5 bước tự kiểm tra ung thư vú phụ nữ phải biết
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư vú là loại ung thư xảy ra nhiều nhất ở phụ nữ, có đến 2,1 triệu phụ nữ mắc bệnh này mỗi năm.
Tổ chức nghiên cứu Ung thư Anh cho biết, thậm chí có đến hơn 23% trường hợp ung thư vú có thể ngăn ngừa được, nếu phát hiện sớm – ẢNH: SHUTTERSTOCK
Thống kê xác nhận rằng cứ 8 phụ nữ thì có 1 phụ nữ sẽ phát triển ung thư vú trong suốt cuộc đời, theo Women Health Report.
Và đây cũng là nguyên nhân gây tử vong do ung thư nhiều nhất ở phụ nữ. Năm 2018, ước tính có 627.000 phụ nữ chết vì ung thư vú, theo WHO.
Nhưng nếu ung thư vú được phát hiện sớm và điều trị trước khi di căn, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là rất cao, lên đến 98%, theo Women Health Report.
Vì vậy, việc phát hiện sớm là rất quan trọng.
Tổ chức nghiên cứu ung thư Anh cho biết, thậm chí có đến hơn 23% trường hợp ung thư vú có thể ngăn ngừa được, nếu phát hiện sớm.
Như vậy, biết các dấu hiệu của ung thư vú và biết cách tự kiểm tra là điều tối quan trọng, vì phát hiện sớm có thể cứu sống người bệnh.
Tổ chức nghiên cứu ung thư Anh khuyến cáo tất cả phụ nữ nên tập thói quen tự kiểm tra ung thư vú hằng tháng như sau, theo The Sun.
1. Bước một
Đứng, đối diện với gương, nhìn vào gương, hai tay chống hông và thẳng vai.
Tìm kiếm xem có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây không:
* Vết lõm
* Chỗ da nhíu lại hoặc nhăn
* Chỗ da lồi lên hoặc sưng phồng
* Chỗ da tấy đỏ hoặc đốm đỏ
* Đau nhức
* Thay đổi ở đầu ti
2. Bước hai
Vẫn nhìn vào gương, nâng cả hai cánh tay lên cao trên đầu và tiếp tục kiểm tra những điểm nêu trong bước một.
3. Bước ba
Vẫn giữ cánh tay cao trên đầu, kiểm tra xem có dịch chảy ra từ đầu ti hay không.
Video đang HOT
Có thể là chất lỏng màu trắng đục, màu vàng hoặc nước hoặc máu, theo The Sun.
Điều quan trọng là phải nhận ra bất kỳ thay đổi nào xảy ra ở bầu ngực – rộng ra nách và đến xương đòn.
4. Bước bốn
Nằm, dùng tay đối diện để kiểm tra từng bên ngực. Sử dụng vài ngón tay, sờ nắn và di chuyển theo chuyển động tròn nhỏ xung quanh bầu ngực.
Hãy chắc chắn cảm nhận được toàn bộ bầu ngực bằng cách di chuyển các đầu ngón tay từ trên xuống dưới theo những vòng tròn nhỏ, đảm bảo bao phủ từng cen ti mét.
Ấn nhẹ lên da và lớp mô bên dưới da, ấn vừa trên vùng mô ở giữa bầu ngực và ấn mạnh để cảm nhận phần mô ở sâu bên trong, cảm nhận sâu xuống lồng ngực.
Ngoài việc đi khám ngay khi nhận thấy bất kỳ bất thường nào ở bầu ngực, phụ nữ mạnh khỏe cần đi khám tầm soát ung thư vú – ẢNH: SHUTTERSTOCK
5. Bước năm
Cảm nhận bầu ngực khi đứng hoặc ngồi, cũng di chuyển những ngón tay theo những chuyển động tròn nhỏ.
Nếu phát hiện bất kỳ thay đổi khác thường nào ở bầu ngực, cần phải đi khám ngay.
Mô vú trải rộng đến tận xương đòn và ngang nách, vì vậy cần phải kiểm tra đến những vùng này.
Đến kỳ kinh, bầu ngực thường thay đổi một cách tự nhiên, vì vậy phụ nữ nên hiểu rõ về sự thay đổi này ở bộ ngực của mình, để nhận biết điều bất thường xảy ra.
Ở phụ nữ mang thai, bầu ngực cũng thay đổi nhiều, nên chị em cũng cần để ý, để nhận biết điều gì là bất thường.
Nếu nghi ngờ có điều gì bất thường xảy ra đối với bầu ngực, cần phải đi khám ngay, theo The Sun.
Nên đi khám tầm soát ung thư vú lúc nào?
Ngoài việc đi khám ngay khi nhận thấy bất kỳ bất thường nào ở bầu ngực, phụ nữ mạnh khỏe cần đi khám tầm soát ung thư vú, như sau:
Phụ nữ từ 40 đến 44 tuổi:
Nên bắt đầu tầm soát ung thư vú hằng năm bằng chụp X-quang tuyến vú, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ.
Từ 45 đến 54 tuổi:
Nên chụp nhũ ảnh hằng năm.
Từ 55 tuổi trở lên:
Nên chụp X-quang tuyến vú 2 năm một lần, hoặc vẫn có thể tiếp tục tầm soát hằng năm.
Việc khám sàng lọc nên tiếp tục cho đến thời điểm được dự báo có thể sống thêm 10 năm trở lên.
Những phụ nữ có tiền sử gia đình mắc ung thư vú, nên được kiểm tra bằng chụp MRI kết hợp với chụp X-quang tuyến vú.
Người có nguy cơ cao mắc ung thư vú, như có người thân đã mắc bệnh, nên báo cho bác sĩ biết càng sớm càng tốt, để có kế hoạch tầm soát tốt nhất, theo chuyên san American Cancer Society.
20 dấu hiệu ung thư phụ nữ không nên bỏ qua
Nhiều yếu tố góp phần làm thay đổi cơ thể người phụ nữ gồm stress, nội tiết, chế độ ăn và lối sống. Một số thay đổi là bình thường nhưng những thay đổi khác có thể là dấu hiệu của bệnh như ung thư.
Theo Hội Ung thư Mỹ (ACS), một số bệnh ung thư hay gặp hơn ở phụ nữ, nhất là ung thư vú, đại trực tràng, nội mạc tử cung, phổi, cổ tử cung, da và buồng trứng. Mặc dù không phải mọi thay đổi trên cơ thể phụ nữ đều là dấu hiệu của ung thư, nhưng dưới đây là những dấu hiệu phổ biến không nên bỏ qua.
Một cục u hoặc khối cứng ở vú
Những dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư vú bao gồm khối u ở vú - đối với ung thư biểu mô ống dẫn sữa - và mô ở vú dày hơn hoặc cứng hơn - đối với ung thư biểu mô tiểu thùy - theo Hội Ung thư Canada (CCS). Khối u cứng sờ sẽ thấy rất khác so với phần còn lại của vú. Nó có thể giống như dính vào da hoặc mô vú xung quanh. Khối u có thể mềm nhưng không đau, không nhỏ đi hoặc xuất hiện và biến mất theo chu kỳ kinh nguyệt.
Những thay đổi khác ở vú và vùng xung quanh
Theo Trung tâm Điều trị Ung thư Mỹ (CTCA), các dấu hiệu khác của ung thư ống dẫn sữa và ung thư tiểu thùy, bao gồm những thay đổi về kích thước và hình dạng của vú và những thay đổi đối với núm vú, chẳng hạn như núm vú đột nhiên bị tụt vào trong. Chảy dịch từ núm vú có hoặc không có máu là một triệu chứng khác, cũng như có khối u ở nách.
Thay đổi màu da ở ngực
Theo ACS, ung thư vú dạng viêm là một loại ung thư vú hiếm gặp, làm thay đổi màu da thành tím hoặc đỏ trên hơn một phần ba vú. Các triệu chứng khác của ung thư vú này bao gồm biểu hiện của ung thư biểu mô ống dẫn sữa và ung thư biểu mô tiểu thùy, cùng với sưng vú; da có nốt lõm (như lúm đồng tiền) hoặc sần sùi (như vỏ cam); ngứa hoặc rát; nề hoặc đau; cảm giác nóng khi sờ; và khối u gần nách hoặc xương đòn.
Thay đổi thói quen đi vệ sinh
Theo Trung tâm Ung thư Toàn diện Roswell Park, ung thư đại trực tràng có thể gây ra những thay đổi trong thói quen đi ngoài kéo dài hơn một vài ngày, chẳng hạn như táo bón, tiêu chảy hoặc phân lỏng. Những thay đổi khác có thể bao gồm cảm giác cần đi ngoài ngay cả khi vừa đi xong. Và các triệu chứng cũng có thể bao gồm sụt cân, chuột rút hoặc đau bụng.
Máu trong phân
Vì ung thư đại trực tràng thường xuất huyết vào đường tiêu hóa, một dấu hiệu khác của bệnh ung thư này là máu trong phân, theo ACS. Đôi khi có thể nhìn thấy máu trong phân hoặc phân có màu sẫm hơn. Và theo thời gian, lượng máu mất đi này có thể dẫn đến thiếu máu - số lượng tế bào hồng cầu thấp - thường gây ra suy nhược và mệt mỏi.
Ra máu âm đạo bất thường
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), ra máu âm đạo bất thường hay gặp trong tất cả các bệnh ung thư phụ khoa-cổ tử cung, buồng trứng, tử cung và âm đạo-ngoại trừ ung thư âm hộ. Ra máu bất thường bao gồm ra máu sau khi mãn kinh, ra máu giữa các kỳ kinh và kinh nguyệt nhiều hơn hoặc kéo dài hơn bình thường.
Đau bụng, đau lưng hoặc đau vùng chậu
Theo CTCA, các dấu hiệu của ung thư buồng trứng bao gồm đầy bụng, đau lưng và thay đổi cảm giác thèm ăn, chẳng hạn như chán ăn hoặc cảm thấy no sớm. Đau hoặc tức vùng chậu là một triệu chứng phổ biến của cả ung thư buồng trứng và tử cung (bao gồm nội mạc tử cung). Táo bón và cần đi tiểu gấp hoặc tiểu thường xuyên hơn là các triệu chứng của cả ung thư buồng trứng và ung thư âm đạo.
Đau khi quan hệ
Cùng với ra máu và khí hư âm đạo bất thường, đau khi quan hệ là một triệu chứng khác của ung thư âm đạo, theo Hội Ung thư Lâm sàng Mỹ (ASCO). Các triệu chứng khác bao gồm tiểu khó hoặc đau, đau vùng chậu, đau lưng hoặc đau chân, phù chân và chức năng ruột bất thường.
Thay đổi da hoặc màu sắc vùng kín
Không giống như các loại ung thư phụ khoa khác, ung thư âm hộ là loại duy nhất có các triệu chứng bao gồm ngứa, rát, đau hoặc sưng nề âm hộ, theo CDC, cùng với những thay đổi về da hoặc màu sắc ở âm hộ, chẳng hạn như phát ban, vết loét, hoặc nốt sùi.
Ho dai dẳng
Theo CTCA, ho mới xuất hiện kéo dài dai dẳng hoặc nặng lên là một triệu chứng phổ biến của ung thư phổi. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm khàn giọng, thở khò khè và đau ngực nhiều hơn khi ho, cười hoặc thở sâu; ho ra máu hoặc nước bọt màu gỉ sắt; và nhiễm trùng phổi dai dẳng hoặc tái phát, như viêm phế quản hoặc viêm phổi.
Thay đổi hệ thần kinh
Nếu ung thư phổi di căn đến não, nó có thể gây đau đầu, chóng mặt, co giật và yếu hoặc tê tay hoặc chân. Một số ung thư phổi cũng có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh đến mắt, khiến mí mắt trên bị sụp xuống, đồng tử nhỏ hơn và ít hoặc không đổ mồ hôi ở một bên mặt. Các vấn đề về hệ thần kinh khác bao gồm yếu cơ gây khó nói, khó nuốt hoặc khó đứng dậy từ tư thế ngồi.
Sưng ở mặt, cổ và cánh tay
Các khối u ở phần trên của phổi phải và hạch bạch huyết bên trong ngực có thể chèn ép tĩnh mạch chủ trên (SVC), một tĩnh mạch lớn đưa máu từ đầu và cánh tay xuống tim. Sự chèn ép này có thể khiến máu chảy ngược trong các tĩnh mạch và gây ra sưng ở mặt, cổ, cánh tay và phần trên ngực (đôi khi có màu da xanh tím), theo ACS.
Tổn thương, vết loét hoặc nốt sẩn trên da
Ung thư biểu mô tế bào đáy là một loại ung thư da thường xảy ra nhất do tổn thương ADN do tiếp xúc với bức xạ tia cực tím (UV) từ mặt trời hoặc nhuộm da trong nhà, theo Quỹ Ung thư Da. Nó có thể biểu hiện như một nốt sẩn giống ngọc trai hoặc sáp; tổn thương phẳng và có màu thịt; tổn thương có màu nâu và giống như sẹo; hoặc, vết loét ra máu, đóng vảy, liền và tái phát.
Nốt đỏ cứng trên da
Ung thư biểu mô tế bào vảy cũng xuất hiện trên những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời của cơ thể, chẳng hạn như mặt, tai và tay. Theo WebMD, loại ung thư da này có thể xuất hiện dưới dạng một nốt sưng hình vòm hoặc một mảng da màu đỏ, có vảy, thường thô ráp và đóng vảy, và có thể dễ dàng ra máu khi cạy.
Nốt ruồi thay đổi kích thước và màu sắc
U hắc tố có thể xảy ra trên da không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, theo Mayo Clinic. Nó cũng có thể xảy ra ở một nốt ruồi hiện có trở thành ung thư. Loại ung thư da này thường phát triển ở cẳng chân ở phụ nữ. Các dấu hiệu phổ biến của u hắc tố ác tính bao gồm nốt ruồi ra máu hoặc thay đổi về kích thước, màu sắc hoặc kết cấu; tổn thương rát bỏng, ngứa và đau; hoặc, một đốm nâu lớn với các đốm sẫm màu. Các dấu hiệu khác bao gồm tổn thương nhỏ với bờ nham nhở và các phần màu trắng, đỏ, hồng, xanh lam hoặc xanh đen; và các tổn thương sẫm màu trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu ngón tay hoặc ngón chân, hoặc trên niêm mạc miệng, mũi hoặc âm đạo.
Khó nuốt
Khó nuốt là dấu hiệu phổ biến của bệnh ung thư đầu và cổ, chẳng hạn như ung thư vòm họng. Theo Viện Ung thư Quốc gia, ung thư đầu và cổ bao gồm miệng, hàm, hầu (họng), thanh quản, xoang, khoang mũi và tuyến nước bọt. Dấu hiệu của những bệnh ung thư này còn bao gồm đau họng dai dẳng; khối u hoặc vết loét không lành; và thay đổi giọng nói, chẳng hạn như khàn giọng.
Có máu trong nước tiểu
Máu trong nước tiểu là dấu hiệu của ung thư bàng quang. Theo Bệnh viện Mayo, máu trong nước tiểu có thể khiến nước tiểu có màu đỏ tươi hoặc màu nâu, mặc dù đôi khi nước tiểu có vẻ bình thường và máu được phát hiện khi xét nghiệm. Các triệu chứng khác của ung thư bàng quang bao gồm đau lưng, tiểu rắt và tiểu buốt.
Mệt mỏi dai dẳng
Mặc dù mệt mỏi dai dẳng không có bất kỳ triệu chứng nào khác là ít gặp trong nhiều bệnh ung thư, nhưng đối với những người bị ung thư bạch cầu và u lympho, mệt mỏi có thể là triệu chứng đầu tiên. Mệt mỏi thường là dấu hiệu của ung thư gây thiếu máu do cản trở sản sinh hồng cầu, như bệnh bạch cầu và u lympho, hoặc góp phần làm mất hồng cầu, như ung thư dạ dày và đại trực tràng.
Đổ mồ hôi ban đêm, sốt và sụt cân không rõ nguyên nhân
Đổ mồ hôi ban đêm có thể là triệu chứng ban đầu của một số bệnh ung thư. U lympho là loại ung thư phổ biến nhất có triệu chứng đổ mồ hôi ban đêm. Tuy nhiên, bệnh bạch cầu cũng có thể gây đổ mồ hôi ban đêm. Và cùng với đổ mồ hôi ban đêm, những người bị ung thư không được chẩn đoán hay có các triệu chứng khác, chẳng hạn như sụt cân không rõ nguyên nhân và sốt.
Suy giảm sức khỏe chung
Khi ung thư phát triển và lan đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm các cơ quan nội tạng, những triệu chứng khác nhau có thể phát sinh là dấu hiệu của suy giảm sức khỏe. Ví dụ, ung thư vú giai đoạn muộn có thể biểu hiện bằng đau xương, sụt cân, buồn nôn, chán ăn, vàng da, khó thở, ho, nhức đầu, nhìn đôi, (và) yếu cơ, theo CCS. Điều quan trọng cần lưu ý là nếu có bất kỳ triệu chứng sức khỏe mới nào phát sinh và kéo dài hơn hai tuần, bạn nên nói chuyện với bác sĩ.
Hàng nghìn ca ung thư vú bị bỏ sót vì Covid-19 Số liệu từ Tổ chức Breast Cancer Now cho thấy 8.600 phụ nữ không thể phát hiện ung thư vú do trì hoãn tầm soát trong đại dịch. Tổng cộng gần một triệu phụ nữ đã bỏ lỡ việc chụp quang tuyến vú định kỳ vì các chương trình xét nghiệm bị ngừng lại giữa tình trạng phong tỏa hồi tháng 3. Nhiều...