5 món ăn hấp dẫn nên thưởng thức khi du lịch Đà Nẵng
Đà Nẵng là thành phố xanh sạch đẹp hấp dẫn du khách bởi nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng và nền ẩm thực đặc sắc, phong phú.
Khi tới Đà Nẵng, du khách không nên bỏ lỡ những món ăn ngon nổi tiếng sau:
1. Bánh xèo
Bánh xèo là món ăn rất được ưa chuộng và có tiếng ở Đà Nẵng. Bánh xèo nơi đây được làm từ bột gạo xay có thêm lòng đỏ trứng và bột nghệ, đúc trên chảo nóng. Tôm đồng, tôm sông tươi roi rói, thịt ba chỉ nửa nạc nửa mỡ, rau sống thì ngoài những loại rau phổ thông như xà lách, húng quế còn có cả chuối chát, rau cải con…
Khi chảo nóng, người ta nhúng một nhúm hành tươi vào dầu phụng rồi thấm đều quanh chảo, sau đó đặt vào lòng chảo một vài con tôm và thịt ba chỉ xắt nhỏ. Thịt và tôm đã được ướp mắm, muối, gia vị và xào sơ qua cho vừa chín. Khi dầu toả mùi thơm thì dùng muôi múc nước bột gạo đổ vào chảo. Bột gặp dầu nóng phát ra tiếng kêu “xèo, xèo” nghe rất vui tai.
Bánh xèo Đà Nẵng. (Ảnh qua wanderlusttips.com)
Nước tương được pha chế từ gan heo và đậu phụng xay tạo thành một loại nước chấm có hương vị bùi bùi, béo béo, bên cạnh một chén nước mắm ớt tỏi pha theo kiểu truyền thống. Dùng để cuốn bánh xèo là những xấp bánh tráng mỏng hoặc lá cải cay to hơn lòng bàn tay.
Bánh xèo được thưởng thức khi còn nóng, nhờ đó, thực khách sẽ cảm nhận đầy đủ hương vị đậm đà của bánh loại bánh truyền thống này.
2. Mì Quảng
Ở Đà Nẵng, mặc dù có nhiều loại mì Quảng khác nhau như mì gà, mì tôm, mì thịt, mì trứng, mì bò, mì sứa, mì cá lóc,… nhưng tất cả đều mang một hương vị rất riêng, rất đặc trưng của mì Quảng. Hòa quyện cùng sợi mì trắng ngà (hay vàng) và mềm mại là vị thanh ngọt và béo ngậy của nước hầm xương (người dân gọi là nước lèo).
Video đang HOT
Mì Quảng Đà Nẵng. (Ảnh qua vivutours.com)
Mì Quảng thường được ăn kèm với nhiều loại rau sống như cải non mới nụ, xà lách tươi, húng, quế, giá, rau răm, ngò rí, hành hoa thái nhỏ, hoa chuối sắt mỏng,… tất cả được trộn đều, tạo nên một mùi vị đậm đà khó quên.
Đặc biệt, thành phần không thể thiếu của mì Quảng là lạc rang và bánh tráng mè nướng giòn. Vị thơm của lạc rang và vị giòn tan của bánh tráng sẽ làm tăng thêm ý vị cho món ăn đặc sản này.
3. Bún chả cá
Một lý do quan trọng để bún chả cá phổ biến ở miền Trung là vì nơi đây giáp biển, quanh năm luôn có những loại cá ngon thích hợp để chế biến món chả, như: cá thu, cá thác lác, cá chuồn, cá mối, cá nhồng…
Bún chả cá ở Đà Nẵng có hương vị rất đặc biệt, khác hẳn với các tỉnh khác. Bún chả cá ngon, khi ăn không có mùi tanh, chỉ nghe hương thơm ngào ngạt của tô bún kết hợp với vị ngọt thanh của rau củ quả và vị đậm đà của nước lèo khiến bất cứ thực khách nào cũng phải xuýt xoa…
Bún chả cá Đà Nẵng. (Ảnh qua danangtour.asia)
Bún chả cá còn được ăn kèm với rau sống, như xà lách, húng, quế, giá đỗ sống. Đặc biệt, không thể thiếu đối với món bún chả cá là ớt tỏi giã và hành ngâm giấm đường. Vị chua chua ngọt ngọt của hành hương cộng với vị cay của ớt tỏi khiến thực khách có những trải nghiệm khó quên.
Bánh tráng cuốn thịt heo ngày càng được người dân Đà Nẵng ưa chuộng bởi sự hòa trộn tuyệt vời của cả vị, sắc, và hương. Món ăn này không đòi hỏi chế biến cầu kì, và nếu chỉ thoạt nhìn thì nhiều người có thể cho rằng nó khá đơn giản. Tuy nhiên, bánh tráng thịt heo đặc biệt chú trọng đến việc lựa chọn thực phẩm sao cho tươi sống và đảm bảo hương vị tự nhiên của nguyên liệu.
Bánh tráng thịt heo Đà Nẵng. (Ảnh qua hotdeal.vn)
Thịt heo được chọn lựa tỉ mỉ để đảm bảo độ thơm ngon, sau đó đem hấp hơi để giữ nguyên vị ngọt tự nhiên của thịt. Có hai loại thịt nổi tiếng thường được dùng cho bánh tráng là thịt heo Đại Lộc và thịt heo hai đầu da.
Một nguyên liệu không thể thiếu khi thưởng thức bánh tráng là rau sống. Những loại rau sống được dùng đều khá thông dụng và dễ tìm, như: xà lách, rau thơm, rau húng, tía tô, giá đỗ, và dưa chuột.
Với từng cuốn bánh tráng thịt heo, chắc chắn thực khách sẽ cảm nhận nét đặc trưng từ vị ngọt đậm đà của thịt heo kết hợp với vị tươi mát của xà lách và vị cay nồng của húng, quế…
Được xem là một trong những nét đẹp của ẩm thực Đà Nẵng, chè xoa xoa hạt lựu có phong cách chế biến và một hương vị rất đặc trưng, khác hẳn với món chè của các vùng miền khác.
Chè xoa xoa hạt lựu có vị thanh mát. (Ảnh qua foody.vn)
Xoa xoa (miền Nam quen gọi là “sương sa”) được nấu từ rau câu, hạt lựu làm từ bột lọc loại ngon, thạch đen được chế từ một loại lá cây mát trên rừng, đặc biệt nước cốt dừa được ép từ dừa nguyên chất… tất cả hòa quyện tạo thành một món ăn ngon, mát lành.
Khi ăn, độ giòn giòn của thạch, nước dừa và đậu xanh đánh béo ngậy cộng thêm sự dai dai của hạt lựu làm cho người ăn quên hết mệt mỏi. Trong những ngày nắng, xoa xoa hạt lựu thật là món ăn giải khát tuyệt vời.
Theo Trí thức VN
Mê Phú Yên từ món mắt cá ngừ đại dương
Cũng dễ đến dăm năm rồi sau cái lần đầu được ăn món đặc sản này. Đó cũng là lần đầu tiên được đặt chân đến vùng đất Phú Yên đẹp đẽ, thơ mộng từ mọi gốc cây đến ngọn cỏ.
Người Phú Yên hiếu khách ghê gớm. Anh chủ nhà không muốn chúng tôi ra ngoài quán ồn ào, mất trật tự nên anh oder đồ và cả đầu bếp của nhà hàng về để triển món đặc sản này ngay tại tư gia. Tròn mắt nhìn một lô cái thố bằng sứ mỗi cái được đặt lên trên mỗi chiếc đĩa rồi đốt cồn cháy leo xung quanh trông rất ma mị, bọn tôi ai nấy đều trầm trồ kinh ngạc.
Phú Yên là vùng đất được biển cả hết mực ưu ái khi vừa có khung cảnh tuyệt đẹp lại có những món ăn vô cùng hấp dẫn. Nơi đây được ví như "thủ phủ cá ngừ đại dương" vì ngư dân làng biển Phú Câu (Tuy Hòa) là những người đầu tiên phát triển nghề câu loại cá này vào năm 1994. Cá ngừ đại dương còn có tên gọi là cá bò gù, là loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao. Chúng chính là nguồn thực phẩm vô cùng bổ dưỡng và được chế biến ra nhiều món ăn phong phú. Đối với các loại cá nhỏ thì phần mắt cá trông cũng bình thường và không có gì đáng sợ. Còn đối với con cá ngừ đại dương nặng 40 - 50kg hoặc hơn thì phần mắt khá to, tương đương với quả bóng tennis và thường nặng khoảng 100 - 200gr nên khi mang chế biến món ăn sẽ khiến không ít người "khiếp vía" và buông đũa ngay.
Ban đầu, khi làm cá, người ta thường bỏ mắt. Nhưng thấy mắt cá ngừ quá to, bỏ thì rất uổng nên người dân kì công tìm cách chế biến, cuối cùng đã làm nên một món ăn với hương vị độc đáo không nơi nào có được.
Mắt cá có thể chế biến nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là tiềm thuốc Bắc. Khó nhất trong chế biến là việc khử mùi. Mắt cá ngừ tươi mang về được chần qua nước muối nấu sôi, sau đó rửa sạch, lấy các gân máu rồi mang đi hấp với lá dứa, sả, gừng để ngấm đủ mùi hương và giảm mùi tanh. Tiếp theo sau khâu khử mùi, mắt cá được ướp với các loại gia vị và một số vị thuốc Bắc.
Mắt cá ngừ rất to nhưng người ta chỉ lấy phần cầu của mắt để ăn. Do có vị tanh nên mắt cá ngừ đại dương tiềm thuốc Bắc hay được dùng lúc còn nóng. Tại Phú Yên, mắt cá ngừ đại dương được xem là món ăn chơi nên ít ai dùng với cơm trắng mà chỉ ăn kèm với cải bẹ xanh xắt nhuyễn, bánh đa nướng nóng giòn và chén nước tương cay.
Nhưng vì mắt cá ngừ to như vậy, đến gần bằng nắm tay người lớn, có vị béo dễ gây ngán nên chỉ ăn riêng nó thôi cũng đã đủ no và ngán rồi. Trước đây, mắt cá ngừ đại dương được xem là món ăn chơi. Nhưng ngày nay, món ăn đã trở thành một trong những đặc sản hàng đầu mà Phú Yên giới thiệu với bạn bè khắp nơi. Món ăn này khi chín ăn không hề tanh mà thơm béo, bùi ngậy rất vừa miệng và ngon.
Đến Phú Yên mà không thưởng thức món mắt cá ngừ đại dương, coi như chưa đến! Sau này đã nhiều lần tôi được thưởng thức món đặc sản này, nhưng bữa ăn hôm đó và hương vị của món ăn đặc biệt này thật khó có gì sánh nổi. Chắc tại nó đượm cả tình người hiếu khách nữa!
Thuy miny
Theo tapchicongthuong.vn
Công thức chế biến món bún bò Nam Bộ ngon quên sầu Nếu bạn đã chán bún bò Huế, bún riêu, bún giò heo... thì có thể thử ngay món bún bò Nam Bộ. Món ăn này khá dễ làm, tốn ít thời gian mà hương vị lại rất tuyệt vời. Bún bò Nam Bộ (bún bò xào) là một món ăn khá nổi tiếng ở miền Nam. Món ăn này không sử dụng nước...