5 kết phim hay nhất của “đại gia” Pixar
Những đoạn kết phim này thực sự đã chạm đến trái tim của khán giả hâm mộ phim hoạt hình Pixar suốt nhiều năm qua.
1. Toy Story 3
Pixar chưa bao giờ thực hiện những tác phẩm hoạt hình mà chỉ đơn thuần mang tính giải trí. Mỗi một tác phẩm do “đại gia hoạt hình 3D” đem tới trong suốt bao năm qua đều ẩn chứa những ý nghĩa sâu sắc, những thông điệp có giá trị và nhiều bài học quý giá không chỉ dành riêng cho trẻ em.
Toy Story 3 không phải là một ngoại lệ. Bộ phim tiếp tục xoay quanh thế giới đồ chơi của Andy – đứng trước nguy cơ bị cậu chủ bỏ rơi vì Andy ngày nào nay đã trưởng thành. Andy cũng chính là hình ảnh của tất cả chúng ta trong một chặng đường nào đó của cuộc đời mình, khi phải tạm chia tay những kỷ niệm ấu thơ từng thân thuộc gắn bó để bắt đầu một hành trình mới.
Đoạn kết của Toy Story 3 có thể khiến trái tim của khán giả chợt lắng lại với những cảm xúc vừa quen vừa lạ. Đó là khi Andy ngập ngừng tiếc nuối khi phải tạm biệt người bạn đồ chơi yêu quý đã từng gắn bó với cậu suốt thời thơ ấu. “Điều khiến Woody trở nên đặc biệt, đó là cậu ấy không bao giờ bỏ rơi bạn” – Andy đã dành những lời tuyệt vời ấy cho món đồ chơi cưng của mình trước khi trao nó cho cô bé Bonnie. Đau lòng, cảm động, chân thực – đây quả là một trong số những đoạn kết phim hay nhất mà Pixar từng làm.
2. Ratatouille
Ratatouille kể lại câu chuyện vừa hài hước, vừa xúc động về Remy – một chú chuột có năng khiếu đặc biệt về nấu nướng, luôn mơ ước được sáng tạo ra những món ăn thơm phức.
Trong một cơn biến loạn, Remy bị lạc mất gia đình mình và trôi dạt tới Paris – kinh đô của ẩm thực. Remy đã có cuộc gặp gỡ định mệnh với anh chàng phụ việc vụng về trong nhà hàng nổi tiếng Parisian – Linguine, đồng thời thuyết phục anh ta cùng hợp tác với mình để làm những món ăn ngon cho mọi người.
Đoạn kết của Ratatouille thực sự có khả năng làm ấm lòng khán giả, những người đã cười nghiêng ngả với câu chuyện của chú chuột đầu bếp Remy. Phim kết thúc bằng cảnh Remy được thực hiện niềm vui nấu nướng cùng Linguine ở một nhà hàng riêng của họ, tuy nhỏ bé mà ấm cúng. Và thượng khách của họ không ai khác lại chính là nhà phê bình ẩm thực khó tính Ego, người đã tìm thấy một định nghĩa mới về tài năng từ chú chuột nhỏ bé, đó là: “Không phải ai cũng có thể trở thành một nghệ sĩ vĩ đại, nhưng một nghệ sĩ vị đại có thể đến từ bất cứ nơi đâu”.
3. Monsters Inc.
Monsters Inc. là một trong những bộ phim “không tuổi” của Pixar, bởi dù là người lớn hay trẻ em, bạn vẫn có thể tìm thấy những góc nhỏ dành cho riêng mình ở bộ phim tuyệt vời này. Và đằng sau câu chuyện hài hước, thú vị vẫn luôn là những bài học sâu sắc mà các nhà làm phim đã gửi gắm.
Video đang HOT
Bối cảnh phim được đặt tại thế giới quái vật Monstropolis, nơi mà nguồn năng lượng sinh hoạt được đến từ tiếng thét kinh sợ của trẻ em. Chính vì vậy, có một công ty mang tên Monsters Inc. chuyên cử những nhân viên là quái vật với đủ hình hài tới phòng ngủ của trẻ em qua những cánh cửa thần kỳ để dọa chúng.
Cho đến một ngày thế giới của đôi bạn thân Sulley và Mike – hai quái vật chuyên dọa trẻ em trong công ty quái vật bị đảo lộn bởi sự xuất hiện của bé Boo siêu nghịch ngợm. Cả hai phải dấn thân vào một hành trình vừa nguy hiểm vừa khó khăn để đưa bé Boo trở về nhà.
Monsters Inc. không phải là một cuộc hành trình xúc cảm nhất của Pixar, bởi thế nên khi đoạn kết tràn đầy tình yêu xuất hiện trong những giây cuối cùng của bộ phim, nó đã làm khán giả nhớ mãi. Đó là khi Sulley dán miếng vỡ cuối cùng vào cánh cửa thông đến thế giới của Boo, và cô bé xuất hiện, gọi tên Sulley là “mèo con”, cũng là khoảnh khắc gương mặt con quái vật bừng sáng trong hạnh phúc.
4. Wall-E
Cả bộ phim hầu hết diễn ra trong sự im lặng, nhưng đây đích thị là một trong những bản tình ca ngọt ngào nhất của Pixar mà những bộ phim rườm rà khác khó lòng theo kịp.
Phim kể câu chuyện về chú robot Wall-E, một người máy ngây thơ và rất trẻ con, được con người giao nhiệm vụ dọn dẹp rác thải trên Trái Đất. Tuy nhiên, sau khi Trái Đất trở thành một đống hoang tàn đổ nát, con người rời đi và bỏ quên mất Wall-E, khiến anh chàng người máy vẫn ngày đêm đắm chìm trong công việc.
Cho đến một ngày Wall-E gặp gỡ Eve, một cô người máy hiện đại được cử xuống Trái Đất thăm dò, trái tim của anh chàng robot bỗng dưng loạn nhịp…
Wall-E có một kết phim vô cùng cảm động, khi Eve cùng Wall-E và loài người trở lại Trái Đất. Đúng lúc Eve nghĩ rằng Wall-E không còn khả năng hồi phục sau khi bị hỏng hóc nặng và đã quên mình thì Wall-E lại mở to đôi mắt tròn quen thuộc và nắm lấy tay Eve, khiến tất cả những nhân vật trong phim và cả khán giả vỡ òa trong hạnh phúc.
5. Up
Ai cũng biết ông già Carl Fredricksen đã khó tính ra sao ở đoạn mở đầu phim Up và cậu nhóc Russell thực ra là một “của nợ” như thế nào trong mắt Carl khi cậu bé này vô tình trở thành bạn đồng hành với ông trên hành trình đeo đuổi ước mơ thời tuổi trẻ.
Thế nhưng đoạn kết phim lại làm ấm lòng tất cả khán giả khi Carl có mặt để trao cho Russell chiếc huy hiệu tượng trưng cho lòng quả cảm, sự tận tâm, hết lòng vì người xung quanh của cậu bé dễ thương. Và cả khoảnh khắc hai ông cháu cùng chơi trò đếm xe trên đường phố, nó thực sự đã chạm đến trái tim khán giả.
Theo TTVN
"Brave" - Đỉnh cao nghệ thuật mới mà Pixar kiếm tìm
Khi cho ra đời hai tuyệt phẩmToy Story 1, 2 vào cuối thập niên 90, hãng Pixar (nay thuộc Walt Disney) đã làm một cuộc cách mạng thực sự ở thể loại phim hoạt hình 3D.
Từ đó cho đến trước năm 2011, Pixar luôn là kẻ bất khả chiến bại trên cả hai phương diện: chất lượng nội dung (6/10 phim được đề cử đã đoạt giải Oscar dành cho Phim hoạt hình dài xuất sắc nhất) lẫn thương mại (chưa phim nào có doanh thu dưới 160 triệu $ ~ 3.336 tỷ đồng)
Thậm chí, ngay cả khi đối thủ truyền kiếp DreamWorks gặt hái thành công không tưởng với series Shrek hay sự trỗi dậy của hàng loạt xưởng hoạt hình mới như Sony, Illumination, Blue Sky thì Pixar vẫn luôn giữ vị trí độc tôn ở lĩnh vực hoạt hình 3D. Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn vào năm ngoái.
Với Cars 2, Pixar đã tự chứng minh rằng, họ không phải lúc nào cũng bất bại. Dù hãng vẫn kiếm về bộn tiền, tuy nhiên, chất lượng sản phẩm đã giảm đi trông thấy. So với phần 1, Cars 2 có độ vênh quá lớn. Chính vì vậy, bước sang năm nay, Pixar đặt rất nhiều kỳ vọng vào tác phẩm thứ 13 - Brave.
Trong Brave, họ đã có sự thay đổi rất nhiều, từ mặt hình ảnh, âm thanh đến cách thể hiện. Brave là bộ phim đầu tiên có cốt truyện cổ tích theo kiểu Anderson hay anh em nhà Grimm, và không ngoại trừ khả năng ảnh hưởng từ truyền thống Walt Disney.
Đây cũng là tác phẩm đầu tiên tại Bắc Mỹ sử dụng hệ thống âm thanh Dolby Atmos. Nàng công chúa Merida là nữ nhân vật chính đầu tiên, Brendan Chapman cũng là nữ (đồng) đạo diễn trong phim củaPixar.
Tuy nhiên điều quan trọng nhất chính là sự thay đổi về phong cách. Vẫn còn đó tính giáo dục nhẹ nhàng nhưng Brave không còn đậm chất Mỹ, ít tính hài hước, thay vào đó, đen tối và có phần già dặn hơn. Điều này vô tính mang lại hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Một bên hết lời khen ngợi Brave, một bên chê Brave đã mất đi "tinh thần Pixar".
Nội dung phim kể về cuộc hành trình của nàng công chúa Merida trong việc phá bỏ lề thói phong kiến xưa cũ, tự làm chủ cuộc đời chính mình. Không chịu sự áp đặt về hôn nhân của cha mẹ, cô đi sâu vào trong rừng và vô tình bắt gặp mụ phù thủy thần bí.
Merida hy vọng rằng lời nguyền từ mụ phù thuỷ có thể thay đổi được quan điểm của hoàng hậu. Meridakhông thể ngờ rằng chuyện này lại mang lại tai họa cho gia đình cô, thậm chí cả cho cả vương quốc.
So với các bộ phim trước như The Incredibles, Ratatouille, Wall-E, Toy Story 3, Brave đơn giản hơn rất nhiều. Tình tiết ít biến hóa, sự phát triển lẫn mối quan hệ giữa các nhân vật không đa dạng, bối cảnh quanh đi quẩn lại không ngoài lâu đài và khu rừng rộng lớn trên cao nguyên Scotland. Câu chuyện cứ trôi qua đều đều, ít điểm nhấn, đôi chỗ lời thoại quá dài. Nhân vật phù thủy chưa được khai thác triệt để mà để bỏ lửng giữa chừng.
Thế nhưng, Brave lại tạo được bước ngoặt cực lớn khi nhân vật Merida hối lỗi, tìm mọi cách để cứu hoàng hậu. Ở trường đoạn cuối, lúc cô nằm trong lòng mẹ thổn thức, rất nhiều khán giả trưởng thành đã khóc sụt sùi.
Tính từ đầu năm đến nay, đây là một trong những phân cảnh đắt giá nhất, xúc động nhất của điện ảnh thế giới. Chỉ cần một khoảnh khắc về tình mẫu tử bất diệt đó thôi, Brave dễ dàng được nâng lên một tầm vóc mới.
Một điểm đáng khen nữa ở Brave chính là mặt hình ảnh. Vùng đất cao nguyên Scotland trên phim được các họa sĩ Pixar vẽ đẹp tuyệt vời, từ những mảng rừng xanh tươi, thác nước hùng vĩ dưới buổi chiều tà, cho đến những góc tối, u ám đầy mê hoặc.
Khi đặc tả vào từng chi tiết, thậm chí Pixar còn gây kinh ngạc hơn. Nổi bật nhất là cảnh Merida giương cung lên nhắm bắn, mũi tên rời dây trong hiệu ứng slow-motion vô cùng kỳ ảo. Ngoài ra, phần âm nhạc mang đậm âm hưởng Celtic phần nào tạo nên nét độc đáo riêng cho Brave.
Pixar đã có sự thay đổi đáng ghi nhận cả về mặt nội dung lẫn hình ảnh. Nhưng sự thay đổi này có thích hợp hay không, cái đó lại tùy thuộc vào gu của từng người.
Đạo diễn: Mark Andrews, Brenda Chapman
Diễn viên: Kelly MacDonald, Emma Thompson, Billy Connolly
Thể loại: Hoạt hình / Phiêu lưu / Hành động
Phân loại:
Đánh giá:
Theo TTVN
"Bắt bài" Oscar 2013 Chỉ trừ giải thưởng Phim hoạt hình xuất sắc nhất gây sốc cho khán giả, Oscar lần thứ 85 năm nay quá dễ bắt bài ở mọi hạng mục. Mùa giải thưởng đầu năm tại Hollywood đã qua đi. Sau hàng tá giải lớn như Quả cầu vàng, Tinh thần độc lập, giải của các Hiệp hội nghề nghiệp (phê bình, đạo diễn,...