5 dự án điện ảnh Việt được trông chờ nhưng mãi chẳng thấy tung tích
Có những phim điện ảnh được chờ đợi từ khi mới công bố thông tin nhưng khán giả đợi mãi chẳng thấy ra mắt. Có phim thì dời, có phim… hủy luôn không một lời từ biệt.
Với một thị trường đang nhiều tiềm năng như điện ảnh Việt hiện nay thì việc công bố các dự án mới luôn được khán giả quan tâm. Nhất là khi đó là một dự án độc đáo (chuyển thể cổ tích hoặc đề tài gây sốc, mang tính xã hội) hoặc là của một vị đạo diễn tiếng tăm nào đó. Sự chú ý đó của khán giả không phải bộ phim nào cũng nhận được. Có những tác phẩm phải rất chật vật mới được người ta quan tâm, nếu chất lượng tốt thì còn lật ngược được tình thế (như Em chưa 18) chứ mà tàng tàng thì coi như cầm chắc lỗ vốn nếu trước khi ra rạp mà bị ngó lơ.
Thế nhưng, có những dự án, những cái tên mà lập tức gây sốt từ khi chỉ vừa công bố một thông tin rất nhỏ, có khi chỉ mới là tên phim mà thôi, nhưng đợi mãi vẫn chẳng biết khi nào mới ra rạp. Có phim thì dời, phim thì đổi này đổi kia, có phim… hủy luôn mà không một lời thông báo. Hẳn bạn còn nhớ những bộ phim dưới đây chứ?
Status – Đạo diễn Victor Vũ
Năm 2015, khi khán giả còn đang nóng lòng chờ ngày Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh công chiếu thì Victor Vũ bất ngờ “thả thính” dự án điện ảnh tiếp theo có tên Status. Bài đăng trên fanpage anh lúc đó chỉ gỏn gọn một câu “Trên 100 like, tôi sẽ chết” kèm tên phim là Status nhưng đã đủ làm rúng động cộng đồng mạng bấy giờ. Bởi khi đó các vấn đề câu like, giết chóc, tự sát vì mạng xã hội rất nhiều.
Thế nhưng sau đó, không thấy đạo diễn nhắc gì đến bộ phim này nữa. Sau hơn 2 năm, anh đã phát hành Lôi Báo – phim hành động chủ đề siêu anh hùng và sắp tới là Người bất tử – chủ đề siêu nhiên, kì ảo, hoàn toàn chẳng mảy may nhắc gì đến status đã khiến ai cũng “hóng” ngày nào.
Hình ảnh trong “Người bất tử”
Dù ai cũng biết dự án đó đã “chết” (chắc do được hơn 100 like nên nó “chết” thật) nhưng một chủ đề hay như vậy, hợp với Victor Vũ như vậy thì ai cũng ấp ủ một hy vọng le lói nó sẽ chính thức trở lại vào một ngày nào đó.
Cú té trời tính – Đạo diễn Charlie Nguyễn
Sau thất bại với Fan cuồng, Charlie Nguyễn khá im tiếng. Nhưng giữa năm 2017, anh đã khiến làng điện ảnh Việt phải ồn ào khi bắt tay sản xuất Em chưa 18 (Lê Thanh Sơn đạo diễn), bộ phim “cá kiếm” hơn 171 tỉ đồng doanh thu, kỉ lục của phòng vé Việt Nam.
“Cú té trời tính”
Ngay sau thành công vang dội của Em chưa 18, Charlie Nguyễn đã công bố dự án trở lại của anh trong vai trò đạo diễn là Cú té trời tính, remake từ A Key of Life của Nhật Bản với sự tham gia của Thái Hòa, Kathy Uyên, Kaity Nguyễn và HuyMe. Bộ phim đã có buổi định trang và công bố thông tin đến báo giới, khán giả nhưng sau đó thì biến mất không tăm hơi.
Theo nguồn tin riêng, vì kịch bản phim bản Việt được chỉnh sửa khá nhiều so với bản gốc, khiến nó không hẳn là một phim remake nữa nên làm Charlie… mất hứng. Anh tạm gác dự án và hiện tại có lẽ đã hủy luôn. Thay vào đó, anh sẽ “cầm trịch” Chàng vợ của em, cũng là một phim remake, do Thái Hòa, Hứa Vĩ Văn, Vân Trang và Phương Anh Đào đóng. Phim dự kiến ra mắt trong thán 4 năm nay.
Thái Hòa trong “Chàng vợ của em”
Chuột – Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng
Nếu là người hâm mộ của Vũ Ngọc Đãng, chắc chắn bạn phải biết đến phim ngắn Vợ chồng Chuột mà anh làm từ trước khi trở thành một đạo diễn chính thức. Thậm chí, với nhiều người, Vợ chồng Chuột chính là phim hay nhất của Vũ Ngọc Đãng.
Một cảnh trong “ Vợ chồng Chuột”
Thành thử, sau Hot boy nổi loạn 2, kế hoạch phát triển Chuột thành phim điện ảnh đã khiến nhiều khán giả chờ đợi. Thậm chí kịch bản phim cũng đã xong xuôi, chỉ chờ ngày đi quay nhưng theo đạo diễn và nhà sản xuất Lương Mạnh Hải thì vì một số điều kiện, yếu tố không phù hợp nên kịch bản phim đã được thay đổi để trở thành Khi con là nhà vừa công chiếu cuối năm 2017.
Phim “Khi con là nhà” đang công chiếu
Dù đã bị hủy bỏ nhưng hy vọng được xem một Chuột phiên bản điện ảnh vẫn chưa bao giờ tắt trong lòng khán giả. Hy vọng trong tương lai, anh sẽ có hứng để khởi động lại dự án này.
Sơn Tinh Thủy Tinh – Đạo diễn Victor Vũ
Thêm một phim do Victor Vũ đứng tên xuất hiện trong danh sách. Nửa cuối 2017, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh công bố cô sẽ sản xuất phim cổ tích Sơn Tinh Thủy Tinh, bộ phim sẽ do Victor Vũ đảm nhận vai trò đạo diễn. Thậm chí còn tung luôn hình ảnh hoạt họa để khiến khán giả yên lòng. Đây chắc chắn là một dự án gây được sự quan tâm của khán giả, bởi quá nhiều yếu tố từ nhà sản xuất, đạo diễn cho đến chất liệu.
Thậm chí, theo lịch sản xuất phim điện ảnh trong 5 năm tới của Ngô Thanh Vân cũng có một phim làm về Sơn Tinh Thủy Tinh. Một cuộc “đụng độ” chắc chắn sẽ cực kì thú vị và người có lợi nhất chắc chắn là khán giả. Thế nhưng, dường như đâu đó xung quanh dự án Sơn Tinh Thủy Tinh của Trương Ngọc Ánh đã có mùi… chờ đợi trong vô định. Đến nay vẫn chưa có thông tin nào thêm về phim, cũng không thấy Victor Vũ hay Trương Ngọc Ánh nhắc gì đến. Hy vọng đây không tiếp tục là một quả bom chưa nổ đã tịt ngòi của phim Việt.
Người phán xử bản điện ảnh – Đạo diễn Quang Huy
Cuối cùng trong danh sách này chính là Người phán xử bản điện ảnh do đạo diễn Quang Huy đạo diễn. Từng khiến khán giả xôn xao khi công bố lúc Người phán xử đang làm mưa làm gió trên truyền hình. Quang Huy cũng chính thức công bố dự án tham vọng này trong lễ kỉ niệm 15 năm thành lập của công ty. Nhiều dự đoán và phân tích về phiên bản điện ảnh cũng đã xuất hiện. Ai cũng nói chắc chắn Người phán xử chắc chắn sẽ là “bom tấn” của 2018.
Nhiều khán giả cho rằng Sơn Tùng sẽ thay thế Việt Anh vào vai Phan Hải
Nhưng từ ấy đến nay mọi thứ vẫn im ắng. Trong khi khán giả vẫn chưa được giải đáp ai sẽ là Phan Quân, Phan Hải, Lê Thành thì phía công ty của Quang Huy lại đăng tin casting một phim khác là Trái tim quái vật. Tuy phim này do một đạo diễn khác thực hiện nhưng việc Người phán xử chưa được đả động gì sau bao nhiêu tháng ít nhiều khiến khán giả hụt hẫng.
(Lại) hy vọng Người phán xử bản điện ảnh sẽ đường hoàng xuất hiện chứ không chỉ là một tham vọng nhất thời của “phù thủy” Quang Huy, người đã rất thành công với Thần tượngvà Chàng trai năm ấy.
Theo Trí Thức Trẻ
'Khi con là nhà' và tiếng gọi 'Ba ơi' với những cung bậc cảm xúc khác nhau
Trở đi trở lại trong "Khi con là nhà" là tiếng gọi "Ba ơi" khi thì vội vã, hoảng loạn, lúc lại mừng tủi, hạnh phúc. Để bé Bi luôn miệng gọi cha, bộ phim không chỉ thể hiện chân thực hình ảnh của cậu bé lên 6 trong sáng, mà còn khiến tình cha con ở tác phẩm càng trở nên day dứt, sâu đậm.
Ra rạp vào những ngày cuối năm 2017, Khi con là nhà - một bộ phim do đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thực hiện - để lại nhiều dư âm trong lòng khán giả. Xoay quanh các phận đời nhỏ bé, khổ cực, tác phẩm điện ảnh vẫn làm nổi bật lên những nhân cách cao đẹp, cũng như tình cảm gia đình thiêng liêng. Bộ phim kể về Quang (Lương Mạnh Hải thủ vai), một người cha đơn thân, "gà trống nuôi con", cùng cậu con trai là Bi (bé Duy Anh đóng) sống ở ngôi nhà nhỏ nơi thôn quê nghèo, nhưng bình yên. Với tạo hình lấm lem, lôi thôi, Lương Mạnh Hải trở thành người cha đam mê bài bạc, chọi gà, anh chỉ thực sự nhận ra và làm lại sau biến cố xảy ra...
Trailer "Khi con là nhà".
Trong Khi con là nhà, người cha là Quang và bé Bi rong ruổi suốt những nẻo đường, từ làng quê nghèo lên Sài Gòn, từ con ngõ nhỏ chật hẹp, tối tăm cho đến gầm cầu bụi bặm. Trốn chui trốn lủi, dầm mưa dãi nắng tìm kế mưu sinh, hai cha con khiến không ít khán giả phải thốt lên: "Sao mà khổ thế?!". Ám ảnh đối với người xem hơn cả là tiếng cậu con trai nhỏ gọi "Ba ơi". Từ đầu đến cuối phim, tiếng gọi "Ba ơi" ấy mang nhiều sắc thái khác nhau.
"Ba ơi" - Tiếng cậu con nhỏ giục giã ba khỏi tệ nạn cờ bạc
Trong những phân cảnh đầu tiên Khi con là nhà, hình ảnh xóm nhỏ nghèo bình yên hiện lên với cánh đồng bát ngát, con đường đất đỏ hay chiếc thuyền lờ lững trôi sông. Trên cái nền đầy thơ mộng ấy là cuộc sống có phần ồn ào, lộn xộn của hai cha con Quang - bé Bi khi thiếu người mẹ chăm lo. Các phân đoạn hai cha con tranh nhau chỗ đi vệ sinh, cùng đi trên chiếc xe lọc cọc khiến người xem không khỏi bật cười. Lúc này, tiếng "Ba ơi" là lời Bi thúc giục bố thức dậy, mua kem đánh răng hay xà bông.
Có tạo hình lấm lem, khắc khổ, nhưng người cha trong Khi con là nhà luôn mang thái độ lạc quan, trẻ trung, tuy nhiên, anh không tránh khỏi sự cám dỗ của tệ nạn, bài bạc. Các chuyến vui thâu đêm suốt sáng khiến ông bố đơn thân mệt mỏi, bỏ bê công việc. Vẫn là tiếng "Ba ơi" phiền phức, Bi hết cố gắng gọi ba dậy, lại vội vã thúc giục Quang ra khỏi đám chọi gà. Những hình ảnh đầu tiên mang màu sắc vui tươi, hài hước, nhưng phần nào dự báo biến cố ập đến phía sau...
Bé Bi tự cho lợn ăn khi không thể gọi ba dậy.
Sa đà vào những cuộc cá cược, cờ bạc, Quang bị bắt, trong sự hoảng loạn, anh vùng bỏ chạy và vội vã trốn đi. Tin tức lan nhanh chóng ra làng xóm, bé Bi hoang mang, chạy khắp nơi tìm bố với tiếng gọi "Ba ơi". Lúc này, tiếng "Ba ơi" nức nở không còn là tiếng thúc giục cha như thường ngày, mà nó đánh dấu bước chuyển trong cuộc đời hai cha con, cũng như hướng mạch phim Khi con là nhà sang một lối rẽ khác.
Tiếng gọi cha trên suốt những con đường mưu sinh kiếm sống
Tội lỗi của người cha đẩy hai cha con vào cuộc sống khổ cực, trốn chui trốn lủi, dầm mưa dãi nắng trên suốt những con đường Sài Gòn, từ ngõ nhỏ chật hẹp đến nơi thị thành ồn ào, tấp nập. Tại đây, từ cậu con trai luôn miệng than thở: "Ba ơi, con đói", "Ba ơi, con mỏi chân", bé Bi dần trưởng thành hơn, biết học cách "đói cho sạch, rách cho thơm" hay phụ giúp bố công việc.
Cuộc sống khắc khổ mà hai cha con phải chịu đựng khiến người xem không khỏi nhói lòng. Người cha nhếch nhác, nghèo khổ ấy dẫn theo cậu con trai nhỏ vất vả tranh hộp cơm phát miễn phí, tìm chỗ ngủ hay kiếm một công việc mưu sinh. Tuy nhiên, điều làm khán giả cảm động hơn cả là dù cực khổ ra sao, bé Bi vẫn nhất quyết không về quê cùng cô Liễu mà đi theo cha, giấu những thiệt thòi vào trong với lý do rất ngây thơ, chân thành: để bố không bắt về quê nữa. Lúc này, tiếng gọi "Ba ơi"trở thành minh chứng cho sự gắn kết giữa nhân vật Quang và người bạn đồng hành bé nhỏ.
Những tiếng "Ba ơi" đầy nước mắt!
Thế nhưng, những thiệt thòi, khốn cùng mà hai cha con trải qua dẫu nhiều thế nào vẫn không đau đớn bằng việc họ lạc mất nhau. Sự éo le của cuộc đời đẩy Quang và bé Bi ra xa nhau, khiến ngõ nhỏ chật hẹp - nơi người ta vẫn thường thấy hai bóng dáng một lớn, một nhỏ sớm hôm đi về - trở thành cuộc rượt đuổi mà cha vội vã tìm con, con hớt hải gọi: "Ba ơi", nhưng mãi chẳng tìm thấy nhau.
Ấn tượng và day dứt nhất trong lòng khán giả có lẽ là phân cảnh cậu con trai ngây thơ, không biết chữ nhầm tưởng giấy tìm trẻ lạc thành lệnh truy nã. Cha cứ mải miết dán giấy tìm con, còn Bi vội vã bóc đi theo cách cha vẫn hay làm. Phân cảnh cảm động trên nền lời hát đầy ám ảnh: "Thương con vẫn sống xa nhà. Thương con vất vả bôn ba. Thương con thèm bát cơm nhà. Thèm nhìn đôi mắt con yêu" khiến người xem không cầm được nước mắt.
Do vậy, giây phút cha con đoàn tụ, bé Bi cuống cuồng bỏ vội bát cơm, chạy đến ôm lấy ba là phân cảnh chạm đến tim người xem. Lúc này, tiếng gọi "Ba ơi" vẫn nức nở, nhưng là giọt nước mắt hạnh phúc, giọt nước mắt đoàn viên. Đây cũng chính là tình tiết đẩy cao tình phụ tử và giá trị nhân đạo mà Khi con là nhà mong muốn truyền tải.
Hình ảnh hạnh phúc của hai cha con trong "Khi con là nhà".
Trở đi trở lại trong Khi con là nhà là tiếng gọi "Ba ơi" khi thì vội vã, hoảng loạn, lúc lại mừng tủi, hạnh phúc. Để bé Bi luôn miệng gọi cha, bộ phim không chỉ thể hiện chân thực hình ảnh của cậu bé lên 6 trong sáng, mà còn khiến tình cha con ở tác phẩm càng trở nên day dứt, sâu đậm.
Theo Saostar
Lương Mạnh Hải bị tưởng nhầm muốn tự tử khi đóng phim, hi sinh "hết mình" vì bộ răng vàng khè Để có một bộ dạng dơ dáy, bầy hầy, đặc biệt là hàm răng vàng ố như trong phim "Khi con là nhà", Lương Mạnh Hải phải đưa ra "thử thách" không nhỏ đối với chuyên gia trang điểm lẫn các nha sĩ. Sau 4 ngày công chiếu, Khi con là nhà, phim mới nhất của Vũ Ngọc Đãng và Lương Mạnh Hải...