44 tuổi, ‘người rừng’ quấn quýt bên cha
Dù về nhà hay đi chơi với ai thì cũng cứ cách 2-3 giờ là Lang đòi dẫn vào gặp cha mình.
Ông Lang và cha mình tại bệnh viện Tây Trà
Sự thân thiện của cộng đồng và những háo hức khám phá bao điều mới lạ của cuộc sống hiện đại, đã dần làm vơi đi nỗi nhớ rừng của ông Hồ Văn Lang (44 tuổi), thế nhưng thói quen quấn quýt bên cha là Hồ Văn Thanh (82 tuổi)gần như vẫn nguyên vẹn giống hồi họ còn sống trong chốn non sâu.
Khoảng thời gian gần 1 tháng kể từ lúc được đưa trở về lại với cộng đồng là quá ngắn so với hơn 40 năm sống biệt lập cùng cha nơi rừng thẳm. Thế nhưng cũng đã giúp cho “ người rừng” Lang tiếp nhận bao điều mới lạ ở thế giới hiện đại này. Giờ thì “người rừng” Lang đã thích nghe nhạc từ điện thoại di động; thích được người thân quen chở đi dạo bằng xe máy… nên nỗi nhớ rừng của ông Lang đã vơi, không còn quay quắt như lúc ban đầu.
Tuy nhiên ông Hồ Văn Tri, ở xã Trà Phong (Tây Trà, Quảng Ngãi), em trai ruột của ông Lang kể: Ông Lang đã dần chấp nhận cuộc sống mới và bắt đầu chịu giao tiếp với bà con trong làng, đã biết cười khi gặp người quen… Tuy nhiên thói quen quấn quýt bên cha như ngày ở trong rừng thì vẫn chưa thay đổi là mấy. Ít khi nào thấy Lang chịu rời xa cha mình quá lâu, ông Tri cho biết.
Theo đó cứ về nhà, hoặc đi chơi, dạo với ai thì cũng cứ cách khoảng 2-3 giờ là Lang đòi dẫn vào gặp cha mình. Chưa biết bày tỏ thái độ và hành động như âu yếm, vuốt ve cha như những người bình thường khác, với Lang thì tình cảm và sự quan tâm đối với cha là ngồi lặng im một chỗ và nhìn cha hàng nhiều giờ mà không hỏi, nói gì. Cứ thế đến khi nào thấy ông Thanh mở mắt, hay trở mình thì Lang mới chịu về nhà.
Có đêm người nhà đang ngủ giật mình dậy nhìn vào giường kế bên thấy trống nên vội vàng tìm kiếm khắp nơi vẫn không thấy, cứ tưởng Lang bỏ trốn lại vào rừng. Đến khi vào bệnh viện thì thấy Lang đang ngồi như bất động bên ông Thanh.
Còn nhớ ngày cùng với cán bộ của huyện vào rừng đưa ông Thanh về, dù phỉnh dụ thế nào ông Lang cũng một mực lắc đầu từ chối. Cho đến lúc mọi người bắt đầu khiêng ông Thanh đi thì ông Lang mới lẽo đẽo theo sau.
Video đang HOT
Còn ông Hồ Văn Lâm (cũng ở xã Trà Phong), cháu ruột và cũng là một trong số ít ỏi những người thường xuyên tiếp cận khi cha con ông Thanh còn sống trong rừng sâu kể: Bây giờ còn đỡ chứ trước đó lần nào vào thăm cũng thấy 2 cha con như hình với bóng. Lúc còn nhỏ thì Lang cứ chen ngồi trong lòng. Lớn hơn thì cứ đu chặt phía sau lưng. Ông Thanh bước một bước là Lang đi ngay phía sau. Chưa bao giờ thấy Lang, hoặc ông Thanh đi rẫy một mình.
Một ngày trước khi cán bộ huyện vào đưa ông Thanh về lại làng, tôi đã vào thu dọn đồ đạc thì thấy Lang cứ ngồi bên cạnh cha. Nhìn ông Thanh mắt nhắm nghiền và nằm im thiêm thiếp, không ít lần ông Lang gào to thảm thiết một cách đầy tuyệt vọng.
Sau khi ông Thanh được các bác sỹ bệnh viện Tây Trà chăm sóc và sức khỏe hồi phục, ánh mắt của Lang mới ánh lên niềm vui trở lại. Thỉnh thoảng thấy người nhà đỡ ông Thanh đi lại cho khuây khỏa, Lang lăng xăng chạy theo sau như một đứa trẻ mới lên 3. Còn ông Thanh tuy không mấy để ý thế giới mà ông đã kiên quyết rời bỏ từ hơn 40 năm trước, thế nhưng mỗi khi mở mắt, hay tỉnh dậy, điều mà ông quan tâm và hỏi đầu tiên là đứa con trai của mình.
Vì vậy, vừa rồi khi ông Thanh được đưa xuống bệnh viện tỉnh để kiểm tra lại sức khỏe, “người rừng” Lang cũng được đưa đi theo cùng. Nhìn sự khăng khít của 2 cha con ông Thanh, nhiều người đùa: Cứ thế này thì khi Lang cưới vợ, đêm động phòng chắc vợ một bên và cha một bên.
Theo Xahoi
Người rừng: Sau cuộc sống ở rừng sâu là... bệnh viện
Sau gần nửa tháng từ trong rừng sâu trở về làng, cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi) vẫn chưa thật sự hòa nhập với cuộc sống hiện tại. "Người rừng" cha (tức ông Thanh) vẫn phải sống trong bệnh viện từ lúc rời rừng đến nay.
Sau rừng sâu... là bệnh viện
Bác sĩ Châu Nguyễn Thương, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Từ lúc cha con ông Thanh ra khỏi rừng, ông Thanh được đưa vào Trung tâm Y tế huyện chăm sóc, nhưng vì bệnh tình ngày một nặng, các bác sĩ phải đưa ông xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi để tiếp tục chữa trị. Ông Thanh được chẩn đoán bị nan thận và suy nhược nặng.
Ông Thương kể, hôm đưa ông Thanh xuống bệnh viện tỉnh, "người rừng" Hồ Văn Lang (con ông Thanh) nằng nặc đòi đi theo cùng thì mới cho đưa cha mình đi. Ông Thanh cũng đòi phải có Lang đi cùng thì mới chịu chuyển viện. Vậy là Trung tâm Y tế huyện Tây Trà đành chấp nhận đưa cả hai cha con xuống bệnh viện tỉnh, nằm ở khoa Ngoại Tổng hợp.
Cha con "người rừng" đang ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mến, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận cha con ông Thanh và có chế độ chăm sóc đặc biệt đối với cha con "người rừng".
"Bệnh viện đang nhanh chóng làm tất cả các xét nghiệm cần thiết, thường xuyên thăm khám để kiểm tra bệnh tình của ông Thanh", ông Mến nói.
Từ khi rời rừng, ông Thanh chỉ sống trong bệnh viện, điều mà có lẽ lúc ở rừng ông chưa bao giờ biết đến. Hơn 40 năm trong rừng, ông nào biết đến thuốc men, cũng đâu được truyền dịch. Nhưng hiện giờ, thuốc men, dịch truyền cứ "tấp" liên tục vào người ông.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, bệnh nan thận của "người rừng" Hồ Văn Thanh chưa đến mức phải phẫu thuật. Riêng "người rừng" Hồ Văn Lang vẫn còn yếu, ho liên tục, bác sĩ phải truyền nước.
"Người rừng" con tự ăn cơm
"Người rừng" Hồ Văn Thanh vẫn không hiểu "tiền là cái chi chi" khi nhận phong bì tiền được tặng
Sống ở bệnh viện nơi phố thị (TP.Quảng Ngãi), cha con người rừng giờ đã dạn dĩ hơn. Dù không nói nhưng khi người lạ tiếp xúc, cảm giác sợ sệt đã giảm đi rất nhiều so với lúc trước, khi mới vừa từ rừng sâu về làng. Cha con "người rừng" đã biết tự cầm chén, đũa, muỗng để ăn cơm, Lang còn biết lấy tăm để xỉa răng.
Thực hư chuyện đốt lều cha con "người rừng"
Mặc dù anh Hồ Minh Lâm (cháu ruột ông Thanh) quả quyết rằng, chính tay anh đã đốt cháy túp lều trên cây mà cha con "người rừng" ở trong suốt 40 năm qua, nhưng chưa ai xác định được thông tin chính xác. Anh Lâm bức xúc nói: "Tôi đốt hết rồi. Chòi ở trong đó tôi đốt rồi, từ nay đừng có nhắc đến núi rừng, người rừng, đừng nhắc đến những căn lều trong rừng đó nữa. Tôi tức nên tôi đốt. Báo chí nói lung tung, bảo tôi đem cha con chú Thanh ra kinh doanh, đòi tiền này nọ, tức không chịu được".
Anh Hồ Văn Tri, con trai ông Thanh nói, anh Hồ Minh Lâm không dám đốt nhà của cha và anh mình trong rừng vì đó là điều cấm kỵ của làng
Ông Hồ Văn Lập, phó chủ tịch UBND xã Trà Phong, huyện Tây Trà cũng xác nhận anh Thanh nói với địa phương đã đốt nhà của cha con "người rừng" nhưng không biết là có đốt thật hay không. Xã cũng chưa cử người vào kiểm tra. Còn anh Hồ Văn Tri (40 tuổi), con ruột "người rừng" Thanh khẳng định chắc nịch, anh Lâm nói thế chứ không dám đốt. Anh Tri giải thích, tục lệ của người đồng bào Cor rất cấm kỵ chuyện đốt nhà. "Ai mà tự ý đốt nhà là Giàng sẽ bắt. Nếu dân làng biết anh Lâm làm vậy sẽ bắt phạt anh Lâm bằng heo, gà cúng tạ tội với thần rừng và đãi làng ăn để chuộc lỗi", anh Tri nói.
Liên quan đến việc xây nhà, làm chứng minh nhân dân, nhập hộ khẩu cho cha con "người rừng", ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho hay, huyện đã hoàn tất thủ tục, phối hợp với công an tiến hành cấp chứng minh nhân dân, nhập hộ khẩu cho cha con ông Thanh vào gia đình ông Hồ Văn Tri (con ông Thanh) ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong. Huyện Tây Trà còn cấp 100m2 đất cùng với khoản tiền của cơ quan chức năng, đoàn thể hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng để xây nhà ở cho cha con "người rừng".
Theo Khám phá
Cấp đất và CMT cho cha con 'người rừng' Cha con ông Hồ Văn Thanh được chính quyền huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) cấp CMTND, nhập hộ khẩu và cấp đất xây nhà đê hòa nhập cuộc sống. Ông Hồ Văn Tri(giữa) ngồi bên cha Hồ Văn Thanh và anh trai Hồ Văn Lang ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho...