5 lý do Israel có thể đánh hay không đánh Iran
Liệu Israel có đánh bom Iran hay không? Israel nói họ vẫn chưa quyết định. Nhưng các quan chức hàng đầu Israel, gồm cả Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng quốc phòng Ehud Barak đều ám chỉ nước này sẽ phải sớm đưa ra lựa chọn.
Israel tin rằng Iran sẽ sớm có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Không phải tất cả mọi người đều chia sẻ nhận định này và Iran vẫn cương quyết rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ các mục đích hòa bình.
“Điều đầu tiên bạn phải thừa nhận là chúng ta đã qua thời có được đáp án tốt mà không gây nên hậu quả nào”, James Carafano, Giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại Quỹ Heritage nói. “Chỉ còn lựa chọn giữa các đáp án xấu và đáp án cực kỳ tồi tệ”.
Trong khi sự đối đầu trên chưa tìm được lối thoát, có 5 lý do giải thích tại sao Israel có thể hoặc không tấn công Iran.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad trong lần tới thăm Cơ sở làm giàu Uranium Natanz, cách Thủ đô Tehhran 200 dặm về phía Nam năm 2008
1. Lịch sử Do Thái
Video đang HOT
Là dân tộc đã từng trải qua thảm họa diệt chủng Holocaust, không nhà lãnh đạo Do Thái nào lại muốn bị nhớ đến như là người để cho Iran chế tạo bom hạt nhân mà không làm gì để ngặn chặn hoạt động đó. Thủ tướng Netanyahu từng nhiều lần nhắc lại rằng ông sẽ không làm ngơ để Iran trở thành quốc gia hạt nhân. Một số người Israel cho rằng thà tấn công, thậm chí không thành công, còn hơn là không hành động chống lại một quốc gia từng kêu gọi hủy diệt Israel.
Tuy nhiên, một cuộc tấn công có thể đem đến tác dụng ngược với Israel. Nó sẽ chỉ gây nên thiệt hại ở giới hạn nhất định mà Iran có thể khôi phục một cách khá nhanh chóng. Một cuộc tấn công sẽ chỉ tập hợp thêm sự ủng hộ cho chế độ Iran. Thế giới Hồi Giáo sẽ nổi giận và cáo buộc Israel và các nước đồng minh phương Tây theo đuổi tiêu chuẩn kép qua cách cho phép Israel sở hữu kho hạt nhân nhưng chưa công khai nói ra.
2. Không còn đường lui?
Israel cho rằng Iran sẽ sớm có tất cả các thiết bị để chế tạo một quả bom hạt nhân dù thực tế nước này chưa làm vậy. Do đó, hành động trước khi Iran chế tạo được bom là điều cần kíp.
“Đối phó với một nước Iran được vũ trang hạt nhân sẽ phức tạp, nguy hiểm và tốn kém về tiền bạc, tính mạng hơn rất nhiều so với ngăn chặn ngay bây giờ”. Ông Barak phát biểu tuần trước. “Nói cách khác, những ai nói “để lui lại” có thể sẽ thấy “để lui lại” là quá muộn”.
Thế nhưng, Mỹ vẫn muốn theo đuổi một giải pháp ngoại giao và tin rằng các biện pháp cấm vận và gây sức ép khác đang bắt đầu phát huy hiệu quả. “Cá nhân tôi cho rằng Israel sẽ không tấn công Iran trong tương lai gần”, Haleh Esfandiari, Giám đốc chương trình Trung Đông thuộc Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson. “Họ nhận thấy cấm vận đang phát huy tác dụng và Iran đã bị cô lập hay đang trong quá trình bị cô lập nhiều hơn”.
3. Bầu cử Tổng thống Mỹ có thể là yếu tố thuận lợi cho Israel hành động năm nay
Nếu Israel lo ngại về việc Mỹ phản đối tấn công, nước này có thể tìm cách làm im lặng bất kỳ chỉ trích nào bằng việc hành động trước bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Các đảng viên, cả Cộng hòa và Dân chủ, đang kiên định ủng hộ an ninh của Israel. Sẽ là cực kỳ khó khăn cho Tổng thống Obama hay đối thủ Cộng hòa của ông lên tiếng chỉ trích Israel trong giai đoạn nóng bỏng của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và về một vấn đề mà Israel xem là tối quan trọng.
Trong khi đó, Chính quyền Obama đã tỏ rõ rằng Mỹ không muốn bị sa lầy quân sự ở vùng Vịnh. Những binh lính cuối cùng của Mỹ đã rời Iraq tháng 12 năm ngoái và nước này đang trong quá trình rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng nhiều lần nhắc lại rằng ông sẽ không làm ngơ để Iran trở thành quốc gia hạt nhân
4. Israel đã chiến thắng trước đây và tin vào chiến thắng tiếp theo
Năm 1981, Israel đã đánh bom một nhà máy hạt nhân chính của Iraq và năm 2007 đã phá hủy một lò phản ứng của Syria. Trong cả hai trường hợp, xét từ góc nhìn của Israel, các cuộc tấn công đó đều là những thành công lớn. Israel đã làm cả hai bất ngờ và đưa các phi công và máy bay về nước an toàn. Không quốc gia nào, Iraq hay Syria phản công.
Tuy nhiên lần này có thể lại rất khác. Iran đã học được bài học từ các cuộc tấn công đó. Các cơ sở hạt nhân của nước này nằm trải dài khắp đất nước, trong đó một số được xây dựng sâu dưới lòng đất. Các cuộc tranh cãi triền miên đã làm mất đi mọi yếu tố bất ngờ mà Israel muốn tạo ra khi tiến hành không kích.
Hơn nữa, máy bay chiến đấu của Israel có tầm bay giới hạn. Chúng cần tiếp nhiên liệu trên không và sẽ phải bay qua lãnh thổ thù địch như Saudi Arabia hay Iraq trước khi tới Iran. Thậm chí cuộc tấn công diễn ra theo đúng kế hoạch, thì phần lớn các nhà phân tích dự đoán rằng Israel sẽ chỉ cản trở được chương trình hạt nhân của Iran lại trong vài năm là nhiều nhất.
5. Iran khó tự nguyện từ bỏ chương trình hạt nhân
Israel lập luận rằng, cho tới nay Iran vẫn trụ lại được trước các sức ép ngoại giao, cấm vận kinh tế, tấn công virus máy tính tinh vi và cả việc một số nhà khoa học hạt nhân bị ám sát. Bất chấp cái giá phải trả này, Iran vẫn “ngoan cố” và không tham gia các cuộc đàm phán nghiêm túc nhiều năm qua. Theo quan điểm của Israel, chỉ có hành động quân sự mới có thể đưa ra “cú đấm” quyết định.
Thế nhưng, tình trạng thực sự của chương trình hạt nhân mà Iran theo đuổi từ lâu vẫn là một bí ẩn. Bức tranh chính trị ở Iran mất ổn định sâu sắc, với nhiều phe phái tranh giành quyền lực. Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông trong năm tới và vẫn chưa rõ liệu ai sẽ kế nhiệm ông trong cuộc bầu cử tổng thống 2013. Vì vậy, mọi việc sẽ đi đến đâu? Dường như không ai có câu trả lời chắc chắn.
“Liệu chúng ta có biết tất cả những biến động bên trong Iran? Hoàn toàn không”, ông Obama nói. “Bản thân Iran đang bị chia rẽ nhiều hơn trước đây. Biết được ai đưa ra quyết định ở bất kỳ thời điểm cụ thể nào bên trong Iran là một việc khó”.
Theo Bee.net.vn