5 khoảnh khắc gây tranh cãi tại Euro 2020
Cristiano Ronaldo, Raheem Sterling… hay cả Liên đoàn Bóng đá châu Âu ( UEFA) đều có những hành động, quyết định khiến nhiều người không hài lòng.
Quyết định thổi phạt đền của trọng tài ở trận tuyển Anh gặp Đan Mạch: Trong hiệp phụ ở trận bán kết 2, khi tỷ số đang là 1-1, Raheem Sterling té ngã trong vùng cấm của tuyển Đan Mạch. Trọng tài chính Danny Desmond Makkelie cho phép tuyển Anh được hưởng penalty, dù đoạn băng quay chậm cho thấy Sterling không hề va chạm với Joakim Maehle.
Từ chấm phạt đền, thủ môn Kasper Schmeichel cản phá được cú sút của Harry Kane. Tuy nhiên, tiền đạo của Tottenham kịp thời sửa sai bằng pha đá bồi thành bàn, giúp tuyển Anh nâng tỷ số lên 2-1 và thẳng tiến vào trận chung kết.
Tuyển Đan Mạch bị CĐV Anh la ó trong lúc hát quốc ca: Hành động này khiến người hâm mộ tuyển Anh mất điểm trong mắt bạn bè quốc tế. Họ phải đón nhận những lời chỉ trích thậm tệ trên các nền tảng mạng xã hội.
Ngoài ra, ở trận bán kết Euro 2020, các CĐV tuyển Anh còn đốt pháo sáng và chiếu laser vào mắt thủ môn tuyển Đan Mạch Kasper Schmeichel. Theo M.E.N, UEFA quyết định phạt Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) 30.000 euro vì để xảy ra sự cố này.
Cristiano Ronaldo kêu gọi người hâm mộ không dùng Coca Cola: Trong buổi họp báo trước trận đấu giữa tuyển Bồ Đào Nha và Hungary, Ronaldo bất ngờ gạt 2 chai Coca Cola ra khỏi khung hình máy quay, và kêu gọi người hâm mộ nên dùng nước suối thay vì đồ uống có gas.
Hành động của CR7 “vô tình” khiến giá cổ phiếu của Coca Cola giảm mạnh. UEFA cảnh báo các cầu thủ sẽ bị phạt nếu có hành động tương tự. Trong khi đó, khác với Ronaldo, nhiều cầu thủ như Andriy Yarmolenko, Leonardo Bonucci có hành động bày tỏ sự ủng hộ với đồ uống của nhà tài trợ.
Các cầu thủ tuyển Anh bị phân biệt chủng tộc: Sau khi Marcus Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka thực hiện không thành công lượt sút trong loạt luân lưu ở trận chung kết Euro 2020, nhiều CĐV tuyển An lập tức buông lời xúc phạm đến 3 cầu thủ này thông qua mạng xã hội.
Video đang HOT
Nhiều chuyên gia bóng đá như Rio Ferdinand, Micah Richards cảm thấy tức giận với hành động trên. Rashford cũng rất thất vọng và quyết định viết một bức tâm thư để giãi bày trên trang Facebook cá nhân.
Tuyển Đan Mạch phải tiếp tục thi đấu với tuyển Phần Lan sau sự cố của Christian Eriksen: Trận đấu giữa 2 đội tuyển Bắc Âu bị gián đoạn vào cuối hiệp một khi Eriksen bị ngừng tim, nguy hiểm về tính mạng. Tai nạn của Eriksen khiến các cầu thủ Đan Mạch bàng hoàng, không còn tinh thần thi đấu ngay cả khi tiền vệ 29 tuổi được đưa vào bệnh viện.
Bất chấp điều đó, UEFA vẫn yêu cầu các cầu thủ Đan Mạch tiếp tục thi đấu trong những phút còn lại thay vì dời trận đấu này sang ngày khác. Kết quả, Simon Kjaer và các đồng đội để thua với tỷ số 0-1. Về phần UEFA, họ phải hứng chịu lời lẽ chỉ trích thậm tệ.
Hai người Đan Mạch khổng lồ
Một chú lính chì ngã xuống, triệu chú lính chì đứng lên. Người Đan Mạch cảm thấy gắn bó với xứ sở của họ hơn bao giờ hết từ giây phút Christian Eriksen đổ gục xuống sân.
Không bài nói chuyện truyền cảm hứng cho cầu thủ nào sâu sắc như những gì các cầu thủ Đan Mạch chứng kiến ở thời khắc đồng đội của họ đứng bên miệng hố sinh tử. Nhưng đôi chân của các cầu thủ Đan Mạch không chỉ cứng lên với cảm hứng từ Eriksen.
Tuyển Đan Mạch có khả năng thật sự. Họ là đội rất tốt, chơi bóng cân bằng với những cá nhân đến từ các CLB hạng A như Chelsea, Barca, Milan, Dortmund.
Đại diện của Bắc Âu có kinh nghiệm của Kasper Schmeichel, Simon Kjaer, Andreas Christensen và cặp tiền vệ trung tâm được xem như hay nhất giải Pierre Emile Hojbjerg và Thomas Delaney. Họ sở hữu những cầu thủ trẻ còn ít được biết đến, nhưng tới đây có thể là ngôi sao của những đội bóng lớn: Joakim Maehle, Kasper Dolberg, Mikkel Damsgaard.
Trong 32 trận gần nhất, Đan Mạch chỉ thua 4 trận, và 3 trong số đó là trước Bỉ - đội bóng số 1 thế giới. Còn lại là trận thua Phần Lan ở vòng bảng Euro 2020, sau bị kịch Eriksen, trong một ngày mà chỉ UEFA mới hiểu tại sao một trận đấu "phải" được thi đấu trở lại và hoàn tất.
Ngay trong trận thua Phần Lan 0-1, số lần dứt điểm của Đan Mạch so với đối thủ là 22 so với 1 (theo số liệu từ WhoScored ). Ở trận gặp đối thủ mạnh Bỉ, tỉ số cú sút 21 so với 6, nghiêng về Đan Mạch. Ở các trận gặp Nga, Wales, CH Czech, họ ghi 10 bàn thắng, với các chỉ số vượt trội đối thủ. Đan Mạch là hiện thân của lối chơi tấn công tổng lực ngày nào.
Hai trụ cột trong thành công của Đan Mạch đều mang chung một cái tên Kasper: thủ môn Kasper Schmeichel và HLV Kasper Hjulmand. Và họ đều tới đội tuyển Đan Mạch theo cách khác lạ.
Kasper Schmeichel trở thành chỗ dựa đáng tin cậy trong khung thành tuyển Đan Mạch. Ảnh: Reuters.
Thoát khỏi cái bóng của người cha
Hành trình của Kasper Schmeichel là thoát khỏi cái bóng khổng lồ của người cha Peter Schmeichel nổi tiếng, với chiến tích vô địch Euro 1992 cùng đội tuyển Đan Mạch và nhiều danh hiệu dưới màu áo Manchester United.
Kasper sinh ở Copenhagen nhưng lớn lên trong môi trường bóng đá Anh. Năm 2002, Peter đến Manchester City trong mùa giải chuyên nghiệp cuối cùng của ông, thì Kasper 16 tuổi cũng ký hợp đồng đầu tiên với đội bóng này.
Nhưng suốt thời đôi mươi, Kasper bị Man City đem đi cho mượn khắp nơi: Darlington, Bury, Falkirk, Cardiff, Coventry. Sau đó, anh qua các đội hạng dưới Notts County, Leeds United. Đến đâu Kasper cũng bị so sánh với người cha của mình và dường như là không phát triển được, mãi đến khi bắt đầu thiết lập sự nghiệp vững chắc ở Leicester năm 2011.
Kasper cũng thi đấu cho các lứa tuổi trẻ của đội tuyển Đan Mạch. Nhưng cơ bản, do ở Anh là chính, thủ thành này không có sự kết nối thật sự với hệ thống bóng đá Đan Mạch, nên thường bị ĐTQG bỏ qua. Năm 2007, LĐBĐ Anh xem xét về mặt pháp lý để mời Kasper khoác áo đội tuyển Anh, nhưng cầu thủ này từ chối.
Tại Euro 2012, thủ môn Thomas Sorensen bị chấn thương, Kasper được gọi phút chót để làm thủ môn thứ ba của ĐTQG. Dĩ nhiên, anh không được thi đấu phút nào. Năm 2013, khi 27 tuổi, Kasper mới lần đầu tiên khoác áo đội tuyển.
Những người con trai của Michael và Brian Laudrup, các huyền thoại của bóng đá Đan Mạch, không thể thực hiện bước đột phá vì tên họ mang trên lưng quá lớn, dù tài năng có thể không kém các bậc cha chú.
Nhiều người cho rằng Kasper thoát khỏi cái bóng của người cha nổi tiếng chính là nhờ không có mối liên hệ chặt với bóng đá Đan Mạch thời trẻ và những năm tháng rèn dũa tay nghề ở các CLB nhỏ tại Anh. Chỉ ở các CLB nhỏ, anh mới thoát khỏi soi mói, so sánh.
Nếu phát triển sự nghiệp ở Đan Mạch lúc trẻ, Kasper có thể nhận nhiều lời la ó, dè bỉu từ CĐV của các CLB khác. Brian Laudrup chẳng hạn, ông đóng góp rất nhiều cho ĐTQG nhưng khi trở về nước thi đấu cho FC Copenhagen, đi đấu sân bóng nào ông cũng bị CĐV các đội khác chế nhạo. Không thể chịu nổi, sau 6 tháng, Laudrup phải quay ra nước ngoài thi đấu.
Còn bây giờ, sau chiến tích vô địch Premier League 2016 có một không hai trong lịch sử bóng đá thế giới với Leicester, và cùng với việc góp mặt thường xuyên ở ĐTQG, Kasper thật sự thoát khỏi cái bóng lớn của người cha, trở thành thần tượng mới của bóng đá Đan Mạch.
"Khi đi đón con ở trường, tôi thấy có rất nhiều chiếc áo với tên Schmeichel sau lưng. Ý nghĩ đầu tiên của tôi, đó là tên người con, chứ thế hệ trẻ em bây giờ không thể biết người cha được, mừng cho Kasper", Morten Bisgaard, tiền vệ từng là đồng đội cũ của người cha Peter, ở ĐTQG nói.
Kasper Hjulmand tạo ra tuyển Đan Mạch chơi tấn công hoa mỹ. Ảnh: Reuters.
Từ nước Mỹ vòng về quê nhà
Tháng 6/2019, Kasper Hjulmand được LBĐB Đan Mạch giới thiệu là HLV ĐTQG, thay thế HLV người Nauy Age Hareide sau Euro 2020. Đội tuyển Đan Mạch dưới thời Hareide có kết quả ấn tượng, không thua trận vòng loại Euro nào. Về logic, Hareide xứng đáng được gia hạn hợp đồng.
LĐBĐ Đan Mạch giải thích Hjulmand được thuê để tiếp tục phát triển công việc của Hareide, người hết hạn hợp đồng vào năm ngoái. Lý do đó không thuyết phục được công chúng Đan Mạch, và tất nhiên là Hareide khi ông bình luận: "Với tôi, bóng đá tốt là thắng các trận đấu, nếu bạn không hiểu điều đó, tức là bạn có khái niệm sai về bóng đá".
Thật ra, LĐBĐ Đan Mạch muốn thay đổi lối chơi thực dụng của Hareide bằng thứ bóng đá tấn công lãng mạn như những ngày xưa cũ của ĐTQG trong thập niên 1980 và 1990. Họ nhìn thấy khả năng đó ở Hjulmand.
Dịch Covid-19 khiến Euro bị hoãn lại một năm. Hareide không được hưởng không khí bóng đá ở một giải đấu lớn. Và Hjulmand bỗng nhiên thấy mình được đứng ở sân khấu lớn, vào năm 2021, với những gì LĐBĐ Đan Mạch kỳ vọng: bóng đá đẹp, lãng mạn, rực lửa và thành công.
Hjulmand phát triển khả năng huấn luyện sớm là do sự bất hạnh trong sự nghiệp cầu thủ mang lại. Ông vốn chỉ là cầu thủ trung bình, sớm gặp chấn thương đầu gối nặng, không kiếm được hợp đồng chuyên nghiệp.
Năm 1994, theo giới thiệu của HLV người Anh Roy Hodgson vốn biết rất nhiều về bóng đá Bắc Âu, Hjulmand 22 tuổi tới Mỹ vừa học đại học, thi đấu cho đội bóng trường Đại học Bắc Florida. Tại đây, Hjulmand cũng phụ giúp cho HLV Ray Bunch - bạn của Hodgson - trong công tác huấn luyện.
Năm 1998, 26 tuổi, Hjulmand treo giày, bắt đầu huấn luyện từ những cấp thấp nhất. Giai đoạn 2011-14, ông làm HLV đội bóng mới thành lập Nordsjaelland. Năm 2012, ông đưa CLB này lần đầu tiên vô địch Đan Mạch.
Với những sáng tạo trong huấn luyện, năm 2014, Hjulmand được CLB Đức Mainz mời tới kế nhiệm Thomas Tuchel khi nhà cầm quân này sang Dortmund. Tuy nhiên, giữa mùa bóng, ông bị Mainz sa thải. Truyền thông kết luận: Hjulmand quá mềm yếu, để thi thố trong môi trường khắc nghiệt như Bundesliga.
Nhưng Hjulmand lại có ý kiến khác: "Các cầu thủ đứng về phía tôi. Chỉ có một người chống tôi là ông Giám đốc Thể thao Christian Heidel. Ban đầu, ông ấy hứa đưa tôi đóng một vai trò lớn trong việc phát triển chiến lược đội bóng. Cuối cùng, tôi chỉ được yêu cầu huấn luyện đội bóng, không làm gì hết nữa".
Trở về Nordsjaelland làm thêm 3 năm nữa, Hjulmand định sang Bỉ làm việc thì LĐBĐ Đan Mạch hỏi tới ông. Hjulmand nhận việc với giấc mơ được phác thảo trong đầu: đưa đội bóng trở về với lối chơi đẹp thành công như thời hoàng kim của bóng đá Đan Mạch 1984-1998.
Để đạt được mục tiêu đó, Hjulmand có cách tiếp cận rất khác người. Ông hẹn gặp với nhiều nhân vật nổi bật trong xã hội Đan Mạch: các doanh nhân hàng đầu, nhà chính trị, VĐV thể thao thành công, nghệ sĩ tạo nhiều ảnh hưởng.
Hjulmand muốn thông qua họ để khám phá căn tính của người Đan Mạch, xây dựng một lối chơi phản ánh tính cách của người Đan Mạch.
Cách tiếp cận này của Hjulmand mới đầu bị chế nhạo, dè bỉu. Ông bị dán nhãn như kẻ ngớ ngẩn, dùng nhiều thời gian nghĩ về các nhà thơ Đan Mạch từ thế kỷ 19 hơn là nghĩ cách thắng các trận bóng.
Nhưng giờ những lời chỉ trích đều im tiếng. Hjulmand có thể mơ màng lãng mạn với các ý tưởng.
Nhưng đến khi thực hiện ý tưởng, ông là người tài năng trong việc đi sâu vào các chi tiết nhỏ nhất. Các pha đan bóng theo trục dọc của Đan Mạch phản ánh ý tưởng lãng mạn và sự chính xác trong từng chi tiết.
Hiện giờ, Hjulmand còn nhận được cả sự ủng hộ của người tiền nhiệm Hareide, HLV nhẽ ra dẫn dắt đội tuyển Đan Mạch dự Euro nếu giải không bị hoãn.
Hareide viết bài bình luận trên tờ báo BT : "Hjulmand nhắn tin điện thoại cho tôi: Đội bóng này có hai HLV. Thật dễ thương khi cậu ấy nói vậy. Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng cậu ấy đã phát triển một đội bóng hay hơn và mạnh hơn lúc tôi nắm đội".
Mục xã luận tờ BT ca ngợi: "Hjulmand chỉ ra cách lãnh đạo hiện đại cho tất cả các nhà lãnh đạo ở Đan Mạch. Hjulmand là nhà lãnh đạo của năm". Ngày 7/7, Đan Mạch sẽ gặp Anh để tranh một chỗ trong trận chung kết Euro 2020.
Maguire xứng danh hòn đá tảng của tuyển Anh Sự xuất hiện của trung vệ Harry Maguire giúp người hâm mộ tuyển Anh cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều, trong bối cảnh đội tuyển của họ sắp bước vào cuộc chiến giành cúp bạc Euro 2020. 2 giờ sau khi tiếng còi mãn cuộc ở Wembley vang lên, hàng nghìn người hâm mộ tuyển Anh vẫn nán lại trước cửa sân...