những con người trưởng thành thì Thử thách hôn nhân thực sự đã trở thành tiếng nói của thời đại.
Khương Đại Vệ thời trẻ cùng các diễn viên nữ của phim
Video đang HOT
Sau thời gian “thống trị” màn ảnh nhỏ ở giai đoạn trước, Đặng Tụy Văn lại gây ấn tượng với khán giả bằng một hình ảnh khác. Vẫn là gương mặt đó, thần thái đó, nhưng người ta nhận ra cô đã có những “bước chuyển mình” để làm bản thân mới hơn từng ngày. Đây là khoảng thời gian tạo tiền đề cho kĩ thuật diễn xuất vững vàng của Đặng Tụy Văn về sau, giúp cô chạm đến đỉnh vinh quang trong sự nghiệp. Đặng Tụy Văn cùng những cái tên đình đám như Tạ Thiên Hoa, Mã Quốc Minh, Khương Đại Vệ, Đường Ninh, Trần Pháp Lai đã khắc họa nên câu chuyện đầy ý nghĩa về cuộc sống và gia đình trong Thử thách hôn nhân.
Sức mạnh tình thân (2008)
Tiếp nối thành công của Sóng gió gia tộc, một năm sau Sức mạnh tình thân lại góp vào bức tranh Đường tâm phong bạo một mảnh ghép hoàn mỹ. Có thể nói, đây là phần phim thành công và tạo dấu ấn sâu sắc nhất trong lòng khán giả. Giữ lại dàn diễn viên cũ, giám chế Lưu Gia Hào tiếp tục “làm mưa làm gió” trên màn ảnh nhỏ với một cốt truyện mới về gia đình của ông chủ tiệm bánh Gia Hảo Nguyệt Viên – Cam Thái Tổ ( Hạ Vũ).
Đến cuối cùng phim cũng có kết cuộc đại đoàn viên
Cam Thái Tổ và Chung Tiếu Hà ( Lý Tư Kỳ) là hai vợ chồng. Họ cùng nhau đi lên, gây dựng sự nghiệp từ những tháng ngày khó khăn nhất. Song đến khi “khổ tận cam lai”, Cam Thái Tổ lại bỏ rơi “người vợ Tào Khang” để cùng Ân Hồng ( Mễ Tuyết) vun đắp tổ ấm mới. Có với nhau sáu mặt con, Tiếu Hà luôn dạy các con tôn trọng, yêu thương cha chúng, mặc cho những tội lỗi mà ông đã gây ra. Sau rất nhiều sóng gió, người ta vẫn nhận ra thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng mà những thành viên trong gia đình dành cho nhau. Sự lạc quan trước khó khăn được toát lên từ chính mỗi nhân vật.
Hình ảnh “má Hà” có thể nói là vai diễn để đời của Lý Tư Kỳ
Có thể nói, vai diễn Chung Tiếu Hà đã khiến khán giả khắc cốt ghi tâm hình ảnh của Lý Tư Kỳ. Đó như một “tượng đài” không thể đánh gục, là biểu tượng cho những người mẹ thương con bằng cả tâm can, song cũng vô cùng nghiêm nghị, quyết đoán, bản lĩnh và mạnh mẽ. Bà có thể đấu tranh đến cùng vì quyền lợi và hạnh phúc các con, đồng thời cũng lại vô cùng bao dung với tấm lòng yêu thương rộng mở. Xem phim, người ta không bao giờ cầm được nước mắt khi thấy “má Hà” khóc. Một đời lam lũ, nhưng chưa bao giờ bà thôi lạc quan. Trong mọi bước ngoặt khó khăn lẫn khổ đau của cuộc đời các con, “má Hà” chưa bao giờ vắng mặt. Mọi việc lớn nhỏ xảy ra, dù bão giông mấy cũng hóa nhẹ nhàng vì “Không phải sợ, có má Hà ở đại sảnh”. Đây chính là câu thoại đã làm nên thương hiệu “má Hà” của Lý Tư Kỳ.
“Không phải sợ, có má Hà ở đại sảnh”
Sức mạnh tình thân đúng như tên gọi đã truyền tải rất nhiều thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình, đồng thời kí thác lời nhắn nhủ đoàn viên thông qua việc đặt tên cho các nhân vật trong phim: Gia, Hảo, Nguyệt, Viên, Khánh, Trung, Thu. Bên cạnh đó, phim đã thu về rất nhiều thành quả đáng tự hào. Ngoài các giải thưởng tại đêm trao giải năm đó của TVB, tập phim cuối cùng của Sức mạnh tình thân đạt số điểm cao nhất trong lịch sử TVB là 50 điểm. Đồng thời đây chính là bộ phim dẫn đầu rating của nhà đài trong năm 2008 với 2,22 triệu lượt xem ở Hong Kong.
Bằng chứng thép 2 (2008)
Hai năm sau thành công vang dội của phần đầu tiên, giám chế Mai Tiểu Thanh đã viết tiếp câu chuyện của những con người chấp pháp. Chuyển biến bất ngờ trong tình tiết và diễn biến đã khiến Bằng chứng thép một lần nữa chạm đến đỉnh cao thành công với những con số đáng tự hào. Lọt top năm phim dẫn đầu tỉ suất người xem tại Hong Kong thời điểm đó, phim được đánh giá rất cao về sự sáng tạo trong cách xây dựng các vụ án và xử lý chúng một cách thuyết phục, thỏa mãn được người xem.
Những gương mặt quen thuộc
Hai gương mặt mới
Phần hai ngoài những gương mặt quen thuộc như Lâm Văn Long, Âu Dương Chấn Hoa, Mông Gia Tuệ… còn có sự tham gia của Trịnh Gia Dĩnh và Xa Thi Mạn. Sự thay đổi này tạo nên một tuyến nhân vật mới, góp phần tô điểm cho bức tranh lực lượng cảnh sát, pháp chứng của phim thêm những gam màu mới lạ. Không chỉ thu hút khán giả bởi dàn cast thực lực mà phim còn cho họ phút giây nhẹ nhàng, đan xen vào guồng máy vận hành của các phân đoạn phá án cân não. Yếu tố tình cảm và hình sự trộn lẫn vào nhau, được tính toán kĩ lưỡng để mang lại sự cân bằng cần thiết.
Lãng mạn nhưng không “sến súa”
Với cách làm phim của TVB ở giai đoạn trước hay giai đoạn này, thì những bộ phim kiểu như Bằng chứng thép đều không vấp phải sự khô khan. Tình cảm nhẹ nhàng, câu loại đơn giản nhưng vẫn mang lại cảm giác lãng mạn đầy tinh tế, ngọt ngào nhưng không “sến súa” giống các tác phẩm ngôn tình. Thực tế nhưng không kém phần lãng mạn, Mai Tiểu Thanh thật sự đã ghi lại dấu ấn quá đẹp trong lòng khán giả TVB.
Càng về giai đoạn sau này, nhà đài lại càng chật vật hơn trong việc tìm kiếm kịch bản chất lượng và diễn viên thực lực. Dù khoảng thời gian 2006 – 2008 đã có những dấu hiệu chuyển biến không mấy tích cực trong nội bộ các diễn viên, dẫn đến việc “thay máu” về sau; song nhà đài vẫn mang đến cho khán giả những thước phim giá trị như thế.
Theo Saostar
Series 'Sóng gió gia tộc': Bi kịch nhân sinh của những người phụ nữ làm kẻ thứ ba
Từ khi lên sóng phần phim đầu tiên, series "Sóng gió gia tộc" đã trở thành chuẩn mực cho dòng tình cảm - gia đình của TVB sau này. Chuyện phim gây ấn tượng với khán giả bởi những mâu thuẫn rất "đời" nhưng cũng gieo lại trong lòng người xem hình ảnh của các "tiểu tam" và bi kịch cuộc đời họ.
Sóng gió gia tộc hay Đường tâm phong bạo là series phim tình cảm gia đình gây tiếng vang lớn của nhà đài xứ Cảng. Qua ba phần phim, những kẻ thứ ba hiện lên trong lòng khán giả với hình ảnh không mấy tốt đẹp, thậm chí khiến người ta "ghét cay ghét đắng". Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao họ lại chọn con đường khó đi như vậy cho bản thân hay chưa?
Khi "tiểu tam" là những người làm mẹ
Quan Cúc Anh vai Vương Tú Cầm
Mễ Tuyết vai Ân Hồng
Ở phần một và hai của Sóng gió gia tộc, khán giả khó lòng quên được Vương Tú Cầm ( Quan Cúc Anh) và Ân Hồng ( Mễ Tuyết). Có thể nói, chỉ cần nhắc đến hai cái tên này, người ta sẵn sàng thốt ra không biết bao nhiêu lời lẽ cay độc dành cho họ - những người phụ nữ làm kẻ thứ ba. Đương nhiên, chúng ta là khán giả, chúng ta có quyền yêu - ghét bất kì nhân vật nào. Nhưng đã bao giờ ta đặt mình vào guồng quay cuộc đời họ, đứng ở góc độ khác để có cách nhìn nhận nhân văn hơn đối với những người phụ nữ này?
Sự tranh giành làm gia đình dậy sóng
Xung đột xảy ra vô cùng gay gắt bắt nguồn từ sự nham hiểm của Ân Hồng
Xuất thân từ một y tá, mặc cảm quá khứ khiến Tú Cầm luôn nghĩ bản thân mình bị xem thường vì thân phận nghèo hèn. Cho đến khi bà gặp Đường Nhân Giai ( Hạ Vũ) - người đàn ông thành đạt, phúc hậu, khao khát bấu víu lấy chiếc phao cứu sinh đổi đời trỗi dậy trong tâm người phụ nữ trẻ, âu cũng là lẽ thường. Cái sai duy nhất của Tú Cầm chính là đã chọn một người có vợ, có con, có một gia đình êm ấm. Ân Hồng cũng thế. Từng là một phụ nữ bị chồng ép đến phải ôm con tự vẫn, mất hết niềm tin vào cuộc sống, bà nuôi dưỡng cho mình ước mơ về một bến đỗ bình yên trong đời. Và thế là Ân Hồng nên duyên với Cam Thái Tổ ( Hạ Vũ) - ông chủ tiệm bánh mình làm công. Từ một nhân viên thấp bé phút chốc hóa bà chủ hào môn, "một bước lên mây" khiến Ân Hồng luôn sống trong nỗi thấp thỏm, lo sợ những gì mình có sẽ biến mất.
Chính vì lẽ đó, mà người ta luôn thấy một Vương Tú Cầm đanh đá đến chua ngoa, một Ân Hồng mưu mô, đầy thủ đoạn trên màn ảnh. Khi còn trẻ thì tranh "sủng hạnh" của chồng, lúc về già lại không từ bất kỳ thủ đoạn độc ác, nham hiểm nào để giành tiền, giành của cho con. Họ bị người đời khinh khi, ghét bỏ cũng từ đó mà ra. Nhưng chúng ta quên rằng "có tóc không ai muốn trọc đầu". Nếu không trót dại "nhắm mắt đưa chân" vào kiếp đời vợ lẽ, chắc họ cũng chẳng tự biến mình thành những người đàn bà tâm địa thâm sâu.
Khi con cái là điểm đích cuối cùng của cuộc đời người mẹ
Nhưng rồi đến cuối cùng, những "tiểu tam" như Tú Cầm và Ân Hồng đều "chào thua" trước con cái của mình. Khi Đường Chí Hoan ( Lê Nặc Ý) nói lên ước mơ muốn Lăng Xảo ( Lý Tư Kỳ) làm mẹ ruột của anh chứ không phải Tú Cầm; khi Thường Tại Tâm ( Chung Gia Hân) ngoảnh mặt quay lưng về "phe" "má lớn" Chung Tiếu Hà ( Lý Tư Kỳ), cũng là giây phút hai người làm mẹ thức tỉnh bản thân. Những người phụ nữ đó bắt đầu kiên trì trên hành trình tìm lại cái nguyên sơ khởi thủy của tâm hồn, để mong một ngày hai đứa con sẽ trở về bên họ.
Mưu mô, đầy thủ đoạn, nhưng Vương Tú Cầm, Ân Hồng lại chính là nạn nhân trong chính trò chơi quyền lực mình sắp bày. Thật sự rất nhẫn tâm, hai người đàn bà ấy nhẫn tâm đến độ cứa dao vào mình rồi mới mang nó đâm vào người khác. Người ta nào có biết rằng chính qua lưỡi dao tươm máu ấy, họ chỉ muốn người khác chảy cùng dòng máu với mình đôi chút, để hiểu và để thương cho cuộc đời truân chuyên của họ. Mà nào có ai thấu...
Có một mối tình dày vò kẻ thứ ba...
Sang đến phần ba của Sóng gió gia tộc, khán giả "yên tâm" hơn khi anh Chính ( Hạ Vũ) và chị Hỏa ( Lý Tư Kỳ) nhất mực thương yêu nhau. Không còn cảnh tượng "một vua hai hậu", những tưởng sau gần chục năm qua đi, biên kịch đã phá bỏ "cái khuôn" về những "tiểu tam" trong series. Nhưng không, vấn đề này lại được khai thác ở Huỳnh Dĩ Ái ( Trần Mẫn Chi) - con gái của "ba Chính", "má Chính".
Trần Mẫn Chi và Đường Văn Long
Vốn là cô gái mang nhiều tổn thương và ám ảnh tuổi thơ, Dĩ Ái thu mình trong chiếc vỏ ốc để tự bảo vệ bản thân trước mọi tác động từ bên ngoài. Sống khép kín và trầm lặng, cô con gái nhà họ Huỳnh đè nén mọi cảm xúc như một loại bản năng sinh tồn được trang bị từ bé. Cho đến khi gặp gỡ Trịnh Lập An ( Đường Văn Long), người đàn ông này đã "phá vỡ" mọi giới hạn của cô gái có tâm hồn mong manh, giúp cô giải phóng mọi cảm xúc bị giam cầm. Dĩ Ái dần mở lòng ra với cuộc sống, nhưng lại sa vào cuộc tình không lối thoát với Lập An. Anh đã có gia đình.
Có những nhân duyên được an bài rất oan trái
Khát khao yêu và được yêu, tự trói buộc đời mình với người đàn ông mở khóa trái tim mình, nhưng Dĩ Ái quên rằng cô đang trao cho anh ta cái quyền làm mình tổn thương. Không muốn phá hoại hạnh phúc người khác, nhưng suy cho cùng Dĩ Ái không cách nào thoát khỏi mối quan hệ này. Khác với Tú Cầm hay Ân Hồng, điều duy nhất Dĩ Ái kiếm tìm ở Lập An duy chỉ có tình yêu, chứ không phải vật chất hay danh phận.
Có những thứ đã sai ngay từ khi bắt đầu
Bất luận ra sao, chúng ta phải thừa nhận rằng cô gái này đã sai ngay từ khi bắt đầu. Cô sai vì trót mang cả chân tâm yêu người đàn ông có vợ; sai vì tin tưởng họ sẽ vì mình mà quay lưng với cả thế giới; sai vì tự huyễn hoặc vị trí của mình trong lòng người khác. Và sai nhất, chính là đã để cảm xúc lấn át lý trí, làm việc bất chấp hậu quả, không màng đến cảm xúc của người nhà. Dĩ Ái xem tình cảm kia là cả bầu trời, nhưng với Lập An nó chỉ là chút cảm xúc nhất thời thoáng qua. Anh không từ chối, thậm chí chấp nhận "lên giường" cùng cô nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ có ý định buông bỏ những gì đang có để đuổi theo người gái đã dốc lòng yêu anh đến kiệt cùng.
Trở thành nạn nhân của tình yêu, cô gái yếu đuối ấy dồn mình vào ngõ cụt không lối thoát của cảm xúc. Bầu trời của Huỳnh Dĩ Ái vì người đàn ông Trịnh Lập An phút chốc đổ sầm xuống ngay trước mắt. Nhưng vẫn có một người đàn ông luôn ở sau lưng, "đội đá vá trời" cho cuộc đời cô - Huỳnh Vĩnh Chính. Cô gái trẻ sau phút giây lầm lỡ đã vì nước mắt của cha mình mà thức tỉnh, làm lại cuộc đời, làm lại bản thân. Suy cho cùng, chỉ có cha mẹ là không bao giờ bỏ rơi con gái dù chúng có ra sao.
Tạm kết
Họ - những "tiểu tam" vừa đáng thương lại vừa đáng trách của series Sóng gió gia tộc hẳn đã mang đến rất nhiều cảm xúc cho khán giả. Chúng ta không cổ xúy cho việc có nỗi khổ riêng thì tự cho mình cái quyền chen chân vào hạnh phúc của người khác. Nhưng sinh ra là phận nữ nhi, có ai lại không muốn đường đường chính chính cùng người mình yêu xây dựng tổ ấm? Từ đầu chí cuối, những người phụ nữ chịu kiếp chồng chung dù làm lớn hay nhỏ cũng đều tội nghiệp như nhau cả. Vấn đề cốt lõi nằm ở người đàn ông, người ta nói "một tay vỗ không kêu" cũng vì vậy.
Cả Tú Cầm, Ân Hồng hay Dĩ Ái đều không khác nhau. Vì là con người, nên họ đã sống đúng với bản năng một con người. Tôi gọi cách phản ứng của ba "tiểu tam" này là phản ứng rất-đàn-bà của những người phụ nữ. Đương nhiên, chẳng ai có thể dõng dạc khẳng định rằng họ vô can vô tội sau mọi chuyện đã xảy ra. Song thay vì trách móc, tại sao khán giả không một lần nhìn nhận ba con người này với ánh nhìn bao dung hơn, khi bi kịch trầm luân mà đời họ từng nếm trải là quá lớn? Nếu làm được điều này, một lúc nào đó, ta sẽ thấy những người đàn ông mới đáng trách biết nhường nào. Sao cứ phải đổ mọi điều tiếng lên đầu người phụ nữ và mãi dày vò, làm tình làm tội họ với những lời lẽ nặng nề?
Theo Saostar
Tối nay lên sóng, 'Cung tâm kế 2' nối tiếp thành công phần 1 kinh điển hay theo vết xe mòn cũ kỹ của TVB? Bộ phim TVB "Cung tâm kế" vào năm 2009 đã từng làm mưa làm gió một thời gian dài. Mới đây đã gần 10 năm trôi qua, những thể loại cung đình đấu đá này dường như đã quá phổ biến ở thị trường Hong Kong nói riêng và châu Á nói chung. Với motif cũ kỹ, khó đột phá này, khán giả...