4 Món Ngon Không Thể Bỏ Qua Ở Tây Ninh
Những món ăn không quá công phu, nhưng lại mang một hương vị riêng, gắn bó hàng ngày với cuộc sống của người Việt Nam.
Đầu tiên, phải nói đến món ” Muối Tôm” nổi tiếng
Nhắc đến ẩm thực Tây ninh thì không thể bỏ qua muối tôm Tây ninh – một đặc sản được đông đảo bạn bè thế giới biết đến. Muối tôm Tây Ninh nổi tiếng là thế nhưng điều đặc biệt là Tây Ninh không hề có biển để làm ra muối, cũng không có nguồn hải sản là tôm một thành phần quan trọng nhưng muối tôm ở đây vẫn nổi tiếng là ngon.
Để làm ra muối tôm cần trải qua biết bao nhiêu khâu chế biến công phu, phức tạp. Đầu tiên phải chọn ra những quả ớt tươi ngon nhất, ớt được xay nhuyễn cùng ớt, tôm. Sau đó, đem trộn với muối. Tỉ lệ muối, tôm, và ớt phải tuân theo một tỉ lệ thích hợp, điều này phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người chế biến.
Thưởng thức muối tôm cũng vô cùng phong phú và đa dạng. Đơn giản nhất là chấm xoài, ổi, me… những loại trái cây chua với muối tôm. Cũng có thể lấy bánh tráng phơi sương chấm hoặc cho muối vào cuốn lại. Hoặc cho vào món bánh tráng trộn tạo nên một hương vị khó có thể cưỡng lại được.
Với món muối tôm này, các bạn có thể tìm mua ở bất cứ chợ nào ở Tây Ninh.
Bánh tráng phơi sương
Video đang HOT
Bánh tráng là món ăn quen thuộc không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt Nam. Chúng ta đã quá quen thuộc với những chiếc bánh tráng nướng, những chiếc chả giò (nem rán) được cuốn bởi bánh tráng. Vậy thì bánh tráng phơi sương Tây Ninh có gì đặc biệt? Để làm ra món bánh tráng phơi sương nổi tiếng phải trải qua quá trì chế biến công phu của người làm.
Đầu tiên, muốn bánh tráng ngon phải dùng gạo mùa, vo sạch ngâm kỹ và thay nước liên tục trong 2 ngày, xong đem xay nhuyễn. Bột nước sệt đem tráng lên tấm vải căng kín miệng nồi hấp, đậy kín một phút, bánh chín trải ra phên đem phơi nắng. Bánh tráng khô sẽ được nướng qua lửa cho phồng rộp không có vết cháy, đợi tới 3 giờ sáng đem hứng sương dưới trời đêm, thơm mùi gạo mới, dày dặn, dai dẻo và có vị đặc biệt khác với bánh cuốn ướt hoặc khô thông thường.
Món bánh tráng phơi sương thường được ăn kèm với thịt heo, rau sống, cuốn lại chấm với nước mắm chua ngọt. Tuỳ theo sở thích bạn cũng có thể thay thế thịt lợn với các loại cá hấp, cá chiên, tôm, hải sản khác đều rất tuyệt.
Bánh canh Trảng Bàng
Bánh canh Trảng Bàng đã trở nên nổi tiếng và dễ nhớ bởi nó gắn liền với tên của địa phương Trảng Bàng (thuộc tỉnh Tây Ninh).
Để có bánh canh Trảng Bàng phải qua công đoạn làm bánh canh rất công phu. Đầu tiên bánh canh phải được làm bằng một loại gạo quý, đắt tiền như Nàng Thơm (Chợ Đào). Gạo phải được ngâm thật kỹ qua một đêm để hạt gạo đạt đủ độ mềm cần thiết. Sau khi ngâm, gạo được đem xay nhuyễn để lấy tinh bột. Công đoạn cuối cùng là tinh bột được đem hấp chín trước khi ép thành những con bánh canh trắng muốt. Điều đặc biệt dễ nhận thấy ở làng nghề Trảng Bàng này là các lò làm bánh hoạt động rất nhịp nhàng, ăn khớp với các tiệm ăn. Bột bánh canh được giao tới tiệm ăn rất đúng giờ, đúng buổi không quá sớm và cũng không quá trễ, tránh trường hợp con bánh bị chua, mất đi hương vị độc đáo.
Mỗi tô bánh canh khi được bày lên bàn cho thực khách phải đảm bảo cả về chất lượng lẫn mỹ thuật. Tô bánh canh bốc khói với vị cay của ớt, tiêu, sau khi đã dùng qua, ắt hẳn khó ai có thể quên được vị béo ngọt của thịt, vị thơm, dai nhưng mềm của bánh cộng với vị chua của nước mắm.
Ốc núi Tây Ninh
Tây Ninh có các món ăn đặc sản bánh canh, bánh tráng phơi sương, muối ớt… rất nổi tiếng. Nơi đây còn một món ăn cũng khá ngon nhưng ít người biết, đó là món ốc núi Tây Ninh. Loại ốc này thường sống trong hang, có nhiều ở chân núi Bà Đen, huyện Dương Minh Châu, mùa mưa bò ra sinh sản và chỉ ăn một thứ lá cây rụng là lá cây Nàng Hai nên còn gọi là ốc Nàng Hai.
Ốc núi Tây Ninh có hình dáng giống như loài ốc bươu nhưng mình dẹt và nhỏ hơn. Theo người dân Tây Ninh, do ăn lá cây Nàng Hai (loại cây có nhiều giai thoại ở Tây Ninh, vỏ cây như có điện, đụng vô tê tê) nên thịt của ốc rất ngon và có vị thuốc trị được bệnh nhức mỏi.
Ốc núi Tây Ninh có thể làm đủ món như nướng, xào me, xào tỏi, xào sa tế… nhưng ngon nhất là luộc trộn gỏi với củ hành tây. Theo kinh nghiệm của người dân, ốc mua về rọng lại cho ăn bột mì khoảng một ngày sau đem ra luộc, thịt ốc sẽ trắng tinh, nhưng lại mất vị thuốc, nên nhiều người thích ăn ốc tự nhiên hơn. Vì là đặc sản nên giá khá đắt, trung bình 80.000 đồng – 100.000 đồng/kg (khoảng 100 con), chỉ có những nhà hàng lớn ở Tây Ninh mới có.
Theo Amthuc.com.vn
Bánh canh cá lóc Huế
Ở Huế có nhiều làng nấu bánh canh nổi tiếng như Nam Phổ (xã Phú Thượng, Huế), Thuỷ Dương, An Cựu... Bánh canh Nam Phổ nấu với chả tôm. Bánh canh An Cựu lại nấu tổng hợp bánh canh với da lợn, chả lợn viên nhỏ, huyết vịt, chả cua. Còn bánh canh Thuỷ Dương là bánh canh cá lóc nổi tiếng, thường bán ở các tiệm hẳn hoi. Ở Huế cứ sáng tinh mơ từng tốp năm ba thanh nữ, nón móc đầu gánh, gánh bánh canh thoăn thoắt từ phía Chợ Mai qua Đập Đá lên phố, phía cầu An Cựu cũng từng tốp gánh bánh canh toả ra khắp các phố, đến từng địa bàn quen thuộc của mình. Ưng Bình Thúc Dạ Thi, nhà thơ người Hoàng Tộc nổi tiếng của Huế đã ca ngợi hết lời món bánh canh Nam Phổ mà ông rất ưa thích trong một lời ca Huế:
Mời anh chị chén bánh canh Nam Phổ
Xơi vô bổ khoẻ, có chất bổ có mùi hương
Lại thêm bát mẻ can trường
Sâm Cao Ly cũng sút, rượu Quỳnh Tương cũng không bì!
Nay ở Huế đã có nhiều "phố bánh canh". Phố Mai Thúc Loan, có gần chục quán bánh canh cá lóc; "phố bánh canh" dọc đoạn quốc lộ 1A trước cổng Nhà máy dệt Thuỷ Dương. Ở đường Đống Đa đối diện với khách sạn Đống Đa cũng có quán bánh canh cá lóc buổi sáng, buổi chiều đều đông nghẹt. Bánh canh Nam Phổ, An Cựu chỉ phục vụ bà con dân phố ăn điểm tâm sáng. Còn khánh ăn bánh canh cá lóc không chỉ là bình dân, mà đa phần là dân đi xe con, khách du lịch... có người "nghiện" đến mức, cứ đúng giờ quán mở buổi sáng hoặc buổi chiều là có mặt để làm vài tô, dù phải đi ăn xa tới bảy tám cây số. Ăn xong đứng dậy ai cũng lau mồ hôi, hít hà sảng khoái lắm!
Bánh canh Nam Phổ hay Thuỷ Dương hấp dẫn người ăn vì cách chế biến công phu và hương vị đặc biệt của nó. Các "mê Huế" bảo rằng nguyên liệu chính để làm bánh canh là bột gạo. Gạo ngâm đủ độ mới xay, sau đó sú bột và đưa vào cối giã như giã giò. Người ta giã bột tới hai ba giờ sáng, giã cho tới lúc "bột chín". Tức là bột chặt, dai mà không dính tay. Khi nấu nước vẫn trong, bột không nhão. Sau này người ta xay bột và nhào bột bằng máy thay cho "quết" (giã). Bột gạo quết chín, lăn mỏng cắt rời từng con. Một số quán nấu bánh canh bằng bột mì, hoặc bột gạo giã "không" chín nên thường tan vào nước quánh đặc, không ngon. Người bán bánh canh Nam Phổ, An Cựu nấu nồi nước sôi, bỏ vào các thứ chả tôm cắt thành miếng, chả cua, da lợn, chả lợn... Nêm các thứ gia vị xong phủ một lớp nước màu (gồm ớt hột, dầu, màu thực phẩm), khi nồi nước sôi kỹ thì cắt bột đã nhồi thành từng con bỏ vào. Phải giữ lửa sao cho nồi bánh lúc nào cũng nóng, nhưng không sôi để khỏi nhão con bột. Trên gánh bánh canh có một mẹt gia vị gần chục loại như mì chính, muối, nắm ớt, ớt tương, hạt tiêu, ớt thái lát, hành lá thái nhỏ... đựng trong các bát nhỏ. Khi người bán mở vung nồi bánh canh, dùng môi múc bánh canh cho khách ăn, một mùi thơm thanh nhẹ quyện lên theo gió. Đó là sự hoà quyện của mùi bột, mùi chả tôm, cua, mùi hành rất đặc trưng, quyến rũ và các màu sắc hồng, xanh, trắng, vàng lấp lánh.
Còn bánh canh cá lóc thì chế biến cầu kỳ hơn. Sau khi nhào bột "chín", phải xử lý cá lóc. Cá lóc (cá đô, cá tràu theo cách gọi của miền Trung) được hấp vừa chín tới, săn từng thớ thịt. Tách riêng thịt cá, lòng cá và xương, đầu. Xương, đầu cá giã nhỏ gói vào vải màn cho lên nồi nấu để lấy "nước ngọt". Lòng cá lóc là loại mồi nhậu quý, bỏ riêng bán cho những người đặt hàng trước, hoặc để riêng phục vụ những người sành điệu gọi bánh canh lòng cá lóc. Còn thịt cá ướp tiêu, mắm, ớt, hành cho thơm. Khi khách gọi mới cán bột và cắt bánh thành từng con bột vừa đủ số bát mà khách gọi. Xong dùng môi chao cho con bánh chín xong đổ vào bát, gắp thịt cá lóc vào, xong múc nước dùng rưới cho vào.
Bánh canh cá lóc phải ăn khi đang thật nóng, khi ăn có thể cho thêm ớt bột loại cay, hành thái nhỏ, hạt tiêu, mì chính. Người ăn vừa "khoái khẩu" vì con bánh giòn, bùi, cá lóc thơm ngon, nước ngọt, lại vừa xuýt xoa toát mồ hôi vì ớt cay, càng ngon. Một tô bánh canh cá lóc ba ngàn mà làm cho người ăn có cảm giác mình đang thưởng thức món cao lương mỹ vị nào đó. Ăn xong lại muốn ăn nữa. Ăn nhiều lần thì "nghiền". Loại đọi (tô) đặc trưng để ăn bánh canh là loại tô bèo, tức lòng tô nhỏ, hẹp, nhưng miệng tô thì loe rộng. Có lẽ vì ăn nóng lại nấu bằng bột gạo nên nếu múc loại tô lòng lớn, ăn lâu hết, bánh canh sẽ kém ngon.
Cá lóc và gạo, cả hai sản vật đều ở trên cánh đồng quê, không chỉ nuôi sống còn người mà còn làm sang thêm danh tiếng các món ăn Huế, món ăn thuần Việt bao đời.
Theo Tạp Chí Ẩm Thực
Muối tôm Tây Ninh Nhắc đến ẩm thực Tây Ninh, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng... và tất nhiên không thể không nhớ đến muối tôm (muối ớt) Tây Ninh, một đặc sản đậm chất quê hương được nhiều người dân Việt Nam và thế giới ưa chuộng. Mặc dù Tây Ninh là một vùng đồng bằng, không hề...