5 lầm tưởng về tiêm chủng cho con
Nhiều chị em cho rằng tiêm chủng xong con vẫn lây bệnh là do vắc xin “rởm”. Thực tế không đúng như vậy.
Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho trẻ từ lâu đã là một việc quá quen thuộc đối với tất cả các bà mẹ. Vậy nhưng trong xã hội hiện nay vẫn còn có rất nhiều quan niệm sai lầm về vấn đề này. Phụ huynh cần hiểu rõ hơn về những lỗi hiểu sai “chết người” trong vấn đề vắc xin và tiêm chủng cho trẻ.
1. Một số bệnh lây nhiễm bây giờ xã hội không còn nên không cần cho con tiêm vắc xin
Dựa vào nỗ lực phổ cập tiêm chủng nên hiện nay tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đều đã được giảm đến mức rất thấp. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bệnh truyền nhiễm, vi khuẩn và virus đã biến mất hoàn toàn. Khả năng dịch bệnh bùng phát trở lại vẫn sẽ xảy ra nếu trong cộng đồng có những em bé chưa được miễn dịch. Nhờ việc du lịch, di chuyển từ nước này đến nước kia ngày nay rất đơn giản, virus cũng có thể xâm nhập và nhanh chóng lan rộng ở trong một quốc gia tưởng như đã “miễn nhiễm” với dịch bênh.
Tiêm chủng cũng là gián tiếp bảo vệ những em bé không thể được chủng ngừa hoặc không đáp ứng với thuốc chủng. Nếu các em bé xung quanh được tiêm phòng đầy đủ, thì con của chúng ta cũng sẽ ít có khả năng mắc bệnh hơn.
2. Bệnh thủy đậu không gây tử vong nên không cần tiêm ngừa
Theo ước tính, mỗi năm ở Trung Quốc có khoảng 9.000 người đã nhập viện do thủy đậu. Trong số đó có khoảng 100 người chết vì bệnh thủy đậu. Tiêm vắc xin ngừa thủy đậu sẽ giúp trẻ hình thành cơ chế miễn dịch với căn bệnh lây lan rất nhanh và mang lại nhiều phiền toái này.
Trẻ dù sợ tiêm mẹ vẫn cần cho con đi tiêm chủng (ảnh minh họa)
3. Trẻ được tiêm chủng hệ miễn dịch đã tốt, không cần cho con bú sữa mẹ
Sữa mẹ không giống như một loại vắc-xin có thể ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, cũng không thể ngăn cản ho gà, bại liệt, ho gà, bạch hầu và bệnh nghiêm trọng khác. Tuy nhiên nếu bú sữa mẹ, trẻ sơ sinh sẽ ít có khả năng bị cảm lạnh, đau ốm, hệ miễn dịch cũng hoạt động tốt hơn và đáp ứng tốt hơn với vắc xin khi tiêm vào cơ thể.
Video đang HOT
4. Chích ngừa rồi mà con vẫn bị bệnh là do vắc xin “rởm”?
Trước hết cần phải khẳng đinh, việc tiêm vắc-xin thực sự có hiệu quả của nó. Tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận sự miễn dịch của cơ thể đối với các bệnh bại liệt, sởi , bạch hầu và các bệnh khác trên cơ thể hàng chục ngàn trẻ em. Vắc-xin phát huy công dụng với hầu hết mọi trẻ nhưng với một số bé, cơ thể lại không có phản ứng với thuốc chủng ngừa. Do đó, chỉ có thể khẳng định, những trẻ được tiêm phòng sẽ có tỷ lệ miễn dịch là 85%. Tuy nhiên với những bé không tiêm, con số này là 0%.
5. Sau tiêm phải dán miếng hạ sốt/ khoai tây lên vết tiêm
Nhiều chị em hay rỉ tai nhau những mẹo để tránh sốt, tránh sưng vết tiêm sau tiêm. Ty nhiên đây là quan niệm sai lầm. Sau khi tiêm chủng, trẻ sẽ ở lại 30 phút tại điểm tiêm để các cán bộ y tế theo dõi. Các phản ứng như sốt nhẹ (dưới 38,5 độ), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại vết tiêm, quấy khóc là những phản ứng hết sức bình thường.
Các bà mẹ không nên dùng thuốc mẹo cho bé uống hay đắp lòng trắng trứng gà, khoai tây hoặc miếng dán hạ sốt trực tiếp lên vết tiêm bởi như vậy sẽ làm giảm tác dụng của vacxin. Khi các phản ứng trên kéo dài hơn một ngày hoặc trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao trên 39 độ C, co giật, quấy khóc kéo dài, bú kém, khó thờ….mẹ cần đưa ngay trẻ tới bệnh viên hoặc các cơ sở y tế.
Khám phá
Nỗi lo bệnh thuỷ đậu và nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng
Những ngày qua, khi dịch sởi tạm lắng, bệnh thủy đậu, chân tay miệng đang có nguy cơ bùng phát khiến người dân hoang mang, lo lắng. Trước nỗi lo các bệnh truyền nhiễm "vào mùa", các chuyên gia cho rằng, bài học từ vụ dịch sởi cho thấy, Bộ Y tế "phản ứng chậm" với công tác phòng, chống dịch và sự mập mờ cung cấp thông tin.
Bài học xương máu
Sự việc ba trẻ em chết tức tưởi sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B tại bệnh viện Đa khoa Hướng Hoá (Quảng Trị) hồi tháng 7/2013 cùng với sự mập mờ thông tin về nguyên nhân cái chết tại thời điểm xảy ra sự cố do "sốc phản vệ", "lỗi vắc-xin", "có chất lạ trong vắc-xin" là giọt nước tràn ly sau hàng loạt sự cố đã từng xảy ra khiến người dân mất lòng tin vào chất lượng vắc-xin, hoang mang không dám đưa con đi ngừa tiêm chủng.
Thực tế từ trước đến nay, đã có rất nhiều trường hợp, trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc-xin nhưng nguyên nhân chưa được đào sâu làm rõ, hoặc mập mờ trong cách xử lý, cung cấp của ngành y tế. "Tư lệnh" của ngành này đã từng nói rằng: "Lỗi vắc-xin, thì xử vắc-xin, lỗi cán bộ thì xử cán bộ..." làm cho người dân chẳng hiểu gì và quy trách nhiệm cho vắc-xin "có vấn đề". Thế là họ không cho con đi tiêm chủng nữa với giải thích là bảo vệ con?! Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đó cũng chính là nguyên do dẫn đến tình trạng người dân e ngại tiêm chủng ngừa sởi, thuỷ đậu, chân tay miệng thời gian vừa qua. Bởi, trên thực tế, theo công bố của Bộ Y tế, phần lớn số trẻ em tử vong trong dịch sởi đều do chưa tiêm phòng vắc-xin.
Chị Đoàn Thu Trang (đường Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: "Dịch sởi và các bệnh truyền nhiễm xảy ra thời gian qua khiến người dân hết sức hoang mang, lo lắng. Các bác sỹ khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vắc-xin. Thế nhưng, sự cố tiêm vắc-xin ở Quảng Trị khiến chúng tôi lo ngại, lan sang các loại vắc-xin khác. Bản thân tôi cũng rất e ngại khi đưa con đi tiêm chủng. Thật sự, có thời điểm, cứ nghe nói, đưa con đi tiêm vắc-xin, mẹ chồng tôi cũng phản ứng rất dữ dội, không đồng ý cho đi tiêm. Đợt dịch sởi vừa rồi, Hà Nội là "tâm sởi", nhiều trẻ tử vong nên tôi mới đưa con đi tiêm phòng".
Không chỉ riêng chị Trang, rất nhiều bà mẹ cùng có chung tâm lý e ngại về chất lượng vắc-xin, bởi tất cả những vụ việc liên quan đến vắc-xin chưa được ngành y tế công bố rõ ràng lỗi ra sao? Lỗi ở chỗ nào? Dù được các bác sỹ khuyến cáo phải tiêm chủng đầy đủ nhưng không ít bà mẹ vẫn "điếc không sợ súng" và đó chính là mầm mống của dịch bệnh.
"Cháy" vắc-xin ngừa chủng, Bộ Y tế nói không thiếu
Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, trước nhu cầu tiêm chủng vắc-xin phối hợp sởi - quai bị - rubella (3 trong 1) tăng cao do lo ngại dịch sởi, tại nhiều cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn TP.Hà Nội những ngày qua đã xảy ra tình trạng khan hiếm vắc-xin. Một số bác sỹ cho biết, do lượng trẻ đến tiêm sởi dồn dập trong thời gian qua nên không đủ vắc-xin dịch vụ để tiêm. Nhiều nhân viên y tế đã khuyến cáo các bậc cha mẹ đưa trẻ đến phường tiêm phòng vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
Tại khoa Nhi bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận nhiều trẻ đến khám thủy đậu. Nhiều bà mẹ phàn nàn, thấy có hiện tượng nhiều trẻ ở lớp bị thủy đậu, gia đình muốn đưa con đi tiêm phòng nhưng đến phòng tiêm nào cũng treo biển hết vắc-xin. Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (Khâm Thiên, Hà Nội) cho biết, khi thấy con xuất hiện nốt phỏng dạ đầu tiên, chị vội vàng cho con đi tiêm chủng dịch vụ nhưng tại đó bác sỹ thông báo hết vắc-xin thủy đậu và nói phải đợi ít ngày.
Nhiều cơ sở tiêm chủng cũng cho biết, vắc-xin thủy đậu, cúm, vắc-xin phối hợp "5 trong 1" và "6 trong 1" hết sạch từ nhiều tháng qua. Chia sẻ với PV, một bác sỹ cho hay, thời điểm này đã rải rác ghi nhận các ca bệnh thủy đậu cũng là bệnh lây qua đường hô hấp. Nếu như không phòng bệnh tốt, trẻ mắc sởi đồng nhiễm với thủy đậu sẽ vô cùng nguy hiểm, điều trị cực kỳ khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của trẻ.
Cũng theo tìm hiểu của PV, từ ngày 25/4, TP. Đà Nẵng tổ chức tiêm vắc-xin sởi cho trẻ em mũi 1 và mũi 2. Theo trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng, hiện tại, vắc-xin đủ để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, các vắc-xin dịch vụ gồm thủy đậu; sốt, quai bị, rubella; Infanix Hexa (6 trong 1); Pentaxin - Pháp (5 trong 1) hết hàng. Đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, khi có thông tin về diễn biến phức tạp của bệnh sởi, người dân ồ ạt đưa trẻ đi tiêm vắc-xin dịch vụ "3 trong 1" nên sau đó vắc-xin này hết. Việc này không ảnh hưởng đến công tác phòng chống sởi ở địa phương, bởi vắc-xin sởi miễn phí trong chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia vẫn được cung cấp đầy đủ. TP.HCM thì đã cạn sạch vắc-xin phòng bệnh sởi dịch vụ "3 trong 1".
Trước thông tin cho rằng, hết vắc-xin ở các điểm tiêm chủng, ngày 29/4, trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Đăng Hiền - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) khẳng định, không thiếu vắc-xin sởi. Hiện, Việt Nam đã sản xuất được vắc-xin theo công nghệ Nhật Bản với công suất tối đa 7,5 triệu liều/năm. Trong khi đó, năm 2013, cả nước mới chỉ sử dụng hết 2,7 triệu liều. Hiện, số vắc-xin được đưa về các địa phương sẽ bảo đảm tiêm đủ đến đầu tháng Năm và trung tâm sẽ cung ứng thêm để cam kết tất cả các phòng tiêm chủng không thiếu thuốc tiêm phòng sởi cho trẻ. Cũng theo ông Hiền, đối với một số vắc-xin phối hợp "6 trong 1", "5 trong 1", vắc-xin thủy đậu là những vắc-xin tiêm dịch vụ và không thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, nên việc cung cấp là do các công ty tư nhân đảm nhiệm.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho rằng, việc lập dự trù, đặt hàng của một số cơ sở tiêm chủng chưa kịp thời, dẫn đến việc thiếu vắc-xin cho nhu cầu tiêm chủng dịch vụ. Hiện sáu loại vắc-xin phòng bệnh đa giá (sởi, quai bị, rubella) được cấp đăng ký lưu hành tại Việt Nam vẫn còn hiệu lực. Hiện tượng "cháy" vắc-xin thủy đậu trên thị trường là có thật. Bởi vắc-xin thủy đậu không giống như 11 vắc-xin thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia như vắc-xin bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm não..., hàng năm được Bộ Y tế chủ động dự trù theo kế hoạch và cung ứng miễn phí cho trẻ em trên toàn quốc, vắc-xin phòng bệnh thủy đậu là vắc-xin được cung cấp theo nhu cầu của thị trường.
Bệnh tay chân miệng đã xuất hiện tại 62 địa phương.
"Đề toán khó", bắt đầu giải từ đâu?
Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cùng với dịch sởi, dịch tay chân miệng, thủy đậu cũng đang bùng phát, có thể dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch. Tại buổi thăm và tặng cho bệnh nhi sởi đang điều trị ở bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM mới đây, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: "Hiện nay, phần lớn số bệnh nhân nhập viện là những trường hợp mắc bệnh nặng có liên quan đến sởi, thời gian tới có thể vẫn tiếp tục ghi nhận những trường hợp tử vong liên quan đến sởi".
Thị sát các bệnh viện điều trị sởi ở TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế và các thành viên trong đoàn cho biết, dịch sởi nơi đây đã giảm. Tuy nhiên, nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác lại đang "vào mùa".
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đến thời điểm này, TP.HCM có hơn 1.500 ca mắc sởi, tuy nhiên, nơi đây chưa có ca tử vong, nhờ ưu thế thời tiết thuận lợi và điều trị tốt. Theo Bộ trưởng Tiến, để khống chế dịch sởi và hạn chế cả sốt xuất huyết cũng như tay chân miệng, cần tập trung tuyên truyền mạnh ở các bệnh viện và các điểm tiêm chủng. Tỉ lệ tiêm chủng chưa đạt 100%, trong khi đợt này, dịch sởi đến chu kỳ dịch bệnh. Do đó, truyền thông rất quan trọng, qua báo chí người dân biết về nguy cơ mắc sởi mà tiêm vắc-xin. Sắp tới, các bệnh viện cũng phải tập trung tuyên truyền mạnh bởi bệnh tay chân miệng cũng nguy hiểm hơn cả sởi - Bộ trưởng Tiến nói.
Người đứng đầu ngành y tế cho rằng, ngoài việc lọc bệnh, phân tuyến và hạn chế lên tuyến trên, các bệnh viện tuyến Trung ương, tỉnh cũng thành lập đơn vị điều trị hai bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Bộ trưởng Tiến cho rằng, trước đây, nhiều đơn vị không chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, thậm chí né tránh nên việc tuyên truyền chưa tới.
Theo nhận định của bộ Y tế, bệnh thủy đậu cũng đang gia tăng tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương. PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh nhân bị thủy đậu cũng xuất hiện rải rác. Hiện, thời tiết với độ ẩm vẫn còn khá cao, đây là điều kiện cho virus phát triển mạnh. Trước thông tin bệnh thủy đậu, chân tay miệng đang "vào mùa", dư luận quan ngại liệu có xảy ra tình trạng "chậm phản ứng" của Bộ Y tế và đi theo "vết xe đổ" của dịch sởi. Tuy nhiên, bác sỹ Huy khuyến cáo: "Người dân không nên hoang mang mà cần đưa con đi tiêm chủng đầy đủ".
Hơn 17.000 ca mắc tay chân miệng, thêm 3 bệnh nhi tử vong do sởi
Theo báo cáo của cục Y tế Dự phòng (bộ Y tế), từ đầu năm 2014 đến ngày 3/5, Việt Nam ghi nhận 17.410 trường hợp mắc, 2 trường hợp tử vong. Đã có 2 trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng.
Liên quan đến diễn biến dịch sởi, cục Y tế Dự phòng cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 30/4 đến 4/5) ghi nhận 246 trường hợp xác định dương tính với sởi, trong đó số mắc trong các ngày nghỉ không có đột biến mà tương đối đồng đều (ngày thấp nhất 47 ca mắc, cao nhất 52 ca). Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 4.030 trường hợp mắc sởi xác định trong số 14.661 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố. Ghi nhận 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 133 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi. Từ đầu tháng Năm đến ngày 4/5 cả nước có thêm 3 trường hợp tử vong (1/5 thêm 2 bệnh nhi tử vong tại bệnh viện Bạch Mai, 1 bệnh nhi vào 3/5 tại bệnh viện Nhi Trung ương).
Các chuyên gia nhận định, rất có thể có những trường hợp một bệnh nhi cùng lúc mắc bệnh sởi và tay chân miệnh. Sau sởi, tay chân miệng sẽ là bệnh viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết, dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ từ tháng 6 đến tháng 10. Tháng 6 đến tháng 8 sẽ là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản ở phía bắc. Nếu gọi sởi là "bão" thì viêm não Nhật Bản là "siêu bão", do mức độ nặng, tỉ lệ tử vong rất cao, ước tính của thế giới là 20-30%.
Ngành Y tế rút kinh nghiệm trong công tác truyền thông
Ngày 29/4, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được nhiều câu hỏi của PV liên quan đến trách nhiệm của ngành y khi bệnh sởi bùng phát trong thời gian qua làm chết hơn 100 trẻ em. Theo bà Tiến, sự việc dù khách quan, chủ quan hay ở cấp độ quản lý nào và do ai gây ra nhưng khi đã động đến lĩnh vực sức khỏe thì người đứng đầu ngành cũng có ít nhiều liên quan đến trách nhiệm. Qua sự việc, Bộ trưởng Tiến cho biết, ngành y tế có rút kinh nghiệm trong công tác truyền thông và trách nhiệm trong việc giảm tải, khống chế lây chéo trong bệnh viện.
PHẠM THIỆU - HƯƠNG LAN
Theo Đời Sống Pháp Luật
Cách phòng tránh và xử trí với bệnh thủy đậu Bệnh thủy đậu (chickenpox hoặc varicella) thường có biểu hiện nhẹ ở trẻ em, tuy nhiên có thể có nguy cơ biến chứng nặng như viêm phổi và nhiễm khuẩn huyết, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, thiếu niên và người lớn. 1. Triệu chứng của bệnh thủy đậu Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện 10 - 14 ngày sau khi tiếp...