4 lớp phòng thủ bảo vệ thế giới khỏi Covid-19
Sự kết hợp giữa vaccine, thuốc kháng virus, hướng dẫn y tế cộng đồng và hợp tác toàn cầu được cho là chiến lược khả thi duy nhất trước Covid-19.
Một năm rưỡi kể từ khi Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, thế giới vẫn quay cuồng với những làn sóng đại dịch mới. Nhiều nước từng ngỡ đã ngăn chặn virus thành công nhờ chiến lược phong tỏa và tiêm chủng diện rộng, nhưng các biến chủng nCoV mới làm đảo lộn tất cả, đặc biệt là chủng Delta.
So với hồi đầu tháng 7, số ca nhiễm nCoV trung bình hàng ngày tại Mỹ đã tăng gấp 9 lần, hầu hết ca nhiễm tập trung tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, chủng Delta đang chiếm hơn 93% số ca nhiễm nCoV tại nước này. Bên cạnh đó, số ca nhập viện cũng đang ở mức cao nhất kể từ tháng 2.
Bình luận viên William Haseltine của CNA đánh giá trong mỗi làn sóng đại dịch mà Mỹ từng trải qua, việc hành động quá ít so với những gì có thể đã khiến họ phải trả giá đắt. Chiến dịch tiêm chủng Covid-19 giúp tình hình được cải thiện đáng kể, nhưng chủng Delta lại len lỏi vào những nhóm chưa tiêm. “Tại mỗi giai đoạn, virus đều bị đánh giá thấp”, Haseltine nhận xét.
“Từ những gì chúng ta biết về khả năng thích nghi và phát triển của virus thông qua các đột biến, chỉ có một lựa chọn khả thi để kiểm soát dịch bệnh về lâu dài. Đó là chiến lược kết hợp kho vaccine ngày càng dồi dào với các loại thuốc kháng virus, cùng những biện pháp y tế cộng đồng mạnh mẽ và sự hợp tác toàn cầu sâu rộng hơn nữa”, bình luận viên nêu ý kiến.
Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm cầm hộp thuốc kháng virus Remdesivir, được sử dụng để điều trị Covid-19, tại Cairo, Ai Cập, hôm 1/6. Ảnh: Reuters.
Video đang HOT
Vaccine, lớp phòng thủ đầu tiên trước Covid-19 , đã phát huy hiệu quả cao ngay từ thế hệ đầu tiên. Công dụng bảo vệ của các thế hệ vaccine tiếp theo được cho là sẽ còn mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, ngay cả với những mũi tiêm nhắc lại và các thế hệ vaccine tiếp theo được điều chỉnh sao cho hữu hiệu trước các biến chủng mới, đại dịch không có khả năng chấm dứt chỉ bằng tiêm chủng, Haseltine nhận định.
“Vaccine sẽ không hiệu quả với tất cả. Trong trường hợp lý tưởng nhất là chống lại chủng virus ban đầu, các vaccine vẫn có 5% thất bại. Trong khi đó, biến chủng Delta đã chứng minh khả năng vượt qua lớp phòng thủ vaccine tốt hơn so với các chủng trước đó. Ngay cả khi toàn bộ dân số Mỹ được tiêm chủng, 17,5 triệu người vẫn có nguy cơ nhiễm nếu tiếp xúc với virus”, Haseltine phân tích.
Ngoài ra, vaccine còn bị suy giảm hiệu quả đối với nhiều nhóm như những người được ghép tạng, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân ung thư và một bộ phận người cao tuổi. Tương tự vaccine cúm hàng năm, những dấu hiệu ban đầu cho thấy khả năng miễn dịch Covid-19 nhờ vaccine cũng có thể mất dần theo thời gian.
Vì vậy, các thuốc kháng virus và phòng ngừa khác sẽ bù đắp lỗ hổng, tạo ra lớp phòng thủ thứ hai trước Covid-19. Chính phủ Mỹ gần đây cam kết chi 3,2 tỷ USD để phát triển các biện pháp kháng virus, giúp tăng cường khả năng ứng phó đại dịch.
Hầu hết sự tập trung hướng vào việc sử dụng các loại thuốc này như một phương pháp điều trị. Tuy nhiên, Haseltine cho rằng tiềm năng thực sự của chúng nằm ở khả năng kiểm soát đại dịch, bởi chúng có thể giúp những người từng tiếp xúc với virus tránh nguy cơ đổ bệnh hoặc lây nhiễm cho người khác.
Những loại thuốc này hiện chưa được sử dụng rộng rãi, do chi phí sản xuất cao và cần phải truyền tĩnh mạch trong bối cảnh lâm sàng. Tuy nhiên, các thế hệ thuốc kháng virus tiếp theo được hy vọng sẽ ở dạng thuốc viên, tạo ra tiềm năng lớn để sử dụng tại những địa điểm nguy cơ cao như trại dưỡng lão, nơi tập trung nhiều người bị ức chế miễn dịch và không thể dựa vào sự bảo vệ từ vaccine. Ngoài ra, các trường học, doanh nghiệp, đội thể thao hay tàu trên biển cũng có thể sử dụng.
Lớp phòng thủ tiếp theo đến từ những biện pháp y tế công cộng nhằm kiềm chế sự lây lan của virus. Một số nước như Australia, Trung Quốc, New Zealand và Singapore đã áp dụng hiệu quả các biện pháp xét nghiệm diện rộng, truy vết tiếp xúc toàn diện, cách ly bắt buộc, kiểm soát biện giới chặt chẽ và cách ly người nhập cảnh.
Những chiến lược này được đánh giá đóng vai trò bảo vệ quan trọng trước gần như tất cả bệnh truyền nhiễm trong lịch sử hiện đại. Công tác xét nghiệm và truy vết tại Mỹ và nhiều nước khác bị đình trệ, nhưng họ may mắn có các loại thuốc kháng virus để bù đắp thiếu sót này, Haseltine nhận định.
“Thay vì xét nghiệm, truy vết và cách ly, bí quyết có thể trở thành xét nghiệm, truy vết và uống thuốc, sự thay thế dễ chịu hơn nhiều. Những loại thuốc này còn mở ra cơ hội mới với ngành du lịch, khi giúp loại bỏ yêu cầu cách ly trong thời gian dài”, bình luận viên cho hay.
Cũng theo Haseltine, ba lớp phòng thủ đầu tiên giúp tạo nên thành trì bảo vệ tuyệt vời trước Covid-19, nhưng sẽ không đủ nếu chúng không được triển khai tại mọi nơi. Do đó, lớp phòng thủ cuối cùng chính là sự hợp tác của cộng đồng quốc tế , nhằm nâng cao khả năng giám sát dịch bệnh và tăng cường sự phổ biến của xét nghiệm, các phương pháp điều trị và vaccine.
Các cơ chế hợp tác quốc tế được cho là bị suy yếu bởi những mong muốn cá nhân và chủ nghĩa dân tộc vaccine. Tuy nhiên, tương lai dường như vẫn tràn đầy hy vọng khi nhiều quốc gia thu nhập cao đang dư thừa vaccine. Những nỗ lực khác cũng đang được thực hiện để tăng cường sản xuất vaccine tại địa phương.
Ngoài những nỗ lực này, Haseltine cho rằng cộng đồng quốc tế còn cần đầu tư vào công tác giám sát dịch bệnh toàn cầu để xác định những điểm bùng phát mới, đặc biệt là nơi bùng dịch vì các biến chủng dễ lây lan. Mục tiêu này đòi hỏi tăng cường giám sát và giải trình tự virus ở mọi cộng đồng, cùng một phương pháp chia sẻ dữ liệu rộng rãi theo thời gian thực.
“Sau 18 tháng đại dịch, chúng ta đã có những yếu tố cần thiết để chấm dứt nó. Giờ đây, vấn đề nằm ở cách áp dụng các kiến thức và công cụ. Không có cách tiếp cận đơn lẻ nào là đủ. Cùng nhau, với 4 lớp phòng thủ, chúng ta có thể loại bỏ mối đe dọa tính mạng từ Covid-19, trở lại cuộc sống tốt đẹp hơn thời kỳ mà chúng ta đã bỏ lại phía sau”, Haseltine kết luận.
Thủ tướng Anh lo biến chủng nCoV từ Ấn Độ
Thủ tướng Anh bày tỏ lo ngại sâu sắc về biến chủng nCoV Delta từ Ấn Độ, giữa đồn đoán ông sẽ hoãn lệnh tái mở cửa hoàn toàn.
"Rõ ràng biến chủng nCoV từ Ấn Độ dễ lây lan hơn. Thực tế cũng cho thấy số ca nhiễm và tỷ lệ nhập viện đang gia tăng. Chúng tôi không biết chính xác điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến số ca tử vong, nhưng rõ ràng đây là vấn đề vô cùng đáng lo ngại", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trong cuộc phỏng vấn hôm nay.
Người dân đi bộ trên đường phố London, Anh, hôm 5/6. Ảnh: Reuters .
Anh hôm 11/6 báo cáo 8.125 ca nhiễm nCoV mới, con số cao nhất trong vòng 24 giờ kể từ tháng 2. Các dữ liệu khác cũng cho thấy virus đang lây lan một cách mạnh mẽ. Khi được hỏi liệu ông có bớt lạc quan về nới lỏng các lệnh hạn chế so với thời điểm cuối tháng 5 hay không, Johnson trả lời "có".
Thủ tướng Anh dự kiến thông báo kế hoạch dỡ bỏ những lệnh hạn chế vào ngày 14/6. Theo lộ trình được đề ra trước đó, Anh sẽ được tái mở cửa hoàn toàn từ ngày 21/6.
Chính phủ Anh từng hy vọng thành công của một trong những chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 nhanh nhất thế giới sẽ giúp chấm dứt toàn bộ lệnh hạn chế. Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta, lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ, khiến nhiều người dự đoán Johnson sẽ trì hoãn quyết định gỡ hạn chế thêm một tháng, đến ngày 19/7.
Johnson từng cho biết sự gia tăng số ca nhiễm nCoV luôn được dự đoán sẽ xảy ra sau đợt nới lỏng hạn chế. Tuy nhiên, mấu chốt của việc tất cả biện pháp phòng chống Covid-19 có được loại bỏ hay không nằm ở mức độ triển khai vaccine, nhằm phá vỡ mối liên hệ giữa số ca nhiễm và tử vong.
Tổng số người chết vì Covid-19 của Anh là hơn 127.000, cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, số ca tử vong hàng ngày đã giảm sau đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba và chiến dịch tiêm chủng Covid-19. Hơn 75% dân số trưởng thành tại Anh đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19.
Biến chủng nCoV từ Ấn thử lửa 'phép màu vaccine' Mỹ Chính phủ Mỹ xác nhận biến chủng nCoV từ Ấn Độ chiếm 6% tổng số ca nhiễm mới, dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch. Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ và là cố vấn chính phủ về Covid-19, ngày 8/6 nhận định tốc độ lây lan của biến chủng Delta có vẻ đã được...