4 mối tình dang dở của điện ảnh Việt 2018 khiến ta ám ảnh khôn nguôi khi bước ra khỏi rạp
Năm 2018, điện ảnh Việt Nam đem đến cho khán giả những mối tình dang dở. Như Linh Phụng và Dũng ( Song Lang), như tình yêu đơn phương bỏ ngỏ của Hiểu Phương với Đông Hồ (Tháng Năm Rực Rỡ), như Nhật Minh và Ánh Dương ( 100 Ngày Bên Em), như mối tình lửng lơ của Hạ và Akira (Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè).
Người ta nói “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, thế nên có những mối tình dang dở, hụt hẫng khiến khán giả tiếc nuối mà mỗi khi nhắc đến thì cứ như từng thước phim chầm chậm tái hiện lại trong đầu, ám ảnh đầy khắc khoải. Cùng nhìn lại 4 mối tình day dứt và tang thương nhất từ đầu năm đến giờ trên màn ảnh rộng.
Song Lang – nỗi day dứt của hai tâm hồn lạc lõng
Lấy bối cảnh là Sài Gòn những năm 80, Song Lang là câu chuyện kể về chàng nghệ sỹ cải lương trẻ Linh Phụng (Issac) – một người yêu thích cải lương từ nhỏ nhưng hồi đó lại bị gia đình ngăn cản. Lớn lên anh anh dần thuyết phục được gia đình chấp nhận. Trong một lần đoàn hát diễn ở thành phố, anh vô tình gặp phải Dũng “Thiên Lôi” (Liên Bỉnh Phát), tay anh chị chuyên đòi nợ thuê. Lạnh lùng, đơn độc, gã dường như chẳng có chút liên hệ gì đến cuộc đời của một nghệ sĩ cải lương.
Hai tâm hồn lạc lõng vô tình gặp nhau trong một hoàn cảnh trớ trêu
Câu chuyện sẽ chẳng có gì nếu như hai con người “trái dấu” ấy không gặp nhau. Những tưởng rằng với hai tính cách trái ngược này chẳng bao giờ đồng điệu thế nhưng cả hai lại có chung một nỗi cô đơn không ai thấu hiểu.Và từ đó họ cùng chia sẻ với nhau cảm xúc, nỗi niềm riêng của mình để nhận ra bản thân đang thực tìm kiếm điều gì.
Họ gặp nhau và đã nhận ra bản thân mình thật sự cần điều gì
Khi ánh đèn sân khấu bật lên vở diễn cải lương Mị Châu – Trọng Thuỷ bắt đầu là lúc tình cảm giữa Dũng và Linh Phụng được đẩy lên cao trào. Khi bi kịch của vở diễn được tái hiện cũng là lúc biến cố xảy đến với Dũng. Khi Mị Châu và Trọng Thuỷ âm dương chia cắt, cũng là Dũng không thể nào bước vào rạp Thiên Lý để gặp Phụng được nữa. Khi vở kịch kết thúc, rèm sân khấu khép lại, cũng là lúc mưa xoá mờ vết máu của Dũng.
Vở diễn mà Dũng mãi mãi không thể xem
Cho đến khi bộ phim chạy hết credit, người ta vẫn không thôi nghĩ về mối quan hệ của hai nhân vật chính. Là tình cảm tri kỉ hay một thứ tình cảm nào khác hơn thế nữa. Một cái kết lấp lửng mà người xem chỉ muốn thốt lên “không thể như thế được”.
Chính cái kết thúc dang dở này mới khiến cho người xem day dứt, đau đáu và bồi hồi mãi không thôi.
Tháng Năm Rực Rỡ – Tình đầu là tình dang dở
Khác với những dung dị, day dứt của Song Lang, chuyện tình của Hiểu Phương (Hoàng Yến Chibi) và Đông Hồ (Tiến Vũ) trong Tháng Năm Rực Rỡ rõ dàng hơn, bồi hồi và mang màu sắc tươi sáng hơn. Nó đơn giản chỉ là một phần nhỏ cho câu chuyện thanh xuân của những người trẻ, nhưng nó thực sự đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm cho người xem.
Tình cảm trong trẻo tuổi thanh xuân khiến khán giả phải rung động
Hiểu Phương khi ấy mới chỉ là một cô bé mới lớn, chớm chạm vào những rung động đầu đời trong trẻo và thuần khiết. Cô gái năm ấy 17 tuổi thầm thương trộm anh chàng Đông Hồ nhưng đúng là “chàng trai bên bạn năm 17 tuổi không thể đi cùng bạn đến cuối cuộc đời”, và với Hiểu Phương cũng vậy. Sự thật đáng thương là lời tỏ tình chưa kịp nói, một mối tình không trọn vẹn, một nụ hôn vừa đánh rơi. Hẳn trong thời thanh xuân của nhiều cô gái ngoài kia đều xuất hiện hình bóng của một anh chàng giống như Đông Hồ.
Hiểu Phương trong Tháng Năm Rực Rỡ
Từ giây phút nhìn thấy chàng trai trong mộng thuộc về người khác, Hiểu Phương đau đớn nhận ra rằng, tình yêu đầu đời của mình chỉ là sự nuối tiếc, là những lần vụt mất bởi người chẳng dám mở lời, kẻ chẳng hề hay biết.
Cái kết day dứt cho một chuyện tình không kịp gọi thành tên
Tình yêu đầu nào mà chẳng khó quên, dù cho sau này ta có trưởng thành, có trải qua những thương đau thêm nhiều lần nữa thì mối tình đầu thơ dại năm đó vẫn đáng để cả một đời khắc cốt ghi tâm.
Video đang HOT
Lơ lửng cảm xúc với Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè
Đúng như câu “tagline” của Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè: “Anh đến đây để quên đi một người, còn em đến đây để nhớ về một người”, bộ phim là hành trình của cô gái Việt Nam có tên Nhật Hạ (Phương Anh Đào) đến thị trấn Higashikawa ở vùng Hokkaido để tìm lại người cha (Công Ninh) đã rời bỏ Việt Nam từ khi cô còn nhỏ. Và trên chuyến hành trình đó, cô tình cờ gặp Akira (Takafumi Akutsu), một chàng thanh niên Nhật đam mê nhiếp ảnh đang chạy trốn đến thị trấn này để quên đi một người.
Hai con người trái ngược vô tình gặp nhau tại mảnh đất có tuyết rơi mùa hè
Nhật Hạ và Akira gặp nhau và bị thu hút bởi những nét khác biệt của hai con người đến từ hai nền văn hóa khác nhau. Họ tạo lập nên thứ tình cảm nhẹ nhàng, trong trẻo, đầy tin tưởng nhưng cũng mong manh, mơ hồ. Họ giao tiếp không qua ngôn ngữ thông thường mà bằng cảm nhận của cơ thể, của ánh mắt và trái tim mình.
Hạ và Akira trong ” Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè”
Những tưởng sẽ có một cái kết viên mãn cho Hạ và Akia nhưng đến cuối cùng, âm dương cách biệt, Hạ ngồi trên chiếc xe buýt lộng gió nhìn ra cửa sổ và nhận ra rằng “Có những chuyện mãi mãi là sai, nhưng lại là một phần để tất cả trở nên đúng”. Và Akira dù kết thúc ra sao, vẫn luôn muốn rằng “Nếu một ngày ta có thể gặp lại nhau, anh sẽ tìm em sớm hơn”. Đó như là chân lý sống lâu nay của người Nhật, quan trọng hành trình hơn kết quả. Dù kết thúc ra sao, thì những chuyện xảy ra luôn là một ký ức đẹp đáng lưu giữ trong chúng ta.
Và tất cả chỉ còn lại trong kí ức
Nếu được viết lại một cái kết khác có lẽ các khán giả của Điện ảnh Việt Nam sẽ chọn một kết thúc rõ ràng, không nuối tiếc, không vướng bận. Nhưng đối với các tác giả thì một chút lưu luyến, một chút bi thương, dang dở lại chính là điểm khiến khán giả nhớ mãi.
100 Ngày Bên Em – Khi đau thương hóa thành trọn vẹn
Tác phẩm điện ảnh thứ 2 của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng trái ngược với phim đầu tay, là một cuộc bi tình. Nhật Minh (Jun Phạm) từng là một game thủ hái ra tiền, nhưng sau đó anh chỉ là một gã ăn bám em trai và em dâu, suốt ngày rúc trên gác chơi game, không có công ăn việc làm. Trong khi đó Ánh Dương (Khả Ngân) lại là một phụ nữ thành công trong mọi mặt, là một VJ nổi tiếng sắp có đám cưới trong mơ với bạch mã hoàng tử giàu có. Thế nhưng, định mệnh cùng đặt vào hai mảnh đời đối lập ấy một bi kịch: ung thư. Nhật Minh ung thư cột sống, Ánh Dương ung thư não, không sống quá ba tháng. Cuộc gặp gỡ tình cờ ở bệnh viện đã khiến cuộc đời cả hai hoàn toàn đổi khác.
Bị gia đình chồng sắp cưới từ chối vì bệnh, Ánh Dương quyết tâm chứng minh mình vẫn thành công, bằng cách đám cưới giả với Nhật Minh. Một bên có tiền, một bên có tiếng, dù cả hai rồi cũng sẽ tắt ngúm, trái ngược với tên của chính mình. Thế nhưng trong cuộc bể dâu đó, tình cảm dần nảy nở. Những dằn vặt, đau khổ rồi hi sinh khi một trong cả hai có thể được cứu đã khiến người còn lại càng trở nên đau lòng.
Đoạn kết của 100 Ngày Bên Em thật buồn, nhưng cũng đầy lạc quan vì cả hai đã nhận ra giá trị thật sự của sự sống và tình yêu dành cho nhau. Khung cảnh Nhật Minh đứng trên cánh đồng hướng dương một mình rồi khẽ cười khiến khán giả cảm thấy như được buông bỏ tất thảy sự đau thương, vì anh ta đã chấp nhận nỗi đau kia và cảm thấy xứng đáng với tình yêu dở dang đó.
Bạn thì sao? Bạn day dứt với mối tình nào nhất?
Theo Trí Thức Trẻ
'Song Lang': Sự đồng cảm giữa hai tâm hồn nghệ sĩ
"Song Lang" của đạo diễn Leon Quang Lê là bộ phim thuần Việt, đậm chất điện ảnh, đặt bối cảnh ở Sài Gòn những năm 80. Ở nơi đó, nghệ thuật cải lương là cây cầu nối cho sự đồng cảm của hai tâm hồn nghệ sĩ.
Lưu ý: Bài viết phân tích nội dung phim, độc giả chưa xem phim không nên đọc.
Song Lang là phim Việt đáng xem nhất hiện nay, nằm trong "vũ trụ điện ảnh" tôn vinh văn hóa truyền thống nước nhà của chị Bắp Mây Xanh (Ngô Thanh Vân). Tác phẩm đầu tay của đạo diễn Leon Quang Lê được đánh giá là "lời tri ân chân thành đến nghệ thuật cải lương", khi tôn vinh được môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, và càng đáng quý hơn khi những lời ca cải lương ngọt ngào vang lên trong một bộ phim ra mắt vào năm 2018 - kỷ niệm 100 năm cải lương, nhưng cũng là thời đại mà khán giả trẻ gần như quay lưng hoặc lãng quên môn nghệ thuật này.
Đặt bối cảnh ở Sài Gòn những năm 80 sau Giải phóng, Song Lang chỉn chu đến chuẩn mực, từng khung hình, từng góc máy, từng trang phục, từng câu thoại đều được chọn lọc và căn đo kỹ lưỡng, kết hợp với màu phim hoài cổ đã tái hiện đúng chuẩn một Sài Gòn thập niên 80 phồn hoa nhưng đầy bất ổn.
Những năm tháng ấy của Sài Gòn là thời cực thịnh của cải lương, như rạp hát Thiên Lý trong phim đông nghẹt, sáng đèn đến tận nửa đêm và lúc nào cũng vang lên những lời ca da diết. Những vở cải lương trên sân khấu lúc nào cũng hoàn hảo, từ nội dung vô cùng hấp dẫn, từ kép chính đẹp như mơ, giọng ca ngọt như mía đến những bộ phục trang long lanh hút hồn. Và cũng chính môn nghệ thuật đẹp đẽ ấy đã kết nối hai tâm hồn nghệ sĩ - hai con người tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau - trở thành tri âm tri kỷ.
Dũng "Thiên Lôi" (Liên Bỉnh Phát) là một tay côn đồ chuyên đi đòi nợ thuê, "sai đâu đánh đó", bề ngoài gai góc, bụi bặm, hung dữ và cộc cằn. Linh Phụng (Issac) là kép chính trong đoàn cải lương Thiên Lý nổi tiếng, đẹp trai thư sinh, tính cách nhẹ nhàng, lương thiện và say mê cải lương từ nhỏ.
Một tối xấu trời nọ, Dũng đi đòi nợ thuê tại rạp hát Thiên Lý, thấy bà bầu không trả được nợ liền không có nghĩa khí mà đòi đốt đồ diễn của người ta, rất giống Thái hậu sai đốt đồ diễn của Cao quý phi trong Diên Hi công lược. Đúng lúc đó thì Linh Phụng đến kịp can ngăn, tháo đồng hồ và vòng cổ của mình ra trả nợ. Bà bầu xin Dũng đừng làm căng, để đoàn có thể hát thì mới có tiền trả được nợ. Dũng không nhận đồng hồ với vòng cổ của Phụng, liền bỏ đi. Cuộc gặp gỡ đầu tiên chẳng lấy gì làm vui vẻ, thậm chí còn đầy căng thẳng và oán trách đó đã khiến số phận của hai con người này gắn kết lại với nhau, mở ra một mối quan hệ oan gia ngõ hẹp. Mua vé đi xem Linh Phụng diễn trên sân khấu, khi vở diễn hạ màn, khán giả đã về hết, Dũng vẫn còn ngồi lại ngẩn ngơ, nhưng dĩ nhiên sau đó là đi... đòi tiền đoàn hát sau cánh gà.
Vài lần va chạm, vài lần gặp nhau tình cờ khiến Dũng không đành lòng tắt đi chiếc đài phát giọng hát của Phụng, và có lẽ cũng đã không thể quên nổi con người ấy. Dũng "Thiên Lôi" ban ngày cứng rắn tàn nhẫn bao nhiêu, ban đêm lại trở về với con người thật - yếu đuối và nhạy cảm - bấy nhiêu.
Tình cảm của Dũng và Phụng không phải là tình bạn, cũng không phải là quan hệ xác thịt thấp hèn, đó là một tình yêu mơ hồ, là sự cảm thông, thấu hiểu lẫn nhau, sự đồng cảm giữa hai tâm hồn nghệ sĩ. Yếu tố "đam mỹ" trong phim được cài cắm rất kín đáo, rất ý nhị, thấp thoáng như có như không, đòi hỏi khán giả đủ tinh tế để cảm nhận.
Đầu tiên chính là tên phim Song Lang. Song Loan hay Song Lang là một nhạc cụ tự thân vang chi gõ đặc trưng của người Việt, dùng để giữ nhịp trong bản nhạc. Đây là một nhạc cụ quan trọng và người sử dụng nó phải có năng lực chỉ huy dàn nhạc, tức là nhạc trưởng. Tất cả nhạc công đều phải nghe tín hiệu của dụng cụ này để giữ trường canh tiết tấu, không bị trật nhịp hay sai lệch. Đồng thời theo tiếng Hán Việt, Song Lang cũng là "hai người đàn ông", muốn ám chỉ sợi dây liên kết giữa hai nam chính Dũng "Thiên lôi" và Linh Phụng.
Ấn tượng nhất của mối quan hệ mập mờ này chính là đêm duy nhất mà Linh Phụng và Dũng "Thiên Lôi" ở bên nhau, cũng lại là do một sự cố bất ngờ. Linh Phụng đi ăn cơm ngoài quán trước giờ biểu diễn, bị mấy người đàn ông gây hấn trong tiệm ăn và sỉ nhục nghề kép hát, anh đã đánh lại bọn họ. Nhưng tất nhiên là không đánh lại được cả đám người hung hãn, còn bị chúng đánh cho một trận. Khi Linh Phụng bị đánh va vào người Dũng, Dũng đã kéo Phụng về phía sau và đánh lại cả đám kia để bảo vệ Phụng. Khán giả thấy quen không? Đây không phải là "anh hùng cứu mỹ" trong truyền thuyết?
Đêm hôm đó, hai người đã cùng nhau làm mọi thứ, chia sẻ mọi tâm sự, rất giống một buổi hẹn hò. Cùng nhau chơi game, đi ăn, dạo phố trên xe máy, đi bộ bên nhau cả quãng đường, và lên cả sân thượng để nói chuyện. Linh Phụng kể cho Dũng nghe về cuộc đời mình, về việc mình đã bỏ lại gia đình theo nghề cải lương, về cha mẹ mình không may qua đời trên đường ra rạp xem mình diễn, về những chuyện tuổi thơ của mình...
Tâm sự đêm khuya trên sân thượng, gió mát trăng thanh, khung cảnh thật hữu tình.
Dũng cũng kể về gia đình mình, vốn có truyền thống cải lương nhưng do thiếu thốn khó khăn mà phải bỏ nghề, mẹ bỏ đi, cha mất, Dũng mới mười mấy tuổi phải theo nghiệp đòi nợ kiếm sống, dần dần khoác lên mình cái vỏ bọc giang hồ gai góc.
Dũng trở thành tay giang hồ chuyên đi đòi nợ thuê do gia cảnh bất hạnh.
Và trong khi khán giả đang cảm động cho quá khứ bi thương của hai chàng trai thì Linh Phụng nói ngay một câu: " Mỗi khi mặc những bộ đồ diễn có mùi dầu, tôi lại nghĩ đến lần đầu tiên tôi gặp anh".
Nghe xong câu này, người viết hoàn toàn câm nín. Trần đời này có nghệ sĩ nào quý mến được một người suýt nữa thì đốt đồ diễn của mình không? Cao quý phi trong Diên Hi công lược còn căm hận Anh Lạc đến tận xương tận tủy cơ mà. Vậy mà Linh Phụng vẫn có thể nhẹ nhàng nói một câu ôn lại kỷ niệm xưa kiểu "lần đầu tôi gặp anh" với Dũng, không phải là do đã đem lòng cảm mến?
Sự đồng cảm hai người bắt đầu từ gia đình bất hạnh, đến tình yêu dành cho cải lương giống nhau. Dù cho cuộc đời có nghiệt ngã đến đâu cũng không thể nào thay đổi được bản chất con người. Linh Phụng dù có bao nhiêu khó khăn cũng không từ bỏ đam mê ca hát, Dũng bị dòng đời xô đẩy và trở nên lạnh lùng nhưng cũng chưa bao giờ quên mình là con nhà nòi cải lương, quên cách đàn hát như thế nào.
Đỉnh điểm của sự đồng cảm là hai người đồng diễn bài "Trường tương tư", Dũng đàn Phụng hát, đồng ca hợp xướng vô cùng ăn ý. Lúc đó không phải là Dũng "Thiên lôi" chuyên đi đòi nợ thuê, mà là một nghệ sĩ cải lương chính gốc, đến Phụng cũng ca ngợi tài năng của Dũng và khuyên Dũng đến rạp Thiên Lý đàn cho bà bầu nghe, biết đâu có thể vào đoàn và chuyển nghề. "Trường tương tư" có dụng ý gì nếu không phải là tình cảm đôi lứa? Dũng "Thiên Lôi" cộc cằn ngày thường đã từng đối xử với ai dịu dàng và chu đáo như với Linh Phụng chưa? Cái cách Linh Phụng nói chuyện với Dũng rất nhẹ nhàng ngọt ngào, lại đôi chút ngập ngừng e ngại, như một chàng trai lần đầu biết rung động nói chuyện với người thương.
Không nhiều lời nói, không có cử chỉ thân thiết nào, họ hiểu nhau bằng tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm, dễ rung động và khao khát được trân trọng, được cảm thông và được yêu thương. "Tình một đêm" ấy đủ dài, đủ sâu sắc, đủ ấn tượng để gắn kết hai con người tưởng chừng chẳng liên quan đến nhau thành tri âm tri kỷ.
Ở đoạn đầu phim, khi Linh Phụng tập diễn vở "Mị Châu - Trọng Thủy", người thầy của anh - người nghệ sĩ cải lương từng trải, đã nói với anh rằng giọng ca của anh kỹ thuật thì rất tốt, nhưng lại thiếu tình cảm. Ông khuyến khích anh " Yêu đi con, có yêu có mất mát rồi không diễn nó cũng ra".
Người thầy của Phụng khuyên anh hãy yêu để có trải nghiệm thực tế.
Khi vở "Mị Châu - Trọng Thủy" được diễn lần đầu trong phim, ta có thể cảm nhận rõ Linh Phụng đang diễn, anh hát rất hay nhưng quả thật không có tình cảm với cô bạn diễn Thúy Vân (Tú Quyên) vai Mị Châu. Những người thầy, người bạn, người thân, bà bầu, đồng nghiệp... của anh đứng sau sân khấu, khi kết thúc vở diễn, họ đều tươi cười vui vẻ khen anh hát hay. Khán giả đứng dậy vỗ tay rào rào. Sự nhiệt tình đó là ngợi ca cho kỹ năng thanh nhạc xuất sắc của Linh Phụng.
Nhưng sau cái đêm định mệnh ấy, khi đêm hôm sau diễn tiếp vở "Mị Châu - Trọng Thủy", Linh Phụng đã diễn hoàn toàn khác. Chân thực hơn và nhiều cảm xúc hơn. Dường như mỗi lời ca thánh thót mà Linh Phụng cất lên trong vai Trọng Thủy cũng chính là những tâm sự thầm kín, những tiếng lòng không thể giãi bày của chính anh. Khi màn cuối kết thúc, đồng nghiệp sau cánh gà và khán giả dưới sân khấu đều rưng rưng ngậm ngùi cho mối bi tình Mị Châu - Trọng Thủy, không ai cười được nữa. Bởi vì cái họ vừa xem không phải là Linh Phụng diễn, mà tình cảm chân thật từ trái tim anh. Phải chăng Linh Phụng đã yêu rồi? "Có yêu có mất mát rồi không diễn nó cũng ra", người thầy của Phụng đã quá hiểu nghề, quá hiểu đời để đúc rút ra chân lý về mối liên hệ giữa sân khấu và cuộc đời.
Cũng sau đêm Phụng từ nhà Dũng trở về đoàn, bạn diễn Thúy Vân tinh ý nhận ra Linh Phụng có điều gì khác lạ. Anh hay cúi xuống cười ngượng ngùng và luôn để mắt tới món quà chuẩn bị tặng cho Dũng.
Linh Phụng muốn nhanh chóng kết thúc vở diễn để tặng quà cho Dũng đang ở ngoài rạp.
Theo người viết suy đoán, món quà đó là phách Song Lang. Vốn Phụng đã thành công thuyết phục Dũng đến rạp Thiên Lý để đàn thử cho bà bầu nghe, nên đã mua Song Lang để làm quà đón Dũng vào đoàn. Nhưng tiếc thay, cuộc đời, à không, biên kịch tàn nhẫn khiến món quà ấy vĩnh viễn không bao giờ được tặng. Dũng sẽ chẳng bao giờ biết Phụng mua quà cho mình, Phụng cũng không bao giờ biết những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Dũng đứng trước cửa nhà hát Thiên Lý nghe Phụng hát và trên tay cầm sẵn một cây đàn.
Trước đây Dũng sống một cuộc đời trôi nổi bấp bênh, dựa vào đòi nợ thuê kiếm sống, vô định và lạc lối giữa Sài Gòn hoa lệ, như một vở diễn không có phách Song Lang giữ nhịp. Nhưng khi gặp Linh Phụng, Dũng đã có "Song Lang", đã hiểu ra mình cần phải làm gì. Hắn bán đồ đạc trong nhà trả tiền nợ giúp Tài Đen và cầm đàn đến trước rạp Thiên Lý với mong muốn đổi nghề đổi đời. Dũng sống như một tay giang hồ, nhưng chết với tư cách một người nghệ sĩ, chết bên cây đàn, chết trước rạp hát cải lương, chết "trước cửa thiên đường", chết khi đang nghe tri kỷ hát.
Chi tiết thể hiện rõ nhất tư tưởng "Khi sân khấu và cuộc đời hòa quyện" là khi trên sân khấu cải lương trong rạp Thiên Lý, An Dương Vương chém Mị Châu ngã xuống, cùng lúc đó bên ngoài rạp Thiên Lý, Tài Đen đâm chết Dũng "Thiên Lôi". Cái chết trên sân khấu song hành với cái chết ngoài đời, nhưng tất yếu là cuộc đời tàn khốc hơn. Khi vở cải lương đến hồi bi kịch, khi Trọng Thủy đau đớn ôm xác Mị Châu cũng là lúc dòng máu của Dũng chảy trước rạp Thiên Lý.
Trong và ngoài rạp là ẩn dụ cho hai thế giới khác nhau, là ranh giới thiên đường - địa ngục, ranh giới thiện - ác, ranh giới nghệ thuật - cuộc đời, mà Dũng chỉ cần bước qua là đủ. Thế nhưng anh đã chết khi chưa kịp bước qua, khi anh không kịp gặp mặt Linh Phụng lần cuối. Khi tấm màn nhung sân khấu hạ xuống cũng là lúc cơn mưa xối sạch những vết máu của Dũng còn sót lại. Nếu nói sân khấu tương ứng với cuộc đời, thì Mị Châu quan trọng với Trọng Thủy như thế nào có phải tương ứng với vị trí của Dũng trong lòng Phụng? Mị Châu và Trọng Thủy âm dương cách biệt, Dũng và Phụng cũng như thế. Đây là chi tiết "đắt" nhất và thể hiện đậm nét nhất thông điệp nghệ thuật của tác phẩm.
Hai người đàn ông ấy, bọn họ chỉ bên nhau một đêm duy nhất và không bao giờ có đêm thứ hai, nhưng họ đã hiểu nhau và vì đối phương và thay đổi bản thân để trở nên tốt đẹp hơn. Phụng đã trải nghiệm tình cảm nên diễn có hồn và có tình hơn. Dũng khóc nức nở trên sân thượng khi nhớ lại những năm tháng giang hồ của mình và quyết tâm mang đàn đến rạp hát cũng là khi hắn tỉnh ngộ và muốn được trở về với truyền thống gia đình. Đây là khả năng hướng thiện của nghệ thuật hay sức mạnh cảm hóa của tình yêu?
Giọng ca của Phụng thấm đẫm tình cảm hơn...
... còn Dũng tỉnh ngộ và quyết tâm trở về với nghệ thuật cải lương của gia đình.
Ánh mắt hụt hẫng và thất vọng của Linh Phụng khi trên tay cầm món quà đứng trước cửa rạp hát mà chờ mãi không thấy Dũng tới sẽ mãi ám ảnh trong tâm trí người xem. Cái kết của tác phẩm rất buồn, day dứt và tiếc nuối cho một chuyện tình chưa kịp nở đã tàn. "Đồng sinh cộng tử vốn là hạnh phúc, chỉ có sinh ly tử biệt mới là bi thương". Đạo diễn Leon Quang Lê cho rằng "tình chỉ đẹp khi tình dang dở", và quả thật mối tình dang dở trong phim quá đẹp, quá nghệ thuật, đẹp đến đau lòng.
Khi rời khỏi rạp, khán giả vẫn mãi nhớ tới Song Lang - một bộ phim đậm chất nghệ thuật với màu phim xưa cổ, cải lương truyền thống, diễn viên tròn vai và mối tình ngắn ngủi, kỳ lạ nhưng đầy ám ảnh giữa hai người nghệ sĩ.
Song Lang hiện đang công chiếu trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày 17.08.2018.
Theo Saostar
'Song Lang' chính là 'đường một chiều' chỉ riêng mình kép Linh Phụng (Issac) bước đi Câu chuyện tình đơn phương trong "Song Lang" chắc chắn sẽ đưa bạn về một Sài Gòn của những năm 80 khi mà người ta thương nhau chỉ vì điều bình dị đơn giản như tấm lòng của Linh Phụng (Issac). Ngay từ khi xuất hiện trailer, Song Lang của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Leon Lê đã nhận...