4 biến tấu của bánh bột lọc
Qua bàn tay của người cố đô, bánh bột lọc có nhiều biến tấu hấp dẫn thực khách.
Ẩm thực Huế nổi tiếng với các món ăn phong phú, đặc biệt là các loại bánh như bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc… Mỗi món ăn đều mang hương vị riêng, cách ăn cũng khác nhau. Đặc biệt với món bánh bột lọc, người Huế lại có nhiều cách biến tấu để tạo ra món mới, khiến thực khách không thấy nhàm chán.
Du khách đến Huế dễ dàng bắt gặp hình ảnh các mệ, các dì ngồi bán bánh lọc trần ở vỉa hè. “Đồ nghề” của họ rất đơn giản, chỉ gồm một rổ gia vị và một âu bánh bột lọc. Bánh bột lọc trần có hai loại nhân: nhân tôm và nhân đậu xanh. Bánh ăn cùng nước mắm ngọt, một ít hành phi, rau mùi, tóp mỡ, và ớt chưng.
Du khách có thể thêm chả nếu thích, mỗi đĩa bánh có giá từ 10.000 – 15.000 đồng. Một số địa chỉ gợi ý là bánh lọc Dì Huệ (91 Đặng Huy Trứ), bánh lọc trần ở vỉa hè Cung An Định (179 Phan Đình Phùng)…
Bánh được phục vụ rất nhanh, người bán hàng thoăn thoắt nêm nếm các gia vị đựng trong chai đã chuẩn bị sẵn để phục vụ thực khách. Ảnh: Ngân Dương.
Video đang HOT
Bánh lọc chiên là biến thể của bánh lọc trần nhân tôm. Sau khi cho nhân tôm vào bột bánh và tạo hình, người bán sẽ chiên bánh trong chảo ngập dầu, thay vì hấp lên như bánh lọc trần. Thành phẩm là những chiếc bánh nhỏ màu trắng đục, giòn tan và béo ngậy. Bánh lọc chiên được ăn kèm tương ớt hoặc nước mắm ngọt ớt bột. Du khách có thể ghé quán bánh lọc chiên ở 134 Thạch Hãn, hoặc quán cạnh trường tiểu học Quang Trung trên đường Nguyễn Huệ.
Bánh lọc chiên là món ăn vặt được các học sinh, sinh viên Huế ưa thích khi tan trường vì giá rẻ, chỉ 5.000 – 10.000 đồng. Ảnh: Ngân Dương.
Đây là món ăn nổi tiếng và đặc trưng nhất của ẩm thực Huế. Cũng như các món bánh lọc kể trên, bánh lọc gói làm từ bột năng (tinh bột sắn) với nhân tôm rim và một miếng thịt mỡ để làm bánh thơm và béo hơn. Bọc ngoài chiếc bánh thường là lá dong hoặc lá chuối, mùi thơm của lá cũng tác động đến hương vị của bánh sau khi hấp lên. Khi thực khách bóc phần lá xanh sẽ lộ ra chiếc bánh mềm dai, trong suốt và có thể nhìn rõ được nhân tôm thịt bên trong.
Người Huế thường ăn bánh lọc gói cùng nước mắm cốt nguyên chất, pha thêm chút cay nồng của ớt cao sản. Bánh lọc gói thường được bán trong các quán chuyên bánh đặc sản Huế, mỗi chiếc có giá khoảng 3.000 – 5.000 đồng tùy nơi. Một số địa chỉ gợi ý là bánh bèo bà Cư (23/177 Phan Đình Phùng), bánh bèo bà Đỏ (8 Nguyễn Bỉnh Khiêm)…
Du khách đến Huế cũng thường mua bánh bột lọc gói về làm quà. Bánh sống chưa hấp có thể bảo quản trong tủ đông 90 ngày. Ảnh: Ngân Dương.
Có cách làm tương tự như bánh bột lọc gói, song nhân của bánh lọc chay được làm từ đậu phụ, cà rốt và mộc nhĩ thay vì tôm và thịt. Nước chấm bánh là xì dầu và ớt tươi. Bánh bột lọc này thích hợp cho các thực khách ăn chay, thường được phục vụ tại các nhà hàng chay tại Huế. Một chiếc bánh lọc chay có giá 6.000 đồng, du khách có thể thưởng thức tại một số quán chay trên đường Nguyễn Công Trứ.
Lý giải tên gọi bánh khoái của người Huế
Có hình dáng hơi giống bánh xèo miền Nam nhưng bánh khoái Huế có cách ăn và tên gọi hoàn toàn khác.
Theo bà Mai Thị Trà, nghệ nhân ẩm thực Huế, người xưa dùng bếp củi để chế biến bánh khoái. Khi đổ bột vào chảo, khói bếp bốc lên nhiều, cay mắt nên người Huế gọi món ăn này là bánh khói. "Người Huế phát âm từ khói nghe như khoái, người ta đọc chệch rồi quen dần và có tên như bây giờ. Còn người miền Nam gọi là bánh xèo có lẽ vì khi đổ bột vào dầu nóng sẽ có tiếng xèo rất lớn", bà Trà cho hay.
Tương tự, bà Hạnh, chủ một quán bánh khoái lâu năm trên đường Phó Đức Chính (TP. Huế), cho biết: "Hồi xưa nhà tôi nấu bằng lò củi nên bếp lúc nào cũng đỏ lửa và nghi ngút khói, dần dần, món ăn nổi tiếng và trở thành đặc sản".
Thông thường, khách ngồi vào bàn, chủ quán mới bắc khuôn lên bếp để đổ bánh. Khuôn làm bằng gang, hình tròn, có tay cầm. Khi dầu sôi, bà đổ một lớp bột mỏng vào khuôn. Bánh vừa chín vàng thì thêm tôm, chả, thịt, trứng, giá vào một bên, lật phần bánh còn lại úp lên thành hình bán nguyệt.
"Bánh khoái vừa đổ xong sẽ được mang ra bàn cho khách nên còn nóng hổi, khi ăn bánh vẫn đang bốc khói (hơi), đây cũng có thể là lý do cho cái tên", bà Hạnh nói thêm.
Một chiếc bánh khoái có giá từ 20.000 - 30.000 đồng. Ảnh: Bảo Ngân
Nhiều người lại cho rằng chữ "khoái" có nghĩa là "khoái khẩu" vì thức quà vặt này ngon, thực khách hễ ăn hết một cái lại muốn gọi thêm cái nữa. Bánh khoái ăn cùng với nước lèo và rau sống. Bánh được cắt làm đôi, khách gắp một nửa bánh, cho vào bát con ăn cùng rau sống và nước lèo chứ không cuốn bánh tráng. Đây cũng là điểm khác biệt trong cách ăn giữa bánh khoái và bánh xèo.
Nước lèo làm từ bột, thịt nạc, gan heo băm nhỏ, vừng và lạc rang giã nhỏ, tương đậu nành... tất cả trộn lại rồi nấu chín đến khi đặc sánh, có màu vàng nâu, thơm và béo. Rau sống thường gồm xà lách, cải con, chuối chát, ớt đỏ, rau thơm và trái vả xắt lát mỏng.
Bánh khoái có nhân tôm, chả, thịt, trứng, giá. Ảnh: Bảo Ngân
"Từ bé tới giờ chưa biết lý do người ta gọi đây là bánh khoái, nhưng mình thấy rất ngon miệng khi ăn vặt vào buổi chiều, nhất là vào mùa đông, vì bánh luôn nóng hổi. Ăn xong lúc nào cũng thấy vui vẻ hơn. Mình cũng từng ăn bánh xèo nhưng vẫn thích bánh khoái hơn vì hương vị nước lèo không nơi nào có", Hoài Phương (21 tuổi), sống ở Huế, chia sẻ.
Muốn thử bánh khoái, bạn có thể ghé một số địa chỉ trong thành phố Huế như 110 Đinh Tiên Hoàng, 6 Đinh Tiên Hoàng, 11 Phó Đức Chính...
Huế: Nguồn gốc cái tên bánh xèo Nhiều người sẽ thắc mắc bánh khoái Huế có hình dáng hơi giống bánh xèo miền Nam nhưng cách ăn và tên gọi lại hoàn toàn khác nhau. Ảnh minh họa. https://dulich.petrotimes.vn/ Theo bà Mai Thị Trà, nghệ nhân ẩm thực Huế, người xưa dùng bếp củi để chế biến bánh khoái. Khi đổ bột vào chảo, khói bếp bốc lên nhiều, cay...