5 phim học đường châu Á không chỉ dành cho học sinh: Đến người lớn cũng sốc nặng khi xem số 3 và 5
Dưới đây là danh sách những bộ phim học đường đình đám của châu Á nhưng không chỉ dành cho các bạn học sinh mà kể cả những ai từng là học sinh cũng nên tìm xem.
Nhiều khi, một bộ phim học đường không đơn thuần chỉ dành cho đối tượng người xem là học sinh, sinh viên. Với thể loại và nội dung đa dạng, vượt ra ngoài bối cảnh trường học, 5 tác phẩm điện ảnh châu Á dưới đây sẽ khiến ngay cả những khán giả đã đi qua thời ngồi trên ghế nhà trường cũng say mê, thậm chí… sợ hãi khi theo dõi.
1. Cô Gái Năm Ấy Chúng Ta Cùng Theo Đuổi – Đài Loan
Đây có lẽ là một trong những bộ phim được “luyện” nhiều nhất trong các khu ký túc xá của cả nam sinh lẫn nữ sinh ở Việt Nam. Hai nhân vật chính của phim, Kha Cảnh Đằng và Thẩm Giai Nghi, là bạn cùng lớp từ hồi cấp hai. Trong khi Thẩm Giai Nghi vô cùng dễ thương xinh đẹp, được mọi người yêu quý thì Kha Cảnh Đằng nổi tiếng bất hảo, nghịch ngợm, quậy phá không ai bằng.
Chính tính cách khác biệt này khiến hai người hầu như chẳng bao giờ nói chuyện với nhau trên lớp. Tuy nhiên, càng trái dấu thì lại càng dễ hút nhau. Giữa Cảnh Đằng và Giai Nghi dần nảy sinh tình cảm nhưng sự bồng bột, ấu trĩ của tuổi trẻ đã khiến cho mối quan hệ giữa hai người trở thành một sự lỡ dở vô cùng đáng tiếc mà họ mãi mãi không bao giờ quên.
2. A Little Thing Called Love (Mối Tình Đầu) – Thái Lan
Bộ phim của điện ảnh Thái Lan này được xem là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất về đề tài mối tình đầu. Nam là một cô bé 14 tuổi với ngoại hình không mấy nổi bật, cô thầm thương trộm nhớ anh chàng hot boy khoá trên là Shone. Do mặc cảm bản thân, Nam giấu kín tình cảm trong lòng, không dám bày tỏ. Đến khi Shone học năm cuối, Nam quyết tâm lột xác và dần trở thành một nữ sinh xinh xắn để có thể bước đến gần Shone.
3. Confessions (Lời Thú Tội) – Nhật Bản
Đây là một bộ phim lấy bối cảnh ở một trường trung học, nhân vật chính là những học sinh trung học nhưng không nên được xem bởi bất kỳ một đứa trẻ trung học nào. Yuko Moriguchi là một giáo viên trung học có con gái bốn tuổi được tìm thấy đã chết. Sốc và đau khổ, cô trở về lớp học chỉ để tin rằng hai học sinh trong lớp sẽ phải chịu trách nhiệm về tội giết con gái của mình. Hành trình của bộ phim nói về cuộc đời và những sự kiện bất hạnh diễn ra trong tuổi thơ của những kẻ thù ác mặc đồng phục trắng và qua đó đưa ra những lời cảnh tỉnh về cách giáo dục của người lớn đối với trẻ em trong xã hội Nhật Bản hiện đại.
Video đang HOT
4. Bad Genius (Thiên Tài Bất Hảo) – Thái Lan
Đây là một bộ phim có bối cảnh học đường nhưng được kể trong lớp vỏ của một tác phẩm thể loại phim thief (trộm cướp). Bad Genius theo chân Lynn, một nữ sinh nhà nghèo nhưng học giỏi xuất sắc. Trong đợt kiểm tra giữa kỳ, Lynn lén lút nhắc bài cho cô bạn Grace. Việc này nhanh chóng lọt vào con mắt tinh đời của Pat – bạn trai của Grace và cũng là con trai của một nhà buôn giàu có. Pat nhanh chóng nảy ra ý định thuê Lynn để nhắc bài cho mình, qua đó đạt đủ tiêu chuẩn để sang Mỹ du học.
Chưa hết, Pat còn định “thương mại hoá” hành vi này, biến đường dây quay cóp của mình trở thành một mạng lưới cho tất cả những đứa trẻ nhà giàu khác có thể trả tiền để được tham gia. Tuy nhiên, Lynn, Patt và Grace đều không thể ngờ rằng cái giá phải trả cho hành vi sai trái của mình đắt đến nhường nào… Nhìn chung, Bad Genius là một bộ phim học đường nhưng lại “kịch tính như phim hành động Mỹ”, khiến người xem như nín lặng theo dõi kế hoạch gian lận hết sức tinh vi và gay cấn của nhóm “thiên tài bất hảo”.
5. All About Lily Chou-Chou (Khúc Cầu Siêu Của Tuổi Trẻ) – Nhật Bản
Đây là bộ phim khiến cho nhiều người phải bất ngờ về Shunji Iwai, một đạo diễn nổi tiếng với giọng kể thuần khiết và trong sáng đột nhiên cho ra đời một bộ phim tăm tối đến thảm khốc về đề tài học đường. Với kịch bản lấy cảm hứng từ những lời cầu cứu vô danh trên mạng, bộ phim kể về Yuichi Hasumi, một học sinh lớp 8 đang sống cùng với mẹ và cha dượng tại một vùng nông thôn Nhật Bản.
Ở trường, Yuichi Hasumi hay bị thầy cô la mắng và bạn bè lợi dụng. Trong những chuỗi ngày ngột ngạt như thế, đối với Yuichi chỉ còn một thứ duy nhất khiến cậu có thể bám víu vào là Lily Chou-Chou, nữ ca sĩ mà cậu vô cùng yêu quý. Thời gian dần dần trôi qua cùng hiện thực tàn khốc không thể tin nổi: nạn buôn bán mại dâm nữ sinh, bạo lực học đường, sự phản bội,… Những lời hát của Lily dần dần trở thành khúc cầu siêu cho tuổi trẻ của Yuichi và biết bao những đứa trẻ bất hạnh khác tại vùng quê hẻo lánh của Nhật Bản này.
Theo Trí Thức Trẻ
Tự tử, bạo lực, nghiện game...: Những cảnh báo về "bệnh học đường"
Tự tử, bạo lực, nghiện game là những vấn đề trong 16 "bệnh" thường gặp trong học đường có thể gây khó khăn cho học sinh trong quá trình phát triển được các chuyên gia cảnh báo trong Cẩm nang tâm lý học đường.
Cuốn cẩm nang được biên soạn bởi 3 tác giả uy tín trong lĩnh vực tâm lý học đường gồm PGS. TS Trần Thị Lệ Thu, PGS. TS Trần Thành Nam, ThS Nguyễn Thị Phương với sự cố vấn chuyên môn của TS Lê Nguyên Phương. Cuốn cẩm nang ra đời với mong muốn hỗ trợ phụ huynh, giáo viên cách nhận biết 16 triệu chứng bệnh - hành vi tâm lý học đường thường gặp phải, đồng thời phân tích biểu hiện, nguyên nhân, từ đó đưa ra phương pháp khắc phục.
Hội thảo ra mắt cuốn Cẩm nang tâm lý học đường tại TPHCM
Cuốn cẩm nang vừa được giới thiệu tại TPHCM sau khi ra mắt tại Hội thảo Tâm lý Học đường Quốc tế lần thứ VI diễn ra vào đầu tháng 8/2018 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nội dung cẩm nang được xây dựng, sắp xếp theo các nhóm vấn đề thường gặp theo lứa tuổi tăng dần để giúp giáo viên, phụ huynh dễ dàng tìm thấy các chỉ dẫn phù hợp với độ tuổi của học trò, con em mình.
Các vấn đề được đề cập như định nghĩa lại hiểu biết về: Chậm phát triển ở trẻ, Khuyết tật trí tuệ; Bổ sung kiến thức về các bệnh - hành vi rối loạn: Rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ; Rối loạn học tập; hướng dẫn cho bố mẹ, thầy cô giáo cách nhận biết về các hành vi của tuổi học đường như: Bắt nạt học đường; Nghiện game, internet và mạng xã hội; Tình yêu tuổi học trò...
Sách cũng đưa ra những phương pháp xử lý phù hợp cho bố mẹ khi rơi vào trường hợp: Là phụ huynh của các em đang là nạn nhân của quấy rối tình dục, xâm hại tình dục; Hướng dẫn thầy cô giáo, bố mẹ đưa ra phương án xử lý những vướng mắc trong mối quan hệ với người bệnh lo âu, trầm cảm, hay những người có hành vi tự gây tổn thương, thậm chí... tự tử.
Được biết, các hội thảo, tọa đàm về những "căn bệnh" liên quan đến các vấn đề học đường sẽ được tổ chức tại 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang. Kế hoạch đầu năm 2019, sẽ có những khóa tập huấn chuyên sâu giành cho giáo viên kiêm nhiệm hay mong muốn trở thành chuyên viên tư vấn học đường và đưa cuốn sách vào thư viện các trường học.
Một số "bệnh" học đường cần được giáo viên, phụ huynh lưu tâm:
Nghiện game, internet và mạng xã hội
Một số dấu hiệu nhận diện là chơi game, internet và mạng xã hội quá 6 tiếng/ngày; cảm thấy bồn chồn, ủ rũ, khó chịu khi không được sử dụng; sa sút học tập, giảm chất lượng công việc và mất các mối quan hệ do dành quá nhiều thời gian cho thế giới mạng. Các chuyên gia cảnh báo, việc "nghiện" này có thể gây ra trạng thái căng thẳng, trầm cảm, lo âu và các vấn đề về giấc ngủ.
Ảnh minh họa
Khi trẻ có dấu hiệu nghiện game, internet và mạng xã hội, cha mẹ cần cùng trẻ xây dựng kế hoạch, cách thức kiểm soát mức độ sử dụng như ngắt kết nối mạng nếu không thực sự cần thiết; cùng trẻ lập thời gian biểu và cho trẻ tham gia các hoạt động hữu ích như giải trí, năng khiếu, tập thể... Ngoài ra, có thể cho trẻ đi đánh giá, can thiệp về chuyên môn từ các chuyên gia.
Đặc biệt, bố mẹ vẫn là tấm gương trong sử dụng và kiểm soát việc sử dụng game, internet và mạng xã hội; dành thời gian tìm hiểu, cùng sử dụng, phòng ngừa các hậu quả xấu từ chúng; cần dành thời gian quan tâm, xây dựng mối quan hệ chất lượng với con trẻ; hướng con trẻ đến các hoạt động giao tiếp lành mạnh như gặp gỡ mọi người, đọc sách, tập thể thao, đi du lịch, hoạt động xã hội thay vì để trẻ một mình.
Bắt nạt học đường
Ngoài bắt nạt ở trường học thì vấn đề bắt nạt trực tuyến thông qua các tiện ích và ứng dụng trên internet rất cần được lưu tâm. Đây được xem là hiện tượng báo động xảy ra phổ biến trên toàn thế giới, tỷ lệ học sinh bị bắt nạt trực tuyến ngày càng tăng.
Phụ huynh cần hết sức lưu tâm là trẻ bị bắt nạt phải chịu những tổn thương tinh thần, chán nản, cô đơn và suy sụp. Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh làm thế nào để đối phó với những kẻ bắt nạt có thể khiến các em bị stress, lo âu, trầm cảm và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý. Nhiều vụ việc học sinh bị bắt nạt để lại hậu quả nghiêm trọng là tự sát.
Cần nhất là nhận diện sớm các dấu hiệu, nguy cơ trẻ bị bắt nạt và tìm kiếm sự giúp đỡ từ giáo viên, chuyên gia tâm lý để can thiệp kịp thời. Và cả trẻ bắt nạt cũng có thể đang có gặp khó khăn cần được sự hỗ trợ.
Tự tử
Đây cũng là một trong những "bệnh học đường" mà các chuyên gia lưu ý nhà trường và gia đình cần quan tâm đến trẻ nhỏ. Học trò có hành vi tự tử có thể vì các nguyên nhân như trầm cảm và cảm giác tuyệt vọng; bị lạm dụng, bạo hành tự nhỏ; mối quan hệ đổ vỡ...
Người thân cần hiểu ý nghĩa của hành vi tự tử có thể là sự trốn chạy, sự tuyệt vọng, sự tự trừng phạt, sự đổ lỗi, trả thù, sự mất mát... Khi đối diện với đau thương, tang tóc, các em rất cần được hỗ trợ để vượt qua cú sốc tâm lý, cảm xúc tức giận và các dấu hiệu trầm cảm...
16 vấn đề tâm lý thường gặp ở học đường:
Chậm phát triển, khuyết tật trí tuệ, tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn học tập, bắt nạt học đường, mệt mỏi, các vấn đề về giấc ngủ, nghiệm game - internet và mạng xã hội, tình yêu tuổi học trò, quấy rối tình dục, xâm hại tình dục, lo âu, trầm cảm, hành vi tự gây tổn thương, tự tử.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Đời thực không như phim: 'Nam thần châu Á' khí chất bất phàm trên màn ảnh, đời tư lại ồn ào đến khó tin Chỉ tội cho những ai đã trót phải lòng các anh đành chấp nhận "vỡ mộng" tan tành mà thôi. Được khán giả yêu mến vì những vai diễn điển trai, khí chất bất phàm trên màn ảnh thế nhưng bước ra "đời thực", không ít sao nam châu Á khiến người hâm mộ rơi vào "hố sâu tuyệt vọng' vì đời tư...