400 tấn cá bị chết do thủy điện Hòa Bình xả lũ: Dân được hỗ trợ
Đó là khẳng định của ông Văn Phú Chính – Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) khi trả lời Dân Việt sáng nay 25.7 về việc hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại hơn 400 tấn cá do thủy điện Hòa Bình xả lũ trong những ngày qua.
Ông Chính cho biết, hàng năm cứ đến 15.6 là thời điểm các hồ thủy điện xả lũ. Đây là thời điểm tâm điểm mưa lũ ở miền Bắc, do đó các hoạt động ở hạ du phải tính đến việc chủ động thích ứng với việc xả lũ để đảm bảo an toàn cho sản xuất nuôi trồng.
Ông Văn Phú Chính – Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai. Ảnh: Đình Thắng
Ngay từ 11.7, tức trước thời điểm xả lũ 7 ngày, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chóng thiên tai đã có văn bản gửi các địa phương thông báo về việc khả năng hồ thủy điện Hòa Bình sẽ xả lũ. Chính vì vậy các địa phương cần chủ động triển khai thông báo cho người dân vùng hạ du được biết, đồng thời có các phương án đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Ông Chính khẳng định, Ban Chỉ đạo Trung ương đã thông báo địa phương từ rất sớm. Chúng ta đã làm tốt công tác xả lũ, thực hiện đúng quy trình, quá trình xả lũ được đánh giá tốt, đảm bảo an toàn hạ du, không có thiệt hại về người. Tuy nhiên đáng tiếc là có một số hộ dân ở Tuyên Quang, Phú Thọ và Hòa Bình đã thiệt hại thủy sản, cá nuôi trên lồng bè do sặc nước.
24 lồng cá lồng cá của HTX Nông -Lâm – Thủy sản huyện Kỳ Sơn bị chết, thiệt hại hơn 20 tấn cá. Ảnh M.H
Video đang HOT
“Về việc hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch các tỉnh, thành phố. Các địa phương cần triển khai ngay việc hỗ trợ thiệt hại để bà con yên tâm ổn định sản xuất. Ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ đã có Nghị định 02 về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai lũ lụt, các địa phương có trách nhiệm đánh giá thiệt hại, kiểm kê thiệt hại của người dân, sau đó chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ thiệt hại. Nếu các địa phương thấy số tiền hỗ trợ thiệt hại vượt quá ngân sách thì báo cáo cho Bộ NNPTNT để bộ báo cáo Chính phủ tính toán phương án hỗ trợ tiếp theo.
Qua sự việc này các địa phương, cần chủ động hơn nữa, tuyên truyền liên tục để bà con vùng hạ du nắm được thông tin để có phương án đảm bảo an toàn. Về phía người dân, họ không nên chủ quan” – ông Văn Phú Chính cho biết thêm.
Trước đó, theo thông tin từ các đại phương, sau khi thủy điện Hòa Bình xả lũ, có 400 tấn cá nuôi ở các lồng bè vùng hạ du bị chết do sặc nước. Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Giám đốc Sở NNPTNT Phú Thọ cho biết, khu vực chịu thiệt hại nặng là huyện Thanh Sơn hạ lưu sông Đà. Khu vực này có hơn 440 lồng bè nuôi cá của người dân. Trong đó, có hơn 200 lồng bè có cá ở huyện Thanh Sơn bị chết ngạt khí do xả lũ, thiệt hại ước tính 350 tấn cá.
Theo người nuôi cá ở Thanh Sơn, khi xả lũ, dòng chảy lớn khiến cá bị ngạt khí. Hơn nữa, khi đập thủy điện xả đáy kéo theo các độc tố từ bùn đáy tích tụ lâu ngày trôi xuống khu vực hạ nguồn.
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện đang có hơn 4.000 lồng bè nuôi cá nhưng ở hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình chỉ có 400 lồng bè, trong đó có khoảng 250 lồng bè bị thiệt hại.
Theo bà Đặng Thị Duyên – Phó Giám đốc Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình: “Ngay sau khi có hiện tượng cá chết, Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình đã cử cán bộ xuống thực địa lấy mẫu nước và cá để gửi xuống Viện Khoa học công nghệ Việt Nam tra nguyên nhân chính xác, hiện vẫn chưa có kết quả”.
Tại tỉnh Hòa Bình, số cá thiệt hại ức tính trên 6 tỷ đồng. Trong những ngày qua, bà con đang phải bán tháo cá chết cho các chủ vườn cam với giá 10.000 đồng/kg.
Theo Danviet
40 tấn cá bị chết do xả lũ: Kiến nghị thủy điện Hòa Bình hỗ trợ
Nhiều hộ nuôi cá lồng dọc sông Đà thuộc địa phận xã Hợp Thành, huyện Kì Sơn, tỉnh Hòa Bình bên bờ vực phá sản. Cá chết trắng lồng, bán rẻ như bèo, chẳng ai mua.
Theo thống kê về tình hình thiệt hại do thủy điện Hòa Bình xả lũ của UBND xã Hợp Thành, đến sáng ngày 23.7, các hộ nuôi cá lồng trên sông Đà đều bị ảnh hưởng, hơn 40 tấn cá đã chết. Cá trong lồng vẫn tiếp tục chết do bị thay đổi môi trường nước. "Bà con bán tống, bán tháo suốt mấy hôm rồi mà cũng chưa tiêu thụ hết cá trong lồng. Cá sống còn bán được, chứ cá chết rất khó bán", ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư xã Hợp Thành cho biết.
Ông Lê Văn Bảo, Chủ nhiệm HTX nông lâm thủy sản Kì Sơn cho biết, cá chết như ngả rạ, bán không ai mua.
Từ hôm thủy điện Hòa Bình (20.7) xả lũ đến nay, các xã viên của HTX nông lâm thủy sản Kì Sơn ăn không ngon, ngủ không yên. Nhà nào cũng bạc mặt vì cá lồng. Họ huy động tất cả các thành viên trong nhà mang cá đi bán. Sự nỗ lực, cố gắng của bà con cũng chỉ vớt vát được chút vốn.
Cá nổi trắng lồng. Bà con nông dân xã Hợp Thành đã bị thiệt hại nặng nề.
Ông Lê Văn Bảo, Chủ nhiệm HTX nông lâm thủy sản Kì Sơn là hộ bị thiệt hại nặng nhất. Theo ước tính của ông, 80 tấn cá trong lồng đang thời kì phát triển mạnh có khả năng chết sạch. Suốt 4 ngày qua, ông chạy đôn, chạy đáo tìm nơi tiêu thụ cá. Cá trắm, cá chiên nuôi trên sông Đà từng bán đắt như tôm tươi, vậy mà giờ bán cho người ta làm phân bón cho cây.
Ngày 22.7, UBND huyện Kì Sơn và UBND xã Hợp Thành cũng đã tiến hành kiểm tra và thống kê thiệt hại ban đầu do thủy điện Hòa Bình xả lũ gây ra. "Xã cũng đã đề đạt nguyện vọng lên huyện là kiến nghị thủy điện Hòa Bình hỗ trợ bà con nuôi cá lồng. Chúng tôi mong rằng, thủy điện sẽ có trách nhiệm trong vụ việc này", ông Tâm cho biết thêm.
Thủy điện xả lũ quá nhanh khiến bà con nông dân trở tay không kịp.
Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, thủy điện Hòa Bình xả lũ đã khiến bà con nuôi cá lồng bị thiệt hại nặng. Bà con nuôi cá bỗng trắng tay sau một đêm.
Thủy điện Hòa Bình xả lũ, thông báo quá sát giờ, bà con nuôi cá lồng không kịp trở tay. Việc này đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân.
UBND xã Hợp Thành đã đề đạt ý kiến lên UBND huyện Kì Sơn gửi kiến nghị tới Thủy điện Hòa Bình hỗ trợ một phần kinh phí cho những hộ nuôi cá bị ảnh hưởng do đơn vị này gây ra.
Theo Danviet
Hoàn thành hỗ trợ thiệt hại cho người dân vùng biển trong tháng 6 Các bộ ngành và UBND 4 tỉnh miền Trung được giao đến hết tháng 6, hoàn thành dứt điểm việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình vừa yêu cầu các bộ ngành và 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên...