5 dấu hiệu điển hình nhất cảnh báo suy thận
Những năm gần đây, tỷ lệ người dân mắc bệnh lý suy thận có xu hướng gia tăng ở tất cả lứa tuổi.
Nếu không được kiểm soát, can thiệp điều trị kịp thời người bệnh có thể tử vong.
Bệnh lý suy thận đã và đang làm giảm chất lượng cuộc sống, trở thành gánh nặng chi phí điều trị cho bản thân người bệnh và gia đình, đặt áp lực lớn lên hệ thống y tế.
Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh suy thận ( thận mạn) ở Việt Nam chiếm khoảng 10,1% dân số (hơn 10 triệu người mắc), với khoảng 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Tỷ lệ không qua khỏi do bệnh thận mạn đứng thứ 8 trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.
Nguyên nhân dẫn đến suy thận
Tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) có hơn 200 bệnh nhân đang điều trị suy thận mạn, từ giai đoạn 1-5. Bác sĩ chuyên khoa I Lương Minh Tuyến, Phó khoa Thận lọc máu, cho biết suy thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận. Suy thận gồm có suy thận cấp và suy thận mạn.
Suy thận cấp tiến triển cấp tính, diễn biến đột ngột, nếu được điều trị đúng phương pháp sẽ khỏi hoàn toàn. Nếu không được điều trị kịp thời, suy thận cấp có nguy cơ nặng lên, tiến triển thành suy thận mạn hoặc tử vong. Suy thận mạn thường diễn biến âm thầm, nặng dần theo thời gian và không thể hồi phục.
Về nguyên nhân dẫn đến suy thận, bác sĩ Tuyến cho biết suy thận cấp được chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính gồm trước thận, tại thận, sau thận.
Nhóm bệnh nhân trước thận gồm các nhóm nguyên nhân gây giảm dòng máu tới thận, khiến chức năng lọc suy giảm như mất nước do nắng nóng, tiêu chảy nôn nhiều.
Nhóm nguyên nhân tại thận gây hoại tử ống thận, giảm chức năng của thận như nhiễm trùng, nhiễm độc…
Suy thận sau thận do các nguyên nhân tắc nghẽn đường tiểu gây ứ nước tiểu, giãn đài bể thận và suy thận, thường gặp trong các bệnh lý sỏi tiết niệu, ung thư, phì đại tiền liệt tuyến…
Suy thận mạn là quá trình chết các tế bào nephron (đơn vị cấu tạo và chức năng cơ bản của thận) từ từ, do nhiều nguyên nhân như viêm cầu thận, các bệnh lý tim mạch nội tiết gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, xơ cứng bì… các bệnh lý di truyền như gan thận đa nang.
Bệnh nhân suy thận điều trị lọc máu chu kỳ tại khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh: BVCC.
Những biểu hiện đặc trưng
Dấu hiệu suy thận dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác ở đường tiết niệu. Do đó, người dân cần có kiến thức nhận biết sớm để chủ động thăm khám, nhận sự tư vấn và điều trị kịp thời, đúng cách, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm.
Trong đó, 5 dấu hiệu điển hình nhất cảnh báo bệnh lý suy thận gồm:
Triệu chứng về da: Ở bệnh nhân suy thận, da thường sạm đen, xỉn màu do lắng đọng nhiều chất độc và sắt. Bệnh nhân có thể kèm theo dấu hiệu của thiếu máu nên da thường xanh sạm, nhợt nhạt, thiếu sức sống.
Triệu chứng của thiếu máu: Do suy thận gây thiếu máu mạn tính nên bệnh nhân có những triệu chứng của thiếu máu như da xanh niêm mạc nhợt nhạt, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi khi làm việc.
Triệu chứng của tăng ure máu: Bệnh nhân có triệu chứng hơi thở ure, ăn kém và chán ăn, người mệt mỏi. Đôi khi đau đầu, buồn nôn, người nôn nao chóng mặt.
Triệu chứng của tăng huyết áp : Bệnh suy thận thường có tăng huyết áp kèm theo, hay có cơn tăng huyết áp, huyết áp thường cao> 180 mmHg, đáp ứng kém với thuốc hạ áp.
Triệu chứng phù: Đây là một trong những nguyên nhân hay gặp trong suy thận cấp và các đợt cấp của suy thận mạn, bệnh nhân đi tiểu số lượng ít kèm theo có phù vùng thấp.
Ngoài ra, bệnh nhân suy thận còn nhiều triệu chứng không điểu hình như đau xương khớp, đau hố thắt lưng 2 bên …
Do chưa nhận thức đầy đủ về bệnh, không ít trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lý suy thận ở giai đoạn nặng mới nhập viện. Khi đó, người bệnh đã xuất hiện tình trạng phù các bộ phận trên cơ thể như mắt, chân và tay… nguy hiểm đến tính mạng do thận giảm khả năng loại bỏ nước và muối.
Video đang HOT
Khi thận không còn chức năng hoạt động bình thường và suy thận mạn giai đoạn cuối, người bệnh buộc phải lọc máu định kỳ. Ảnh: Duy Hiệu.
Cách phòng bệnh suy thận
Để chủ động phòng, chống bệnh suy thận, bác sĩ khuyến cáo người dân cần:
Uống đủ nước: Nước có vai trò quan trọng đối với cơ thể và đặc biệt với những người bị thận yếu thì cần đặc biệt lưu ý. Các bác sĩ khuyến cáo người bị bệnh thận không nên uống quá nhiều hay quá ít nước.
Uống nhiều nước sẽ tạo áp lực lên cho thận, trong khi uống ít nước sẽ làm tăng nguy cơ thận bị nhiễm độc do thận sẽ không đủ nước để co bóp đẩy cặn bã và độc tố ra ngoài. Vì vậy, chỉ cần uống một lượng nước vừa đủ mỗi ngày. Mỗi ngày cơ thể cần 2-2,5 lít nước, tùy theo sức khỏe tổng thể, giới tính, trọng lượng cơ thể và hoạt động của người đó. Với những người chơi thể thao, mồ hôi tiết ra nhiều thì cần bổ sung nước nhiều hơn.
Mọi người không nên uống một lần với lượng nước lớn, nên uống từng ngụm nhỏ để giúp các tế bào thẩm thấu lượng nước đưa vào.
Uống nước ấm giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp và tăng nhu động ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa, hỗ trợ tuần hoàn máu trong cơ thể trở nên dễ dàng, trơn tru hơn.
Bên cạnh đó, mọi người không nên đợi đến khi khát mới uống, bởi vì ngay cả khi không khát, cơ thể vẫn có khả năng mất đi một lượng nước cần thiết cần phải bổ sung ngay. Ngoài uống nước lọc, bạn có thể tăng cường thêm một số loại nước trái cây tươi như nước dưa hấu, táo, dâu tây… giàu vitamin và khoáng chất, rất tốt cho thận.
Mọi người cần tránh xa các loại nước ngọt có ga vì lượng đường và phốt pho ở trong các loại nước này sẽ thúc đẩy bài tiết canxi ra ngoài, gia tăng áp lực cho thận, dễ sinh sỏi thận. Lưu ý là những người từng bị sỏi thận nên uống nhiều nước hơn một chút để giúp ngăn ngừa hình thành sỏi trong tương lai.
Lối sống lành mạnh, tập luyện thể thao và ăn uống khoa học, hạn chế chất kích thích… không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn giúp thận duy trì làm việc hiệu quả. Ảnh: Pexels.
Thường xuyên vận động vừa sức: Tập thể dục không chỉ cần thiết với những người bình thường, mà đối với những người bị bệnh thận cũng cần duy trì vận động. Việc luyện tập thể thao điều độ không những giúp tăng cường sự dẻo dai cho các cơ bắp, tăng cường hệ miễn dịch, giúp khí huyết được lưu thông tốt hơn mà còn giúp ổn định huyết áp, làm giảm mỡ máu (cholesterol và triglycerides), tăng cường sức khỏe tim mạch. Đây là những yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa sự tổn thương của thận. Vì vậy, thói quen tốt cho thận này cần được duy trì thường xuyên.
Tùy vào sức khỏe mỗi người mà có cường độ tập khác nhau, tập vừa với sức của mình. Khi thấy mệt, khó thở, tim đập nhanh, đau bụng… thì cần dừng lại ngay.
Duy trì cân nặng phù hợp: Những người thừa cân hoặc béo phì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, có nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao có thể làm hỏng thận.
Vì vậy, cần theo dõi và duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức phù hợp. BMI là chỉ số thể dùng để đo lượng mỡ trong cơ thể. Chỉ số BMI được tính cho người trưởng thành bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Một người có chỉ số khối cơ thể bình thường dao động trong khoảng 18,6-24,9. Nếu chỉ số này vượt quá 25, cơ thể đang bị thừa cân béo phì. Vì vậy, cần duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học để có cân nặng phù hợp.
Kiểm soát đường huyết: Những người bị bệnh tiểu đường hoặc nguy cơ có lượng đường huyết cao là nhóm dễ làm tổn thương thận. Một khi các tế bào của cơ thể không thể sử dụng hết đường trong máu, thận buộc phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Điều này xảy ra trong thời gian dài có thể làm nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, nếu bản thân kiểm soát đường trong máu thì có thể giảm được nguy cơ gây hại cho thận. Bên cạnh chế độ tập luyện và dinh dưỡng hợp lý, bạn cần thăm khám định kỳ. Khi phát hiện sớm, bác sĩ có cách để giảm hoặc ngăn ngừa tổn thương ở thận.
Theo dõi huyết áp: Huyết áp cao là yếu tố ảnh hưởng sẽ kéo theo các hệ lụy về sức khỏe như tiểu đường, tim mạch hoặc cholesterol tăng tăng cao, gây tổn thương đến thận. Khi huyết áp tăng cao sẽ làm dày các thành mạch và gây hẹp lòng mạch máu.
Quá trình lọc máu trở nên khó khăn hơn, các chất thải của cơ thể sẽ bị ứ đọng lại trong máu và theo thời gian sẽ gây hại cho thận. Chỉ số huyết áp bình thường là 120/80 mmHg.
Nếu chỉ số huyết áp trên 140/90 là tình trạng huyết áp tăng. Nếu gặp tình trạng này, người bệnh cần tham vấn ý kiến bác sĩ và cần theo dõi huyết áp thường xuyên, thay đổi lối sống và có thể dùng thuốc. Khi huyết áp cao kéo dài sẽ làm tăng áp lực lên cầu thận khiến thận làm việc vất vả hơn, có nguy cơ dẫn đến suy thận.
Hạn chế sử dụng rượu bia, ngưng hút thuốc lá: Đây là hai yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng thể, trong đó có thận. Nếu thường xuyên uống quá nhiều bia rượu, nồng độ cồn trong máu tăng cao, thận làm việc hết công suất mà khó có thể đào thải hết độc tố ra ngoài. Điều này có thể dẫn đến viêm thận cấp tính hoặc mạn tính. Đồng thời, uống nhiều rượu làm tăng huyết áp, một nguyên nhân phổ biến của bệnh thận.
Chú ý trong việc sử dụng thuốc không kê đơn: Nếu thường xuyên dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), thuốc chống viêm không steroid bao gồm ibuprofen và naproxen, có thể gây hại cho thận nếu dùng chúng thường xuyên vì đau mạn tính, đau đầu hoặc viêm khớp.
Vì vậy, chúng ta cần chú ý và thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này. Tốt nhất, khi sử dụng những loại thuốc này hàng ngày, cần tham vấn ý kiến của bác sĩ. Trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị an toàn cho thận nếu bạn đang phải đương đầu với cơn đau.
Ngoài thuốc giảm đau, các loại thuốc khác cũng cần theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Cùng mắc một loại bệnh giống nhau, thuốc dùng tốt ở người bệnh này nhưng có thể không dùng được ở người bệnh khác. Đặc biệt, nhiều loại “thực phẩm chức năng” đôi khi được quảng cáo như thuốc nên gây hiểu lầm và người bệnh không biết nên đã sử dụng như thuốc chữa bệnh.
Kiểm tra chức năng thận: Nếu bạn ở nhóm có nguy cơ cao bị tổn thương thận hoặc đang bị bệnh thận thì cần kiểm tra chức năng của thận thường xuyên. Những người này cần lưu ý kiểm tra thường xuyên:
Người trên 60 tuổi
Người sinh ra nhẹ cân
Người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.
Người có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc mắc bệnh thận mạn phải lọc máu hay ghép thận.
Người béo phì.
Người có dấu hiệu bất thường ở thận
Việc khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín, trong đó, kiểm tra chức năng thận là một cách để tầm soát sức khỏe của thận, phát hiện sớm các biểu hiện bệnh lý. Từ đó, bác sĩ chuyên khoa có thể đưa ra những tư vấn về điều chỉnh lối sống, can thiệp y tế thích hợp giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa thận bị tổn thương trong tương lai.
Người bệnh suy thận nên ăn gì và kiêng gì để bảo vệ chức năng thận?
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị suy thận. Chế độ ăn hợp lý có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, bảo vệ chức năng thận và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bị suy thận
Theo bác sĩ Lưu Thị Thảo, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai, chế độ ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với người suy thận, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Một số lý do giải thích cho tầm quan trọng của chế độ ăn cho người suy thận:
Giúp kiểm soát các triệu chứng
Giảm phù nề: Hạn chế lượng natri trong chế độ ăn giúp giảm bớt tình trạng giữ nước và phù nề, đặc biệt là ở mắt, mắt cá chân, tay.
Kiểm soát huyết áp: Chế độ ăn ít natri và kali cũng giúp kiểm soát huyết áp cao, một biến chứng phổ biến ở người suy thận.
Giảm nguy cơ loãng xương: Chế độ ăn giàu canxi và vitamin D giúp giảm nguy cơ loãng xương, một biến chứng thường gặp ở người suy thận do chức năng chuyển hóa vitamin D bị suy giảm.
Giảm buồn nôn, nôn: Chế độ ăn chia nhỏ bữa, ít béo và dễ tiêu hóa có thể giúp giảm bớt các triệu chứng buồn nôn, nôn thường gặp ở người suy thận.
Chế độ ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với người suy thận.
Bảo vệ chức năng thận
Giảm gánh nặng cho thận: Hạn chế lượng protein, phốt pho và kali trong chế độ ăn giúp giảm bớt gánh nặng cho thận, từ đó giúp bảo tồn chức năng thận lâu hơn.
Ngăn ngừa biến chứng: Chế độ ăn phù hợp có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng nguy hiểm của suy thận như bệnh tim mạch, đột quỵ và tổn thương hệ thần kinh.
Cải thiện chất lượng cuộc sống
Tăng cường năng lượng: Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể, từ đó giúp người bệnh cảm thấy khỏe khoắn, tràn đầy sức sống hơn.
Cải thiện tâm trạng: Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp cải thiện tâm trạng, giảm bớt stress, lo lắng và trầm cảm thường gặp ở người suy thận.
Nâng cao chất lượng giấc ngủ: Chế độ ăn cân bằng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, từ đó giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, thư giãn hơn.
Chế độ ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị suy thận. Chế độ ăn hợp lý có thể giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng, bảo vệ chức năng thận và cải thiện chất lượng cuộc sống. Do đó, người suy thận cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống được bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo.
2. Các dưỡng chất thiết yếu cho người bị suy thận
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bị suy thận. Việc cung cấp đầy đủ và cân bằng các dưỡng chất thiết yếu giúp bảo tồn chức năng thận, ngăn ngừa biến chứng, nâng cao sức khỏe cho người bệnh.
Protein: Protein là dưỡng chất quan trọng cho cơ thể, tuy nhiên người suy thận cần hạn chế lượng protein nạp vào để giảm gánh nặng cho thận. Lượng protein phù hợp cho người suy thận thường dao động từ 0,6 - 0,8 gam/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Nên ưu tiên lựa chọn các thực phẩm giàu protein chất lượng cao như thịt nạc, cá, trứng, sữa, các sản phẩm từ sữa.
Chất béo tốt: Chất béo đóng vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể và giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu. Người suy thận nên chọn các loại chất béo tốt như chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa, có trong dầu thực vật, các loại hạt, quả bơ, cá béo. Nên hạn chế chất béo bão hòa và chất béo có trong thịt mỡ, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.
Carbohydrate : Carbohydrate cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Người suy thận nên chọn các loại carbohydrate phức tạp có trong ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ thay vì carbohydrate đơn giản có trong đường, bánh kẹo, nước ngọt.
Vitamin và khoáng chất : Vitamin, khoáng chất đóng vai trò quan trọng cho nhiều chức năng trong cơ thể. Tuy nhiên, một số vitamin và khoáng chất như kali, phốt pho, natri cần được hạn chế ở người suy thận. Do đó, người bệnh cần được bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng tư vấn để có chế độ bổ sung vitamin và khoáng chất phù hợp.
Nước: Nước giúp thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố, điều hòa các chức năng sinh lý. Tuy nhiên, người suy thận cần theo dõi lượng nước nạp vào mỗi ngày để tránh tình trạng dư nước, có thể dẫn đến phù nề và tăng huyết áp. Lượng nước phù hợp cho người suy thận thường dao động từ 500 - 1000 ml/ngày.
3. Thực phẩm nên ăn và nên tránh cho người bệnh suy thận
Thực phẩm nên ăn
Người bệnh suy thận nên ăn ngũ cốc nguyên hạt.
Trái cây, rau quả: Chọn các loại trái cây, rau quả ít kali và phốt pho, chẳng hạn như táo, lê, nho, quả mọng (dâu tây, việt quất), cải bắp, bông cải xanh, cà rốt, súp lơ, ớt chuông, củ cải...
Ngũ cốc nguyên hạt: Chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt ít phốt pho, chẳng hạn như bánh mì nguyên cám, gạo lứt, yến mạch.
Thịt nạc: Chọn các loại thịt nạc ít phốt pho, chẳng hạn như ức gà, cá nạc (cá vược, cá hồi), thịt lợn nạc.
Sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo: Chọn các loại sữa, các sản phẩm từ sữa ít phốt pho, chẳng hạn như sữa tách kem, sữa chua tách kem, sữa gạo.
Đậu hũ, các sản phẩm từ đậu nành: Đậu hũ và các sản phẩm từ đậu nành là nguồn cung cấp protein tốt cho người suy thận. Tuy nhiên, cần chọn các loại sản phẩm ít phốt pho.
Thực phẩm nên tránh
Thực phẩm cần tránh khi mắc bệnh thận chủ yếu là những thực phẩm chứa nhiều natri, kali, phốt pho.
Trái cây, rau quả: Cam, quýt, bơ, chuối, khoai tây, khoai lang, cà chua... do chúng giàu kali.
Thịt đỏ: Thịt đỏ có nhiều phốt pho, chất béo bão hòa.
Cá có nhiều xương: Cá có nhiều xương có nhiều phốt pho.
Trứng: Trứng có nhiều phốt pho.
Thực phẩm đóng hộp: Chứa lượng natri cao, vì muối được thêm vào làm chất bảo quản để tăng thời hạn sử dụng. Nếu muốn ăn thực phẩm đóng hộp nên chọn các loại có hàm lượng natri thấp hơn hoặc những loại có nhãn "không thêm muối". Việc rửa thực phẩm đóng hộp qua nước sạch làm giảm đáng kể hàm lượng natri.
Bánh mì nguyên hạt: Nếu bị suy thận nên dùng nguyên hạt do hàm lượng phốt pho, kali. Càng nhiều cám, ngũ cốc nguyên hạt trong bánh mì thì hàm lượng phốt pho và kali càng cao.
Sản phẩm bơ sữa nguyên kem, pho mai: Các sản phẩm từ sữa nguyên kem rất giàu vitamin và chất dinh dưỡng khác nhau. Chúng cũng là một loại thực phẩm giàu protein và là nguồn cung cấp phốt pho, kali tự nhiên. Tiêu thụ quá nhiều sữa, kết hợp với các thực phẩm giàu phốt pho khác, có thể gây bất lợi cho sức khỏe xương ở những người mắc bệnh thận.
Thực phẩm chế biến sẵn: Thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều natri, chủ yếu để cải thiện hương vị và bảo quản hương vị thịt. Thịt chế biến sẵn bao gồm xúc xích, thịt xông khói, thịt khô, thịt nguội, xúc xích.
Uống rượu, bia gây tổn hại các tế bào thận của người bệnh hơn nữa. Rượu, bia cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Do đó bệnh nhân suy thận tuyệt đối không uống rượu, bia.
Đồ uống có gas thường có nhiều phốt pho và đường, do đó cần hạn chế sử dụng.
Chế độ ăn cho người suy thận cần được xây dựng dựa trên tình trạng sức khỏe của mỗi người. Do đó, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp nhất. Ngoài ra, người suy thận cũng cần lưu ý thực hiện lối sống lành mạnh, bao gồm tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý, bỏ hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống có gas và đi khám sức khỏe định kỳ.
Nhiều em bé bị suy thận giai đoạn cuối được hồi sinh sự sống Từng là những đứa trẻ thoi thóp trên giường bệnh phải lọc máu định kỳ, các em đã hồi sinh sự sống nhờ ghép thận, tiếp tục ước mơ đến trường và hòa nhập với cuộc sống. Kể từ sau ca ghép thận thành công đầu tiên vào năm 2004, đến nay Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghép thận cho 62 trẻ...