4 điều cần làm để tránh “bóp nghẹt” hôn nhân
Phụ nữ thông minh hiểu rõ rằng sự kiểm soát sẽ chỉ càng bóp nghẹt tình yêu và lòng tin trong hôn nhân.
Sau khi kết hôn càng lâu, phụ nữ sẽ càng lo lắng về những điều được và mất trong hôn nhân. Một mặt do nhan sắc họ sẽ phai tàn theo thời gian, tuổi trẻ không còn. Mặt khác, chồng càng có sự nghiệp thành đạt, càng thành công thì phụ nữ lại càn mang tâm lý căng thẳng.
Nghi ngờ về sức hấp dẫn của bản thân sẽ khiến phụ nữ mất đi cảm giác an toàn để đảm bảo sự chung thủy của chồng. Họ sẽ nảy sinh mong muốn kiểm soát mọi thứ từ anh ấy.
Thực tế, phụ nữ càng kiểm soát sẽ càng khiến đàn ông phản cảm. Làm gì cũng nên có mức độ nhất định bởi bạn càng kiểm soát chồng, anh ấy sẽ chỉ càng thấy ngột ngạt thôi.
Trong quan hệ vợ chồng, phụ nữ thông minh sẽ kiên định với 4 điều khôn ngoan sau để nắm giữ trái tim người ấy.
1. Không kiểm soát vòng tròn xã hội của chồng
Dù thế nào đi chăng nữa, hôn nhân cũng chỉ là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Tình cảm vợ chồng dù có tốt đẹp đến thế nào thì cũng không thể 24 giờ mỗi ngày ở bên nhau chẳng tách rời.
Đặc biệt đối với nam giới, ngoài việc chăm sóc gia đình, họ còn có sự nghiệp, xây dựng mạng lưới quan hệ của bản thân. Việc giao lưu hay có những bữa tiệc bên ngoài là điều tất yếu. Một số phụ nữ lại thích ghen, khi chồng ra ngoài giao lưu thì thúc giục, nếu chồng tán gẫu với đồng nghiệp khác giới lại tức giận.
Không chỉ thế, một số phụ nữ quá đáng hơn còn lén lút xóa kết bạn với những ai khác giới khỏi tài khoản của chồng. Những kiểu kiểm soát thái quá này không khiến đàn ông chấp nhận tình yêu của bạn mà còn làm cho anh ấy thấy bạn quá đa nghi và vô lý.
Một phụ nữ thông minh sẽ không kiểm soát quá mức mối quan hệ xã hội của chồng. Họ để anh ấy có không gian phát triển, có tự do riêng. Họ rõ ràng rằng anh ấy có yêu bạn hay không hay thậm chí có mối quan hệ ngoài luồng hay không chẳng liên quan gì đến chuyện xã giao hay mối quan hệ xã hội cả. Một người chồng đã có tính xấu thì dù có kè kè kiểm soát cũng sẽ có cách “lách” ra ngoài.
Ảnh minh họa.
2. Không kiểm soát thời gian rảnh của chồng
Kết hôn càng lâu, phụ nữ càng khao khát được chồng ở bên cạnh nhiều hơn. Thậm chí nhiều chị em còn cho rằng nếu như chồng sẵn sàng bảo vệ mình từng bước thì mới là cách tốt nhất để anh ấy thể hiện tấm chân tình.
Tuy nhiên, đàn ông cũng giống như phụ nữ, họ cũng cần thời gian rảnh rỗi để xem tivi, chơi game, chơi thể thao, tán gẫu với bạn bè.
Bạn cứ đòi kiểm soát nó, yêu cầu chồng ở bên cạnh mọi lúc mọi nơi khi rảnh rỗi thì sẽ mang đến tác dụng ngược. Ông chồng cảm thấy quá bức bí, chuyện cãi vã chỉ còn là sớm muộn.
Vợ chồng cần yêu thương nhau nhưng trước hết phải tôn trọng nhau đã. Phụ nữ thông minh sẽ chẳng đeo bám và kiểm soát thời gian rảnh rỗi của chồng, họ sẽ biết giữ khoảng cách, tôn trọng đối phương và chẳng bao giờ kè kè 100% bên anh ấy.
Video đang HOT
3. Không kiểm soát đời sống cá nhân của chồng
Vợ chồng dù yêu thương đến đâu thì cũng nên biết cách tôn trọng đời tư cá nhân của đối phương. Điều đó không chỉ thể hiện sự tôn trọng mà còn nói lên rằng bạn hoàn toàn tin tưởng anh ấy.
Nhưng một số phụ nữ không hiểu điều đó. Họ lo lắng nhiều đến cái được và mất trong hôn nhân suốt một thời gian dài. Bởi vậy, họ lén lút kiểm soát mạng xã hội, lén lút xem xét ví của chồng. Họ dò xét, hỏi han quá sâu quá chi tiết về anh ấy kể cả trong hiện tại lẫn quá khứ.
Phụ nữ nên hiểu rằng hôn nhân đâu phải là một vở kịch gián điệp, làm gì có quá nhiều điều che giấu hay thâm cung bí sử. Xâm phạm đời tư cá nhân của chồng nhiều sẽ chỉ khiến cho lòng tin giữa cả hai sụp đổ. Tình cảm vợ chồng không bao giờ được bền vững như xưa đâu.
Phụ nữ thông minh sẽ chẳng bao giờ đụng đến điện thoại đọc tin nhắn hay lén lút lục tìm trên mạng xã hội của chồng. Họ chọn tin tưởng chồng như một cách thể hiện cho sự bền chặt của tình cảm giữa hai bên.
Ảnh minh họa.
4. Không kiểm soát sở thích của đàn ông
Ai mà chẳng có sở thích riêng. Nó có thể không mang lại lợi ích kinh tế nhưng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống cá nhân của chúng ta.
Nhưng một số chị em lại coi sở thích của chồng là tốn tiền, mất trí, cảm thấy nó vô nghĩa và mất thời gian. Thậm chí phụ nữ còn tìm cách để ngăn cản sở thích của chồng mình. Điều đó thể hiện rằng bạn không tâm lý, thấu hiểu và không tôn trọng.
Phụ nữ thông minh thoải mái có chừng mực với những sở thích của chồng. Đôi khi, họ còn khiến cho anh ấy tỉ tê tâm sự, nói chuyện với họ về những sở thích đó.
Bạn nên nhớ rằng, nếu mình không tôn trọng sở thích của đàn ông thì làm sao mà mong anh ấy tôn trọng bạn từ tận đáy lòng được. Càng kiểm soát sẽ chỉ khiến chồng bạn chán ngán hơn mà thôi.
Phụ nữ nên hiểu rằng hôn nhân không phải nhà tù, không có nghĩa phải ràng buộc, hạn chế nhau đến hết cuộc đời. Hãy yêu thương, tin tưởng, tôn trọng và đừng kìm kẹp nhau một cách quá đáng nhé!
Bám lấy đời nhau vì sợ ly hôn
Khi đã "chốt" là không ly hôn, người ta thường có xu hướng chấp nhận, sống lay lắt và không nỗ lực giải quyết vấn đề.
Giữ hôn nhân luôn là một "mệnh lệnh" để người ta cố gắng, hoàn thiện bản thân, bảo vệ không gian tinh thần cho vợ chồng, con cái. Thế nhưng, cũng có khi, "giữ hôn nhân" trở thành một lệnh sai khiến người trong cuộc vật vã một đoạn đời dài.
Đến nỗi gì mà thành mẹ đơn thân?
Đó là suy nghĩ khiến chị Võ Ngọc Lan (sinh năm 1985, nhân viên 1 công ty dịch vụ giải trí) níu giữ gia đình gần 5 năm qua. Chồng chị là người tốt, yêu vợ. Thế nhưng, cưới nhau được 1 năm thì anh bộc lộ thói ghen tuông vô lý. Ban đầu, chị Lan phải theo sát và giải thích từng chút để mong anh tin tưởng. Dần dần, chị phải từ chối hầu hết những cuộc gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, thu hẹp mối quan hệ để tránh xung đột vợ chồng.
Vậy nhưng chị vẫn không tránh được những lúc anh xông vào tận văn phòng làm việc, hay bất ngờ xuất hiện giữa tiệc cơ quan chị để... kiểm tra và gây rối.
Có lần, chị về quê Long An dự đám tang cô bạn thân. Vừa quay về đến bến xe ở Sài Gòn, chị đã thấy chồng đứng chờ sẵn. Anh chở thẳng chị lên cầu Sài Gòn, tấp lên vỉa hè đứng... giáo huấn. Nội dung giáo huấn xuất phát từ việc anh biết chị liên lạc với 1 bạn học nam trước khi về quê, và gặp gỡ anh này trong đám tang. Rồi anh đặt những câu hỏi đầy xúc phạm, đưa ra những nghi vấn giường chiếu với bao hình ảnh thô tục mà anh tưởng tượng về chuyến đi của chị.
Đó là lần đầu tiên chị Lan nghĩ đến việc ly hôn, dù khi đó chị đang buồn vì vừa mất bạn. Suốt 2 tiếng đồng hồ bị "giam cầm" trên vỉa hè, chị thấy cuộc sống như địa ngục và cần phải trốn chạy. Thế nhưng, chuyện qua đi, chị lại thả mình lơ lửng trên dòng chảy cuộc đời do chồng điều khiển. Anh chồng ngày càng vô lý, hay nói năng, hành động thô lỗ trước mặt con.
Nghĩ đến ly hôn, chị lại gạt đi với lý lẽ: Có đến nỗi gì đâu mà phải làm mẹ đơn thân? Chị sợ làm "phụ nữ không chồng". Nhưng lý lẽ ấy không giúp chị vượt qua những sang chấn tâm lý, tổn thương tinh thần. Chị dần rơi vào mất ngủ kéo dài, rối loạn lo âu vì luôn phải sống trong thấp thỏm và sợ hãi chồng sẽ bất ngờ xông đến, gây rối hoặc làm mình bẽ mặt...
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Tiếc nuối quá khứ tươi đẹp
Vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Diệp (sinh năm 1978, chủ tiệm may ở quận 8, TPHCM) vốn là cặp đôi hoàn hảo vì có ngoại hình đẹp, lại luôn tình tứ, chăm sóc nhau.
Khi đi chụp hình cưới, thợ ảnh ở quê anh cứ khen anh chị đẹp đôi và nhiệt tình hỗ trợ để tạo ra 1 "siêu phẩm". Chụp ảnh xong, anh chủ tiệm còn xin phép được rửa tấm hình đẹp nhất đem treo trước tiệm để quảng cáo.
Đến bây giờ, tấm ảnh cưới của anh chị vẫn được trưng trước tiệm ảnh ở quê anh. Nhưng tình cảm của cả hai thì đã khác.
Hôn nhân bước vào năm thứ 5, anh đã sa vào lưới tình của cô đồng nghiệp. Tất nhiên, anh hứa với chị sẽ từ bỏ và anh bỏ thật. Nhưng sau đó không lâu, chị lại phát hiện anh có người tình mới. Hôn nhân từ đó là cuộc "rượt bắt" giữa chị và chồng. Anh không ngừng "cặp bồ", và hễ vợ phát hiện, anh lại xoa dịu chị bằng việc chia tay người tình. Rồi mọi chuyện lặp lại.
Giai đoạn đầu, chị Ngọc Diệp cũng bị mù quáng bởi quan điểm của hội chị em: "Đàn ông chơi bời nhưng không bỏ vợ là được". Rồi chị dần nhận ra, anh sẽ không bao giờ thay đổi, và mình không thể sống với 1 người chồng có sở thích phiêu lưu tình cảm. Chị dần chán nản và rã rời trong cuộc hôn nhân. Chị tìm đến những kỷ niệm xưa. Gặp bạn bè, chị kể luôn miệng về những ngày cũ. Cái bóng hoàn hảo từ quá khứ khiến chị không tâm sự nỗi sầu với ai.
Thấy chị mệt mỏi "không rõ nguyên nhân", đứa em gái mua cho chị 1 chuyến du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, rèn luyện sức khỏe tinh thần. Tại đó, chị mới trút bầu tâm sự với những người bạn mới quen, nhưng những lời chia sẻ của họ khiến chị suy nghĩ. Mọi người nói chị đang làm nô lệ cho quá khứ, cho hình ảnh đẹp đã tan tành từ lâu, nên chị không dám đứng lên, không dám thoát ra bi kịch.
Ảnh mang tính minh họa - Drazen Zigic
Sợ mất ngôi "chính thất"
Cũng có chồng ngoại tình, nhưng chị Lê Hồng Thắm (sinh năm 1989, nhân viên văn phòng 1 cơ quan nhà nước ở quận 3, TPHCM) thì trái ngược chị Ngọc Diệp. Chị không có quá khứ quá tròn trịa để tiếc nuối, nhưng chị rất sợ tương lai nếu mình buông tay thì "người thứ ba" sẽ vào vai "chính thất".
Chồng chị Thắm là nhân viên sale ô tô giỏi nghề. Khi anh kiếm được nhiều tiền, cuộc sống gia đình tốt dần lên thì chị phát hiện mối quan hệ giữa anh và người tình đã kéo dài nhiều năm, tình cảm rất sâu đậm.
Chuyện vỡ lở cách đây 7 năm, và chị Thắm bao lần tưởng đã vượt khỏi tai ách. Đó là những lần anh thề độc rằng đã chấm dứt và toàn tâm quay về với vợ. Những lần đó anh đi về đúng giờ, sử dụng thời gian rất nghiêm ngặt và có trách nhiệm với vợ con. Nhưng vì là nhân viên sale, anh có cả một ngày trời "linh hoạt thời gian" cho người tình. Họ rút vào hoạt động bí mật, và việc gặp gỡ càng lúc càng tinh vi.
Mỗi lần phát hiện chồng vẫn qua lại với người tình, chị Thắm lại sốc. Chị không hề bớt sốc qua thời gian, mà còn kiệt quệ hơn, mòn mỏi hơn. Dần dà, chị nhận ra mình không còn tình cảm với chồng, thay vào đó chỉ là cảm giác uất hận, ghét bỏ.
Khi không còn hy vọng dẹp bỏ cuộc tình sai trái kia, chị phơi bày câu chuyện trên mạng xã hội, nhận được rất nhiều thái độ ủng hộ đánh ghen, lăng nhục tình địch, và một vài lời khuyên bỏ chồng. Nhưng chị tuyên bố sẽ luôn giữ hôn nhân, "để người thứ ba mãi mãi chỉ là kẻ bên lề, và đến chết vẫn phải là ma không chồng".
Tự kết án chung thân
Dường như, điều mà 3 người phụ nữ này đang đánh đổi cuộc đời mình để giữ lấy không phải là hôn nhân. Chị Ngọc Lan giữ hình ảnh "có đôi" rất mơ hồ chỉ vì không chấp nhận nỗi sợ "đơn thân". Chị Ngọc Diệp giữ niềm tự hào huyễn hoặc từ quá khứ. Còn chị Hồng Thắm thì đánh đổi cuộc đời mình vì muốn giữ "ngôi chính thất", và tệ hơn là giữ "ngôi", chỉ để người phụ nữ khác phải sống không danh phận. Không ai hạnh phúc trong những cuộc hôn nhân đó, trong gia đình đó, kể cả những đứa trẻ.
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Trong hàng ngàn ca tư vấn ở phòng Hạnh Dung của Báo Phụ nữ TPHCM, chúng tôi rất hiếm khi đưa ra lời khuyên ly hôn với bạn đọc. Nhưng chúng tôi cũng không ấn xuống bạn đọc cái nguyên tắc "không bao giờ ly hôn". Giữ hôn nhân luôn là điều nên làm, nhưng đem tuyên bố "không bao giờ ly hôn" để án ngữ trước cuộc hôn nhân, là tự chôn đời mình.
Thông thường, khi hôn nhân bế tắc, người ta sẽ đứng trước quyết định ly hôn hay không ly hôn. Nhưng chuyện giải thoát khỏi bi kịch hôn nhân không chỉ xoay quanh chuyện ly hôn. Mọi bi kịch cần được giải quyết từ chính nó, với những vấn đề cần kiểm tra lại, những mối gắn bó cần xem xét, sửa chữa dần để tiến tới 1 cuộc "chữa lành" toàn diện.
Hành trình đó, nói thì dễ, nhưng nó luôn bao gồm những cơn tuyệt vọng, đau khổ, những lần phải dũng cảm đối diện và bền bỉ đến cùng với những điều mình tin là đúng, là xứng đáng. Người phụ nữ cần tin rằng mình xứng đáng được sống trong tin tưởng của bạn đời, để kiên quyết phản kháng với sự lăng mạ, nghi ngờ và xúc phạm riêng tư. Họ cũng cần tin rằng mình xứng đáng được sống với người chồng chung thủy, để đấu tranh đến cùng với sự lừa dối của bạn đời.
Như vậy, câu chuyện của chị Diệp, chị Thắm hay chị Lan không còn là "có ly hôn hay không", mà là từng câu chuyện rất riêng rẽ cần phải đối diện và giải quyết gốc rễ. Ly hôn hay không ly hôn, là điều sẽ đến sau.
Người trong cuộc phải trả lời liệu mình có nên ở lại cuộc hôn nhân này, giữa 2 người có còn sự gắn kết, sự đồng lòng và sự chung thủy hay không, rằng từng người có hạnh phúc hay không...?
"Kiên quyết không ly hôn" đôi khi chính là án chung thân, nhốt đời người vào những sai lệch, trái khoáy. Bởi khi đã "chốt" là không ly hôn, người ta thường có xu hướng chấp nhận, sống lay lắt và không nỗ lực giải quyết vấn đề.
Cuối cùng, hôn nhân luôn đáng giá, nhưng đôi khi, người ta phải dám xé bỏ những lớp vỏ "ngụy hôn nhân" để đến được với phiên bản đích thực của hôn nhân.
Ấn Độ: Những phụ nữ tự hào vì là người độc thân Ở một đất nước thường được mô tả là "ám ảnh bởi hôn nhân" như Ấn Độ, ngày càng nhiều phụ nữ đang vượt qua kỳ thị độc thân, góa bụa hoặc ly dị. Họ tự hào vì là người độc thân. Ảnh minh họa Theo truyền thống, trẻ em gái ở Ấn Độ được nuôi dạy để trở thành những người vợ,...