5 món dưa muối tuyệt ngon cho cả nhà giải ngán ngày Tết
Đảm bảo với những cách làm dưa muối truyền thống này mâm cỗ Tết của gia đình bạn sẽ ngon hơn rất nhiều.
DƯA GIÁ
Nguyên liệu:
- Giá đỗ: 350-400g
- Lá hẹ: 100g
- Cà rốt: 1 củ
- Hành tím: 4-5 củ
- 2 trái ớt
- Muối, đường, giấm, nước đun sôi để nguội.
Cách làm:
Giá đỗ nhặt bỏ các cọng giá giập nát và vỏ đỗ còn sót lại. Sau đó rửa sạch, để ráo nước. Lá hẹ nhặt bỏ những lá giập, úa, rửa sạch, cắt khúc cỡ 3-4cm.
Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng sau đó thái sợi.
Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, xắt lát. Ớt bỏ cuống, rửa sạch, xắt lát.
Chuẩn bị 1 bình thuỷ tinh hay bình/tô gốm sứ để muối dưa giá, không nên sử dụng bình nhựa. Sau đó rửa thật sạch bình, úp ngược xuống cho bình khô hoặc dùng khăn lau thật khô bình. Cho 1,5-1,8 lít nước vào bình, thêm 1,5 thìa muối hạt, 1 thìa đường, 1 muỗng canh giấm ăn, khuấy tan sau đó nêm sao cho có vị mặn hơn khi nấu canh là được, không nên nêm mặn quá. Tiếp đến thả phần hành tím, ớt xắt ở trên vào bình nước muối.
Trộn đều các nguyên liệu giá đỗ, lá hẹ và cà rốt.
Sau đó thả vào bình đã có sẵn nước muối dưa, ấn nhẹ tay cho nước ngập mặt các nguyên liệu. Nếu chưa ngập bạn phải pha thêm chút nước muối như trên để thêm vào bình muối sao cho nước muối phải ngập mặt dưa giá.
Đậy kín bình, để nơi thoáng mát 1 ngày là sử dụng được. Món này ăn cùng với thịt luộc đặc biệt là thịt kho rất ngon.
DƯA MÓN
Nguyên liệu:
- 300g cà rốt; 300g củ cải; 200g đường; 50ml nước lọc; 1/2 thìa càfe mì chính; nước mắm (liều lượng tùy độ mặn); muối trắng
Cách làm:
Hòa 20g muối với 2 lít nước. Cà rốt, củ cải bào vỏ, rửa sạch, thái khoanh, thái sợi hay tỉa hoa tùy thích rồi ngâm nước muối 30 phút.
Đổ cà rốt, củ cải ra rổ, dùng khăn vắt kiệt nước muối, rửa lại bằng nước lạnh rồi lại vắt khô, rửa và vắt 3 lần như thế để rau củ không bị mặn. Xếp rau củ lên vỉ nướng, chỉnh lò 100 độ C chế độ có quạt gió, cho vỉ rau củ vào tầng thứ 2 của lò (từ dưới đếm lên) sấy 1 tiếng.
Hòa 20g muối với 2 lít nước. Cà rốt, củ cải bào vỏ, rửa sạch, thái khoanh, thái sợi hay tỉa hoa tùy thích rồi ngâm nước muối 30 phút.
Đổ cà rốt, củ cải ra rổ, dùng khăn vắt kiệt nước muối, rửa lại bằng nước lạnh rồi lại vắt khô, rửa và vắt 3 lần như thế để rau củ không bị mặn. Xếp rau củ lên vỉ nướng, chỉnh lò 100 độ C chế độ có quạt gió, cho vỉ rau củ vào tầng thứ 2 của lò (từ dưới đếm lên) sấy 1 tiếng.
Video đang HOT
Cho vào nồi 200g đường, 50ml nước lọc, đun sôi cho đường tan rồi thêm nước mắm từ từ đến khi đạt độ mặn vừa phải (vì các loại nước mắm trên thị trường có độ mặn khác nhau nên không thể cho liều lượng cụ thể). Đun sôi hỗn hợp rồi tắt lửa, vớt bọt. Khi đường hết sôi thì cho 1/2 thìa cafe mì chính vào khuấy tan. Bóc vỏ tỏi và bào mỏng.
Rau củ đã sấy được 1 tiếng thì tắt lò, lấy ra để nguội rồi xếp vào lọ thuỷ tinh cùng tỏi đã bào khi nãy. Dùng tăm hoặc que tre chèn trên mặt rồi đổ nước mắm vào, đậy nắp lọ và để nơi thoáng mát, 2 ngày sau là có thể dùng dần.
DƯA KIỆU
Nguyên liệu:
- 1 kg kiệu
- 2 muỗng canh muối hột
- 1 muỗng cà phê phèn chua
- Giấm trắng
- 350g đường
Cách làm:
- Ngâm kiệu trong nước pha muối hột 12 giờ (mình thường ngâm buổi tối đến sáng). Xả nhiều lần.
- Pha nước phèn chua ngâm kiệu đã xả, đem thau kiệu phơi 1 nắng. Xả nhiều lần. Trải kiệu ra mặt khay hay rổ, phơi một nắng cho ráo.
- Cắt rễ, ngọn, lột vỏ (còn khoảng 800g). Rửa qua nước cho sạch bụi, để ráo.
- Chuẩn bị một chén giấm cho vài củ kiệu vào rửa kiệu qua giấm, vớt ra. Làm lần lượt cho hết kiệu. Cho kiệu vào âu lớn, ướp một lớp đường, một lớp kiệu, lại một lớp đường, một lớp kiệu cho đến hết, đậy lại, thỉnh thoảng đảo đều, đợi kiệu ra nước, tự lên men. Khoảng 2 ngày sau kiệu bắt đầu có nước và đường tan hết.
- Lúc này sắp kiệu vào lọ thủy tinh có bắp đậy cho đẹp. Chừng hơn 2 tuần là dưa kiệu chua vừa ăn. Cách này lâu ăn được nhưng bù lại để được lâu hơn cách ngâm giấm. Nếu muốn nhanh ăn được (nhưng không để lâu được bằng cách ướp đường): nấu 250g đường với 600 ml giấm, để thật nguội cho vào lọ kiệu. Chừng 7-10 ngày là ăn được (tùy độ chua của nước giấm đường).
Tùy độ chua của giấm mà gia giảm đường. Mình sử dụng giấm nuôi, không sử dụng giấm gạo nên độ chua vừa phải, giấm gạo để lâu dưa kiệu sẽ bị vàng.
DƯA HÀNH “SIÊU TỐC
Nguyên liệu:
- 300g củ hành trắng
- 200ml dấm ăn; 100ml nước lọc; 50g đường; 40g muối; nước vo gạo
Cách làm:
Hành mua về ngâm nước vo gạo để qua đêm.
Hòa 20g muối với 1,5 lít nước. Cắt rễ hành, bóc vỏ, rửa qua nước muối rồi trút ra rổ để ráo nước.
Nấu nước dấm: cho 200ml dấm, 100 nước, 50g đường, 20g muối vào nồi đun sôi, khi đường tan hết thì tắt bếp để nguội. Xếp hành vào lọ, dùng tăm hay que tre chèn trên mặt trước khi đổ nước muối vào để hành không bị trồi trên mặt nước.
Để hành nơi khô ráo thoáng mát, khoảng 3-4 ngày là dùng được.
DƯA CẢI MUỐI CHUA
Nguyên liệu: (lượng nguyên liệu cho 5 người)
- 1 cải bẹ
- 2 củ hành tím
- Một ít hành lá
- Gia vị: 20g muối; 60g đường; 30ml giấm
Cách làm:
Rửa sạch rau củ, thải rau cải thành miếng vừa ăn, thái lát mỏng hành tím và cắt hành lá thành từng đoạn khoảng 4cm.
Phơi cải, hành tím và hành lá ngoài trời nắng 1 ngày để rau hơi héo lại.
Cho 20g muối, 60g đường, 30ml giấm vào một lọ thủy tinh/nhựa sạch, đổ nước ấm (40 – 50độ C) vào khoảng 1/2 chiều cao lọ, khuấy đều cho tan muối và đường.
Cho cải, hành tím và hành lá vào lọ, ngập hoàn toàn dưới nước. Đậy kín, bảo quản nơi khô mát khoảng 2 ngày, trước khi dùng.
Dọn dưa cải muối chua ra dùng chung với cơm.
Lưu ý:
- Cải cần được ngâm ngập hoàn toàn dưới nước, tránh bị úng.
- Có thể gia giảm lượng muối, đường, giấm tùy theo khẩu vị.
- Khi dưa đạt đến độ chua vừa ý, nên bảo quản dưa trong tủ lạnh, tránh cho dưa tiếp tục lên men.
Theo eva
Nếu Hàn Quốc có kim chi nổi tiếng thế giới thì Việt Nam cũng tự hào không kém với món này
Món dưa muối của Việt Nam, nếu để ý cũng sẽ thấy sự cầu kì, đặc sắc không kém gì kim chi trên nhiều phương diện.
Ở Hàn Quốc, kim chi nổi tiếng đến không tưởng, được người dân xứ này "o bế" và "mê muội" trên diện rộng. Người Hàn tiêu thụ hơn 1,6 triệu tấn kim chi một năm. Họ có hẳn một viện nghiên cứu kim chi và các món ăn lên men ở tỉnh Gwangju, một bảo tàng kim chi ngay tại thủ đô Seoul và các lễ hội vinh danh kim chi được chính phủ tài trợ. Thậm chí, họ còn bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của chỉ để nghiên cứu cách mang kim chi lên tàu vũ trụ cùng phi hành gia người Hàn.
"Nếu con dân Đại Hàn đi vào vũ trụ, kim chi nhất định phải đi cùng". Trưởng viện nghiên cứu ẩm thực Hàn Quốc đã từng khẳng định như vậy, đủ hiểu tầm quan trọng của kim chi với dân tộc này. Có lẽ từ đây mà kim chi được biết đến như "quốc thực" của Hàn Quốc.
Cùng với độ khuếch tán văn hoá Hàn sang nước ngoài thì kim chi cũng được "thơm lây" theo các văn hoá phim ảnh, âm nhạc và thần tượng. Các trang báo nước ngoài không ngừng dành những lời khen có cánh cho kim chi về hương vị độc đáo của món rau lên men, cùng với cách chuẩn bị kỳ công và vô số những lợi ích về sức khoẻ.
Để có được một lọ kim chi ngon thì người ta phải trải qua rất nhiều công đoạn như ngâm muối rửa củ cải, bắp cải, sau đó làm sốt, lật từng lá để bôi nước sốt, rồi lại xếp từng lá để hương vị có thể ngấm đều. Một lọ kim chi bình thường ở ngoài hàng ăn có thể tốn từ vài ngày đến vài tháng để làm nên, tính luôn thời gian ủ. Người Hàn xem việc làm kim chi như một loại hình nghệ thuật, người nghệ nhân phải làm sao để các loại gia vị khi đem ủ sẽ hoà quyện với nhau tạo nên hương vị nhất quán.
Có thể nói, kim chi là món ăn đã áp dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật lên men thực phẩm, mang tính "đa năng" và gần gũi khi là món ăn kèm gần như hoàn hảo cho bất kì loại thức ăn nào. Không những thế, kim chi còn đóng vai trò điều hoà và cân bằng dinh dưỡng cho các món ăn khác. Với tất cả những giá trị này, kim chi đã chiếm được rất nhiều sự yêu quý của không chỉ người Hàn mà nhiều bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, nếu xét dựa theo những tiêu chí trên, thì Việt Nam ta cũng có những loại dưa muối cũng đặc sắc, tinh tế không kém, nếu không muốn nói là có phần còn cầu kì hơn.
Nếu bạn đã bao giờ làm dưa cải muối cho ngày Tết, hẳn sẽ "thấm" được sự cực nhọc chẳng khác chi quá trình làm kim chi kiểu Hàn. Lọ dưa muối trong góc nhà mà bình thường chúng ta chẳng thèm để ý ấy, thực ra chất chứa biết bao nhiêu tinh hoa và công sức tỉ mỉ đấy.
Trong khi ở Hàn có đa dạng các loại kim chi khác nhau như kim chi củ cải, kim chi lá mè, kim chi cải thảo, kim chi ngưu bàng... thì các loại cải muối ở Việt Nam cũng phong phú chẳng kém. Cụ thể, chỉ trong một mùa Tết, ra chợ cũng đếm được không biết bao nhiêu các loại cải muối như dưa cải, dưa giá đỗ, củ kiệu, cà pháo, dưa chuột, quả sung, xơ mít... Khác với người Hàn hầu như chỉ ăn một loại kim chi thường xuyên, người Việt Nam ăn nhiều loại khác nhau tuỳ theo món ăn.
Nếu như ở Hàn, kim chi như chiếc áo ai mặc cũng vừa thì ở Việt Nam, các loại dưa cải muối khác nhau sẽ "kén" món ăn khác nhau. Nguyên liệu làm các món dưa muối của Việt Nam dù có phần tương tự nhưng không hoàn toàn giống nhau. Ví dụ như cà pháo có thể thêm tỏi, thêm ớt, thêm nước mắm... trong khi bắp cải muối hầu như chỉ có ít rau răm. Có thể thấy người Việt thực sự rất để tâm đến sự khác biệt về hương vị và kết cấu của từng loại rau củ. Chính vì vậy mà "ngoại hình" của các món dưa muối Việt Nam hầu như không ai giống ai. Trong khi mọi loại kim chi Hàn Quốc đều có màu đỏ đặc trưng của bột ớt thì cải muối của Việt Nam lại vẫn giữ được màu sắc và hình dáng gần như tự nhiên.
Nhiều người nghĩ rằng dưa muối ở Việt Nam đơn giản, điều này đúng với những người rất giỏi và có thâm niên, hoặc những người không có yêu cầu cao với các món dưa. Cứ lấy dưa giá đỗ làm ví dụ, ai cũng có thể trộn, ngâm các loại dưa với nhau. Song làm sao để giá đỗ sống mất đi mùi hăng, tanh tự nhiên mà vẫn giữ được sắc trắng muốt không ngả màu cùng kết cấu giòn giòn, thì không phải ai cũng làm được đâu.
Làm dưa giá thì dễ, làm sao cho không hăng mà vẫn giữ được vị giòn cùng màu trắng mới khó!
Đối với kimchi, nhiều người có thói quen thử trước khi đem ủ, nếu vừa miệng thì thành quả kim chi sau khi ủ sẽ vừa miệng hiếm khi sai lệch. Còn đối với dưa cải muối Việt Nam, thậm chí đến cả những người lành nghề đều phải "nơm nớp" lo lắng không biết thành phẩm ra thế nào. Bởi vì chỉ cần một vài biến số nho nhỏ, như hôm đấy đóng nắp, chèn giấy không kỹ, hoặc tay rửa không được sạch, còn dính tí tẹo nguyên liệu khác, thì cả lọ dưa muối sẽ "lãnh hậu quả" ngay.
Có thể thấy, dưa muối Việt Nam cầu kì và yêu cầu cao chẳng kém kim chi Hàn Quốc, thậm chí còn có phần hơn. Hai trường phái dưa cải muối khác nhau của Việt Nam và Hàn Quốc đều có những điểm đặc sắc riêng khó có thể so sánh. Tuy nhiên, thông qua bài viết này, mình vẫn hi vọng chúng ta với tư cách là thế hệ trẻ Việt Nam, có thể hiểu biết hơn về các nét đẹp của quê hương, để rồi tự hào rằng dân tộc mình cũng có những nét văn hoá tinh tế đáng tự hào chẳng thua ai.
Mong là từ đây về sau, bạn sẽ nhìn lọ dưa muối trong góc nhà bằng một ánh mắt thật khác nhé!
Theo Trí Thức Trẻ
Có 5 thực đơn cơm tối này cả tuần sau khỏi phải nghĩ đi chợ mua gì! Mẹ NaKen sẽ gợi ý cho bạn thực đơn cơm tối vừa ngon miệng vừa đẹp mắt. Thực đơn số 1 Rau cải luộc Bò xào rau củ Trứng đúc thịt Dưa muối Thực đơn số 2 Canh kim chi nấu nấm Thịt heo quay giòn bì Tráng miệng: Kiwi vàng Thực đơn số 3 Củ cải luộc Canh dưa bò Trứng chiên...