4 tòa án có thể thụ lý vụ kiện Trung Quốc vi phạm công ước về luật biển
Khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là một động thái cấp thiết sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ông Nguyễn Kiều Hưng, luật sư điều hành hãng luật Giải Phóng (TP.HCM) cho biết “kiện TQ ra Tòa trọng tài là thuận lợi hơn cả” đối với Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng
Thưa luật sư, xin ông cho biết, việc khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, chúng ta sẽ tiến hành như thế nào?
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 918 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là trái phép, nên không có chuyện tranh chấp chủ quyền. Chúng ta phải khẳng định như vậy. Chúng ta có thể khởi kiện Trung Quốc về hành vi “cố tình giải thích hay áp dụng sai các quy định của công ước”. Vùng biển họ hạ đặt giàn khoan hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Đó là hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam dựa trên cơ sở ngụy biện về cách cố tình giải thích và áp dụng sai quy định của Công ước về luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là thành viên.
Thưa ông, chính xác là cơ quan nào có khả năng thụ lý đơn khởi kiện của Việt Nam?
Theo Điều 287 công ước thì có bốn cơ quan tài phán sau đây có quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng công ước: Tòa án quốc tế về Luật biển được thành lập theo đúng Phụ lục VII; Toà án Công lý Quốc tế; Một tòa trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII; Một tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo đúng Phụ lục VIII để giải quyết một hay nhiều loại tranh chấp đã được qui định rõ trong đó.
Ông có thể nói rõ hơn về thẩm quyền của các cơ quan này? Và chúng ta nên chọn cơ quan tài phán nào?
Tòa án Công lý Quốc tế, đặt tại The Hague (Hà Lan) có thẩm quyền giải quyết mọi tranh chấp giữa các quốc gia khi có yêu cầu, tuy nhiên để được tòa án thụ lý giải quyết, cần phải có sự thỏa thuận của các bên (trong trường hợp này là cả Việt Nam lẫn Trung Quốc nên rất khó khả thi). Trong trường hợp này, thuận lợi nhất chúng ta nên đệ đơn đến một trong hai cơ quan: Tòa án Quốc tế về luật Biển và Tòa Trọng tài theo phụ lục VII công ước. Thực tiễn, các quốc gia thường chọn Tòa Trọng tài hơn.
Thuận lợi của việc lựa chọn cơ quan tài phán này là gì, thưa ông?
Khi chọn Tòa trọng tài sẽ không cần sự đồng ý hay không đồng ý Trung Quốc. Chúng ta cũng có quyền đơn phương đệ đơn để được thụ lý giải quyết, ngay cả khi vắng mặt của phía Trung Quốc. Phán quyết của Tòa trọng tài có giá trị chung thẩm và không được kháng cáo. Nếu tất cả các bên cùng thỏa thuận, thì mọi tranh cãi có thể đưa đến một cơ quan tài phán có thẩm quyền khác giải quyết quy định tại điều 287 công ước như đã nói ở trên. Theo quy định của công ước, Tổng thư ký Liên hợp quốc lập ra và giữ một bản danh sách các trọng tài. Mỗi quốc gia thành viên có thể chỉ định bốn trọng tài có kinh nghiệm về những vấn đề biển và nổi tiếng nhất về sự công bằng, về năng lực và liêm khiết. Tên của những người được chỉ định như vậy được ghi rõ trên một bản danh sách. Toà trọng tài gồm có năm thành viên do các bên thỏa thuận cử ra, một quốc gia có thể chọn một trọng tài là công dân nước mình.
Ông có thể phân tích rõ hơn về các yếu tố pháp lý làm cơ sở để khởi kiện?
Video đang HOT
Theo quy định của công ước, chủ thể khởi kiện có thể là nhà nước, tố chức, công dân. Như đã phân tích ở trên, ở góc độ nhà nước, Việt Nam có quyền khởi kiện Trung Quốc về hành vi “cố tình giải thích hay áp dụng sai các quy định của công ước” dẫn đến việc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Còn ở góc độ các tổ chức, công dân mà cụ thể công ty hay các nghiệp đoàn, hiệp hội nghề cá, ngư dân có thể khởi kiện dân sự theo Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam về việc đòi bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân Trung Quốc gây ra trên lãnh thổ Việt Nam.
Thưa ông, cũng có nhiều ý kiến quan ngại rằng việc khởi kiện sẽ không mang lại nhiều kết quả nếu phía Trung Quốc chây ì?
Tất nhiên, việc khởi kiện sẽ tốn nhiều công sức và phải chờ đợi. Nhưng trước mắt, chúng ta đã có rất nhiều cái lợi. Việc quyết định khởi kiện Trung Quốc cũng là một biện pháp hòa bình. Dù chưa có phán quyết, nhưng đó là sự thể hiện niềm tin khẳng định chủ quyền của ta. Có phán quyết, dù chưa được thi hành, đó là niềm tin để quốc tế có những hành động cụ thể ủng hộ Việt Nam. Cho nên, quyết định khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài, theo ý kiến của tôi, là biện pháp cần thiết, thậm chí là cấp thiết trong lúc này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo Một Thế Giới
Nếu Trung Quốc không đồng ý ra tòa án quốc tế với Việt Nam...
Việc Trung Quốc hạ giàn khoan 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 và Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông.
Xoay quanh những thắc mắc Việt Nam sẽ cần những thủ tục, hồ sơ như thế nào để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, phóng viên có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật (Đoàn luật sư TP Hà Nội) để bạn đọc có góc nhìn nhiều chiều về vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến cho rằng Việt Nam cần sớm hoàn tất thủ tục để kiện Trung Quốc ra Tòa án Luật biển.
Phóng viên: Trước diễn biến Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền vùng biển của Việt Nam trong những ngày qua, theo ông chúng ta cần có hành động gì về tính pháp lý để ngăn chặn việc này?
LS Nguyễn Hoàng Tiến: Chủ quyền trên đất liền, trên biển và trên không là quyền thiêng liêng của mỗi dân tộc, bất khả xâm phạm đã được nhiều Công ước quốc tế công nhận. Việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng biển Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đường cơ sở của bờ biển nước ta 130 hải lý về phía Đông là hoàn toàn nằm trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế 200 hải lý (tính từ đường cơ sở) của nước ta mà Luật biển quốc tế năm 1982 quy định. Điều đó rõ ràng cho thấy, đây là hành vi xâm phạm trắng trợn chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Không chỉ thế, việc làm này còn đe dọa đến hòa bình và an ninh trên biển của khu vực ASEAN.
Theo Điều 56 Công ước Quốc tế về Luật biển cho phép nước ta có các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên... cũng như về hoạt động khai thác, thăm dò vì mục đích kinh tế. Đồng thời, theo điều 58 Công ước này thì trong vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nạm, khi thực hiện các quyền và làm nghĩa vụ của mình theo công ước, các quốc gia khác phải tôn trọng luật và quy định mà Việt Nam ban hành theo đúng các quy định của Công ước.
Bằng con đường đấu tranh hòa bình, chúng ta đã kiên trì, tuyên truyền vận động phía Trung Quốc rút ngay giàn khoan HD 981 và các lực lượng quân sự bảo vệ ra khỏi khu vực thềm lục địa Việt Nam. Trong trường hợp nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn ngoan cố, không chịu rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển nước ta thì Việt Nam cần phải hoàn tất hồ sơ để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam.
PV: Như vậy, Việt Nam cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào và cần những thủ tục gì để có thể khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, thưa ông?
LS Nguyễn Hoàng Tiến: Việc khởi kiện Chính phủ Trung Quốc thể hiện Việt Nam là nước tôn trọng và hành xử theo luật pháp quốc tế, luôn giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để chứng minh với thế giới về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các khu vực khác của Biển Đông.
Hành động này của Trung Quốc cũng vi phạm cam kết chính trị - pháp lý của chính Trung Quốc trong quan hệ với các nước ASEAN về Biển Đông được ghi nhận tại điểm 4 và điểm 5 của Tuyên bố về ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC) năm 2002; thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Về hồ sơ để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án Luật biển và tòa án Công lý quốc tế theo tôi được biết Việt Nam đã có. Chúng ta hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý chứng minh vùng biển mà Trung Quốc đặt giàn khoan là đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trước đây, tòa án Công lý quốc tế xem xét biển Bắc giữa một số nước như Na Uy, Đan Mạch, Cộng hòa liên bang Đức và đã phân xử. Gần đây, cũng đã có vụ kiện ra tòa án Công lý quốc tế giữa Thái Lan với Campuchia liên quan đến một ngôi đền, tòa cũng đã ra quán quyết về vấn đề lãnh thổ. Việt Nam có thể yêu cầu Trung Quốc ra tòa án tài phán quốc tế giải quyết vấn đề liên quan đến các đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
Tuy nhiên, cũng theo quy định của toà án Công lý quốc tế, chỉ khi nào có các bên đương sự trong cuộc tranh chấp đồng ý chấp nhận thẩm quyền giải quyết của toà án Công lý quốc tế. Trong trường hợp Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án Công lý quốc tế cần sự chấp thuận của Trung Quốc thì tòa mới xem xét.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu chấp pháp của Việt Nam.
PV: Vậy nếu như Trung Quốc không chấp nhận vụ kiện này thì Việt Nam phải làm gì, thưa ông?
LS Nguyễn Hoàng Tiến: Nếu Trung Quốc không chấp nhận vụ kiện này tức là họ bộc lộ cho cả thế giới biết rằng, những yêu sách, luận điệu, chứng cứ của họ với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là không có căn cứ pháp luật.
Tuy nhiên, với việc Trung Quốc đang dùng vũ lực đang xâm chiếm vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển nước ta hiện nay thì cần thiết phải khởi kiện nay ra tòa án Luật biển như Philippines đang làm.
Khi Philippines kiện thì Trung Quốc cũng không chấp nhận thẩm quyền của tòa án, không chấp nhận đưa ra tòa án Luật biển nhưng tòa vẫn chấp nhận đơn kiện của Philippines. Khác biệt so với tòa án Công lý quốc tế là tòa án Luật biển có được cơ chế giải quyết tranh chấp, giải quyết vấn đề ở biển. Vụ việc vừa rồi, Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng cái công ước luật biển dù Trung Quốc có chấp nhận hay không chấp nhận thẩm quyền đó thì vẫn có thể xem xét và ra phán quyết, về thủ tục chúng ta phải làm như vậy.
Trung Quốc rất lo sợ các thủ đoạn của mình bị thế giới phát giác.
PV: Theo như phân tích về tính pháp lý của ông thì Việt Nam sẽ chắc thắng bao nhiêu % trong vụ kiện này?
LS Nguyễn Hoàng Tiến: Căn cứ theo lịch sử, căn cứ pháp lý và các quy định của công ước Luật biển quốc tế về Luật biển quốc tế năm 1982 về việc cho các quốc gia liên bờ được xác định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo những tiêu chí mà công ước quy định thì việc làm của Trung Quốc đặt dàn khoan trên lãnh hải của Việt Nam là sai trái. Như vậy chúng ta sẽ chắc thắng trên 80% và chiếm đại đa số sự ủng hộ của quốc tế.
Động thái khởi kiện ra tòa án Luật biển cũng là để tránh đối đầu về quân sự, chuyển sang việc đối đầu về lý lẽ giữa các chuyên gia luật pháp với nhau. Sau khi có phán quyết của tòa án Luật biển khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên Biển Đông đồng thời thể hiện quan điểm đúng đắn của Chính phủ Việt Nam là giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng phương pháp hoà bình, chứ không phải vũ lực thì chắc chắn nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ phải bàn bạc lại và nhanh chóng rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Cách giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế là sự thể hiện tinh thần hòa bình cao nhất, đồng thời cho thấy Việt Nam tôn trọng pháp luật quốc tế. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền của mình trên Biển Đông. Việt Nam được thế giới ủng hộ, Việt Nam có chính nghĩa, Việt Nam sẽ chiến thắng.
Tôi xin nhấn mạnh, Việt Nam cần sớm hoàn tất thủ tục để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Đây là biện pháp đấu tranh đòi công lý trong hòa bình.
Theo Petrotimes
Kiện Trung Quốc, Việt Nam sẽ thắng! Việt Nam là một dân tộc trọng tình nghĩa. Ngày 2/5/2014, Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông bất chấp sự phản đối của Việt Nam. Những nỗ lực ngoại giao yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép này ra khỏi vùng chủ quyền của Việt Nam đã...