5 biến tấu bánh mì quen mà lạ của Sài Gòn
Bánh mì chả cá, bánh mì heo quay, bánh mì “cơm tây”… là những biến tấu thú vị của bánh mì Sài Gòn sẵn sàng mê hoặc bất kỳ thực khách nào.
Bánh mì chả cá
Có hai loại bánh mì chả cá là bánh mì chả cá biển và bánh mì chả cá ba sa. Khó ai có thể đoán được nguồn gốc của món ngon này thuộc vùng, miền nào. Chỉ biết vị của chả cá chiên kết hợp với ổ bánh mì nóng giòn tạo nên một hương vị thật độc đáo.
Cách chế biến món bánh mì chả cá khá đơn giản. Cá tươi mua về, tẩm ướp, xay thật nhuyễn, quết bằng cối rồi ướp lạnh. Khi có khách đến mua, người bán gạt một ít chả cá tươi, cho vào chảo dầu nóng là có ngay món ngon cho khách. Là nguyên liệu có vị tanh đặc trưng nên “đồ màu” của món ngon này ngoài hành ngò, dưa leo, tương ớt, ớt xắt, thì loại rau không thể thiếu là rau răm. Nhiều người giải thích rằng ngoài hương thơm khó cưỡng, loại rau này được sử dụng như sự cân bằng âm dương trong món ăn.
Địa chỉ: Đường Dương Bá Trạc, khu Trung Sơn, Q. Bình Chánh; đường Hồ Thị Kỷ (Q. 10). Riêng bánh mì chả cá biển chỉ bán duy nhất tại một địa chỉ là 77 Bùi Thị Xuân, P. Phạm Ngũ Lão, Q. 1, mở cửa: 2h chiều đến 8h tối.
Bánh mì heo quay
Cách ăn các món heo quay, vịt quay hay xá xíu chung với bánh mì đã có ở Sài Gòn từ rất lâu. Tuy nhiên, gần mười năm trở lại đây, người ta mới nghĩ đến việc xắt nhỏ heo quay rồi cho vào bánh mì, ăn chung với mỡ hành, đồ chua, dưa leo, hành ngò cùng một chút nước mắm hay nước kho thịt rồi bán cho khách đi đường.
Cách bán theo ổ này không chỉ phù hợp với đặc trưng mua mang đi mà còn khá tiết kiệm (thay vỉ phải mua heo quay theo ký rồi kẹp vào bánh mì).
Hiện nay, hầu như bất kỳ tiệm bánh mì lớn nhỏ nào ở Sài Gòn cũng có sẵn một tảng heo quay nhỏ để phục vụ món bánh mì heo quay. Nhưng nổi tiếng nhất là bánh mì heo quay tại 95 – 97 Trần Đình Xu, P. Nguyễn Cư Trinh, Q. 1. Thời gian phục vụ 6h sáng đến 9h tối.
Bánh mì thịt nguội kiểu “cơm Tây” xưa
Video đang HOT
Một phần bánh mì “cơm tây” xưa.
Cận cảnh 7 loại thịt nguội khác nhau của thương hiệu này.
Tiệm bánh mì Nguyên Sinh ở Sài Gòn có thâm niên hơn 40 năm và chỉ bán một món duy nhất là bánh mì thịt nguội kiểu “cơm tây” xưa.
Cách thưởng thức bánh mì thịt ở tiệm Nguyên Sinh khá lạ. Khách đến mua sẽ được dọn ra một dĩa thịt nguội gồm 7 loại khác nhau như paté gan, xúc xích, giò thủ, giò heo rút xương, thịt hun khói… ăn kèm đồ chua gồm củ cải, dưa leo và cà rốt ngâm chua và bơ ngoại nhập.
Thông thường, khách thường đến mua về, nhưng nếu có thời gian, hãy thưởng thức tại chỗ, bạn sẽ cảm nhận được cái thong thả, phong lưu của người Hà Nội xưa qua món ăn.
Địa chỉ: Bánh mì Nguyên Sinh,141 Trần Đình Xu, P. Nguyễn Cư Trinh, Q. 1. Mở cửa: 6h sáng đến 9h tối
Bánh mì chả bò thì là – Cụ Lý
Mâm bánh “lạ”.
Nếu các tiệm bánh mì lớn nhỏ khác quen thuộc với hình ảnh xe bánh mì bằng kính sạch sẽ, cao ráo thì bánh mì chả bò thì là vẫn lưu giữ cách bán bánh mì trên chiếc mâm nhỏ phủ lá chuối bày các món chả bò thì là, chả lụa, giò thủ (chả đầu), dưa leo thái miếng to, ớt, muối tiêu, nước tương..
Đặc biệt, theo một khách hàng thưởng thức món ngon này hơn 40 năm cho biết, món chả bò thì là độc đáo này nhất thiết phải ăn với hành tây mới hợp. “Có ăn như vậy thì mới “bật” lên hương vị quyến rũ của ổ bánh mì này”, vị khách này cho biết.
Địa chỉ: Bánh mì chả bò thì là Cụ Lý, Hẻm 191 Hai Bà Trưng, P. 6, Q. 3. Mở cửa: từ 6h sáng đến hơn 9h.
Bánh mì phá lấu Tiều
Cái hấp dẫn của ổ bánh mì phá lấu nằm ở hậu vị ngọt dịu của nước chấm đi kèm, cái dai dai, sần sật của tai heo, một chút béo của những miếng bao tử, phèo… Kẹp chung với hành, dưa leo với vị cay nồng của ớt.
Địa chỉ: Bánh mì phá lấu Tiều Tâm Ký, 823 Nguyễn Trãi, P. 14, Q. 5. Mở cửa: từ 11h trưa đến 8h30 tối.
Theo Tapchiamthuc
5 biến tấu món ngon từ thịt bò
Bò nướng ngói, bò lá lốt hay bò tái chanh... đều là những món ăn chơi ngon miệng được nhiều người ưa thích.
1. Bò nướng ngói
Có nguồn gốc từ miền Tây, bò nướng ngói là món ăn được nhiều du khách ưa thích trong khu ẩm thực ở chợ đêm Bến Thành. Bò nướng ngói được chế biến khá đơn giản với phần thịt bò phi lê được ướp thấm gia vị. Thay vì nướng trên vỉ, người dân miền Tây Nam bộ đã sử dụng những miếng ngói mỏng đặt lên bếp than hồng, khi miếng ngói nóng lên, người ta sẽ thoa một lớp dầu trước khi cho thịt bò lên nướng. Bò được làm chín bằng sức nóng nên không bị cháy và vẫn giữ được vị ngọt thịt thơm ngon.
Thịt bò nướng ngói được cuốn bánh tráng với bún tươi cùng các loại rau sống như xà lách, tía tô, diếp cá, húng thơm, húng quế....cùng chén mắm nêm đậm đà cay xé lưỡi.
Địa chỉ: Khu ẩm thực chợ đêm Bến Thành (quận 1).
2. Bò nướng đá
Nếu bò nướng ngói là một đặc sản của miền Tây Nam bộ thì bò nướng đá là món ăn đặc sắc của ẩm thực rừng núi Tây Nguyên. Cách chế biến món ăn gần giống bò nướng ngói nhưng được thay thế bằng những phiến đá có sẵn ở vùng đất này. Bò được sử dụng là loại bò thịt ở Tây Nguyên, được nuôi tự nhiên ngoài đồng cỏ nên cho thịt săn chắc, mềm, có vị ngọt nhẹ rất ngon. Thịt bò được ướp với các gia vị như ngũ vị hương, muối, một ít đường, hành tím, tỏi, sả băm và vừng... rồi nướng chín.
Bò nướng đá thường làm món lai rai bên ché rượu cần hoặc cuốn bánh tráng như cách thưởng thức của người miền Tây. Ở Sài Gòn, bạn có thể ghé quán Ẩm Thực Tây Nguyên - khu du lịch Bình Quới, Thanh Đa (quận Bình Thạnh).
3. Bò tái chanh
Bò tái chanh dễ chế biến, thịt bò chín mềm, có vị chua thanh nhẹ lạ miệng. Bạn có thể thưởng thức món ăn này bằng cách cuốn bánh tráng, ăn kèm cơm nóng hay làm món lai rai đều thích hợp. Điều kiện để có món ăn này ngon là thịt bò phải tươi, mềm. Thịt bò được thái thành từng lát mỏng, vắt hết máu đỏ ở thịt, ướp với ít gia vị rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Các loại rau ăn kèm như hành tây, được thái nhỏ, chần sơ qua nước sôi. Ngò tàu rửa sạch thái khúc, đậu phụng giã nhuyễn, chuối chát gọt vỏ, khế chua rửa sạch thái lát mỏng. Khi ăn bạn vắt chanh lên thịt bò, trộn đều để bò chín tái (nếu không thích tái, bạn có thể chần sơ thịt bò qua nước sôi trước khi trộn với chanh). Dọn ra đĩa và ăn kèm với các loại rau...
Địa chỉ: quán bò 7 món - 490 An Dương Vương (quận 5); quán Anh Ba - 1 Phan Xích Long, phường 2 (quận Phú Nhuận).
4. Bò cuốn lá lốt
Có thể nói đây là món ăn vặt bình dân và phổ biến nhất trong các ăn được chế biến từ thịt bò. Ở Sài Gòn, bò lá lốt được bán rất nhiều và hình thành những địa chỉ nối tiếng như khu Tôn Đức Thắng (quận 1); khu Võ Văn Tần (quận 3); khu Phan Xích Long (quận Phú Nhuận); khu Hoàng Hoa Thám (quận Phú Nhuận)... Nếu có dịp đi ngang những khu phố này vào lúc chiều tối, bạn sẽ thấy những quán bò lá lốt đông nghẹt khách với hương thơm hấp dẫn đang tỏa ra từ những vỉ nướng.
Nguyên liệu cho món ăn này gồm thịt bò, thịt lợn được băm nhuyễn, cuốn trong lá lốt và nướng trên bếp than hồng. Những cuốn bò lá lốt được nướng chín tới tỏa mùi thơm của thịt bò hòa lẫn trong hương thơm của lá lốt nước tạo thành một hương thơm không thể hấp dẫn hơn. Bò lá lốt được ăn kèm với bún, bánh tráng, các loại rau xà lách, diếp cá, húng quế.. thêm một ít chuối chát, dưa leo, khế thái lát mỏng và dĩ nhiên không thể thiếu chén mắm nêm.
5. Bò bít tết
Bò bít tết là món ăn Tây đã được Việt hóa. Món ăn được người Pháp mang vào Việt Nam từ thế kỷ 18, là một phần thịt bò lớn được nướng cháy cạnh, ăn kèm là nước sốt và salad. Trước đây, bò bít tết chỉ có mặt trong các nhà hàng, quán ăn sang trọng. Ngày nay, món ăn đã trở nên bình dân với sự pha trộn nhiều nguyên liệu hơn. Ngoài phần chính là thịt bò, còn có trứng, pate, khoai tây... Bò bít tết thường được thực khách lựa chọn cho món điểm tâm sáng hoặc món ăn lúc chiều tối.
Địa chỉ: Quán bò Vinaone - 44 Mạc Thị Bưởi (quận 1); 107 Nguyễn Đức Cảnh (quận 7). Bò bít tết Lệ Hồng - 489/27/29 Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận).
Theo Tapchiamthuc
Những 'biến tấu' tuyệt ngon từ ghẹ càng xanh Không ai dư hơi đi cãi nhau với... thành ngữ, chứ cái câu "đắt như tôm tươi" là thiên vị anh tôm rồi. Nên nhớ, ghẹ càng xanh cũng "hút" người mua bu lớp trong lớp ngoài, bị giành búa xua khi vừa được đưa lên bến. Giành là giành bằng miệng thôi, ai cũng tranh nhau nói "cân cho tui đi" chứ...