40 năm Biden thay đổi quan điểm với Trung Quốc
Tháng 8/2001, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách chủ tịch Ủy Đối Ngoại Thượng viện Mỹ, Joe Biden đã tới Bắc Đới Hà, Trung Quốc.
Mục tiêu của Biden khi tham dự một loạt cuộc họp với giới lãnh đạo Trung Quốc khi đó là giúp mở ra kỷ nguyên quan trọng trong quan hệ hai nước, bao gồm tạo dựng kết nối thương mại cho phép Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới ( WTO).
“Mỹ hoan nghênh sự vươn lên của một Trung Quốc thịnh vượng và hội nhập trên trường quốc tế, bởi chúng tôi kỳ vọng nước này sẽ tuân thủ các quy tắc”, Biden nói với Giang Trạch Dân, chủ tịch Trung Quốc khi đó, theo lời kể của Frank Jannuzi, phụ tá tại Thượng viện Mỹ chịu trách nhiệm tổ chức chuyến đi.
Vài ngày sau, Biden tới Yanzikou, một ngôi làng gần Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh, nhiệt tình giao lưu với những người dân địa phương đang kinh ngạc trước sự xuất hiện của ông. Trở về Washington, thượng nghị sĩ nhận thấy nhiều tiềm năng từ Bắc Kinh, đồng thời chuyển đến giới báo chí thông điệp tương tự với các lãnh đạo Trung Quốc.
“Washington hoan nghênh sự trỗi dậy của Bắc Kinh như một cường quốc, bởi các cường quốc sẽ tôn trọng quy tắc quốc tế trên những lĩnh vực như không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhân quyền và thương mại”, Biden nói.
Joe Biden bắt tay một bé trai trong chuyến thăm làng Yanzikou, phía bắc Bắc Kinh, Trung Quốc, hồi năm 2001. Ảnh: Pool photo.
Gần hai thập kỷ sau chuyến công du của Biden, Trung Quốc đã nổi lên như một cường quốc. Tuy nhiên, trong mắt nhiều người Mỹ, họ lại trở thành đối thủ nguy hiểm. Các thành viên lưỡng đảng Mỹ đều cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng sự hội nhập toàn cầu mà Biden cùng nhiều quan chức Mỹ khác từng ủng hộ để trỗi dậy và thách thức vị thế của Mỹ.
Khi quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, cùng những cáo buộc “thân Trung Quốc” mà Tổng thống Donald Trump nhắm vào Biden, giọng điệu của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ đã thay đổi mạnh mẽ. Ông công kích Chủ tịch Tập Cận Bình, đe dọa nếu đắc cử sẽ “nhanh chóng áp đặt trừng phạt kinh tế” chừng nào Trung Quốc còn gây tổn hại doanh nghiệp và người dân Mỹ.
“Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc”, Biden viết trong bài xã luận trên Foreign Affairs. Nguồn tin từ các cố vấn và phụ tá chính sách đối ngoại của Biden cũng nói rằng cựu phó tổng thống Mỹ giờ đây coi Trung Quốc là thách thức chiến lược hàng đầu.
Biden cho biết ông có “mối quan tâm lâu dài” đến quá trình thay đổi của Trung Quốc từ 40 năm trước, sau chuyến thăm đầu tiên tới nước này vào tháng 4/1979 khi “mới chập chững vào Thượng viện”. Thời điểm đó, Biden là thành viên phái đoàn đầu tiên của quốc hội Mỹ đến Trung Quốc kể từ cuộc cách mạng năm 1949 và đã gặp Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo tiến hành quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
Tiếp đón quan chức Trung Quốc với tư cách phó tổng thống Mỹ hồi tháng 5/2011, Biden hồi tưởng lại chuyến đi đó bằng thái độ trân trọng. Dù nhận thức được những tranh cãi, Biden cho biết ông “từng tin vào điều mà giờ đây ông vẫn tin, rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là một sự phát triển tích cực, không chỉ với nước này mà cho cả Mỹ và thế giới”.
Sau chuyến thăm năm 1979, Biden vẫn thường xuyên chỉ trích Trung Quốc, trong bối cảnh nước này ngày càng phát triển vượt bậc. Ông cũng nhận ra giới hạn đối với những gì Mỹ có thể đòi hỏi trên thực tế, thừa nhận Trung Quốc có những hành vi không công bằng về thương mại.
Tuy nhiên, đến cuối những năm 1990, phe Cộng hòa cùng ngày càng nhiều đảng viên Dân chủ ôn hòa ca ngợi những lợi ích của trạng thái thương mại tự do hơn với Trung Quốc. Tháng 9/2000, khi Thượng viện Mỹ tranh luận rằng có nên bình thường hóa quan hệ thương mại vĩnh viễn, mở đường cho Bắc Kinh gia nhập WTO hay không, Biden đã ủng hộ mạnh mẽ.
Video đang HOT
Như nhiều nghị sĩ khác, Biden nhận định việc Trung Quốc hội nhập toàn cầu có thể “tác động tới cấu trúc hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị nội bộ” của nước này. “Bình thường hóa vĩnh viễn về thương mại sẽ giúp tiếp nối quá trình can dự cẩn trọng, nhằm khuyến khích Trung Quốc phát triển như một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng thế giới”, Biden phát biểu tại phiên tranh luận ở Thượng viện khi đó.
Biden còn dự đoán ngành công nghiệp hóa chất và chăn nuôi tại Delaware, quê nhà của ông, sẽ được hưởng lợi, cùng với General Motors và Chrysler, hai tập đoàn đang vận hành các nhà máy lớn ở bang này. Kết quả là ngày 19/9/2000, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật với số phiếu áp đảo.
Trump giờ đây gọi việc Trung Quốc gia nhập WTO là “một trong những thảm họa địa chính trị và kinh tế lớn nhất trong lịch sử thế giới”. Tuy nhiên, chính các tập đoàn Mỹ và đảng Cộng hòa từng nhiệt tình ủng hộ quyết định này. Các nhà phân tích cũng cho rằng việc loại quốc gia đông dân nhất thế giới khỏi hệ thống thương mại quốc tế có thể dẫn đến hậu quả tồi tệ hơn.
Sau nhiều thập kỷ, sự chuyển đổi trên khắp các mặt kinh tế, chính trị, xã hội tại Trung Quốc đã không diễn ra như kỳ vọng của Biden. Các công ty quốc doanh tăng cường kiểm soát những ngành công nghiệp chiến lược, trong khi giới chức Trung Quốc bị cáo buộc thúc ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ.
Một số đảng viên Dân chủ đổ lỗi cho cựu tổng thống George W. Bush đã lơ là với Trung Quốc vào đúng giai đoạn quan trọng. Khi Bắc Kinh thúc đẩy mở cửa nền kinh tế, Bush cùng hầu hết nhà hoạch định chính sách Mỹ, bao gồm cả Biden, vẫn chỉ chú trọng đến Trung Đông sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Nhiều công ty và người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi từ sự hội nhập thương mại của Trung Quốc. Tuy nhiên, tại một số khu vực, đặc biệt là những bang phụ thuộc vào sản xuất công nghiệp từng giúp Trump đắc cử hồi năm 2016, nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Theo một nghiên cứu, từ năm 1999 đến 2011, sự cạnh tranh từ Trung Quốc khiến Mỹ mất hơn hai triệu việc làm tại các nhà máy. Cũng trong giai đoạn này, những sai lầm trong hệ thống tài chính Mỹ đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Năm 2008 và 2009, khi Biden giữ chức phó tổng thống Mỹ, các nhà máy của General Motors và Chrysler tại bang Delaware đã đóng cửa.
Vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên, Barack Obama đã tiến hành bước ngoặt đầy tham vọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ là xoay trục từ Trung Đông sang châu Á, chủ yếu nhằm đối phó với những thách thức từ Trung Quốc. “Phó tướng” Biden đã gặp ông Tập, người lúc đó giữ chức phó chủ tịch Trung Quốc, ít nhất 8 lần trong giai đoạn 2011-2012 nhằm thăm dò lãnh đạo tương lai của Trung Quốc. Họ thậm chí từng cùng tham gia một trận bóng rổ tại một trường trung học ở tỉnh Tứ Xuyên.
Kurt Campbell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương khi đó, cho biết Biden cuối cùng đánh giá ông Tập là người cứng rắn, nghi ngờ về quyền lực của Mỹ và tin vào hệ thống chính trị Trung Quốc. Campbell tiết lộ thêm trong một cuộc họp của Nhà Trắng, Biden nói với các trợ lý rằng họ sẽ phải “bận rộn” đối phó với ông Tập.
Trước chiến lược xoay trục của Washington, Bắc Kinh bắt đầu thúc đẩy các yêu sách về lãnh thổ trên Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi có sự hiện diện của quân đội Mỹ. Biden từng ủng hộ các quyết định triển khai oanh tạc cơ và tàu chiến tới khu vực, đồng thời chuyển thông điệp tới ông Tập rằng Washington đang ngày càng giận dữ, khiến mối quan hệ cũ dần phai nhạt.
“Tôi muốn làm rõ rằng nếu Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế cơ bản, chúng tôi sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, với mức độ mà họ tìm cách thay đổi căn bản những nguyên tắc cấu thành tự do hàng hải, hàng không trên các vùng biển, vùng trời…, đó chính là vấn đề”, Biden từng trả lời phỏng vấn NY Times.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu tại thành phố Wilmington, bang Delaware, Mỹ, hôm 4/9. Ảnh: AFP.
Tháng trước, vài giờ trước khi Biden phát biểu nhận đề cử tổng thống của đảng Dân chủ tại thành phố Wilmington, bang Delaware, 75 chuyên gia an ninh của đảng Cộng hòa, một số người từng làm việc cho Trump, tuyên bố ủng hộ cựu phó tổng thống.
Họ đánh giá Trump “thiếu tư cách và năng lực để lãnh đạo đất nước”, đề cập tới quan hệ thân thiết giữa Tổng thống với ông Tập, người mà Trump từng ca ngợi là “lãnh đạo xuất sắc”. Cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cho rằng cách tiếp cận với Trung Quốc của Trump thất thường, dựa trên lợi ích cá nhân hơn là lợi ích quốc gia.
Nhận định này khớp với quan điểm của Biden rằng sự cứng rắn với Trung Quốc của Trump là điều không có thật. Chiến dịch của Biden cũng chạy những quảng cáo nhắc nhở cử tri là Trump từng ca ngợi cách ông Tập xử lý Covid-19. Ngoài ra, Biden còn nhận xét thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn một “đang thất bại”. Tuy nhiên, nỗ lực của Biden gây một số phản ứng ngược, khi những người Mỹ gốc Á chỉ trích các quảng cáo chống Trung Quốc của ông là phân biệt chủng tộc.
Chiến lược của Biden dường như xuất phát từ áp lực chính trị phải tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc. Một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 73% người Mỹ đang không có thiện cảm với Trung Quốc, tỷ lệ cao nhất trong ít nhất 15 năm qua. Hơn một nửa người tham gia khảo sát cũng coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh với Washington.
Tuy nhiên, những chính sách nhằm thỏa mãn tất cả của Biden đôi khi trở nên mơ hồ. Ông không cam kết gỡ bỏ những đòn thuế với Trung Quốc mà Trump áp đặt, nhưng sẽ “đánh giá lại” chúng. Một số ý tưởng của Biden trùng với chính sách của các quan chức trong chính quyền Trump, bao gồm chuyển các chuỗi cung ứng quan trọng ra khỏi Trung Quốc.
Trong khi Trump kêu gọi trừng phạt Trung Quốc, các trợ lý của Biden lại nhấn mạnh việc khôi phục sức mạnh nội địa của Mỹ. Hồi tháng 6, Jake Sullivan, trợ lý hàng đầu của Biden, cho biết Washington “nên bớt tập trung vào việc cố gắng cầm chân Bắc Kinh và chú ý nhiều hơn đến nỗ lực tự tăng tốc”, bao gồm đầu tư vào nghiên cứu khoa học và các ngành công nghiệp mới nổi của Mỹ, đồng thời phục hồi quan hệ liên minh ở nước ngoài.
Ngoài đối đầu, Biden còn dự định cố gắng hợp tác với Trung Quốc trong một số vấn đề như biến đổi khí hậu, an ninh y tế, Iran và Triều Tiên, nhưng có thể sẽ gặp cản trở từ những quan chức “diều hâu” trong chính quyền Trump. Thêm vào đó, Campbell, người hiện làm cố vấn của Biden, cho rằng Bắc Kinh luôn cố gắng kiểm soát tình hình, “ngay cả trong những vấn đề các bên cùng có lợi, như biến đổi khí hậu”.
Susan Shirk, học giả về Trung Quốc tại Đại học California, Mỹ, nhận định đội ngũ của Biden sẽ sử dụng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” để “vừa đấm vừa xoa” trong các cuộc đàm phán tương lai với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đều cho rằng nếu Biden đắc cử, quan hệ 40 năm giữa ông với Trung Quốc sẽ rơi vào căng thẳng chưa từng có, với những xung đột lớn hơn dường như không thể tránh khỏi, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng ở cả hai nước.
Đặc khu kinh tế khổng lồ của Trung Quốc đi ngược lại "luật chơi" quốc tế
Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc có kế hoạch biến Hải Nam thành một cảng thương mại tự do có thể đi ngược lại các quy tắc cạnh tranh và thương mại toàn cầu.
Thành phố khoa học và công nghệ vịnh Yazhou trên đảo Hải Nam. Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc có kế hoạch biến hòn đảo thành một cảng thương mại tự do có thể bỏ qua các quy tắc thương mại toàn cầu. Ảnh: Tân Hoa
Trên thế giới đã có rải rác các đặc khu tinh tế thương mại tự do nhưng lại có rất ít những khu nằm trên quy mô lớn như đảo Hải Nam, hòn đảo đông dân nhất Trung Quốc, có diện tích chỉ nhỏ hơn Đài Loan một chút và là nhà của hơn 9 triệu người.
Nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm tái tạo hòn đảo nhiệt đới "buồn ngủ" này như một cảng thương mại tự do khổng lồ đã khiến nhiều người cho rằng họ đang cố gắng biến nơi đây thay thế Hồng Kông để giao dịch với các công ty đa quốc gia đang cố gắng khai thác cơ sở sản xuất hoặc thị trường tiêu dùng.
Là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) theo những điều khoản riêng của mình, Hồng Kông có các chế độ và chính sách thương mại và hải quan độc lập so với các chính sách được thiết lập tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, Hải Nam thì không, và một số chuyên gia đã đặt câu hỏi rằng liệu việc thiết lập một chế độ hải quan lớn riêng biệt ngoài khơi bờ biển phía nam Trung Quốc có bỏ qua các quy tắc thương mại toàn cầu hay không.
Hải Nam sẽ cung cấp miễn thuế đối với hầu hết các sản phẩm hàng hóa, thuế thu nhập thấp hơn các nơi khác và các yêu cầu thị thực khá thoải mái cho khách du lịch và chuyên gia nước ngoài, đặc biệt hơn, nó sẽ cho phép hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc được miễn thuế với điều kiện 30% giá trị của chúng phải được thêm vào tổng sản phẩm của đảo Hải Nam.
Mọi người đều cho rằng kiểm soát hải quan giữa Hải Nam và Trung Quốc đại lục sẽ được thành lập vào năm 2025, với bản thiết kế Hải Nam đầy đủ sẽ được triển khai trong vòng 10 năm sau đó.
Các chuyên gia thương mại và hải quan lo ngại rằng quy mô của Hải Nam, cùng với thực tế là các công ty được phép mở nhà máy ở đó có thể có quyền xâm nhập vào thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc một cách dễ dàng và ít tốn kém hơn vì họ có nhiều đặc quyền ưu đãi, điều này sẽ không phù hợp với quy tắc cạnh trên trên thị trường.
Zhao Khang Jiang, một chuyên gia về hải quan Trung Quốc và đối tác quản lý của GSC Potomac cho biết: "Mặc dù WTO không có quy định chính xác về các khu vực thương mại tự do, nhưng kế hoạch chi tiết vềHải Nam không phù hợp với tinh thần và nguyên tắc của WTO. Theo WTO, các quy tắc pháp lý thương mại và hải quan sẽ được quản lý và áp dụng thống nhất trên toàn lãnh thổ hải quan."
Ông Jiang nói thêm: "Cảng thương mại tự do Hải Nam sẽ quay trở lại chương trình đặc khu kinh tế ban đầu, với các ưu đãi về thuế và thương mại ưu đãi hơn nữa."
Tiếp theo, ông Jiang đã đề cập đến các bước mà Trung Quốc đã thực hiện như là một phần trong đơn xin WTO để hài hòa các chế độ thuế quan và hải quan cho cả nước, bao gồm đưa kế hoạch thuế quan riêng cho Tây Tạng vào hệ thống hải quan Trung ương.
Vấn đề ta cần chú ý ở đây là quy mô to lớn của khu vực thương mại tự do Hải Nam.
Theo báo cáo của Quốc hội Mỹ, đã có 5.383 khu thương mại tự do trên toàn thế giới vào năm 2019, gần một nửa trong số đó là ở Trung Quốc. Nhưng đây thường là những khu vực nhỏ, là nhà của các khu công nghiệp, hàng không và cảng biển, hoặc các nhà máy và cơ sở sản xuất hoàn thiện, như các đặc khu kinh tế quanh Trung Quốc được thiết kế chủ yếu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu.
Trên toàn cầu, hầu hết các khu vực thương mại tự do được thiết lập là khu vực trung chuyển hoặc khu vực kho ngoại quan, nơi hàng hóa có thể được hoàn thành hoặc lưu trữ thuế hoặc miễn thuế trước khi được chuyển đến địa điểm cuối cùng.
Henry Gao, giáo sư luật thương mại tại Đại học Quản lý Singapore, người đã tư vấn cho chính quyền tỉnh Hải Nam về kế hoạch cho khu vực thương mại tự do vào năm ngoái đã nói rằng: "Tôi có một số nghi ngờ về tính nhất quán của Hải Nam trong các quy tắc của WTO. Chẳng hạn như đặc khu kinh tế Thượng Hải rất nhỏ so với Hải Nam. Với quy mô lớn như Hải Nam, điều này có thể gây ra nhiều mối quan tâm."
Ông Bryan Mercurio, giáo sư luật thương mại tại Đại học Hồng Kông nói rằng: "Vấn đề thực sự xảy ra khi hàng hóa đi vào thị trường nội địa sẽ được miễn thuế. Như vậy sẽ tạo ra sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường."
Deborah Elms, giám đốc điều hành tại Trung tâm tư vấn thương mại châu Á cho biết: "Thực sự không có nhiều các khu vực thương mại tự do như Hải Nam. Khi đặc khu kinh tế như Hải Nam mới được tạo ra, những thách thức kinh tế liên quan đến chúng có vẻ tương đối nhỏ.
Nhưng nếu chúng sinh sôi nảy nở, sẽ càng có nhiều sự cạnh tranh không công bằng. Và trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu đang bùng nổ như hiện nay, sẽ có những mối lo ngại lớn hơn gia tăng. Khi mọi người suy nghĩ về Hải Nam, chắc chắn họ sẽ phản đối rất nhiều."
Việt Nam đề nghị Mỹ xem xét công bằng mặt hàng gỗ dán Bộ Ngoại giao cho rằng việc Mỹ điều tra gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam do nghi dùng nguyên liệu của Trung Quốc cần được xem xét công bằng. "Vấn đề này cần được xem xét khách quan, công bằng, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thông lệ quốc tế cũng như quan hệ...