49 năm đi tìm đồng đội
Hai cựu chiến binh đứng bất động, nước mắt nghẹn ngào, ôm chầm lấy nhau sau 49 năm tìm kiếm.
Suốt 49 năm qua, ông Phan Văn Sử (còn gọi là Út Sử, 72 tuổi, ngụ tại xã Hòa Hội, H.Châu Thành, Tây Ninh) vẫn miệt mài đi tìm người đồng đội từng cứu mình ngày nào.
Tại quán nước ven đường, ông Út Sử kể cho chúng tôi nghe về trận đánh sinh tử ngày nào. Vào ngày 23.3.1963, lúc này đơn vị B14 (hoạt động tại xã Thanh An, H.Dầu Tiếng, Bình Dương) giao nhiệm vụ cho Chín Phước (tức Trần Văn Phước, làm đội trưởng, người địa phương), Út Sử và Út Học tìm cách tiêu diệt Đồn trưởng đồn Thanh An. Út Sử kể: “Thường lệ, cứ khoảng 4 giờ chiều, tên đồn trưởng thường vào nhà dân chọc ghẹo một cô thợ may tên Hở. Chúng tôi phục kích phía ngoài nhưng bị lộ. Một trung đội được huy động đến bao vây. Loạt đạn đầu tiên khiến tôi bị thương ở chân, nhưng vẫn cùng Chín Phước sát cánh chiến đấu. Chín Phước vừa bắn yểm trợ kẻ địch vừa dìu tôi chạy ra cách đồng trống. Nhiều loạt đạn lại tuôn ra khiến tôi trúng thêm viên đạn thứ 2 vào vai”.
Út Sử (phải) đã tìm được người đồng đội đã cứu mạng mình sau 49 năm- Ảnh: Giang Phương
Chạy ra được bìa rạch, biết mình đã bị thương và nghĩ rằng phải hy sinh, nên Út Sử cầm khẩu súng (đã hết đạn) đưa cho Chín Phước và giục: “Chạy ngay đi. Tôi không sống được đâu, đồng chí ráng mà mang súng đem về trả đơn vị giúp, đừng bận tâm cho tôi”. Khi Chín Phước vừa khuất dạng thì lập tức lính đồn ập đến túm lấy cổ Út Sử vật xuống đất. Sẵn nước rạch lên đầy, Út Sử xô tên cảnh sát đang nắm mình rồi lao xuống nước.
Ông Chín Phước nghẹn ngào: “Tôi không thể tin được người đồng đội từng chiến đấu chung ngày ấy vẫn tìm kiếm thông tin về tôi suốt 49 năm qua”.
Đến giữa khuya, Út Sử bơi được qua bờ bên kia nhưng toàn thân lạnh ngắt, đĩa đeo đầy người. Ông cố bò đi được 200m nữa thì ngất xỉu. Khoảng 2 giờ sáng, ông tỉnh dậy thì phát hiện Chín Phước cùng 2 đồng đội bắt đĩa và cáng mình đến bệnh viện dân y cấp cứu. “Chín Phước khiêng tôi trên cáng hàng chục km ngay trong đêm, tình đồng đội như vậy đến chết tôi cũng không thể nào quên”, Út Sử kể.
Được sống lại và nhiều lần chuyển đơn vị, Út Sử đã không còn dịp gặp lại Chín Phước, nhưng thường xuyên hỏi thăm về đồng đội. Ngày hòa bình lập lại, Út Sử vẫn lang thang nhiều nơi, đi tìm Chín Phước, quê ở Thanh An (H.Dầu Tiếng)
Video đang HOT
Nước mắt đồng đội
Bây giờ, Út Sử đã ngoài 70, con cái giờ đã trưởng thành nhưng có một chuyện khiến ông canh cánh trong lòng suốt 49 năm qua: “Người đồng đội đã có ơn cứu sống mình khi xưa giờ không biết còn hay đã mất?”. Ông Sử nghĩ: “Nếu còn sống thì Chín Phước cũng sẽ về Thanh An”. Thế là suốt 49 năm qua, mỗi lần có dịp đặt chân đến Bình Dương thì ông lại dành chút thời gian ghé về khu chiến trường xưa và dò hỏi thông tin của người đồng đội. Ông không nhớ mình đã ngồi bao nhiêu quán nước ở khu vực này, nhưng vẫn không có tung tích về bạn.
Vào một ngày tháng 3.2012, như những lần tìm kiếm trước đó, ông vào một quán nước nhỏ ven đường ở ấp Bến Tranh, xã Thanh An và bất ngờ một cái tên Phước vô tình thốt lên ở gần bàn bên khiến ông linh tính đó là bạn mình. Và rồi hai cái tên Chín Phước, Út Sử nhận ra nhau. Niềm vui chợt vỡ òa, không một lời nào nói được, 2 người đồng đội ôm chầm lấy nhau rồi khóc nức nở giữa quán đông người.
“Sau khi Út Sử giục tôi thoát khỏi vòng vây địch, lòng tôi rất đau vì nghĩ rằng người đồng đội đã anh dũng hy sinh. Lúc này tôi cũng kiệt sức, nhưng may mắn, được một em giúp đỡ, mang khẩu súng về đưa cho đơn vị Út Sử. Sau đó, tôi quay lại nơi chiến đấu tìm xác Sử về chôn cất. Nhưng khi đến bờ sông thì phát hiện Út Sử vẫn còn sống”, Chín Phước (nay đã 69 tuổi) xúc động kể lại.
Cũng như Út Sử, Chín Phước nói: “Nhiều lần tôi cũng hỏi thăm, nhưng không có tăm hơi gì về Út Sử. Tôi cũng không thể tin được người đồng đội từng chiến đấu chung ngày ấy vẫn tìm kiếm thông tin về tôi suốt 49 năm qua”. Chàng thanh niên Chín Phước ngày xưa hiện đang là Ủy viên Thường vụ Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt H.Dầu Tiếng (Bình Dương) và Chi Hội phó Chi Hội cựu chiến binh ấp Bến Tranh, xã Thanh An.
Tháng 8.2012 vừa qua, cái tên Út Sử lần đầu tiên được bổ sung vào buổi họp mặt chiến sĩ cách mạng ngay tại nhà Chín Phước.
Theo TNO
Ngôi sao Côn Đảo
Nghe tin đồng đội sắp đến thăm, ông Phan Trọng Bình (ấp 8, xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai) bỏ bữa cháo sáng, kê ghế ngồi trước hiên ngóng ra cửa chờ. Xe đến, nghe tiếng người gọi ông lóng ngóng mở cổng, nụ cười tươi, mắt lấp lánh sáng ở tuổi 87.
Anh hùng Phan Trọng Bình hôm nay -Ảnh: Tự Trung
Dạo này ông vui vẻ hẳn lên và khỏe ra nhiều, do nghe tin Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các đồng đội và cho ông, người từng một thời được mệnh danh là "ngôi sao Côn Đảo".
Sẵn sàng chọn cái chết
"Cuối đợt tuyệt thực ở chuồng cọp, ông Bình chỉ còn thoi thóp, lại bị kiết lỵ kéo dài, máu ra bầm đen cả phòng giam. Quản trại cùng y tá đến gọi: "Mậu, muốn chết hay muốn sống?". Ông trả lời: "Muốn sống". "Sống thì ly khai nhé?". Ông lại trả lời: "Không, sống để đấu tranh". Sau nhiều phút ngần ngừ, cuối cùng y tá đã tiêm thuốc cho ông. Ông sống và tiếp tục đấu tranh cho đến ngày thắng lợi cuối cùng"
Trích Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận
Đối với ông Bình, Côn Đảo không phải biển xanh cát trắng mà là một phần đời khốc liệt, từng giây phút đu dây trên lằn ranh sinh tử. Và cuộc sống ở đó đã biến ông thành anh hùng.
Trong Bảo tàng Côn Đảo còn lưu giữ trân trọng bản xác định lập trường của các chiến sĩ can trường trong Lao 1 ngày ấy. Tấm giấy của ông Phan Trọng Bình chỉ có vài chữ mang nét nguệch ngoạc cố ý để che giấu tông tích: "Tôi không thể ly khai được: 3-1-1961 - Vũ Văn Mậu".
Hơn bảy năm bị bắt, trải qua hàng chục nhà tù, vô số trận tra tấn thừa chết thiếu sống, đối phương khi ấy chỉ biết được ở ông một cái tên giả, không khai thác được gì ở con người mà mới 18 tuổi đã được kết nạp Đảng, 24 tuổi đã là phó bí thư tỉnh ủy Bà Rịa kiêm chính ủy trung đoàn 397. Thất bại trong việc khai thác thông tin, địch đưa ông xuống tàu ra Côn Đảo. Những cuộc tra tấn, siết bóp ở đây dã man, khốc liệt hơn mọi sự tưởng tượng, và yêu cầu cũng khốc liệt không kém: ly khai Đảng Cộng sản.
Hôm nay ông Bình không kể gì về những ngày sinh tử ấy nữa, chỉ cười hiền lành và nói giản dị: "Tôi theo truyền thống gia đình, theo cách mạng từ 13, 14 tuổi, chỉ xác định một điều: lý tưởng cộng sản là thiêng liêng, là cao nhất, quan trọng nhất, không thể thay thế được". Không thể thay thế ngay cả khi đối trọng là cuộc sống của bản thân mình.
Câu chuyện của ông Bình trong những ngày ấy đã được ông Nguyễn Đức Thuận kể lại gần đầy đủ trong tác phẩm Bất khuất. Những ngày bị cách ly trong chuồng cọp, bị đánh giập phổi, gãy xương sườn, ông luôn cố gắng gom hơi sức để kêu to lên qua những vách đá, báo với anh em mình còn sống, còn vững vàng trong hàng ngũ. Với ông, "mọi hoạt động của Đảng đều do dân, vì dân và của dân. Độc lập, dân chủ, hòa bình, thống nhất, giàu mạnh là nguyện vọng thiết yếu của toàn dân, cũng là của Đảng. Chúng ta sống vì dân, chết cũng vì dân".
Cuộc đấu tranh bảo vệ lý tưởng mà 6.000 người tù ở Lao 1 khởi xướng và theo đuổi suốt bảy năm, sau hơn 2.000 ngày đêm (giai đoạn 1, từ năm 1957-1964) đã đi đến thắng lợi cuối cùng chỉ với vỏn vẹn sáu người còn sống. Hàng trăm người đã chết trên chặng đường khốc liệt, hàng ngàn người phải tạm tách khỏi đội ngũ trong một giây ngã lòng, một khoảnh khắc xương thịt nhượng bộ vũ lực. Những cái tên Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Một, Nguyễn Minh, Huỳnh Văn Khi trở nên lấp lánh như những ngôi sao trong đêm trường Côn Đảo ngày ấy.
Hôm nay, đọc lại những câu chuyện của Lao 1, có lúc tôi nghe tim đập mạnh vì xúc cảm, có lúc thoáng nghi ngờ về độ xác thực. Có thật là thân xác con người có thể vượt qua những thử thách được đẩy đến tận cùng như vậy không? Ông Bình trả lời bằng một nụ cười: "Lúc đó tôi chỉ có hai lựa chọn: chọn lý tưởng là chọn cái chết, chọn ly khai thì phải sống trong dằn vặt suốt đời. Vậy là tôi chọn chết, lao vào cái chết".
Bản xác định lập trường của anh hùng Phan Trọng Bình - Ảnh tư liệu
Món nợ đồng đội
Hôm nay, danh hiệu Anh hùng đã được phong tặng và truy tặng cho năm trong số sáu người cộng sản kiên trung ấy. Bộ hồ sơ cuối cùng đang được ban liên lạc tiếp tục hoàn tất.
Là người duy nhất còn sống trong sáu người, ông Bình bảo: "Tôi vui thay cho tất cả anh em", và ông còn vui hơn với danh hiệu Anh hùng dành chung cho tất cả chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Côn Đảo. Được mệnh danh là ngôi sao sáng của Côn Đảo nhưng ông Bình không bao giờ quên những người đồng đội đã cùng sống, cùng chết với mình, dù là suốt chặng đường hay chỉ một ngày. "Tôi sống được là nhờ anh em" - ông nói. Đó là những anh em ở Lao 2, Lao 3 đã phải ngậm ngùi tạm xa rời hàng ngũ vì không chịu đựng nổi đòn tra, đày ải nhưng tâm trí luôn đau đáu về lý tưởng mình đã chọn, ánh mắt luôn tìm mọi cách hướng về Lao 1. Những người ấy đã xoay xở dành chén cơm, miếng thịt, cọng rau tuồn vào cho ông để giữ sức, giấu giếm từng viên thuốc, giọt dầu để ông có thể vượt qua đau đớn, liều mình đưa một mẩu giấy mang tin tức để ông có nguồn động viên tinh thần... "Thử hỏi không có họ làm sao tôi sống được đến hôm nay?" - ông Bình nói.
Hiện nay, hàng trăm cựu tù Côn Đảo còn sống ở các tỉnh thành đang chờ ngày tề tựu cùng nhau để đón nhận danh hiệu Anh hùng. Tóc đã bạc, chân đã mỏi nhưng lý tưởng của Đảng mà họ đã theo đuổi bằng máu, bằng tuổi trẻ vẫn như đang cháy rực trong tim. Trong những câu chuyện bên chén trà của họ ngày hôm nay không chỉ có những kỷ niệm xương thịt của "dân tộc Tà Ru (nói lái chữ "tù ra") mà còn có những bản tin thời sự hằng ngày.
Ông Bình nói với tôi một cách gan ruột: "Tôi đã sống qua những hoàn cảnh cầm chắc cái chết để hi vọng cuối đời được thấy lý tưởng mà mình theo đuổi được trở thành hiện thực".
Trong "sáu ngôi sao sáng" của Côn Đảo, ông Nguyễn Đức Thuận được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) sớm nhất vào tháng 2/2008. Ngày 26/7/2012, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Phan Trọng Bình, đồng thời truy tặng Anh hùng LLVTND cho các ông Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh, Lê Văn Một. Trường hợp của ông Huỳnh Văn Khi đang tiếp tục được Ban liên lạc cựu tù Côn Đảo hoàn tất hồ sơ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Ngày 27/4, Chủ tịch nước cũng đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực LLVTND cho tập thể chiến sĩ cách mạng nhà tù Côn Đảo.
Theo Dantri
Sự sống mong manh của cô gái mồ côi cả cha lẫn mẹ bị tai nạn nguy kịch Dập phổi hai bên, tràn máu màng phổi, toạc cơ hoành, dập lách, toạc ruột, gãy toàn bộ khung chậu, gãy xương đùi... tiên lượng cực kỳ nặng là tình trạng của em Phan Thị Nam Trân, hiện đang được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng. Nhà Nam Trân có ba chị em. Trân là chị gái...