40.000 xe công tiêu tốn gần 13.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm
Theo tính toán của Bộ Tài chính, một xe công trung bình mỗi năm sẽ tốn chi phí khá lớn trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, vào khoảng 320 triệu đồng/năm. Như vậy, ước tính mỗi năm, 40.000 xe công sẽ tiêu tốn khoản tiền ngân sách lên tới 12.800 tỷ đồng.
(Ảnh minh hoạ).
Báo cáo của Bộ Tài chính tại buổi họp chuyên đề tháng 10 về chính sách quản lý xe ô tô công cho biết, số lượng xe công của Việt Nam hiện lên tới 40.000 xe, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, một xe công trung bình mỗi năm sẽ tốn chi phí khá lớn trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, vào khoảng 320 triệu đồng/năm, bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu… Như vậy, ước tính mỗi năm, 40.000 xe công sẽ tiêu tốn khoản tiền ngân sách lên tới 12.800 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho rằng vẫn còn hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức, việc điều chuyển xe ô tô giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền quy định, việc thỏa thuận, mua sắm xe chuyên dùng chưa được chặt chẽ.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra, tiêu chuẩn định mức quy định chưa phù hợp với một số cơ quan, đơn vị. Việc mua sắm, thanh lý xe phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí. Quy định về thời gian, số km sử dụng cũng chưa phù hợp với thực tế, quy định về khoán kinh phí xe ô tô hầu như không được áp dụng.
Việc sử dụng xe ô tô vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn định mức vẫn diễn ra.
Theo Bộ Tài chính, Bộ đã nghiên cứu trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 32 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Video đang HOT
Quyết định có hiệu lực từ 21/9/2015 với 6 nội dung chính, trong đó quy định cụ thể về việc thay thế xe ô tô công, định mức xe công, mức khoán kinh phí, đối tượng được đưa đón bằng xe công, quy định việc mua sắm xe công và quy định xử lý vi phạm trong mua sắm xe công.
Theo đó, Bộ Tài chính thống nhất nguyên tắc không tăng số lượng xe công và siết chặt điều kiện sử dụng, mỗi đơn vị sẽ chỉ có 1 – 2 chiếc phục vụ công tác chung. Theo tính toán, có thể sẽ giảm được khoảng 7.000 xe công từ con số 24.460 xe hiện tại và tiết giảm cho ngân sách khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế, chưa kể phí vận hành trong quá trình sử dụng.
Ngoài ra, Quyết định 32 cũng yêu cầu việc mua sắm ô tô công phải triển khai theo phương thức mua sắm tập trung, giúp tiết kiệm cho ngân sách thêm khoảng 15% tổng giá trị mua sắm. Với chi phí mua sắm hàng năm chiếm khoảng 20% ngân sách, tương đương 200.000 tỷ đồng, con số tiết kiệm tính ra có thể lên tới 30.000 tỷ đồng.
Phương Dung
Theo Dantri
Kinh tế tiếp tục đà phục hồi, nhưng chưa bền vững
Nền kinh tế có chuyển biến tích cực nhưng vẫn khiến cử tri lo lắng bởi chưa thực sự ổn định.
Sáng 20/10, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc phiên họp thứ 10. Trong phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là kỳ họp cuối năm, kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng. Do đó, nhiệm vụ của Quốc hội rất nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao.
Có chuyển biến nhưng còn nhiều thách thức
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng, trong đó phải kể đến là xem xét, thông qua 18 dự án luật, nhiều nghị quyết, cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Đồng thời, xem xét các báo cáo về kết quả phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016, kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, kế hoạch 5 năm tiếp theo 2016-2020...
Sau phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015; phương hướng nhiệm vụ 5 năm tiếp theo 2016 - 2020...
Báo cáo đánh giá, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.
Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 12/2014, bình quân 9 tháng đầu năm tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm có mức tăng giá thấp nhất so với cùng kỳ 15 năm qua.
Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 10,78% (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,62%), cao hơn gần 1% so với tốc độ tăng tiền gửi; cho thấy có sự cải thiện khá rõ nét trong việc khai thông nguồn vốn tín dụng cho phát triển đầu tư, kinh doanh.
Chính phủ cũng nhìn nhận còn nhiều tồn tại, như năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc; doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đang rất khó khăn; nhập siêu tăng trở lại.
Thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện, còn nhiều hạn chế, các loại thị trường vận hành chưa thông suốt. Một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều mặt hạn chế, yếu kém về văn hóa, xã hội khắc phục còn chậm; đạo đức xã hội ở một bộ phận không nhỏ xuống cấp; tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi...
Mặc dù những kết quả phát triển kinh tế xã hội được đánh giá cao, nhưng báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri cho thấy, vẫn còn nhiều lo ngại bởi tình hình kinh tế chưa thực sự bền vững, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động chưa cao; giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm; ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết tốt; an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo...
Trước tình hình này, Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, tăng cường giám sát bảo đảm triển khai hiệu quả nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
Sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện tái cơ cấu và trình Quốc hội bổ sung hoàn thiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế triển khai giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh và cương quyết tái cơ cấu một số ngành, lĩnh vực còn yếu nhất là đối với Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực dịch vụ còn nhiều tiềm năng.
Đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế ngắn hạn
Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo thực hiện dự toán và phân bổ ngân sách.
Theo đó, năm 2015, thu nội địa ước vượt dự toán 48.400 tỷ đồng (vượt 7,6% so dự toán và tăng 17,7% so với thực hiện 2014). Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu dự ước đạt 100% dự toán và hoàn đủ số thuế GTGT trong năm 2015 so với dự toán.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, tăng thu chủ yếu từ ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỷ đồng), còn ngân sách trung Ương hụt thu 31.300 tỷ đồng. Do vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần tính toán các giải pháp để bù hụt thu, đảm bảo cân đối NSNN.
Đáng chú ý, để đáp ứng nhu cầu chi ngân sách trong bối cảnh phát hành trái phiếu chính phủ dài hạn gặp khó khăn, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép đa dạng hóa các kỳ hạn để bù đắp bội chi.
Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ, nhưng đề nghị việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế phải bảo đảm chi phí vay vốn nước ngoài bằng hoặc thấp hơn chi phí vay vốn trong nước để cơ cấu lại nợ chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cân nhắc sửa đổi đưa vào giới hạn việc phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước, chỉ cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ từ 3 năm trở lên và khối lượng không quá 30% tổng khối lượng TPCP phát hành, thực hiện trong năm 2015 và 2016.
Hoàng Duy
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Không dùng ngân sách chi tiếp khách bia rượu Việt Nam đang là nước tiêu thụ bia rượu lớn nhất trong khu vực. TS Lê Đăng Doanh cho rằng không thể dùng ngân sách chi cho việc tiếp khách bia rượu. Bác sĩ Phạm Hoàng Anh - chuyên gia của Tổ chức HealthBridge (Canada) cho biết: Theo số liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam,...