4 kịch bản có thể xảy ra với Tổng thống Hàn Quốc sau lệnh thiết quân luật
Sự nghiệp chính trị của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trở nên bấp bênh sau khi ông bất ngờ ban bố lệnh thiết quân luật gây tranh cãi hồi đầu tuần.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (Ảnh: AFP).
Các đảng đối lập Hàn Quốc hôm 4/12 đã trình quốc hội nước này bản kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol với cáo buộc “phản quốc”. Quốc hội dự kiến bỏ phiếu về kiến nghị này vào tối 7/12 theo giờ địa phương.
Hiến pháp Hàn Quốc bảo vệ tổng thống khỏi các vụ kiện dân sự và cáo buộc hình sự trừ khi họ bị kết tội phản quốc.
Báo Korea Herald đã phân tích 4 kịch bản có thể xảy ra sau phiên bỏ phiếu của quốc hội Hàn Quốc dự kiến vào 19h ngày 7/12 tới.
Nếu bản kiến nghị luận tội được thông qua
Bản kiến nghị luận tội tổng thống cần ít nhất 200 trong số 300 thành viên quốc hội bỏ phiếu ủng hộ để chuyển đến Tòa án Hiến pháp, nơi có thẩm quyền ra phán quyết.
Tiêu chuẩn này cao hơn so với yêu cầu số phiếu ủng hộ tối thiểu trong trường hợp đề nghị luận tội đối với các quan chức khác. Trường hợp khác chỉ cần số phiếu quá bán.
Nếu kiến nghị được thông qua, Tổng thống Yoon sẽ ngay lập tức bị đình chỉ chức vụ theo hiến pháp và Thủ tướng Han Duck-soo sẽ tạm đảm nhận vai trò lãnh đạo đất nước trong thời gian xét xử.
Tòa án Hiến pháp sau đó sẽ mở phiên tòa để ra phán quyết liệu có giữ nguyên quyết định của quốc hội hay không. Để ra phán quyết luận tội Tổng thống, bản kiến nghị cần được sự ủng hộ của ít nhất 6 trong 9 thẩm phán.
Hiện tại, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc chỉ có 6 thẩm phán do quốc hội vẫn chưa bầu được người kế nhiệm thay thế 3 thẩm phán vừa nghỉ hưu.
Một đại diện của tòa án cho biết, phiên tòa có thể được tiến hành với 6 thẩm phán hiện có, nhưng “cần phải thảo luận thêm” liệu tòa án có thể đưa ra phán quyết theo tình trạng hiện tại hay không.
Video đang HOT
Cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày nếu tòa án quyết định luận tội Tổng thống Yoon.
Theo nhà bình luận chính trị Park Sang-byeong, việc Tổng thống Yoon bị luận tội sẽ là trường hợp xấu nhất đối với phe bảo thủ vì nó sẽ dẫn đến việc lãnh đạo phe đối lập chính Lee Jae-myung ra tranh cử tổng thống ngay lập tức.
Đây là một kịch bản mà lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền (PPP) Han Dong-hoon muốn tránh vào lúc này.
Hiện tại vẫn chưa biết có bao nhiêu nhà lập pháp đảng cầm quyền sẽ bỏ phiếu ủng hộ đề nghị luận tội Tổng thống Yoon.
Tuy nhiên, ông Han nhắc lại lập trường của đảng là “nỗ lực ngăn chặn việc thông qua đề nghị luận tội Tổng thống Yoon” trong phiên họp toàn thể sắp tới. Đồng thời, ông nhấn mạnh Tổng thống phải rời bỏ đảng cầm quyền PPP.
Nếu bản kiến nghị luận tội không được thông qua
Nếu quốc hội không thông qua bản kiến nghị luận tội, đảng Dân chủ đối lập có thể sẽ đệ trình dự luật luận tội lần hai.
Điều này sẽ khởi động một quá trình đau đớn khác cho Tổng thống Yoon, vì phe đối lập chính có thể thông qua nhiều dự luật nhắm vào ông cũng như Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee và các trợ lý của ông cùng một lúc.
Nếu Tổng thống từ chức
Kịch bản Tổng thống Yoon từ chức có lẽ là tốt nhất cho đảng cầm quyền.
Luật quy định rằng nếu một tổng thống từ chức, một cuộc bầu cử mới cũng sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày. Điều này không chỉ tạo đòn bẩy cho lãnh đạo đảng đối lập Lee Jae-myung mà còn là cơ hội để phe bảo thủ cầm quyền lấy lại niềm tin của cử tri.
“Việc từ chức có thể là kịch bản tốt nhất đối với ông Yoon, kịch bản đó sẽ giúp PPP tạo ra một câu chuyện tích cực hơn xung quanh sắc lệnh thiết quân luật của ông ấy, giúp PPP lấy lại niềm tin của người dân”, nhà bình luận chính trị Park Sang-byeong phân tích.
Cải cách hiến pháp về nhiệm kỳ tổng thống
Phe đối lập đã liên tục đề xuất ý tưởng sửa đổi hiến pháp để rút ngắn giới hạn nhiệm kỳ tổng thống. Ý tưởng xoay quanh việc cho phép các tổng thống phục vụ nhiệm kỳ thứ hai, đồng thời rút ngắn thời gian của một nhiệm kỳ từ 5 năm xuống 4 năm. Điều đó có nghĩa là thời gian tối đa mà một người có thể làm tổng thống là 8 năm.
Nếu cải cách được thực hiện thì nhiệm kỳ tổng thống hiện tại của ông Yoon sẽ kết thúc vào tháng 5/2026 thay vì tháng 5/2027. Ông sẽ phải tranh cử tổng thống trong một cuộc tái tranh cử.
40 phút nội các nỗ lực ngăn cản Tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật
Trước khi Tổng thống Yoon Suk-yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật, nội các Hàn Quốc đã họp bí mật và cố thuyết phục ông Yoon không làm việc này.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (Ảnh: Reuters).
Korea JoongAng Daily đưa tin, vào ngày 3/12, các thành viên nội các Hàn Quốc đã được triệu tập gấp để họp bí mật vào trước thời điểm Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật. Phần lớn các quan chức tham gia đều không biết trước nội dung cuộc họp.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun là thành viên Nội các duy nhất biết trước về quyết định ban bố thiết quân luật của ông Yoon vào tối ngày 3/12. Ông Kim đã từ chức sau khi sắc lệnh thiết quân luật bị rút lại.
Cuộc họp nội các diễn ra từ 21h-21h40 tại phòng họp của Văn phòng Tổng thống, ngay trước khi ông Yoon tuyên bố trên truyền hình.
Trong số những trợ lý thân cận tại Văn phòng Tổng thống, không có ai ngoại trừ một số ít người được chọn tham gia vào công tác an ninh của Tổng thống biết về quyết định ban bố thiết quân luật của ông Yoon.
Hầu hết các bộ trưởng tham dự cuộc họp được cho là chỉ biết về chương trình nghị sự khi đến địa điểm họp. Quá trình này được tiến hành trong bí mật.
Điều 77 của Hiến pháp trao cho tổng thống quyền tuyên bố thiết quân luật, tùy thuộc vào sự xem xét của nội các.
Vào khoảng 20h, khoảng một giờ trước cuộc họp, Thủ tướng Han Duck-soo đã đến văn phòng tổng thống và bày tỏ sự phản đối đối với động thái này, cho rằng nó có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Ông Han chỉ ra những lo ngại như biến động tỷ giá hối đoái và sự suy giảm uy tín quốc tế. Mặc dù vậy, Thủ tướng đã không thuyết phục được ông Yoon.
Sau đó, ông Yoon triệu tập các bộ trưởng đến văn phòng tổng thống. Khi số lượng tối thiểu hơn một nửa Nội các - tức là 11 thành viên - có mặt để thực hiện nhanh chóng tuyên bố thiết quân luật, cuộc họp bắt đầu.
Theo cuộc điều tra của JoongAng Ilbo, những người tham dự bao gồm ông Yoon, Thủ tướng Han, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok, Bộ trưởng Ngoại giao Cho Tae-yul, Bộ trưởng Thống nhất Kim Yung-ho, Bộ trưởng Tư pháp Park Sung-jae, Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang-min, Bộ trưởng Nông nghiệp Song Mi-ryung, Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong và Bộ trưởng Doanh nghiệp vừa và nhỏ Oh Young-ju.
Ngoài ông Han, Phó Thủ tướng Choi và Bộ trưởng Ngoại giao Cho được cho là đã phản đối mạnh mẽ việc ban bố thiết quân luật, viện dẫn tác động tiềm tàng của nó đối với nền kinh tế và quan hệ đối ngoại.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong cuộc họp nhằm thay đổi suy nghĩ của ông Yoon, nhưng những nỗ lực này đều không thành công. Rất ít bộ trưởng đồng ý với việc ban hành thiết quân luật.
Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong cho biết trong cuộc họp của ủy ban y tế và phúc lợi của Quốc hội vào ngày 5/12 rằng ông "không đồng ý với tuyên bố thiết quân luật" của ông Yoon.
Khi được nghị sĩ Kim Sun-min hỏi rằng liệu ông có đồng ý rằng tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon là "bất hợp pháp và vi hiến" hay không, ông Cho trả lời "có" mà không giải thích thêm.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Cho Tae-yong, người không phải là thành viên nội các, cũng có mặt và được cho là đã phản đối động thái của ông Yoon.
Ông Yoon được cho là đã nói với các bộ trưởng rằng thiết quân luật là lá bài cuối cùng để đối phó với các động thái của đảng Dân chủ đối lập, bên đang nắm giữ nhiều ghế nhất trong quốc hội.
Tổng thống nhấn mạnh rằng tuyên bố này là hành động thực thi hợp pháp thẩm quyền của tổng thống theo Hiến pháp và nói thêm rằng: "Tôi sẽ chịu trách nhiệm". Ông duy trì lập trường cứng rắn bất chấp các nỗ lực thuyết phục.
"Cuộc họp được tiến hành trong bầu không khí rất nghiêm túc. Mặc dù một số bộ trưởng phản đối, nhưng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ khi tổng thống yêu cầu", một quan chức của đảng cầm quyền PPP cho biết.
Tuyên bố thiết quân luật đã được tiến hành theo đúng kế hoạch, được ông Yoon và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim ủng hộ mạnh mẽ.
Hiến pháp và Đạo luật thiết quân luật yêu cầu tổng thống phải có sự xem xét của Nội các trước khi tuyên bố thiết quân luật. Tuy nhiên, vì không có điều khoản nào yêu cầu phải bỏ phiếu trong cuộc họp nên không có cuộc bỏ phiếu chính thức nào diễn ra vào ngày hôm đó.
"Đánh giá của Nội các không có hiệu lực ràng buộc, vì vậy ngay cả khi một cuộc bỏ phiếu được tiến hành, nó cũng không ngăn cản được việc ông Yoon phát đi tuyên bố", một quan chức cấp cao của PPP cho biết.
Sau đó, ông Yoon đã ban bố thiết quân luật lúc 22h23, ngay sau cuộc họp. Vào 1h ngày 4/12, Quốc hội thông qua nghị quyết bác bỏ động thái của ông Yoon.
Một cuộc họp nội các khác được triệu tập lúc 4h30 sáng để phê chuẩn việc chấm dứt thiết quân luật 6 giờ sau khi ban bố. Theo những người trong đảng PPP, Thủ tướng Han và một số bộ trưởng đã thuyết phục ông Yoon đảo ngược quyết định của mình.
Trung Quốc lên tiếng về khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc Trung Quốc đã từ chối đưa ra lập trường về cuộc khủng hoảng chính trị tại nước láng giềng Hàn Quốc, cho rằng tình hình này là vấn đề nội bộ của Hàn Quốc. Phát biểu trước các phóng viên tại một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 5/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiếm, cho biết...