4 sáng kiến giúp Việt Nam dẫn dắt ASEAN phát triển bền vững
Tại Hội nghị ASEAN lần thứ 2 về phát triển mô hình doanh nghiệp hướng tới người thu nhập thấp (IB) diễn ra mới đây, các nước đã đưa ra 4 sáng kiến lớn giúp Việt Nam dẫn dắt thành công ASEAN phát triển bền vững trên cương vị Chủ tịch luân phiên năm 2020.
Hội nghị ASEAN lần thứ 2 về phát triển mô hình doanh nghiệp (DN) hướng tới người thu nhập thấp diễn ra trong khuôn khổ hội nghị ASEAN 35 tại Thái Lan do Ủy ban Kinh tế – Xã hội châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) thuộc Liên hợp quốc tổ chức.
Dự Hội nghị có đại diện 10 nước Đông Nam Á, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Mạng lưới iBan và các tổ chức quốc tế khác.
Khai mạc hội nghị, đại diện ESCAP nhấn mạnh mô hình IB là một trọng tâm chính giúp cộng đồng ASEAN phát triển bền vững hướng tới người thu nhập thấp, phụ nữ và thanh niên đến tuổi lao động.
Khung cảnh khai mạc Hội nghị ASEAN lần 2 về phát triển mô hình IB. (Ảnh: Hoàng Lân)
DN sở hữu mô hình IB là DN tạo lợi ích thiết thực cho người thu nhập thấp kể cả khi họ là cổ đông, lao động hay người tiêu dùng. DN đạt được các tiêu chí về Đổi mới sáng tạo, xu hướng tăng trưởng và trách nhiệm xã hội sẽ được hỗ trợ về chuyên gia, tài chính và đối tác kinh doanh.
Theo ESCAP, hiện đã có 6 nước thành viên triển khai nghiên cứu mô hình IB gồm Philippines, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Campuchia và Việt Nam. Trong đó, Philippines đã triển khai hệ thống đánh giá DN và có chính sách thuế để khuyến khích DN chuyển đổi.
Myanmar đã có chiến lược phát triển IB, trong khi Campuchia dự tính sẽ đưa ra định hướng riêng vào năm 2020. Indonesia đã hoàn thành nghiên cứu thị trường và đang lên kế hoạch cho ngành du lịch sức khỏe. Malaysia và Việt Nam mới gia nhập và đang tìm hiểu những khía cảnh căn bản của IB.
Video đang HOT
Tại Hội nghị, các nước cũng chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình IB ở quốc gia mình. Chẳng hạn như tại Philippines chính phủ thành lập một hội đồng quốc gia về IB bao gồm các Bộ ngành và Hiệp hội DN. Trong đó, các Hiệp hội DN đóng vai trò quyết định vì là bên trực tiếp đánh giá; gửi báo cáo lên hội đồng xét duyệt; và trực tiếp tư vấn, hỗ trợ giải pháp cho DN.
Đại diện các nước chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị. (Ảnh: Hoàng Lân).
Về phía Việt Nam, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang phối hợp cùng Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đánh giá thị trường và tìm kiếm DN khả thi cho dự án. Đến nay, đã có 19 DN tiềm năng và sẵn sàng tham gia chương trình hỗ trợ. Tuy nhiên, nước ta chưa có khung pháp lý cho IB nên giải pháp hợp lý nhất hiện nay là triển khai thí điểm và tiến tới bổ sung vào luật.
Đại diện Việt Nam cho biết sẽ đề xuất chính phủ bổ sung mô hình IB vào chương trình phát triển bền vững Quốc gia và kêu gọi các Hiệp hội DN cùng tham gia xây dựng đề án cụ thể với 2 mục tiêu trước mắt gồm: hoàn thiện nghiên cứu thị trường và xây dựng hệ thống đánh giá DN.
Tại phiên thảo luận tổ, các nước đã đưa ra 4 sáng kiến lớn giúp Việt Nam dẫn dắt thành công ASEAN phát triển bền vững trên cương vị Chủ tịch luân phiên năm 2020, bao gồm: Đưa mô hình IB và đổi mới sáng tạo trong thời đại CMCN 4.0 vào chương trình nghị sự; thành lập hệ thống đánh giá doanh nghiệp IB cấp khu vực; Hợp tác sâu rộng với các đối tác chiến lược; và hỗ trợ châu Phi đạt mục tiêu Thiên niên kỷ.
Các nước bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ đảm nhiệm xuất sắc vai trò đầu tàu và cam kết sẽ đồng hành hỗ trợ vì một mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, phát triển và chủ động thích ứng.
Các nước thảo luận ý tưởng giúp Việt Nam đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. (Ảnh: Hoàng Lân)
Kết luận Hội nghị, Trưởng đoàn Liên minh châu Âu khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ chương trình phát triển bền vững tại Đông Nam Á bằng chuyên gia, tài chính và đối tác thương mại. Trong năm 2021, châu Âu mới triển khai hỗ trợ ngân sách do đó Việt Nam phải chủ động nguồn lực trong giai đoạn khởi điểm để thực hiện 2 mục tiêu đã đề ra.
ESCAP đánh giá Việt Nam rất cởi mở tiếp nhận những ý tưởng của bạn bè quốc tế, vì vậy Liên hợp quốc sẽ cử chuyên gia dày dặn kinh nghiệm đến hỗ trợ nước ta giải quyết các bỡ ngỡ ban đầu.
Hoàng Lân
Theo DNVN
Thủ tướng nhận búa Chủ tịch ASEAN từ lãnh đạo Thái Lan
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha, chuẩn bị cho năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Tối 4/11, tại Bangkok, trong lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan sang Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan và công bố chủ đề, một số định hướng lớn của Việt Nam trong năm ASEAN 2020.
Thủ tướng cho biết, năm 2020 đánh dấu 5 năm hình thành Cộng đồng ASEAN. Trên nền móng vững chắc của hơn 5 thập kỷ phát triển của ASEAN, các quốc gia thành viên, tuy đa dạng về kinh tế, lịch sử, văn hóa, tiếp tục gắn kết chặt chẽ với nhau bởi những giá trị, tình cảm cộng đồng và trách nhiệm, lợi ích dưới một mái nhà chung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha.
Trong bối cảnh các nỗ lực liên kết khu vực, xây dựng Cộng đồng đang được đẩy mạnh, trước những biến động mau lẹ, phức tạp của môi trường khu vực và quốc tế, khả năng gắn kết vững bền, hơn lúc nào hết, càng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN.
Chất keo tạo nên sự gắn kết đó chính là khả năng duy trì mẫu số lợi ích chung cả về chiến lược và kinh tế giữa các nước thành viên cũng như việc gìn giữ và lan tỏa ý thức và bản sắc Cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân, Thủ tướng nói.
"Trong năm 2020, chúng tôi mong muốn sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Cộng đồng ASEAN, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu", Thủ tướng khẳng định.
Cũng chính thông qua sự gắn kết bền vững đó mà Cộng đồng ASEAN có thể nâng cao năng lực thích ứng chủ động và hiệu quả với các cơ hội và thách thức đặt ra.
Đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, biến động của môi trường chiến lược, kinh tế toàn cầu và khu vực cùng với những thách thức xuyên quốc gia... đang hàng ngày tác động đến sự phát triển ổn định và bền vững của các quốc gia và cuộc sống của người dân.
"Với ý nghĩa ấy, chúng tôi lựa chọn 'Gắn kết và Chủ động thích ứng' là Chủ đề của năm ASEAN 2020", Thủ tướng nêu rõ. Hai thành tố này có sự giao thoa, bổ trợ chặt chẽ cho nhau.
Một Cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ.
Việt Nam trông đợi sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực từ các nước thành viên ASEAN và các Đối tác để hiện thực hóa tinh thần Chủ đề của Năm ASEAN 2020, Thủ tướng bày tỏ.
"Đã đến lúc chúng ta cùng đẩy mạnh tư duy, cùng hành động như một thực thể thống nhất và gắn kết chặt chẽ để chủ động thích ứng hiệu quả và phát triển bền vững trong một thế giới biến chuyển không ngừng. Hãy tư duy Cộng đồng, hành động vì Cộng đồng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Zing.vn
Mỹ đánh giá cao lập trường nhất quán của Việt Nam về Biển Đông Chính quyền Mỹ khẳng định ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và tôn trọng luật pháp quốc tế, đánh giá cao lập trường nhất quán của Việt Nam về Biển Đông. Sáng ngày 4/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có buổi tiếp Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien, Đặc phái viên Tổng thống, Trưởng...