4 trẻ tử vong, vẫn nên tiêm vắc-xin?
Mặc dù liên tiếp trong những ngày gần đây, 4 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc- xin viêm gan B, nhưng các bác sỹ đầu ngành vẫn khuyên nên tiêm loại vắc xin này.
Dư luận đang quan tâm đặc biệt đến sự việc 4 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B. Đến hôm nay (25/7), nguyên nhân tử vong của 4 đứa trẻ xấu số vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Trong lúc nhiều người vẫn còn băn khoăn, có nên tiếp tục tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ không? Ngày 24/7, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, vẫn tiếp tục tiêm vắc – xin này cho trẻ.
Trao đổi với PV hôm nay (25/7), BS. Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, tiêm vắc -xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh rất cần thiết. Vấn đề này cũng được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo và có đầy đủ tính khoa học.
Người nhà đau đớn trước cái chết của cháu bé. (Ảnh: Ngọc Trân)
“Việc tiêm hay không tiêm cho trẻ ngay sau sinh không phải là vấn đề bàn cãi. Bộ Y tế cũng yêu cầu tất cả các cơ sở có phòng đẻ phải thực hành tiêm viêm gan B mũi một trong 24 giờ đầu”, Bác sỹ Quyết nói.
“Thông thường sau khi sinh, chúng tôi đều giải thích chu đáo cho mẹ và gia đình về việc tiêm ngừa vắc xin viêm gan B. Mỗi gia đình đều được cấp 1 quyển sổ và làm thủ tục tiêm ngừa cho bé, sau đó chúng tôi mới bàn giao bé cho mẹ. Các bác sĩ đều thông báo, chỉ dẫn cho gia đình, không có chuyện gia đình các bé không biết”, một bác sĩ Khoa sản Bệnh viện Thủ Đức nói. Hưng Văn
Vị Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng cho biết, việc tiêm vắc – xin viêm gan B cho trẻ đã thành quy trình nên không phải hỏi ý kiến của gia đình xem họ có đồng ý hay không.
Video đang HOT
“Tuy nhiên, sau những vụ tử vong sau tiêm vắc xin này, bệnnh viện sẽ chủ động hỏi ý kiến của gia đình sản phụ”, ông Quyết nói.
Để bảo đảm an toàn, trước khi tiêm, trẻ cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám cẩn thận để khẳng định không mắc bệnh gì. Trước khi sản phụ vào viện khám và sinh nở cũng được nhân viên y tế tư vấn rất chặt chẽ về các mũi tiêm cho mẹ và con.
Cha của cháu bé và gia đình đau buồn trước cái chết của con em mình. (Ảnh: Ngọc Trân)
TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cũng nhìn nhận, việc tiếp tục tiêm vắc -xin viêm gan B cho trẻ khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế về công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm, việc tiêm chủng vắc- vin viêm gan B là bắt buộc.
“Đây là điều kiện để đảm bảo quyền lợi của cá nhân và cộng đồng. Hơn nữa, việc tiêm vắc xin viêm gan B không chỉ là quy định riêng của Việt Nam mà là chiến lược toàn cầu”, ông Cảm cho hay.
Tại cuộc họp Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế chiều hôm qua (24/7), đại diện WHO cũng khuyến cáo, việc chủng ngừa viêm gan B ngay sau khi sinh là rất quan trọng bởi vì hầu hết trẻ mới sinh nhiễm vi rút viêm gan B sẽ không có triệu chứng, nhưng có tới 90% khả năng có thể nhiễm bệnh. Viêm gan B có thể dẫn tới hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có tổn thương gan, ung thư gan và thậm chí là tử vong. Tuy nhiên những chứng cứ quốc tế cho thấy rằng hầu hết các ca viêm gan B có thể được phòng ngừa kể cả khi trẻ do một người mẹ nhiễm vi rút viêm gan B sinh ra hoặc trong một khu vực đang có dịch (ở mức độ cao) với điều kiện nhận được sự chủng ngừa cần thiết ở thời điểm được đề nghị. Để ngăn chặn bệnh này, WHO tiếp tục đề nghị trẻ cần được tiêm mũi chủng ngừa viêm gan B đầu tiên trong vòng 24 giờ sau khi sinh, và 3 mũi bổ sung sau đó trong vòng từ 1- 15 tháng. Do đó, Bộ Y tế quyết định tiếp tục tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh theo lịch trong Dự án tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh chủ động cho trẻ em và cộng đồng.
Theo Khampha
Một số vắc xin ở VN thuộc thế hệ cũ
Một số vắc xin đang sử dụng tại Việt Nam thuộc thế hệ cũ nên phần nào đã ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và tỷ lệ các phản ứng sau tiêm chủng.
Đây là ý kiến của PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về sức khỏe cộng đồng, Nguyên chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết tại cuộc hội thảo "Sử dụng vắc xin chất lượng, an toàn và hiệu quả" do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật thành phố Hà Nội tổ chức ngày 24/7.
PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển cho biết, vắc xin lưu hành ở VN dù sản xuất trong nước hay ngoài nước đều đạt các tiêu chuẩn của VN và quốc tế dành cho sản phẩm. Tuy nhiên, một số vắc xin đang sử dụng tại VN thuộc thế hệ cũ nên đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và tỷ lệ các phản ứng sau tiêm chủng.
Vị chuyên gia này lấy dẫn chứng ví dụ như vắc xin viêm não Nhật Bản nước ta đang sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin được sản xuất từ não chuột. Đây là vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo không sử dụng. VN đang sử dụng vắc xin bại liệt uống trong khi WHO cũng khuyến cáo nên dùng vắc xin bại liệt tiêm bởi nếu dùng vắc xin theo đường uống, virus bị thải ra ngoài môi trường có thể gây bệnh ngược trở lại cho cộng đồng.
"Điển hình nhất là vắc xin ho gà toàn tế bào. Thời gian vừa qua chúng ta đã phải chứng kiến rất nhiều ca tử vong của các cháu bé khi tiêm vắc xin Quinvaxem có chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Kết luận cuối cùng đưa ra là nguyên nhân tử vong không phải do vắc xin. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng việc vắc xin ho gà toàn tế bào chứa đến hơn 3000 kháng nguyên sẽ không an toàn bằng vắc xin thế hệ mới vô bào chỉ có 3-5 kháng nguyên. Vắc xin thế hệ cũ toàn tế bào không an toàn bằng vắc xin thế hệ mới vô bào nên Hàn Quốc dù là nước sản xuất ra vắc xin Quinvaxem nhưng không sử dụng mà chỉ bán cho các nước, trong đó có VN", PGS.TS Hiển nói.
Vắc xin Quinvaxem đã tạm ngừng sử dụng tại VN sau khi có nhiều ca tử vong sau tiêm
Trên thực tế việc sử dụng vắc xin thế hệ mới có yếu tố ho gà vô bào tại các điểm tiêm dịch vụ có trả tiền, tỷ lệ trẻ có phản ứng sốt, đau và các phản ứng nặng hơn là rất thấp. Đây cũng là một thiệt thòi và thách thức lớn cho công tác sử dụng vắc xin phòng bệnh. Khi tỷ lệ phản ứng cao sẽ gây tâm lý lo lắng cho cộng đồng và làm giảm tỷ lệ tiêm chủng, từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vắc xin phòng bệnh.
Đầu tư cho tiêm chủng còn quá thấp
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện Việt Nam đầu tư cho công tác tiêm chủng mở rộng còn quá thấp và chưa tương xứng với nhu cầu và hiệu của vắc xin mang lại.
Theo báo cáo của UNICEF và WHO năm 2012 thì ở Việt Nam ngân sách nhà nước chi để mua vắcxin chỉ đạt khoảng 30%, số còn lại là viện trợ.
Trên thế giới đã có 26 bệnh có vắc xin bảo vệ nhưng VN mới có 9 vắc xin phòng bệnh cho trẻ được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng gồm: bạch hầu, ho gà, uống ván, sởi, bại liệt, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, viêm đường hô hấp do Hib.
Trẻ em VN chưa được sử dụng nhiều vắc xin thế hệ mới trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Nhiều vắc xin phòng chống bệnh nguy hiểm chưa được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng như vắc xin phế cầu, thủy đậu, rubella, quai bị, cúm mùa, viêm ruột do Rota virus, ung thư cổ tử cung...
Để nâng cao chất lượng tiêm chủng, PGS.TS Hiển đề xuất việc xã hội hóa công tác tiêm chủng như một giải pháp quan trọng. Bởi do nguồn lực có hạn, nhà nước cần coi tiêm chủng dịch vụ có trả tiền là hình thức xã hội hóa tiêm chủng thích hợp và cần thiết để trẻ em được tiêm nhiều vắc xin hơn và vắc xin đến được nhiều người hơn thay vì chỉ coi đây là hình thức kinh doanh như hiện nay.
"Đặc biệt, ngành y tế cần có sự kết nối giữa tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ để kiểm soát được chất lượng, an toàn của dịch vụ và tình hình tiêm chủng trong cộng đồng. Việc xã hội hóa thành công của việc tiêm vắc xin dại từ nhiều năm nay là một ví dụ thành công về xã hội hóa," ông Hiển phân tích.
Còn theo GS.TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế quốc gia, để sử dụng vắc xin chất lượng, an toàn và hiệu quả ngay cả với vắc xin thế hệ mới nhập khẩu từ nước ngoài cũng cần phải được kiểm soát chặt chẽ.
"Nếu vắc xin nhập khẩu không được kiểm soát nhiệt độ tốt trong quá trình vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng vắc xin. Năm 2000, Bộ Y tế đã phải ra quyết định hủy bỏ nhiều triệu liều vắc xin DPT (vắc xin phòng 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) do UNICEF tài trợ trị giá gần 700.000 USD do vắc xin bị đông đá trong quá trình vận chuyển. Đây là một bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc kiểm soát chất lượng vắc xin nhập khẩu", GS Bảng chia sẻ.
Theo GS Bảng để giám sát được chất lượng vắc xin nhập khẩu, Việt Nam cần có đơn vị chuyên trách đủ kỹ năng chuyên sâu. "Tuy nhiên trên thực tế Việt Nam chưa đạt được kỹ năng đó, chúng ta chưa thể kiểm soát được chất lượng của tất cả các vắc xin nhập khẩu như vắc xin phối hợp Quinvaxem. Việc xác nhận chất lượng vắc xin nhập khẩu nếu chỉ căn cứ đơn thuần vào soát xét hồ sơ thì không thuyết phục khoa học", GS Bảng nói.
Theo Dantri
BT Y tế lý giải không thăm 3 trẻ tử vong Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích về việc không đến thăm gia đình 3 trẻ sơ sinh tử vong khi bà đang công tác tại Quảng Trị. Dư luận đang dành sự quan tâm đặc biệt đến sự việc 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong ngày 20/7 sau khi tiêm vắc xin viêm gan B. Ngày...