4 lần quân đội đảo chính thành công tại Thổ Nhĩ Kỳ
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có truyền thống can thiệp vào nền chính trị nước này, khi nhiều lần tổ chức các cuộc đảo chính lật đổ chính phủ.
Các binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Hôm 15.7, Thổ Nhĩ Kỳ bị rúng động bởi một cuộc đảo chính của quân đội nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có hành động can thiệp vào nền chính trị như vậy, bởi họ đã thực hiện tới 4 cuộc đảo chính kể từ năm 1960 tới nay, theo Time.
Cuộc đảo chính năm 1960
Cuộc đảo chính đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào năm 1960, khi đảng cầm quyền của Thủ tướng Adnan Menderes ngày càng rời xa các nguyên tắc khắt khe được đặt ra bởi Mustafa Kemal Ataturk, một cựu sĩ quan quân đội đã sáng lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ bị chỉ trích khi cho phép dân chúng hoạt động tôn giáo, mở hàng trăm nhà thờ và cho phép cầu nguyện bằng tiếng Arab.
Khi tình hình căng thẳng trong nước lên cao, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của tướng Cemal Gursel tổ chức đảo chính lật đổ chính quyền với tuyên bố “đưa đất nước trở lại với nền dân chủ công bằng, trong sạch và vững chắc”.
Tổng thống Celal Bayar, Thủ tướng Adnan Menderes và các quan chức chính phủ khác bị bắt giữ và xét xử vì tội phản quốc. Thủ tướng Menderes sau đó bị treo cổ. Tướng Gursel lên làm thủ tướng kiêm tổng thống và nắm quyền cho tới năm 1966, khi một chính phủ dân chủ mới được bầu lên.
Đảo chính năm 1971
11 năm sau lần đảo chính thứ nhất, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa lật đổ chính quyền. Cuộc đảo chính diễn ra sau nhiều tháng bạo lực và bất ổn trong nước, theo Reuters.
Cuộc đảo chính này được xem như “vụ đảo chính qua biên bản ghi nhớ” khi tướng quân đội Memduh Tagmac ra tối hậu thư cho Thủ tướng Suleyman Demirel, ép ông từ chức. Khác với vụ đảo chính năm 1960, lần này quân đội không nắm quyền lực nhưng tiến hành giám sát một loạt chính phủ chuyển tiếp cho đến năm 1973.
Đảo chính năm 1980
Bất ổn và khủng hoảng chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ không có dấu hiệu cải thiện sau vụ đảo chính năm 1971, nên quân đội quyết định can thiệp để giải quyết tình hình theo cách của mình.
Video đang HOT
Ngày 12.9.1980, quân đội tuyên bố tiến hành đảo chính trên truyền hình, cùng với thông báo thiết quân luật trên toàn quốc. Quân đội bãi bỏ hiến pháp và xây dựng một hiến pháp mới, quy định tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 1982.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa đường phố Ankara trong cuộc đảo chính năm 1980. Ảnh: History
Lần này, cuộc đảo chính đã giúp đất nước ổn định hơn nhưng quân đội cũng bắt giam hàng nghìn người, hành quyết hàng chục người và tra tấn nhiều người khác, theo Al Jazeera.
Kenan Evren, một trong những tướng lĩnh tổ chức đảo chính, trở thành tổng thống trong suốt 7 năm tiếp theo.
Bị vong lục quân sự 1997
Mặc dù không hẳn là một cuộc đảo chính, nhưng năm 1997, lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của các đảng phái Hồi giáo trong nước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của tướng Ismail Hakki Karadayi đưa ra một bị vong lục với chính quyền.
Bị vong lục quân sự này nêu ra một loạt kiến nghị, như đóng cửa các trường học tôn giáo, cấm sinh viên đại học đeo mạng che mặt. Chính quyền không có lựa chọn nào khác ngoài tiếp thu những khuyến nghị này. Thủ tướng Necmettin Erbakan bị các tướng lĩnh ép phải từ chức, một chính phủ lâm thời được lập ra, và quân đội cuối cùng tước quyền lực của đảng Phúc lợi cầm quyền vào năm 1998.
Cũng trong năm đó, ông Erdogan, lúc đó là thị trưởng Istanbul, bị bắt và bị cấm tham gia chính trị trong 5 năm vì đã công khai đọc một bài thơ Hồi giáo.
“Cuộc đảo chính mềm” này thành công một phần nhờ quân đội đã bắt tay với giới doanh nhân, các cơ quan tư pháp, truyền thông và các lãnh đạo chính trị, theo Reuters.
Theo các chuyên gia phân tích, sở dĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể can thiệp nhiều vào chính trị như vậy là do hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho phép quân đội có quyền can thiệp vào nội tình đất nước khi cần và các lãnh đạo quân sự không chịu sự chi phối của giới lãnh đạo chính trị.
Theo Duy Sơn (VNE)
Vì sao cuộc đảo chính của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thất bại
Với sự chia rẽ trong quân đội, nhóm đảo chính không thể thành công trước một tổng thống Erdogan được đông đảo dân chúng ủng hộ.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ bao vây xe tăng của nhóm đảo chính. Ảnh: Reuters
Ngày 16/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ chính phủ của ông vào đêm qua đã bị đánh bại, và thề sẽ trừng phạt nghiêm khắc những người đứng sau kế hoạch này. Theo giới phân tích, thất bại của cuộc đảo chính là điều đã được dự đoán trước, bởi ảnh hưởng quá yếu của phe đảo chính cũng như sự ủng hộ quá lớn dành cho ông Erdogan.
Chuyên trang phân tích tình báo toàn cầu Stratfor cho rằng nhóm sĩ quan, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức cuộc đảo chính đêm 15/7 có một ưu thế lớn là sự bất ngờ. Họ ra quân đúng thời điểm Tổng thống Erdogan đang đi nghỉ mát, bao vây, chiếm giữ các địa điểm chiến lược ở thủ đô và thành phố Istanbul lúc gần nửa đêm, thời gian các lực lượng an ninh ít phòng bị nhất.
Tốc độ triển khai của các nhóm binh sĩ đảo chính tiến chiếm các vị trí quyền lực quan trọng ở các thành phố lớn cho thấy trình đổ tổ chức và hiệu suất làm việc rất cao của họ. Tuy nhiên, ngoài những lợi thế đó, họ lại thiếu đi những yếu tố mà theo các chuyên gia phân tích là đóng vai trò quyết định cho thành bại của một cuộc đảo chính.
Yếu tố đầu tiên là sự đoàn kết, nhất trí trong quân đội. Có nhiều dấu hiệu cho thấy các chỉ huy dẫn dắt cuộc đảo chính này là những người ủng hộ phong trào Gulen và có ảnh hưởng nhất định trong quân đội. Nhưng điều quan trọng là phong trào Gulen chỉ biết khai thác sự chia rẽ trong quân đội, chứ không phải đoàn kết các tướng lĩnh.
Phong trào Gulen là một phong trào Hồi giáo xuyên quốc gia hình thành và lan tỏa ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thập niên 1980, dưới sự dẫn dắt của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người hiện sống lưu vong tại Mỹ. Những người thuộc phong trào này bắt đầu xâm nhập vào lực lượng hiến binh, nơi việc kiểm tra lý lịch tương đối lỏng lẻo, và sau đó dần dần "chui sâu, leo cao" vào hàng ngũ chỉ huy trong quân đội.
Còn có tên gọi khác là phong trào Hizmet (Phụng sự), phong trào này thu hút sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền, kể cả các cảnh sát trưởng và công tố viên phụ trách những cuộc điều tra chống tham nhũng. Tổng thống Erdogan dần dần nhận ra rằng phong trào Gulen đã trở nên quá mạnh, trở thành một "nhà nước trong nhà nước" theo cách gọi của ông.
Bắt đầu từ năm 2014, ông Erdogan đã bắt đầu chiến dịch thanh lọc những người ủng hộ phong trào Gulen trong bộ máy chính phủ và truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của phe Gulen trong quân đội không bị loại bỏ hoàn toàn. Theo các chuyên gia của Stratfor, rất có thể phe Gulen đã nắm được một số bí mật của các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội và gây sức ép để buộc họ không loại bỏ mình.
Khi nhóm đảo chính tuyên bố nắm chính quyền trên truyền hình, lập tức các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án hành động của họ và bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Erdogan. Điều này cho thấy nhóm đảo chính đã không thể đoàn kết, tập hợp được toàn bộ lực lượng quân đội để thực hiện hành động phiêu lưu của mình, giới quan sát nhận xét.
Người dân chất vấn các binh sĩ thực hiện vụ đảo chính. Ảnh: Reuters
Theo nhà khoa học chính trị Naunihal Singh, yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thống nhất của đảo chính quân sự là việc các binh sĩ khác có cho rằng cuộc đảo chính sẽ thành công hay không. Nếu lãnh đạo nhóm đảo chính có thể thuyết phục được mọi người rằng chính phủ chắc chắn sẽ sụp đổ và khả năng kháng cự là rất nhỏ, có thể phần còn lại của quân đội sẽ ngả theo phe họ.
Nhưng nếu như lãnh đạo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lên án cuộc đảo chính, đó là dấu hiệu cho thấy hành động phiêu lưu này không nhận được sự ủng hộ rộng rãi, và chắc chắn sẽ thất bại.
Quyền lực của Erdogan
Là nhà lãnh đạo lên nắm quyền từ năm 2003, ông Erdogan được mô tả là con người "quyết liệt", nắm trong tay rất nhiều quyền lực, và đã nhiều lần dẹp tan sức ép đến từ phe quân đội.
Năm 2013, ông Erdogan đã giành thắng lợi ngoạn mục trước các tướng lĩnh quân đội, khi tống giam 17 người, trong đó có các quan chức quân đội cấp cao, với cáo buộc âm mưu lật đổ đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền trong vụ việc được gọi là "Ergenekon".
Năm 2011, ông đã chỉ đạo một đợt truy lùng, bắt bớ, truy tố lớn khác trong vụ "Chiến dịch Búa tạ", xét xử hàng trăm sĩ quan quân đội, nhà báo và các chính trị gia thế tục với cáo buộc tương tự. Trước biến cố này, tư lệnh lục quân, hải quân và không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin từ chức đồng loạt để phản đối.
Các nhà phê bình cáo buộc ông Erdogan lợi dụng quyền lực trong hệ thống tư pháp để bịt miệng các đối thủ chính trị, và cho rằng nhiều sĩ quan quân đội, chính trị gia bị vu khống. Thế nhưng những người ủng hộ ông lại hoan nghênh chính sách này, vì đã "sờ gáy" cả những quan chức trước đây được coi là "bất khả xâm phạm", những người tự coi mình là rường cột quốc gia.
Các chuyên gia phân tích cho rằng cuộc đảo chính vừa diễn ra chỉ là hành động bột phát của một nhóm nhỏ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, không nhận được sự ủng hộ của các chính trị gia thế tục, các tướng lĩnh quân đội khác và cả dân chúng.
Theo Vox, khi cuộc đảo chính xảy ra, Erdogan vẫn có thể "tung hoành", có thể kết nối với báo chí, kêu gọi được hàng ngàn người ủng hộ xuống đường. Lệnh giới nghiêm, thiết quân luật không được thực hiện. Cảnh sát, lực lượng trung thành với Erdogan, sẵn sàng đối đầu với quân đội.
Điều đó lý giải việc người dân đổ ra đường chặn xe tăng, mạt sát chỉ huy đảo chính, và thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với ông Erdogan. Một đoạn video được đăng trên Twitter cho thấy dân thường đã tràn vào văn phòng CNN ở Thổ Nhĩ Kỳ, bắt giữ và đánh đập các binh sĩ tham gia đảo chính.
Tổng thống Erdogan phát biểu sau cuộc đảo chính. Ảnh: Reuters
Chính sách đối ngoại và đối nội của ông Erdogan vấp phải sự phản đối của nhiều chính trị gia theo đường lối thế tục và ôn hòa, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ ủng hộ một cuộc đảo chính chống lại tổng thống được dân bầu. Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa quên thời kỳ bất ổn về chính trị và kinh tế sau những cuộc đảo chính quân sự trước đây, và họ không hề muốn điều đó lặp lại.
"Cuộc đảo chính này chỉ là sản phẩm của sự chia rẽ Hồi giáo bên trong quân đội, và việc lợi dụng chia rẽ đó không phải là yếu tố đảm bảo sự thành công của một cuộc đảo chính", Stratfor nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Đảo chính là món quà từ Thượng đế Tổng thống Tayyip Erdogan gọi cuộc đảo chính là "món quà từ Thượng đế" vì nó giúp Thổ Nhĩ Kỳ thanh lọc quân đội. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sáng nay phát biểu về âm mưu đảo chính của một nhóm trong quân đội. Ảnh: Reuters Theo RT, ông Recep Tayyip Erdogan phát biểu về âm mưu đảo chính sau...