5 năm ‘nội chiến’ khiến mafia Nhật suy yếu
“ Nội chiến” đã khiến các băng đảng mafia ở Nhật (yakuza) suy yếu chỉ trong 5 năm, việc cảnh sát không làm được trong gần 150 năm trước đó.
Một chiều tháng 10/2019, cảnh sát thành phố Kobe tập trung trước trụ sở băng đảng yakuza có tên Kobe Yamaguchi-gumi nhưng không phải để bắt người bên trong. Trái lại, họ bảo vệ nơi này khỏi thành viên băng đảng đối địch.
Lúc này, một người đàn ông lớn tuổi đeo máy ảnh lủng lẳng trước ngực, nom dáng giống nhà báo, bước xuống từ chiếc ôtô vừa dừng lại. Khi bị hỏi, ông cụ vụng về lục túi, lấy ra danh thiếp. “Tôi biết khu vực này rất nguy hiểm, nhưng vẫn phải tác nghiệp”, cụ ông nói.
Khi cảnh sát đang hỏi chuyện “nhà báo”, hai tên yakuza bước ra từ trong trụ sở. Dường như chỉ chờ có thế, “nhà báo” lập tức rút súng hoa cải trong ôtô và bóp cò, khiến hai kẻ kia chết tại chỗ.
Một lúc sau, “nhà báo” mới được xác định là Toshio Maruyama, 68 tuổi, kẻ giết thuê cho băng đảng yakuza đối địch có tên Yamaguchi-gumi. “Tôi là hung thủ, ra tay một mình”, Maruyama khai với cảnh sát. Hung thủ lần này đã bị bắt giữ nhưng đây chỉ là hai cái chết nữa trong cuộc chiến kéo dài.
Tại Nhật Bản, yakuza chỉ hơn 20 băng đảng mafia, mỗi băng đảng có logo doanh nghiệp, lịch sử, tòa nhà văn phòng riêng và không bị coi là phi pháp. Từ năm 2011, chính phủ Nhật Bản đã ban hành luật quy định những điều mà yakuza được làm. Một số tổ chức yakuza sở hữu công ty bình phong hợp pháp như nhà hàng, công ty bất động sản và thậm chí là sàn giao dịch tiền ảo.
Trong số nhóm mafia tại Nhật Bản, Yamaguchi-gumi là băng nhóm cai trị tất cả cho đến khi bị phân mảnh từ 5 năm trước. Thời kỳ đỉnh cao quyền lực, tổ chức này có 40.000 thành viên, nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo, có thể tác động tới thị trường tài chính và còn đóng vai trò trong việc xác định liên minh chính trị nào sẽ cai trị quốc gia.
Yamaguchi-gumi ban đầu được thành lập vào năm 1915 tại thành phố cảng Kobe. Sau Thế chiến II, dưới chỉ đạo của thủ lĩnh đời thứ ba Kazuo Taoka, băng đảng này củng cố được địa bàn bằng cách khôi phục trật tự đường phố, điều hành chợ đen, chuyển sang hoạt động đánh bạc, cho vay nặng lãi, xây dựng, và thậm chí là ngành công nghiệp giải trí.
Từ ngoài nhìn vào, Yamaguchi-gumi tránh xa hoạt động buôn ma túy, tội phạm đường phố, trộm cắp thông thường, đồng thời phát triển quan hệ liên minh chiến lược với chính trị gia và cả cảnh sát. Taoka thậm chí từng đảm nhiệm chức vụ cảnh sát trưởng danh dự trong một ngày tại một đồn cảnh sát ở Kobe vào những năm 1960. Kể cả khi bị cảnh sát trấn áp trước thềm Thế vận hội năm 1964, Yamaguchi-gumi vẫn có thể tồn tại.
Tới năm 1989, Yoshinori Watanabe trở thành thủ lĩnh đời thứ 5 của Yamaguchi-gumi. Sự kiện này trao nhiều quyền lực cho Yamaken-gumi, phe phái của Watanabe, đồng thời đẩy phe phái đối địch Kodo-kai ra rìa.
Yoshinori Watanabe (phải). Ảnh: Kyodo / Landov .
Video đang HOT
Nhưng sau nhiều năm dưới sự cai trị của Watanabe, Tsukasa Shinobu, thủ lĩnh của phe Kodo-kai, được cho là đã dùng súng uy hiếp đối phương xuống ghế vào ngày 27/8/2005. Là thủ lĩnh thứ 6 của băng đảng Yamaguchi-gumi quyền lực, Tsukasa cai trị bằng nắm đấm thép và tăng phí gia nhập.
Tương tự các băng đảng yakuza khác, Yamaguchi-gumi cũng là một dạng “chuỗi thương hiệu”, thành viên phải trả phí hàng tháng để dùng logo doanh nghiệp và hưởng lợi ích của tổ chức. Hành động tăng phí vì thế đã làm mất lòng nhiều người. Ngoài ra, lệnh cấm buôn bán ma túy của Tsukasa cũng bị một số thành viên cho là lạc hậu. Quan trọng hơn, người của phe phái Kodo-kai được thăng tiến trong tổ chức nhiều hơn hẳn so với các phe khác.
Năm 2008, Tadamasa Goto, một thủ lĩnh trong Yamaguchi-gumi, cố gắng tiếm quyền nhưng thất bại, kết quả hắn cùng đám đàn em bị trục xuất suốt đời. Tuy vậy, rất nhiều đồng minh của Goto lại là thành viên của phe phái Yamaken-gumi. Chính từ đây, hạt giống bất hòa được gieo vào trong hàng ngũ băng đảng Yamaguchi-gumi quyền lực.
Bảy năm sau, phe Yamaken-gumi quyết định tách ra khỏi băng đảng chính vì bất bình trước việc phí hàng tháng quá cao và thiếu sự thăng tiến. Ngày 27/8/2015, phe phái này cùng một số nhóm bất mãn khác đã thành lập băng đảng đối địch mới, lấy tên tương tự là Kobe Yamaguchi-gumi. Lần nổi dậy này được cho là do Goto, kẻ bị trục xuất khi trước, hậu thuẫn.
Ban đầu, mâu thuẫn giữa hai bên còn được kìm hãm, nhưng càng về sau, số vụ tấn công và giết chóc ngày càng leo thang. Tháng 5/2016 đánh dấu thương vong đầu tiên của Kobe Yamaguchi-gumi khi một sếp phó quyền lực bị bắn chết tại bãi đỗ xe. Bốn tháng sau, nhiều thành viên của Kobe Yamaguchi-gumi vây kín và có hành vi hạ nhục Tsukasa, thủ lĩnh của băng đảng đối địch.
Tuy nhiên, băng đảng Kobe Yamaguchi-gumi không hả hê được lâu. Năm 2017, một kẻ thân tín trong nhóm lại quyết định tách ra thành băng đảng khác. Băng đảng mới lấy tên Ninkyo Yamaguchi-gumi và dự định hoàn lương để trở thành “hướng đạo sinh yakuza”.
Từ đó tới nay, ba băng đảng này đấu đá để tranh giành cái tên “Yamaguchi-gumi”. Chúng nổ súng, tông xe vào nhà riêng của đối thủ, đăng tải video các vụ đánh đập lên mạng xã hội, thậm chí ném bom nhà ở và văn phòng. Thương vong của Kobe Yamaguchi-gumi được cho là khá nghiêm trọng.
Tháng 12/2019, Hiroji Nakata, một sếp của Kobe Yamaguchi-gumi, bị bắt giữ vì cố gắng giết thành viên cấp cao của Yamaguchi-gumi. Việc Nakata đích thân gây án đã gây sốc cho thế giới ngầm vì chưa từng có trường hợp sếp yakuza đi làm công việc của đàn em. Một số kẻ trong thế giới ngầm đùa rằng Kobe Yamaguchi-gumi thiếu người tới mức không còn ai đủ khả năng làm việc.
Trong lúc chờ ra tòa, tháng 7 vừa qua, Nakata thể hiện ý định sẽ mang đàn em tách ra khỏi Kobe Yamaguchi-gumi. Gần như đồng thời, một phe phái khác tại thành phố Okayama với số tài sản lớn trong tay cũng công bố dự định từ bỏ. Qua tháng 8, một vài nhóm khác cũng đi theo xu hướng này. Thành viên của Kobe Yamaguchi-gumi đã rơi xuống dưới 1.000.
Cuộc chiến này cũng gây thiệt hại cho các tạp chí xuất bản hàng tháng chuyên viết về yakuza. Với nội dung bao gồm lịch sử của yakuza qua truyện tranh, tin tức các vụ bắt giữ, thương vong, và ảnh hình xăm, những ấn phẩm này được ví như quảng cáo chiêu mộ cho thế giới ngầm. Nhưng những tạp chí này đang dần biến mất do cảnh sát ngày càng gây áp lực để yêu cầu ngân hàng ngừng cho nhà xuất bản vay vốn, cùng với việc rất ít người còn hứng thú với hoạt động của yakuza.
Cảnh sát khám xét trụ sở của Kobe Yamaguchi-gumi vào tháng 10/2016 tại thành phố Awaji, Hyogo. Ảnh: The Asahi Shimbun.
Theo Satoru Takegaki, từng là sếp trong Yamaguchi-gumi, cuộc đấu đá trên đã ảnh hưởng tiêu cực tới toàn bộ thế giới yakuza. Việc chia tách băng đảng lớn nhất tại Nhật Bản đã có hiệu ứng lan tỏa, đặc biệt là khi các nhóm quyết định sẽ đứng về phía nào. Ví dụ, Inagawa-Kai, băng đảng yakuza lớn thứ ba tại Nhật, cũng trải qua việc chia tách. Aizu Kotetsu-kai, băng đảng yakuza có lịch sử lâu đời nhất tại Nhật, cũng bị phân mảnh.
Thực tế, cảnh sát mới là người chiến thắng thực sự của cuộc chiến 5 năm nói trên. Bằng cách đứng nhìn sự việc, lực lượng chấp pháp đã để cho yakuza tự làm mình suy yếu. Họ cũng tận dụng cơ hội này để có căn cứ đóng cửa văn phòng của các bên và trấn áp hoạt động băng đảng.
Vụ ám sát cựu thủ tướng Lebanon 15 năm trước
15 năm sau khi cựu thủ tướng Lebanon Rafik al-Hariri bị ám sát, tòa án do LHQ hậu thuẫn chuẩn bị đưa ra phán quyết về 4 nghi phạm từ nhóm Hezbollah.
Rafic Hariri giữ chức thủ tướng Lebanon năm 1992 - 1998 và năm 2000 - 2004 sau cuộc nội chiến 1975 - 1990. Ông theo phái Hồi giáo Sunni, là tỷ phú đã lập nghiệp từ ngành xây dựng ở Arab Saudi.
Thủ tướng Lebanon Rafik al-Hariri trong cuộc họp nội các ở Beirut ngày 20/9/2004. Ảnh: Reuters.
Khi trở thành thủ tướng lần đầu tiên năm 1992, ông là trường hợp hiếm hoi khi một lãnh đạo Lebanon không từng tham chiến. Ông đã dẫn đầu nỗ lực để tái xây dựng Beirut, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố.
Hariri có nhiều mối quan hệ quốc tế và là bạn thân của cố tổng thống Pháp Jacques Chirac. Ông có hộ chiếu Arab Saudi và được coi là biểu tượng của ảnh hưởng của Arab Saudi với Lebanon trong những năm sau chiến tranh.
Trong một năm trước vụ ám sát, Hariri dính vào tranh cãi liên quan đến việc kéo dài nhiệm kỳ của Tổng thống thân Syria Emile Lahoud. Dưới áp lực của Syria, hiến pháp Lebanon được sửa đổi để cho phép gia hạn nhiệm kỳ thêm ba năm. Hariri phản đối động thái này nhưng cuối cùng đã ký thông qua sửa đổi.
Hariri ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2004, gây áp lực lên Syria về vai trò của họ ở Lebanon. Họ kêu gọi một cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng, rút toàn bộ lực lượng nước ngoài và giải tán các nhóm vũ trang trong nước, trong đó có cả nhóm Hezbollah thuộc phái Shiite thân Syria.
Tháng 10/2004, Hariri từ chức thủ tướng nhưng vẫn tiếp tục hoạt động trong chính trường với tư cách nghị sĩ. Ngày 14/2/2005, Hariri lên xe sau khi ghé thăm một quán cà phê gần tòa nhà quốc hội. Một kẻ đánh bom tự sát ngồi trong một chiếc xe tải chứa hai tấn chất nổ quân sự đã chờ sẵn đoàn xe của Hariri. Anh ta kích nổ quả bom khi chiếc xe Hariri đang tự lái đi qua.
Hariri cùng 21 người khác thiệt mạng trong vụ nổ bên ngoài khách sạn St. George. Các nạn nhân bao gồm vệ sĩ, cựu bộ trưởng kinh tế Bassil Fleihan và cả người qua đường không có liên quan.
Vụ ám sát kích động phong trào biểu tình "Cách mạng Cedar", phản đối sự hiện diện của Syria ở Lebanon. Dưới áp lực quốc tế ngày càng tăng, Syria rút quân khỏi Lebanon vào tháng 4/2005. Lebanon được định hình lại.
Con trai của Hariri, Saad, thiết lập Liên minh 14/3 gồm các đảng chống Syria, được hậu thuẫn bởi các quốc gia phương Tây và Arab Saudi. Trong khi đó, các đồng minh Lebanon của Syria, bao gồm Hezbollah, tập hợp thành Liên minh 8/3.
Hai phe này đối chọi nhau trong nhiều năm, phần lớn tập trung vào vấn đề vũ khí của Hezbollah và vụ ám sát Hariri.
Hiện trường vụ đánh bom ám sát cựu thủ tướng Lebanon Rafik al-Hariri ngày 14/2/2005. Ảnh: Reuters.
Một cuộc điều tra quốc tế được tiến hành vào tháng 6/2005, do công tố viên Đức Detlev Mehlis dẫn dắt. Tháng 10/2005, họ đưa ra báo cáo ám chỉ các quan chức Syria và Lebanon cấp cao liên quan đến vụ ám sát. Syria bác bỏ mọi liên quan.
Tháng 8/2005, 4 tướng Lebanon thân Syria bị bắt theo yêu cầu của Mehlis. Họ được thả ra gần 4 năm sau mà không bị buộc tội vì không có đủ bằng chứng để truy tố.
Mehlis được thay thế vào đầu năm 2006. Cuộc điều tra diễn ra chậm chạp. Một số nhân sự chủ chốt đã từ chức. Saad al-Hariri ban đầu cáo buộc Syria đứng sau cái chết của cha mình nhưng ông rút lại cáo buộc vào năm 2010.
Toà án Đặc biệt về Lebanon được thiết lập năm 2007 ở Hà Lan để điều tra và truy tố người đứng sau vụ ám sát Hariri. Năm 2011, tòa án truy tố và phát lệnh bắt 4 thành viên Hezbollah gồm Salim Jamil Ayyash, Mustafa Badreddine, Assad Hassan Sabra và Hussein Hassan Oneissi. Năm 2012, họ truy tố thêm một thành viên của Hezbollah là Hassan Habib Merhi.
Salim Jamil Ayyash, Hassan Habib Merhi, Assad Hassan Sabra và Hussein Hassan Oneissi bị cáo buộc âm mưu thực hiện một cuộc tấn công khủng bố. Ayyash bị buộc tội thực hiện hành động khủng bố, giết người và âm mưu giết người. Hezbollah bác bỏ những cáo buộc này, gọi đây là bịa đặt và không có bằng chứng. Mustafa Badreddine đã bị giết tại Syria vào năm 2016.
Các công tố viên cho biết dữ liệu từ các mạng điện thoại cho thấy các nghi phạm đã gọi cho nhau bằng hàng chục chiếc điện thoại để theo dõi Hariri trong vài tháng trước vụ tấn công và để phối hợp hoạt động vào ngày cựu thủ tướng Lebanon bị ám sát. Những người này đã không xuất hiện trước công chúng trong nhiều năm và bị xử vắng mặt, không rõ họ đang ở đâu.
Tòa dự kiến ra phán quyết liệu 4 người này có tội hay không vào 7/8 nhưng hoãn tới ngày 18/8, với lý do nhằm thể hiện "sự tôn trọng" với những người đã thiệt mạng trong vụ nổ ở cảng Beirut hôm 4/8. Nếu họ bị buộc tội, phiên kết án sẽ được tổ chức sau, những người này có thể đối mặt án tù chung thân.
Saad và những người ủng hộ Hariri cho biết họ không tìm cách trả thù hay đối đầu, nhưng phán quyết của tòa án phải được tôn trọng. "Chúng tôi mong chờ ngày 7/8 là ngày của sự thật và công lý cho Lebanon, và là ngày trừng phạt cho những tên tội phạm", Saad Hariri trước đó nói.
Liên Hợp Quốc kêu gọi tăng cường viện trợ nhân đạo cho Syria Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Stephane Dujarric, viện trợ nhân đạo xuyên quốc gia cho Syria cần phải tăng cường thay vì bị hạn chế. Ngày 10/7, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi tăng cường cung cấp viện trợ nhân đạo qua biên giới cho Syria, trong bối cảnh các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bất...