4 phương pháp bảo vệ gia đình trước bệnh truyền nhiễm cận Tết
Các căn bệnh do nhiễm vi rút trong thời điểm cận Tết có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tử vong. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa có thể giúp gia đình và người thân giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Chích vắc xin là một trong những cách tốt nhất giúp phòng tránh các bệnh truyền nhiễm do vi rút – SHUTTERSTOCK
Vệ sinh cơ bản
Giải pháp đơn giản nhất, dễ thực hiện và hiệu quả nhất đó chính là rửa tay. Rửa tay kỹ và thường xuyên là nguyên tắc quan trọng giúp ngăn lây nhiễm virus, Reader’s Digest dẫn lời phó giáo sư y khoa trẻ em tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Hãy tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng vì hành động này có thể khiến vi rút, vi khuẩn gây bệnh từ tay lây nhiễm vào cơ thể.
Vệ sinh tay là giải pháp phòng bệnh tốt với người lớn nhưng lại khó thực hiện với trẻ em. Một trong những nguyên nhân gây nhiễm vi rút phổ biến nhất là lây truyền chéo. Trường hợp thường thấy là trẻ chơi chung đồ chơi với nhau, sau đó bị lây nhiễm khi cầm hoặc ngậm đồ chơi.
Bố mẹ hay người chăm sóc nên thường xuyên rửa tay cho trẻ, nhất là lúc trước khi ăn. Một vấn đề nữa là nên hạn chế cho các bé đến những nơi có nguy cơ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với những bé khác, theo Reader’s Digest.
Dù hiện vẫn chưa có loại vắc xin nào có thể phòng hết các loại vi rút gây bệnh thường gặp nhưng chích ngừa có thể bảo vệ trước phần lớn vi rút. Một trong những căn bệnh nghiêm trọng có thể được phòng tránh bằng vắc xin là bệnh sởi.
Một căn bệnh dễ mắc khác vào mùa gần Tết là cúm. Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo những người từ 6 tháng tuổi trở lên nên đi tiêm phòng cúm.
Tuy nhiên, dù có tiêm phòng thì nguy cơ mắc bệnh là vẫn có. Thông thường, sau vài tuần tiêm thì vắc xin mới phát huy hết tác dụng và vi rút cúm có thể tấn công vào trước thời điểm đó.
Ngoài ra, vắc xin không phải lúc nào cũng hiệu quả và đủ sức chống lại tất cả chủng cúm trong một mùa.
Vì vậy, dù có chích ngừa nhưng mọi người cũng không được chủ quan. Khi cơ thể có dấu hiệu của cúm như sốt cao, nhức mỏi, ho, đau họng, nghẹt mũi thì hãy đi khám bác sĩ để được điều trị đúng cách, theo Reader’s Digest.
Cẩn thận khi đi du lịch
Nếu bạn chuẩn bị đi du lịch trong nước hoặc ra nước ngoài thì nên tìm hiểu xem liệu có loại bệnh dịch nào đang tấn công khu vực đó không. Nếu có, đừng ngần ngại tiêm vắc xin phòng bệnh cho bản thân và gia đình, các chuyên gia khuyến cáo.
Theo thanhnien
Cấm trẻ không được chích ngừa đầy đủ đến trường?
Theo đánh giá của người đứng đầu Cục Y tế dự phòng, trong khi ngành y tế quyết liệt chống dịch thì cộng đồng lại tỏ ra vô cùng thờ ơ. Người trong ngành đã đề cập đến việc cấm trẻ không chích ngừa đầy đủ đến trường ở các nước phát triển như một cách bảo vệ trẻ em cũng như cộng đồng.
Trăm dâu đổ lên đầu... ngành Y tế?
Dịch sởi đang quay lại và gia tăng nhanh ở giai đoạn sớm hơn so với đợt cao điểm dịch cách đây 5 năm. Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, dịch sởi đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam có sự lưu hành rất rộng của chủng vi rút gây bệnh nên nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới ở mức báo động.
Dịch sởi bùng phát khiến nhiều trẻ chưa chích ngừa nhiễm bệnh
Tại buổi làm việc với Sở Y tế TPHCM cùng đại diện UBND thành phố và các ban ngành liên quan, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh: "Chúng ta đang đối mặt với hiểm họa của dịch sởi ở mức nguy hiểm hơn cả mùa dịch 2014. Khu vực Đông Nam Bộ và TPHCM hiện là tâm điểm của dịch sởi với sự gia tăng nhanh của số ca mắc bệnh".
"Nguy hiểm hơn, sởi đang tấn công nhóm đối tượng là người lớn chưa được miễn dịch. Ở nhóm bệnh này, biểu hiện của sởi thường không rõ ràng, dễ nhầm với sốt phát ban khác nên khi phát hiện bệnh thì bệnh nhân đã di chuyển khắp nơi, lây bệnh cho rất nhiều người.
Nếu bệnh nhân lên máy bay di chuyển từ Nam ra Bắc thì tốc độ phát tán của sởi tương đương với vận tốc của máy bay nên việc kiểm soát, khống chế bệnh sởi trở nên vô cùng khó khăn", PGS Đắc Phu cho hay.
Những khẩu hiệu kêu gọi cộng đồng chích ngừa của ngành y tế bị "bỏ ngoài tai"
Người đứng đầu Cục Y tế Dự phòng cũng cho biết, ngay từ khi xuất hiện những ca bệnh đầu tiên, ngành Y tế đã rốt ráo thực hiện các biện pháp tuyên truyền, tổ chức chích ngừa, chích bổ sung, chích vét cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi chưa được chích ngừa sởi hoặc chích chưa đủ 2 mũi.
Cấm trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ đến trường?
Tuy nhiên, đổi lại sự quyết liệt của ngành y tế là sự thờ ơ trong cộng đồng. Dù nhân viên y tế thường xuyên tuyên truyền vận động, thậm chí đến tận nhà năn nỉ phụ huynh đưa con đi chích ngừa nhưng tỷ lệ chích ngừa cho trẻ vẫn ở mức rất thấp.
"Đến khi dịch bệnh bùng phát thì chẳng ai biết chúng tôi đã cố gắng để làm tất cả những gì có thể mà mọi người đều dồn mọi tội lỗi cho rằng dịch bệnh bùng phát là do ngành y tế yếu kém, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh", ông Phu nói.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho hay: "Sởi lây truyền nhanh và rất nguy hiểm với nhóm trẻ nhỏ nếu xảy ra biến chứng, chúng ta đã phải trả giá bằng cả trăm sinh mạng của bệnh nhi trong mùa dịch 2014. Tuy nhiên, sự thờ ơ của cộng đồng và trào lưu anti vắc xin đang tác động tiêu cực đến độ bao phủ miễn dịch (95% trẻ đến độ tuổi được chích ngừa đầy đủ).
Những bệnh nhi không may mắc sởi, kiệt sức trên giường bệnh
Cũng theo BS Hữu Khanh: "Hiện nay, nhiều nước phát triển đã có quy định nếu trẻ chưa được chích ngừa đầy đủ sẽ bị cấm đến trường. Chích ngừa được xem là điều kiện để trẻ em được đi học, quy định này giúp bảo vệ trẻ em cũng như cộng đồng nói chung tránh được các loại bệnh nguy hiểm đã có vắc xin chủng ngừa.
Đề cập đến "tự do trong chích ngừa", đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, cho biết, với điều kiện dịch tễ tại Việt Nam, trẻ cần được chích ngừa sởi từ lúc 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 chích lúc 18 tháng tuổi.
Tuy nhiên, nhiều trường mầm non quốc tế trên địa bàn thành phố khi được vận động chích ngừa bổ sung vắc xin sởi cho trẻ đã từ chối vì cho rằng học sinh của họ toàn là con nhà có điều kiện nên sẽ chích vắc xin sởi theo khuyến cáo của vắc xin dịch vụ (chích mũi 1 lúc 12 tháng tuổi, mũi 2 lúc 4 tuổi).
Tuy nhiên, tại Việt Nam, trẻ dù chích ngừa hay không chích ngừa cũng vẫn đến lớp bình thường, lỗ hổng miễn dịch từ nhóm trẻ chưa được tiêm chủng là yếu tố nguy cơ rất lớn tạo điều kiện cho dịch bệnh tồn tại và bùng phát".
Làm việc với UBND quận huyện trong triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố, đã đặt vấn đề "có thể cấm những trẻ chưa chích ngừa đến trường được hay không?" Tuy nhiên, giải pháp cấm đến trường để phụ huynh phải thực hiện chích ngừa cho trẻ chưa được pháp luật quy định nên không có cơ sở thực hiện.
BS Trương Hữu Khanh cho rằng, trong bối cảnh dịch sởi và các loại bệnh nguy hiểm đã có vắc xin chủng ngừa thường xuyên đe dọa sức khỏe cộng đồng đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ thì việc cấm đến trường đối với những trẻ chưa chích ngừa hoặc chích chưa đầy đủ số mũi theo quy định là giải pháp cần thiết để nâng cao số trẻ được vắc xin, bảo đảm độ bao phủ miễn dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ông Trần Đắc Phu (bên phải) thăm các bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới
Để chấn chỉnh tình trạng quay lưng, thờ ơ với vắc xin phòng bệnh, PGS Trần Đắc Phu cho rằng thời gian tới phải xem xét trách nhiệm của những bên liên quan từ lĩnh vực y tế đến các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của các bậc cha mẹ.
Chích ngừa để bảo vệ sức khỏe cho trẻ đã được pháp luật quy định, tuy nhiên để quy định mang tính pháp lý được thực thi cần phải nghiên cứu, bổ sung các chế tài để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Bộ trưởng Bộ Y tế kể chuyện chính tay mình tiêm cho trẻ, sau 30 phút bị ngừng thở Bộ trưởng Bộ Y tế kể: "Từng chứng kiến trường hợp bệnh nhân do chính tay tôi tiêm, người lớn đưa về, 30 phút sau quay trở lại người đã tím tái, ngừng thở, mạch huyết áp còn 0". Bộ trưởng đi khảo sát thực tế tình hình tiêm vắc xin ComBE Five trên địa bàn Hà Nội Bộ trưởng chia sẻ trong...