4 thách thức chính với kinh tế Việt Nam năm 2020
Thị trường tài chính Việt Nam lớn gấp ba lần quy mô nền kinh tế. Do đó, nếu có bất kỳ trục trặc nào ở thị trường tài chính thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn.
Đó là quan điểm của TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đưa ra tại Diễn đàn đầu tư do Ban Kinh tế Trung ương & Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam (VABO)… tổ chức vào sáng nay, 6-1, tại TP.HCM.
Cụ thể, TS Cấn Văn Lực cho biết trong bất kể nền kinh tế nào luôn có ba thị trường chính là thị trường lao động, thị trường hàng hóa và thị trường tài chính.
Riêng thị trường tài chính, tại Việt Nam, thị trường này đã chiếm tới 323% GDP năm 2019. Do quy mô đã gấp ba lần quy mô nền kinh tế, nên nếu có bất kỳ trục trặc nào ở thị trường tài chính thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn.
Trong năm qua, huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 250.000 tỉ, tăng 7% so với 2018. Dù vậy, doanh nghiệp cần phải được tạo điều kiện hơn nữa để tạo cân bằng cho thị trường tài chính do hiện nay nguồn vốn vẫn đang dựa quá nhiều vào ngân hàng.
Cũng theo tính toán của TS Lực, trên thị trường cổ phiếu, năm qua huy động 314.000 tỉ, tăng 13% so với năm trước. Tín dụng tăng 13,7%, đây là mức tăng trưởng tương đối tích cực và đang được điều chỉnh giảm dần. Hiện tín dụng vẫn chiếm 135% GDP, mức tương đối cao so với quy mô nền kinh tế cũng như mức độ phát triển kinh tế.
Về chất lượng tín dụng, chất lượng các khoản vay đang tốt lên. Kết thúc năm 2019, nợ xấu nội bảng giảm về 1,89%, gộp cả nợ xấu tiềm ẩn, nợ ở VAMC nữa là khoảng 4,6%. Theo đó, kế hoạch đưa nợ xấu về dưới 3% vào năm 2020 là tương đối khả thi.
Đánh giá về cơ hội và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam có thể đối mặt trong năm 2020, TS Cấn Văn Lực cho rằng năm tới sẽ có bốn thách thức chính. Thứ nhất, thể chế cho kinh tế số, ngân hàng số chậm quá, cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như của mỗi doanh nghiệp còn phân tán.
Thứ hai, rủi ro bên ngoài ngày càng phức tạp, năm tới sẽ ảnh hưởng tới giá dầu, giá vàng, tỉ giá… Thứ ba là vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng, áp lực trả nợ công. Thứ tư là vấn đề an ninh mạng.
“Năm 2019, số vụ tấn công mạng đã tăng 104%, trong khi đó chỉ có 25% doanh nghiệp nói có khả năng nhận biết rủi ro an ninh mạng. Rủi ro tài chính đang đan xen nhưng chưa có đầu mối chung để phòng ngừa cũng như quản lý, đây là rủi ro hệ thống” – TS Lực nhấn mạnh
Trong khi đó, đứng về góc độ của cơ quan quản lý, bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước, cho biết khi xây dựng chỉ tiêu định hướng năm 2020, Ngân hàng Nhà nước dựa trên đánh giá tổng thể nhiều yếu tố.
Video đang HOT
Theo đó, dự kiến tổng phương tiện thanh toán tăng 13%, tăng trưởng tín dụng đạt 14%, các chỉ tiêu này cũng linh hoạt điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Còn từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc khối khách hàng Doanh nghiệp HSBC, cho biết: “Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng lên. Theo Forbes Asia, trong số hơn 200 doanh nghiệp từ châu Á, cũng có rất nhiều đại diện doanh nghiệp của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam đã bước ra khỏi biên giới của mình và chứng minh được với thế giới về khả năng cạnh tranh”.
T.Linh
Theo Plo.vn
Loạt khó khăn chực chờ Vietinbank trong năm 2020
Các quy định mới của NHNN sẽ hạn chế khả năng mở rộng biên lãi ròng của các ngân hàng quốc doanh trong khi tác động tới các ngân hàng tư nhân sẽ là đa chiều.
Kết phiên giao dịch cuối năm 2019, cổ phiếu CTG của Vietinbank đóng cửa tại mức 20.900 đồng/cp, ghi nhận mức tăng 11% trong vòng 1 năm qua.
Đây không phải là cổ phiếu có mức giá quá cao nhưng lại không được Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá cao để đầu tư trong năm 2020.
CTG bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các quy định mới của NHNN?
VDSC tin rằng ACB, BID, MBB, VCB, VPB, HDB, TPB, TCB và VIB sẽ có thể duy trì tăng trưởng cho vay năm 2020 tương đương với năm 2019, thậm chí cao hơn với trường hợp của BID.
Trong khi đó, CTG nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc tăng vốn vào năm tới, do đó tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ còn thấp hơn so với năm 2019.
Từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020, nhiều quy định mới về lãi suất, an toàn vốn, huy động, tài chính tiêu dùng đi vào hiệu lực. Do đó, theo phân tích của VDSC, các quy định này sẽ có tác động nhiều chiều đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Thứ nhất, quy định về việc giảm lãi suất tiền gửi đối với một số kỳ hạn ngắn và lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (từ tháng 11/2019) có thể có tác động trước mắt rất khác nhau phụ thuộc vào chính sách cụ thể của từng ngân hàng. Dù vậy về lâu dài, do mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất của Chính phủ, VDSC cho rằng khả năng mở rộng lợi tức tài sản của các ngân hàng sẽ trở nên hạn chế hơn.
Thứ hai, các yêu cầu về an toàn vốn mới (theo Thông tư 41/2016-TT-NHNN) và việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (Thông tư 22/2019) đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn về vốn và huy động. Do đó dự kiến sẽ hạn chế khả năng mở rộng NIM của các ngân hàng.
Tác động của các quy định này sẽ mạnh hơn đối với các ngân hàng có bộ đệm vốn mỏng (như CTG) hay tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao (như VIB và TCB).
Thứ ba, việc áp dụng tỷ lệ LDR tối đa mới đồng bộ ở mức 85% cho tất cả các ngân hàng (Thông tư 22) sẽ cho phép các ngân hàng tư nhân có thêm cơ hội đẩy mạnh tỷ lệ này (so với mức ngưỡng tối đa 80% trước đây) để cải thiện NIM.
Trái lại, việc giảm tỷ lệ LDR tối đa đối với các ngân hàng quốc doanh từ 90% xuống 85% dự kiến sẽ khiến các ngân hàng này phải kiềm chế tín dụng hoặc đẩy mạnh huy động, theo đó làm ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và biên lãi ròng.
Thứ tư, quy định về việc chuyển số dư tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại về NHNN vào cuối mỗi ngày (Thông tư 58/2019) nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến chi phí huy động của các ngân hàng quốc doanh, nơi có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước cao.
Thứ năm, quy định quản lý chặt chẽ hơn hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng (Thông tư 18/2019). Theo đó giảm dần tỷ lệ giải ngân trực tiếp cho khách hàng (có số dư nợ giải ngân trực tiếp tại công ty tài chính tiêu dùng đó trên 20 triệu đồng) về 30% kể từ năm 2024.
VDSC cho rằng tác động của Thông tư 18 sẽ chưa đáng kể trong ngắn hạn, dù trong dài hạn nhiều khả năng sẽ có ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và biên lãi ròng của các công ty tập trung cho vay tiền mặt như FE Credit và MCredit.
Tựu chung lại, VDSC cho rằng các quy định mới của NHNN sẽ hạn chế khả năng mở rộng biên lãi ròng của các ngân hàng quốc doanh (CTG nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất) trong khi tác động tới các ngân hàng tư nhân sẽ là đa chiều do đó sẽ có mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn (ACB và HDB nhiều khả năng là những ngân hàng ít bị ảnh hưởng nhất).
Năm 2020, dự kiến CTG tiếp tục phải chịu gánh nặng dự phòng
Tính đến tháng 8/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành ở mức 1,98% (cao hơn một chút so với mức 1,90% vào cuối năm 2018 và quý 2/2019). Tuy nhiên, tổng tỷ lệ nợ xấu, VAMC và nợ tiềm ẩn so với tổng tín dụng đã giảm dần xuống còn 4,84% từ 5,85% trong năm 2018. Đây là tín hiệu tích cực về nỗ lực xử lý nợ xấu trong hệ thống.
Đặc biệt, VPB và TPB đã có thể tất toán hết nợ VAMC còn lại trong năm 2019, do đó, tỷ lệ chi phí dự phòng so với thu nhập hoạt động dự kiến sẽ giảm vào năm 2020.
Trong khi đó, với một phần nhỏ nợ VAMC còn lại, BID và HDB sẽ vẫn phải trích lập một khoản dự phòng cho VAMC trong năm 2020, dù có thể thấp hơn nhiều so với năm 2019. Ngoài ra, nếu việc sáp nhập giữa HDB và PGBank diễn ra, HDB sẽ gánh các khoản nợ VAMC của PGBank (tại tháng 9/2019 đang có số dư 908 tỷ đồng).
Về phía CTG, với số dư VAMC ròng lớn ở mức trên 8 nghìn tỷ vào quý 3/2019 (0,9% dư nợ), gánh nặng dự phòng dự kiến sẽ tiếp tục đáng kể vào năm 2020 dù ngân hàng đã nỗ lực xử lý được 25% dư nợ VAMC trong 9 tháng qua.
Cổ phiếu CTG "ngoài vùng định giá"
Nhìn chung, đối với 8 ngân hàng ACB, BID, MBB, VCB, VPB, HDB, TPB và TCB, VDSC kỳ vọng thu nhập sẽ tăng 16% và lợi nhuận sẽ tăng 23,7% trong năm 2020, với chi phí dự phòng gần như không đổi và chi phí hoạt động tăng 20%.
VDSC ước tính rằng tất cả các ngân hàng này, không tính CTG, sẽ có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận ít nhất 15%. Hiện tại mức định giá thấp (PB dự phóng 2020 ở mức 0.9-1.2 lần) và khả năng sinh lời cao (ROE dự phóng 2020 từ 20-24%) sẽ là lợi thế của các cổ phiếu ngân hàng. Lưu ý rằng hầu hết các ngân hàng tư nhân đều đã không còn room sở hữu nước ngoài.
VPB và BID là các cổ phiếu VDSC ưa thích nhất. Bởi theo VDSC, tỷ lệ PB hiện tại của VPB là rất hấp dẫn (dự phóng 2020 ở mức 0,9 lần dự phóng 2021 ở mức 0,7 lần), mặc dù cổ phiếu không còn room sở hữu nước ngoài.
Còn với BID, một ngân hàng quốc doanh đã có nhiều tiến triển tích cực trong quá trình tái cơ cấu dù mức tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn trong 9T 2019. BID đang được giao dịch ở mức PB dự phóng 2020 2,0 lần, cao hơn so với các ngân hàng khác (ngoại trừ VCB).
Tuy nhiên, VDSC cho rằng BID xứng đáng với mức PB này do tiềm năng tăng trưởng được dự báo sẽ tốt hơn đáng kể sau thành công của thương vụ phát hành cho đối tác chiến lược Keb Hana Bank và sau khi xử lý hết nợ VAMC. VDSC ước tính rằng lợi nhuận sau thuế sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm ở mức 30% trong giai đoạn 2019-2022 và ROE sẽ tiệm cận mức 18% trong ba năm tới.
Minh An
Theo vietnamdaily.net.vn
Triển vọng kinh tế toàn cầu 2020 Bù lại cho sự sụt giảm kinh tế được dự báo diễn ra ở các nước có nền kinh tế mạnh thì các nền kinh tế thị trường mới nổi sẽ đóng góp không ít cho sự tăng trưởng của năm 2020. Trong bối cảnh vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa được giải quyết, kinh tế được dự báo...