5 lần Oscar sai lầm khi lựa chọn ‘Phim xuất sắc nhất’
Hai nhà phê bình điện ảnh của kênh CTV bình luận về những kết quả không thuyết phục trong lịch sử giải thưởng danh giá này.
Trên chương trình Your Morning của kênh CTV, hai nhà phê bình điện ảnh Radheyan Simonpillai và Richard Crouse bàn rằng không phải lúc nào hạng mục “ Phim xuất sắc nhất” của giải Oscar cũng được trao cho ứng viên xứng đáng. Dưới đây là những trường hợp đáng tiếc mà họ nêu ra.
2006: Brokeback Mountain nên thắng Crash
Tại lễ trao giải Oscar năm 2006, khi bộ phim thắng cuộc được nêu tên, những người tham dự ngạc nhiên ra mặt. Simonpillai nhắc đến phản ứng của người công bố giải – tài tử Jack Nicholson, “ Lúc bóc phong bì và đọc tên ‘Crash’, biểu cảm của anh ấy đúng kiểu ‘Whoa’.“
Simonpillai cũng nói thêm: “ Vụ này ngay lập tức gây tranh cãi dữ dội“. Theo ý kiến của một số nhà phê bình, giải “Phim xuất sắc nhất” của lễ trao giải Oscar lần thứ 78 đáng lý phải thuộc về Brokeback Mountain – tác phẩm điện ảnh mang tính đột phá về tình yêu giữa hai chàng cao bồi của đạo diễn Lý An. Trong khi đó, Crash bị giới phê bình chỉ trích gay gắt vì lối suy nghĩ đơn giản hóa vấn đề sắc tộc ở Los Angeles của các nhân vật trong phim.
Về lý do Brokeback Mountain không được giải, Simonpillai cho là hội đồng bỏ phiếu của Viện Hàn lâm vẫn chưa sẵn sàng cho một chuyện tình đồng tính. Ông tin rằng bộ phim quan trọng này thua là do “sự kỳ thị của Viện”.
Crouse phân tích kỹ hơn: “ Bộ phim hơi gai góc và đề tài của nó không hợp khẩu vị Viện cho lắm, cho dù đề tài ấy chỉ là tình yêu.” Ông cũng khen ngợi tác phẩm “mang đầy ý nghĩa” cùng diễn xuất ấn tượng của cặp nam chính Heath Ledger và Jake Gyllenhaal.
1991: Goodfellas nên thắng Dances with Wolves
Đề tài của một vài “Phim xuất sắc nhất” không phải lúc nào cũng là kinh điển. Dances with Wolves đáng tiếc lại rơi vào trường hợp đó, với cốt truyện mang hơi hướm “white savior” (tạm dịch: “vị cứu tinh da trắng”) theo nhận định của Simonpillai.
“White savior” là cụm từ dùng để chỉ một người da trắng đóng vai trò cứu tinh đi giải thoát những người có màu da khác khỏi nguy hiểm, đồng thời trong quá trình đó anh/cô hiểu thêm điều gì đó mới mẻ về bản thân mình. Dances with Wolves xoay quanh một người đàn ông da trắng ( Kevin Costner đóng) khi anh học cách chung sống và kết bạn với bộ tộc da đỏ Lakota trong thời nội chiến Mỹ. Simonpillai cho rằng bộ phim quá nhạt nhòa khi đặt cạnh Goodfellas, tác phẩm được ông cho là “một trong những phim gangster hay nhất mọi thời đại” và xứng đáng giành được Giải thưởng Viện Hàn lâm danh giá.
Nhìn lại sự kiện này, Crouse nói thành viên hội đồng bỏ phiếu của Oscar “ Làm gì có cầu thủy tinh. Họ chỉ nhìn thấy cái gì đang diễn ra trước mắt thôi. Lúc nào người ta chẳng thích những thứ ở hiện tại.“
2000: The Insider nên thắng American Beauty
Video đang HOT
Trong American Beauty, nhân vật chính ( Kevin Spacey) là một người đàn ông trung niên gặp khủng hoảng tinh thần và dần có tình cảm với cô bạn tuổi teen của con gái ông. Dù ở thời điểm đó khán giả thấy ý tưởng này bình thường, Simonpillai vẫn coi bộ phim là “rác rưởi” vì cốt truyện của nó.
Mặc dù American Beauty thắng giải Oscar cho “Phim xuất sắc nhất”, Simonpillai cho rằng có nhiều phim khác xuất sắc hơn, điển hình là The Insider với hai diễn viên chính Al Pacino và Russell Crowe. Bộ phim của đạo diễn Michael Mann dựa trên sự kiện có thật, kể về một người đàn ông quyết tâm vạch trần trước cả thế giới những gì mà bảy công ty thuốc lá lớn cố bưng bít về tác hại của thuốc lá. Ông cũng chỉ ra những tuyệt phẩm điện ảnh năm đó hoàn toàn vắng bóng tại đề cử Bộ phim xuất sắc của Oscar: Eyes Wide Shut, The Matrix, Magnolia và Fight Club.
1980: Raging Bull nên thắng Ordinary People
Theo quan điểm của Crouse, Raging Bull bị lu mờ bởi Ordinary People, một bộ phim “hợp thời trong quá khứ, nhưng khác với Raging Bull, ngày nay nó không còn giá trị bàn luận nữa.”
Raging Bull là “một trong những tác phẩm đáng lẽ phải ẵm một giải của Viện Hàn lâm về cho Martin Scorsese, nhưng không làm được.” – Crouse bình luận. Trong suốt sự nghiệp của mình, vị đạo diễn đại tài đã được đề cử tổng cộng 12 lần nhưng mới chỉ thắng đúng 1 lần ở hạng mục “Đạo diễn xuất sắc nhất” năm 2006 cho The Departed.
1990: Do The Right Thing xứng đáng hơn Driving Miss Daisy
Trong Driving Miss Daisy, Morgan Freeman đóng vai bác tài xế lái xe thuê cho một quý bà da trắng giàu có. Simonpillai miêu tả đây là “ Một bộ phim nhìn nhận vấn đề phân biệt chủng tộc dưới lăng kính màu hồng“.
Ông cho rằng giải “Phim xuất sắc nhất” đúng ra nên trao cho Do The Right Thing – một tác phẩm kinh điển về vấn đề xung đột sắc tộc. Vào thời điểm đó, nữ diễn viên Kim Basinger cũng có chung ý kiến khi bà công khai chỉ trích Viện Hàn lâm trên sân khấu Oscar với tư cách người công bố giải: “ Có một bộ phim xứng đáng được vinh danh nhưng lại vắng mặt trên danh sách trao giải, bởi vì trớ trêu thay, nó nói lên sự thật rõ ràng nhất. Và đó là Do The Right Thing.”
Do The Right Thing thậm chí còn không được đề cử “Phim xuất sắc nhất”, mà chỉ tranh giải ở những hạng mục nhỏ hơn như “Nam diễn viên phụ xuất sắc” và “Kịch bản gốc xuất sắc”.
Nhắc đến phim về vấn đề sắc tộc, năm nay cũng có một cuộc cạnh tranh tương tự giữa BlacKkKlansman và Green Book. Cả hai phim đều được đề cử ở hạng mục quan trọng nhất.
Bình luận về điều này, Crouse cho biết “ Mấy năm gần đây Viện Hàn lâm đã thay đổi khá nhiều – với hàng ngàn thành viên mới [...] đa dạng hơn và có lẽ là thú vị hơn”. Ông cho rằng đấy là lý do họ đã đề cử nhiều phim thuộc thể loại khác nhau, “nên BlacKkKlansman mới có mặt ở đó” – điều mà Do The Right Thing trước đây chưa làm được.
Theo saostar
8 nhân vật lịch sử có thật quy tụ tại Oscar 2019
Từ bức tranh chân dung vị phó tổng thống quyền lực nhất Hoa Kỳ cho đến nữ hoàng Scotland, Oscar 2019 quy tụ dàn nhân vật lịch sử quyền lực và lừng danh.
Những bộ phim tiểu sử, hồi kí hay lịch sử dường như vẫn là "đứa con cưng" của Viện Hàn lâm. Đường đua đến lễ trao giải Oscar 2019 đánh dấu sự góp mặt của bộ phim xoay quanh các nhân vật có thật xuyên suốt chiều dài lịch sử.
1. Dick Cheney trong Vice (Phó Tổng Thống)
Adam McKay có lẽ nên được đặt biệt danh là "ông hoàng khủng hoảng". Sau The Big Short (2015) xoay quanh đề tài khủng hoảng kinh tế Mỹ thì tại Oscar 2019, ông tiếp tục trình làng Vice với nội dung xoay quanh khủng hoảng chính trị sau sự kiện 11/09. Bộ phim đã lật tẩy chân dung người đứng sau thao túng Nhà Trắng và trở thành phó tổng thống quyền lực nhất thế giới những năm đầu thế kỷ XXI - Dick Cheney (Christian Bale).
Dưới thời ông, nước Mỹ đã thi hành hàng loạt chính sách và cuộc chiến gây tranh cãi. Tác phẩm là một thước phim quay chậm về cả cuộc đời vị phó tổng thống này từ một cậu thanh niên không có ước mơ trở thành kẻ tham vọng và leo lên chức vị quyền lực bậc nhất bộ máy chính trị.
2. Nữ hoàng Mary xứ Scotland trong Mary Queen Of Scots (Mary Nữ Hoàng Xứ Scots)
Mary Queen Of Scots được ví như bộ phim "cung đấu" của châu Âu với nội dung xoanh quanh thời kì đen tối khi nước Anh và xứ Scotland vẫn chưa sáp nhập. Xem phim mới biết chính trường tàn nhẫn ra sao khi Nữ hoàng Elizabeth I (Margot Robbie) sẵn sàng đưa người em họ Mary (Saoirse Ronan) lên đoạn đầu đài chỉ vì những âm mưu vương quyền.
3. Nei Amstrong trong First Man (Bước Chân Đầu Tiên)
Sự kiện Neil Amstrong bước đi trên mặt trăng không chỉ giúp Mỹ giành lợi thế về không gian trong cuộc Chiến tranh Lạnh bấy giờ mà còn đánh dấu mốc lần đầu tiên con người có thể vươn tới các vì sao trong vũ trụ. Sau khi gây tiếng vang với La La Land (2016), Damien Chazelle và Ryan Gosling tiếp tục mang đến cho người xem những thước phim hoành tráng và đầy cảm xúc về sự kiện lịch sử này trong First Man.
4. Nữ hoàng Anne trong The Favourite (Sự Sủng Ái)
Dựa trên những câu chuyện có thật về nữ hoàng Anne (Olivia Colman) vào thế kỷ XVIII, The Favourite đã mang đến cho khán giả một cuộc "tranh sủng" có một không hai trên màn ảnh giữa hai cô chị em họ đều khao khát trở thành "bạn tri kỉ" của người đứng đầu nước Anh.
Dưới bàn tay của Yorgos Lanthimos, bộ phim không chỉ mang đậm màu sắc "cung đấu" với những âm mưu, thủ đoạn hèn hạ mà còn là câu chuyện đồng tính nhuốm màu nhục dục. Ngoài nữ hoàng Anne, Abigail Masham (Emma Stone) và Sarah Churchill (Rachel Weisz) cũng đều là những nhân vật có thật trong lịch sử nước Anh.
5. Freddie Mercury trong Bohemian Rhapsody (Huyền Thoại Ngôi Sao Nhạc Rock)
Dù đã nhiều năm trôi qua, âm nhạc của Queen vẫn giữ được giá trị và được xếp vào hàng kinh điển của nhân loại. Trong đó, cuộc sống đầy tai tiếng của giọng ca chính huyền thoại Freddie Mercury luôn được người hâm mộ quan tâm. Vì thế mà dự án Bohemian Rhapsody của Fox đã được dự đoán là ứng cử viên Oscar ngay cả khi chưa ra mắt. Dù đưa ra nhiều chi tiết sai lệch hay tô hồng quá mức cuộc đời của các thành viên, bộ phim vẫn thành công vang dội tại phòng vé, chủ yếu nhờ vào màn hóa thân xuất sắc của Rami Malek.
6. Ron Stallworth trong BlacKkKlansman (Hội Kín 3K)
Chống phân biệt chủng tộc và dựa trên sự kiện có thật, BlacKkKlansman có đủ mọi yếu tố để góp mặt trong hạng mục Phim xuất sắc của Oscar 2019 này. Bộ phim được làm theo cuốn hồi kí của thanh tra Ron Stallworth (John David Washington) vào đầu những năm 1970. Anh được giao nhiệm vụ xâm nhập vào Đảng 3K - tổ chức phân biệt chủng tộc cực đoan bậc nhất nước Mỹ bấy giờ. Xuyên suốt hành trình, Ron đã ghi lại những gì mắt thấy, tai nghe và khiến người xem chua xót trước sự tàn bạo ngay trong lòng nước Mỹ chỉ vài chục năm trước.
7. Don Shirley trong Green Book (Cuốn Sổ Xanh)
Cùng "công thức Oscar" với BlacKkKlansman là Green Book do Peter Farrelly cầm trịch. Bộ phim là câu chuyện có thật về một anh tài xế gốc Ý Tony Lip (Viggo Mortensen) quê mùa làm tài xế cho một nhạc công da màu giàu có Don Shirley (Mahershala Ali). Tuy thành công và danh tiếng là thế, Shirley vẫn phải theo những chỉ dẫn trong Cuốn Sổ Xanh vốn để ghi lại những nơi người da màu không được phép "bén mảng" tới trong bối cảnh những năm 60 phân biệt sắc tộc nặng nề. Chuyến lưu diễn xuôi xuống miền Nam cả hai là hành trình đương đầu với định kiến xã hội và thấu hiểu lẫn nhau.
8. Van Gogh trong At Eternity's Gate (Cánh Cổng Vĩnh Cửu)
Là một trong những danh họa nổi tiếng bậc nhất thế giới, cuộc đời của Vincent Van Gogh từng nhiều lần được chuyển thể lên màn ảnh ở đủ mọi khía cạnh. At Eternity's Gate đã khắc họa năm cuối đời của họa sĩ tài năng. Tác phẩm cũng đặt ra giả thuyết về cái chết bí ẩn của ông khi bị bất ngờ bắn xuyên ngực trong lúc vẽ tranh phong cảnh.
Giải thưởng Viện Hàn lâm hay Giải Oscar là giải thưởng điện ảnh thường niên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (AMPAS). Lễ trao giải Oscar lần thứ 91 nhằm vinh danh các tác phẩm xuất sắc nhất trong năm 2018 sẽ diễn ra tại nhà hát Dolby Theatre, Hollywood, Los Angeles, California vào lúc 8h sáng ngày 25/02/2019 và được phát sóng trên kênh truyền hình Mỹ ABC.
Theo trí thức trẻ
Dù là ứng cử viên sáng giá, vì sao "A Star is Born" vẫn có nguy cơ "trượt vỏ chuối" tại Oscar 2019? Khúc tình ca ngọt ngào của Lady Gaga và Bradley Cooper nhiều khả năng sẽ trắng tay tại Oscar. Những người yêu thích A Star Is Born ( Vì Sao Vụt Sáng) có nhiều lý do để hy vọng bộ phim sẽ thành công ở Oscar 2019. Tác phẩm đã giành được đến 8 đề cử, 3 trong số đó là dành cho...