5 bài thuốc giúp giảm đau nhức khớp
Thời tiết lạnh thường là yếu tố gây tái phát bệnh khớp, đau mỏi cơ xương.
Nguyên nhân do vệ khí của cơ thể không đầy đủ, bị tà khí xâm nhập làm sự vận hành của khí huyết bị tắc gây sưng đau, tê mỏi cơ các khớp. Xin giới thiệu một số bài thuốc lưu thông khí huyết, bồi bổ can thận, có tác dụng giảm đau nhức xương khớp.
Bài 1: Người bệnh có biểu hiện đau mỏi, nhức xương khớp, hay tái phát khi trời lạnh: Lá lốt tươi 30g, sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống trong ngày khi nước thuốc còn ấm, nên uống sau bữa ăn tối. 10 ngày là một liệu trình. Hoặc lá lốt, rễ cây bưởi bung, vòi voi, cỏ xước, mỗi vị 30g, tất cả đều dùng tươi, thái mỏng, sao vàng, sắc với 600ml nước, còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong 1 tuần.
Bài 2: Đau mỏi khớp, sợ gió, cảm giác đau tăng khi trời lạnh: Thổ phục linh 16g, ké đầu ngựa 16g, hy thiêm 16g, uy linh tiên 12g, cam thảo 12g, quế chi 8g, bạch chỉ 8g, tỳ giải 12g, ý dĩ 12g. Sắc uống ngày 1 thang. 7 ngày là một liệu trình.
Bài 3: Đau vai gáy, đau lan xuống cánh tay, cổ bị tê cứng, toàn thân mệt mỏi: Rễ cúc tần 16g, nam tục đoạn 16g, cẩu tích 12g, phòng phong 10g, kinh giới 12g, đỗ trọng 10g, tần giao 10g, đương quy 12g, rễ lá lốt 12g, quế 10g, cam thảo 12g, gừng tươi 3 lát. Cho các vị vào ấm, đổ nước 1 lít, sắc còn 350ml, chia 3 lần uống trong ngày. 7 ngày là một liệu trình.
Video đang HOT
Ké đầu ngựa
Bài 4: Đau nhiều ở một khớp, đau tăng khi trời lạnh, sợ lạnh, chườm nóng thì đỡ: Quế chi 8g, rễ lá lốt 8g, ké đầu ngựa 12g, thiên niên kiện 12g, ý dĩ 12g, ngưu tất 8g, xuyên khung 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền 1 tuần
Bài 5: Đau nhức khớp gối, đau nhiều về đêm, chân tay lạnh, da lạnh: Nam tục đoạn 16g, rễ cây xấu hổ 20g, thổ phục linh 20g, kinh giới 16g, thạch xương bồ 12g, đậu đen (sao thơm) 24g, hà thủ ô 16g, đương quy 12g, huyết đằng 16g, quế chi 10g, thiên niên kiện 10g, chích thảo 12g. Cho các vị vào ấm, đổ 1 lít nước, sắc còn 350ml, chia hai lần uống trong ngày. 7 ngày là một liệu trình.
Bên ngoài có thể dùng: Ngải diệp 1 nắm, củ thạch xương bồ 20g giã dập, trộn hai vị thuốc rồi sao nóng, dùng miếng vải gói thuốc lại chườm vào chỗ đau. Thuốc nguội thì sao lại để chườm tiếp. Ngày làm 2 – 3 lần có tác dụng giảm đau hiệu quả.
Lưu ý: Khi sử dụng các bài thuốc trên cần có sự tư vấn của bác sĩ Đông y.
Theo VNE
Ké đầu ngựa chữa bướu cổ
Theo Đông y, quả ké đầu ngựa có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính ấm, vào đường kinh phế, trừ thấp, tiêu độc, sát trùng... có công dụng trong chữa bướu cổ.
Ké đầu ngựa có tên khoa học Xanthium inaequilaterum DC. (X. strumarium L.), thuộc họ cúc (Asteraceae). Theo Đông y, quả ké đầu ngựa có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính ấm, vào đường kinh phế, trừ thấp, tiêu độc, sát trùng. Do có hàm lượng iốt cao nên có công dụng trong chữa bướu cổ. Người ta thường chế một loại cao ké đầu ngựa gọi là vạn ứng cao để làm thuốc chữa bệnh bướu cổ.
Cách làm thuốc: Từ tháng 5 - 9, hái cả cây về bỏ rễ, phơi khô, cắt nhỏ, nấu với nước, lọc và cô thành cao mềm. Cao này thường dễ lên men, khi uống, hoà với nước ấm, mỗi ngày từ 6 - 8g cao, uống liên tục 15 - 60 ngày. Cách khác có thể chế thành thương nhĩ hoàn cho dễ uống: Hái cây về, bỏ rễ, rửa sạch, cắt ngắn, cho vào nồi nấu với nước sôi trong 1 giờ, lọc lấy nước. Thêm nước vào, nấu sôi 1 giờ nữa, lọc và ép hết nước.
Hợp cả 2 lần nước lại, cô thành cao mềm, khi nào lấy que thuỷ tinh nhúng vào cao, nhỏ lên giấy thấy giọt cao không loang ra giấy là được. Sau đó thêm bột vào (chừng 1/3 lượng cao) trộn đều, chế thành viên, sấy khô để dùng dần. Uống ngày 3 lần, mỗi lần 16 - 20g, trước bữa ăn. Thuốc cao và thuốc viên này còn trị lở loét, mụn nhọt.
Nếu không có điều kiện, có thể dùng quả ké đầu ngựa hoặc cây ké đầu ngựa 12 - 16g sắc uống (nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn). Theo GS.TS Đỗ Tất Lợi, nước sắc quả ké đầu ngựa lâu 15 phút, cô thành cao, chứa 300 microgam iod/g cao, nếu nấu lâu 5 giờ có thể chứa tới 420 - 430microgam iốt/g cao.
Do đó, cao ké đầu ngựa hoặc viên ké đầu ngựa dùng chữa bướu cổ rất hiệu quả. Lưu ý là khi dùng quả và cây ké đầu ngựa, nên dùng loại già, không dùng loại quả hoặc cây non, có thể có độc.
Theo VNE