5 điều Nhật Bản cần làm để thúc đẩy hợp tác an ninh với ASEAN
Mặc dù đã ký kết những thoả thuận đầu tư dài hạn với Đông Nam Á, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn nên hợp tác nhiều hơn nữa về mặt an ninh với các nước ASEAN nhằm tăng cường an ninh hàng hải và để đối phó với toan tính của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh (trái) bắt tay với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại một cuộc gặp ở Tokyo hồi năm 2013 – Ảnh: Reuters
Hãng tin Nikkei (Nhật Bản) ngày 18.6 dẫn lời ông Jonathan Berkshire Miller, chuyên gia nghiên cứu Đông Á tại Viện Đông Á (Mỹ), nhận định rằng các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đang trở thành một vấn đề an ninh có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia ASEAN và các đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp trái phép đã làm thay đổi hiện trạng trong vùng.
Trong bối cảnh đó, Nhật Bản đang tỏ rõ thiện chí muốn giúp các nước trong vùng đối phó với sự ngang ngược của Trung Quốc, theo ông Miller.
Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-la ở Singapore hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã giới thiệu “Sáng kiến Đối thoại Shangri-La” do Tokyo khởi xướng, trong đó có đề ra 3 biện pháp nhằm tăng cường mức độ an toàn trên biển và trên không trong khu vực. Một trong những biện pháp này là tuần tra trên không 24/24 giờ ở Biển Đông cùng các thành viên khối ASEAN.
Chuyên gia Miller bình luận mặc dù tuyên bố của ông Nakatani có vẻ như được đưa ra bất thình lình, nhưng đừng nên hiểu tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản như thông báo về một sự thay đổi trong chính sách của Tokyo.
“Nhật Bản liên tục thể hiện mong muốn được tăng cường hợp tác an ninh với các nước ASEAN từ sau khi Thủ tướng Abe lên nắm quyền”, chuyên gia này nhận định.
Video đang HOT
“Trong năm cầm quyền đầu tiên, Thủ tướng Abe đã đi thăm toàn bộ 10 quốc gia thành viên của khối này và ông cũng đã điều các bộ trưởng chủ chốt trong nội các đến các nước ASEAN. Chính sách này nhằm giúp mở rộng quan hệ hợp tác của Nhật Bản trên toàn khu vực theo hướng vượt ra khỏi khuôn khổ kinh tế truyền thống”, theo ông Miller.
Tuy nhiên, chuyên gia về Đông Á này cho rằng Nhật Bản cần làm nhiều hơn nữa để giúp củng cố các quy định về tự do hàng hải và các luật lệ về hoạt động trên biển trong khu vực.
Bằng việc tỏ thái độ ngoại giao dứt khoát ở Biển Đông, Nhật Bản có thể dùng sự hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp biển đảo (bao gồm cả tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư) để xây dựng một nguyên tắc rộng lớn hơn cho việc duy trì luật pháp quốc tế và phản đối việc dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng khu vực, ông Miller nói.
Ông cũng đưa ra 5 đề xuất chính phủ Nhật Bản nên làm để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng với ASEAN.
Thứ nhất, Nhật Bản nên tăng cường quan hệ an ninh với Đông Nam Á thông qua việc hiện diện nhiều hơn tại các diễn đàn an ninh đa phương trong khu vực, chẳng hạn như Diễn đàn Khu vực ASEAN, Đối thoại Shangri-la và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN.
Thứ hai, Tokyo nên có nhiều hành động hơn trong việc hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN xây dựng năng lực an ninh hàng hải của riêng họ, tương tự như đã từng làm cho Việt Nam và Philippines (cấp tàu tuần tra biển).
Thứ ba, Nhật Bản nên tiếp tục củng cố vai trò và ảnh hưởng của Lực lượng Phòng vệ (SDF) trong khu vực.
Thứ tư, Nhật Bản nên tiếp tục mở rộng vai trò của mình trong khu vực thông qua các gói viện trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai. SDF đã thể hiện được năng lực của mình trong lần hỗ trợ Philippines sau siêu bão Hải Yến hồi tháng 11.2013. Tokyo khi đó đã điều động hơn 1.000 binh sĩ lực lượng phòng vệ, cùng trực thăng và một số lượng lớn lương thực và thuốc men để giúp đỡ các nạn nhân ở vùng hẻo lánh.
Cuối cùng, Tokyo nên đầu tư mở rộng các khung cố vấn hàng hải như đã có với một số quốc gia như Singapore. Nhật Bản đã đồng ý thiết lập một diễn đàn an ninh hàng hải với Indonesia và có thể sẽ có thỏa thuận tương tự với những quốc gia ASEAN khác.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Ấn Độ-Nhật-Úc khởi động đối thoại 3 bên đầu tiên
Mối quan ngại trước các hoạt động xây đảo của Trung Quốc trên Biển Đông cùng các vấn đề hợp tác an ninh, quân sự, như tập trận chung được cho là các nội dung trong chính trong cuộc gặp cấp cao 3 bên đầu tiên của Ấn Độ, Nhật Bản và Úc.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki tham dự cuộc đối thoại ngày 8/6. (Ảnh: AFP)
Ấn - Nhật - Úc ngày 8/6 đã tổ chức cuộc đối thoại ba bên lần đầu tiên tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, với sự tham dự của Bí thư đối ngoại Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki và Vụ trưởng Vụ Đối ngoại và Thương mại Úc Peter Varghese.
Trong cuộc đối thoại, đại diện 3 nước đã tập trung thảo luận về môi trường an ninh, kinh tế trong khu vực, cũng như tình hình căng thẳng ở Biển Đông hiện nay. Trong chương trình nghị sự, các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông và triển khai quân sự tại đây của Trung Quốc được cho là một vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của New Delhi, Tokyo và Canberra.
Hợp tác an ninh, chủ yếu trong lĩnh vực hải quân, được dự báo là chủ đề chính của đối thoại. Một nguồn tin quan chức Hải quân Ấn Độ cho biết đại diện 3 nước cho rằng nên tổ chức các cuộc tập trận chung.
Trước đây, New Delhi đã thể hiện ý định rõ ràng về việc tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung với Nhật Bản và Úc. Giới phân tích đánh giá hiện nay là thời điểm tốt để triển khai hoạt động này.
Tờ ET của Ấn Độ cho biết, dưới thời chính phủ Liên minh Tiến bộ thống nhất (UPA), Mỹ đã đề xuất tổ chức một cuộc đối thoại bốn bên với Ấn Độ, Nhật Bản, Úc vào năm 2007 khi các nước này tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar tại Vịnh Bengal. Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối mạnh của Trung Quốc, cuộc đối thoại này đã bị trì hoãn.
Sau khi lên cầm quyền, chính phủ Liên minh dân chủ quốc gia (NDA) do BJP đứng đầu đã nhấn mạnh Ấn Độ không chỉ tiến hành các cuộc tập trận Malabar đa phương, mà còn tổ chức các cuộc thảo luận chung và đàm phán ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao.
Giới phân tích đánh giá, động thái mới của chính phủ Ấn Độ chứng tỏ rằng nước này đang có một cách tiếp cận mới, quyết liệt hơn với Trung Quốc.
Dù Mỹ không tham gia vào cuộc đối thoại 3 bên lần này, Washington vẫn là đồng minh an ninh chủ chốt của Nhật và Úc. Mỹ đang gia tăng vai trò an ninh của mình thông qua chính sách "xoay trục" về châu Á-Thái Bình Dương, thông qua nhiều hoạt động triển khai quân sự và tập trận, cũng như hỗ trợ an ninh cho các nước trong khu vực.
Thoa Phạm
Theo Dantri/ ET
Nhật Bản, Philippines hợp tác đối phó Trung Quốc Nhật Bản và Philippines hôm qua đã nhất trí khởi động các chương trình hợp tác an ninh song phương nhằm đối phó với những hành động gây hấn ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng mở rộng quy mô và tiến độ xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tổng thống Philippines Benigno Aquino...