5 cảnh ghê rợn nhất dòng phim xác sống: Ói ra nội tạng chưa đáng sợ bằng ân ái với zombie
Kể từ khi ra đời vào năm 1978, thể loại zombie luôn là những tác phẩm rùng rợn và gây ám ảnh bậc nhất màn ảnh.
Nguyên nhân giúp dòng phim xác sống trở nên hấp dẫn chính là việc kết hợp khéo léo giữa thể loại hành động và kinh dị. Tùy thuộc vào ý đồ đạo diễn, mỗi tác phẩm sẽ mang đến những phân đoạn máu me, rùng rợn hay rượt đuổi, bắn giết mãn nhãn. Điều này giúp thể loại này có lượng fan đông đảo nhất định sau hàng chục năm.
1. Em bé zombie trong Dawn of the Dead (2004)
Nếu thấy thai nhi zombie trong Army of the Dead (2021) đáng sợ thì hình ảnh em bé zombie sẽ còn gây ám ảnh hơn nhiều. Ý tưởng này đã được Zack Snyder sử dụng trước đây trong Dawn of the Dead từ tận năm 2004. Tác phẩm remake từ bộ phim kinh điển cùng tên của George A. Romero xoay quanh một nhóm người sống sót trốn trong siêu thị giữa đại dịch xác sống.
Trong số này có thai phụ Luda (Inna Korobkina) và chồng là Andre (Mekhi Phifer). Họ che giấu việc Luda bị cắn với nhóm và âm thầm sinh ra đứa bé. Trí tưởng tượng của Zack Snyder kết hợp cùng bộ não điên rồ của James Gunn đã tạo ra một đứa trẻ zombie với vẻ ngoài ám ảnh tột độ. Cái kết phim còn đáng sợ hơn khi cả nhóm buộc phải sát hại hết gia đình ba người này.
2. Trận chiến trên toa xe trong Train To Busan (2016)
Cho đến thời điểm hiện tại, Train to Busan vẫn là một trong những bộ phim zombie xuất sắc nhất của điện ảnh Hàn Quốc và cả thế giới. Ý tưởng đại dịch xác sống bùng phát trên không gian chật hẹp và di chuyển liên tục của chiếc tàu hỏa tạo ra nhiều cảnh phim ấn tượng.
Trong đó, mãn nhãn và kịch tính nhất chính là đoạn Seo Seok Woo (Gong Yoo), Yoon Sang Hwa (Ma Dong Seok) và Min Yong Guk (Choi Woo Shik) liên tục chiến đấu với zombie qua các toa tàu để tìm đến người thân. Cảnh phim là sự kết hợp tuyệt vời giữa hành động, kinh dị và cảm xúc. Đáng buồn hơn là đến cuối phim, không ai trong số họ sống sót.
3. Đàn zombie trèo tường trong World War Z (2013)
Bom tấn của Brad Pitt mang tới một trong những chủng loại zombie đáng sợ nhất màn ảnh rộng với tốc độ kinh hoàng, khả năng sống sót khó tin khi từng mảnh cơ thể vẫn có thể tự di chuyển. Đặc biệt, sự điên cuồng khi bị kích thích của chúng khiến người xem phải lạnh tóc gáy.
Trong World War Z , Israel đã thành công trong việc ngăn cản zombie bằng một bức tường khổng lồ cao hàng chục mét. Thế nhưng, hàng phòng ngự tưởng chừng chẳng thể bị xuyên thủng này lại lại sụp đổ trước cơn khát máu của lũ thây ma.
Khi bị âm thanh kích thích, hàng nghìn zombie dẫm đạp lên nhau để tạo ra một ngọn núi vượt qua hẳn bức tường. Chúng vẫn sống sót sau khi ngã từ độ cao hàng chục mét xuống đất và nhanh chóng biến những nạn nhân xấu số trở thành đồng loại trong nháy mắt.
4. Ói ra nội tạng trong City Of The Living Dead (1980)
Thập niên 1980 là thời điểm nhiều nhà làm phim trên thế giới thử nghiệm nhiều ý tưởng mới lạ với dòng phim zombie. Trong đó, đạo diễn Ý Lucio Fulci là người tiên phong với bộ ba Gates of Hell . Trong phần phim đầu tiên City Of The Living Dead , chàng phóng viên Peter (Christopher George) kết hợp cùng “bà đồng” Mary (Catriona MacColl) để ngăn chặn một đại dịch xác sống.
Hóa ra, căn bệnh không đến bởi virus mà từ sức mạnh tâm linh khi Cha Thomas (Fabrizio Jovine) tự sát để có thể mở cánh cổng địa ngục và sử dụng sức mạnh ma quỷ để tiêu diệt con người. Cảnh đáng sợ nhất phim là khi gã phô diễn sức mạnh với cặp tình nhân trẻ Rose và Tommy.
Khi cả hai đang âu yếm trong xe, Rose bất ngờ thoáng thấy Cha Thomas nhìn mình chằm chằm. Cô bỗng nhiên khóc ra máu, từ từ ói sạch nội tạng rồi xé toạc bộ não của Tommy ra khỏi hộp sọ.
5. Làm tình với zombie trong Dead Snow 2: Red vs. Dead (2014)
Kết hợp thể loại hài và sự máu me rùng rợn của zombie biến Dead Snow thành một trong những series sáng tạo nhất dòng phim này. Đến phần hai Dead Snow 2: Red vs. Dead , nhân vật chính Martin (Vegar Hoel) được ghép cánh tay xác sống có khả năng hồi sinh người chết thành những thây ma nghe theo lệnh của anh.
Nhờ đó, chàng sinh viên Na Uy này có thể hồi sinh cả một đội quân zombie Hồng quân Nga để chiến đấu với bầy xác sống Đức Quốc xã. Nhưng đây chưa phải cảnh hay ho nhất phim. Sau khi giành chiến thắng, Martin tìm đến nơi chôn cất bạn gái cũ Hanna (Charlotte Frogner) – người đã chết ở phần trước.
Anh hồi sinh Hanna dưới dạng xác sống rồi hai người… hôn nhau và làm tình trong xe hơi. Phải chăng người yêu, dù đã chết, vẫn là tốt nhất thay vì tìm đến những cô gái trẻ trung, xinh đẹp và còn sống khác chăng?
'Army of the Dead' - tác phẩm thiếu bản sắc của Zack Snyder
Bộ phim mới của Zack Snyder đưa khán giả đi qua vùng đất Las Vegas hoang tàn đã bị xác sống xâm chiếm. Nội dung phim nhấn mạnh vào yếu tố tình cảm gia đình.
Trailer Army of the Dead
Thể loại : Hành động, kinh dị, giật gân
Đạo diễn : Zack Snyder
Diễn viên chính : Dave Bautista, Ella Purnell, Omari Hardwick
Đánh giá : 6/10
Army of the Dead là tác phẩm thứ hai lấy đề tài xác sống được Zack Snyder thực hiện. Bộ phim đầu tiên là Dawn of the Dead (2004) - được làm lại từ tác phẩm cùng tên ra mắt năm 1978 của đạo diễn George A. Romero. Đó cũng là phim điện ảnh dài đầu tay của Snyder.
Màn dạo đầu cho vũ trụ xác sống của Zack Snyder
Scott Ward (Dave Bautista) là một cựu binh. Nhiều năm trước, anh và đồng đội từng thành công trong nhiệm vụ cô lập thành phố Las Vegas, ngăn chặn đàn xác sống khát máu trong đó thoát ra ngoài. Đại dịch xác sống cũng cướp mất của anh người vợ yêu thương. Mối quan hệ giữa Ward với con gái từ đó về sau dần lạnh nhạt, xa cách.
Zack Snyder tham vọng xây dựng Army of the Dead thành vũ trụ điện ảnh.
Người hùng năm nào giờ sống mòn với công việc đầu bếp tại một quán ăn nhanh. Một ngày kia, gã đàn ông bí ẩn Bly Tanaka (Hiroyuki Sanada) tới gặp Ward, đề nghị anh xây dựng và chỉ huy phi vụ trộm tiền từ một két sắt nằm dưới lòng đất tại Las Vegas.
Sau nhiều đắn đo, Ward bèn nhận lời. Anh tới gặp những người đồng đội cũ giờ kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau và dễ dàng thuyết phục họ gia nhập cùng mình. Biệt đội trộm cắp cũng kết nạp thành viên mới, trong đó có Kate Ward (Ella Purnell) - con gái Scott. Cô gái dấn thân vào vùng đất quỷ dữ để tìm một bà mẹ mất tích khỏi khu tị nạn.
Phần lớn thời lượng trong nửa đầu Army of the Dead được dùng để thuật lại lịch sử hình thành, phát triển của "thủ phủ xác sống" Las Vegas. Bộ phim cũng đóng vai trò màn dạo đầu cho một vũ trụ điện ảnh xác sống trong tương lai. Sau Army of the Dead , series Army of the Dead: Lost Vegas đang được Snyder thực hiện. Một hậu truyện điện ảnh trong tương lai cũng là điều khả thi.
Đội quân chết chóc biết thấu cảm
Nhấn mạnh cảm giác bất lực và sự tuyệt vọng của con người khi đối mặt bầy xác sống đông như kiến cỏ là một trong những công thức ăn khách thường thấy của dòng phim này. Nhưng với Army of the Dead , cảnh này chỉ xuất hiện rất ngắn ở đầu phim và chủ yếu mang tính giới thiệu, tóm tắt sự việc.
Army of the Dead xây dựng một xã hội xác sống phân cấp đa dạng.
Trong thế giới bị thống trị bởi xác sống giữa lòng Las Vegas, Zack Snyder đã xây dựng thây ma thành hệ sinh thái đa dạng. Chào đón những kẻ đặt chân tới nơi đây là những thây ma khô héo, sẽ tỉnh lại nếu một ngày dính nước mưa.
Bên trong những khu nhà đổ nát, Scott và đồng đội gặp thêm nhiều thây ma khác đang trong trạng thái ngủ đông, sẵn sàng tấn công nếu bị kích thích bởi âm thanh và ánh sáng. Dù chúng nguyên vẹn hơn nhóm phơi xác ngoài trời, tựu trung đây vẫn là loài không có trí tuệ.
Trung tâm của bộ phim là những thây ma ở tầng cao nhất, được lãnh đạo với vua và hoàng hậu. Nhóm này vẫn cần máu thịt để sinh tồn, nhưng về cơ bản đã không còn vô tri.
Điều đáng nói là chúng không phải kiểu thây ma vẫn còn nhân tính như Warm Bodies, mà đã phát triển thành loài mới. Đám thây ma này đã tổ chức thành xã hội, có tư duy, biết giao tiếp và thậm chí phát triển cảm xúc.
Trong Army of the Dead , trận chiến giữa xác sống với nhóm của Ward nổ ra sau khi nữ hoàng bị giết. Chứng kiến gia đình chết thảm, vua của loài xác sống đã nổi điên và tấn công nhóm nhân vật để trả thù.
Tình tiết này ít nhiều gợi nhớ đến bi kịch của Superman trong cốt truyện Knightmare. Knightmare từng được Snyder ấp ủ cho phần hai của Justice League , nhưng kế hoạch hiện khó còn có thể xảy ra.
Việc các trận chiến trên phim chỉ diễn ra cầm chừng và bị chẻ nhỏ theo từng không gian ít nhiều khiến yếu tố xác sống trong phim bị lãng phí. Xác sống trong Army of the Dead không thể hiện được tính manh động, bầy đàn, khó dự đoán đặc trưng của các nhân vật này.
Tiếp đó, việc giới hạn yếu tố hành động cũng khiến các nhân vật ít có dịp phô bày kỹ năng chiến đấu điêu luyện như đã giới thiệu ở đầu phim. Trong suốt cuộc hành quân vào Las Vegas, nhân vật Vanderohe (Omari Hardwick) mang theo chiếc cưa máy cồng kềnh để diệt xác sống. Nhưng trong trận chiến, anh gần như không có cơ hội chạm vào món vũ khí "tủ". Sau cùng, công dụng hữu hiện nhất của món vũ khí lại là cắt tường.
Các cách thức diệt xác sống trên màn ảnh cũng tỏ ra nhàm chán, chỉ lặp đi lặp lại mô-típ cho nổ, bắn bằng súng và tấn công bằng dao. Đây là điều đáng tiếc với bộ phim, nhất là khi các cách diệt xác sống sáng tạo đang ngày càng trở thành điểm nhấn được người xem lưu tâm trong những bộ phim cùng đề tài.
Cuộc xả thân cho một tương lai hão huyền
Army of the Dead là bộ phim về thế giới hậu chiến nơi con người không thể vượt qua quá khứ dù ngày qua ngày vẫn phải vẫy vũng giữa thực tại u ám.
Las Vegas xuất hiện trong phim không chỉ với tư cách thủ phủ xác sống. Nó còn là ẩn dụ về giấc mơ Mỹ. Dù trước hay sau khi bị xác sống chiếm đóng, đây vẫn là miền đất hứa nơi người ta kéo đến, liều lĩnh tất tay cho một cơ hội đổi đời.
Scott Ward bế tắc trong cuộc sống hậu chiến và không thôi hoài niệm về cái thời còn là người hùng. Đề nghị của Tanaka giống như tấm vé dẫn anh đến miền đất hứa. Đó là nơi Scott được sống, thay vì đơn thuần tồn tại.
Câu chuyện của cha con ngày Ward để lại nhiều nuối tiếc.
Nỗi nhung nhớ dĩ vãng cùng sự chán chường thực tại cũng là thứ gặm nhấm những người đồng đội cũ của Ward. Họ thà đánh đổi tính mạng lấy một tương lai giàu sang, còn hơn tiếp tục chuỗi ngày sống mòn. Với Ward và đồng đội, cái chết mang đến nhiều hy vọng hơn cuộc sống "ổn định" trong hiện tại.
Army of the Dead là bộ phim điện ảnh đầu tiên Zack Snyder thực hiện sau khi con gái ông, Autumn Snyder, đột ngột qua đời. Chính vì thế, câu chuyện giữa cha và con gái trên phim lại càng giống như sự nối dài đầy tiếc nuối những gì vị đạo diễn đã đánh mất trong đời thực.
Trên màn ảnh, quan hệ giữa Scott và Kate rạn nứt sau sự ra đi của người vợ, người mẹ. Họ đã lãng phí nhiều năm cho những hiểu lầm, tránh mặt, trách móc lẫn nhau, cho tới lúc giữa sinh và tử chỉ là một sợi chỉ mảnh.
Lần đầu đảm nhận một vai chính với nội tâm phức tạp, Dave Bautista phần nào chứng minh được năng lực diễn xuất. Tuy nhiên, ngoài nhân vật Scott của anh, các thành viên còn lại trong đội mới chỉ là những nét phác thảo mờ nhạt.
Dù được giới thiệu khá kỹ về nghề nghiệp hiện tại và những kỹ năng có thể đóng góp cho cuộc phiêu lưu, liên kết trong quá khứ giữa các nhân vật với Scott hay tính cách đặc trưng của họ vẫn chưa được làm rõ.
Bởi sự thiếu hụt này, khán giả khó tìm thấy sự đồng cảm hay thương xót khi các nhân vật lần lượt vong mạng. Cái chết trên màn ảnh nghiêng nhiều về sự tất yếu "kịch bản cần thế", thay vì nỗi mất mát có thể cảm nhận được từ những người ở lại.
Tương tự, trong hồi cuối, việc Kate tự động tách đội cũng được xem như hành động đầy tính cưỡng ép dưới bàn tay biên kịch. Nó gián tiếp đưa quan hệ giữa hai cha con nhà Ward về điểm khởi đầu.
Tới khoảnh khắc quan trọng nhất, cô con gái đã không hề đặt niềm tin vào cha mình, phá hoại hoàn toàn nỗ lực xây dựng nhân vật kéo dài gần hai tiếng đồng hồ trước đó. Khán giả cũng không thể không đặt câu hỏi về việc cô gái làm thế nào có thể lẩn trốn tài tình, vượt qua đám xác sống giữa địa hình hoàn toàn xa lạ để tới nơi giam giữ con tin.
Với Army of the Dead , khán giả được thấy lại nhiều đặc trưng trong phim của Zack Snyder như các đoạn slow motion và cảnh chiến đấu tàn bạo. Những cảnh triệt hạ zombie trên phim có thể không đa dạng, nhưng vẫn đảm bảo tính ấn tượng về thị giác, trong khi các cảnh quay chậm phần nào cũng được tiết chế và cô đọng hơn.
Có thể nói, trong lần bắt tay với Netflix, Zack Snyder đã có sự tự do để tạo ra một Army of the Dead với đúng tầm nhìn của mình. Không còn một ai đứng từ trên cao âm mưu chỉnh sửa hay thay đổi tầm nhìn của nhà làm phim.
Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó với Warner Bros., Zack Snyder vẫn chưa thể hiện được sự quyết liệt trong sáng tạo như thời kỳ Dawn of the Dead , 300 hay thậm chí là Sucker Punch .
Army of the Dead về tổng thể là một bộ phim dễ xem, một tác phẩm khá so với mặt bằng chung các dự án do Netflix tự sản xuất. Nhưng khi gắn vào cái tên Zack Snyder, tác phẩm chỉ là câu chuyện về một nhóm nhân vật thú vị, nhưng được kết nối rời rạc, thiếu đi chiều sâu cảm xúc, chất thơ và cảm hứng bi tráng đặc trưng trong những tác phẩm của ông.
Bản hit của Sandara Park xuất hiện trong phim xác sống Bản phối lại ca khúc "In or Out" được sử dụng trong bộ phim "Army of the Dead". Mới đây, tài khoản YouTube chính thức của dịch vụ xem video trực tuyến Netflix tại Philippines đã đăng tải một video dài hơn 3 phút cắt ra từ phim Army of the Dead . Trích đoạn nhan đề Army of the Dead: In or...