3T giữ gìn sức khỏe và cách ăn uống, nghỉ ngơi kích hoạt não bộ cho sĩ tử
Nền tảng sức khỏe tốt là một trong những yêu cầu quan trọng để thí sinh có thể ứng phó với những căng thẳng, lo lắng trong mùa thi.
Chế độ ăn đủ chất giúp thí sinh có nền tảng sức khỏe tốt để vững bước vào kỳ thi (Ảnh: IT)
Nguyên tắc 3T giúp bớt lo lắng
Tiến sĩ, Dược sĩ Nguyễn Quốc Hòa – Giảng viên Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tâm lý lo lắng là điều bình thường với cơ thể khi phải đối diện với áp lực, ở đây là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tâm lý lo lắng đôi khi cũng có lợi vì thôi thúc bản thân tích cực chuẩn bị tinh thần cho kỳ thi sắp tới.
Dù vậy, tâm lý lo lắng kéo dài có thể phản tác dụng, khiến cơ thể mệt mỏi, mất tập trung và giảm năng suất học tập.
Vấn đề cốt lõi ở đây là các em càng thiếu tự tin thì sẽ càng lo lắng (ví dụ, thiếu tự tin vì không nhớ bài, hiểu bài do học dồn trong thời gian ngắn).
Vì vậy, chiến lược quan trọng nhất là học sinh cần nâng cao sự tự tin bằng cách có kế hoạch học tập một cách khoa học, ôn tập từ sớm và hạn chế học dồn.
Việc đầu tiên cần làm là tính toán khoảng thời gian còn lại từ đây đến lúc thi, sau đó chia nhỏ khoảng này và đưa nội dung học tập vào theo từng giai đoạn, sao cho trước khi thi ít nhất 1-2 tuần các em đã tự tin với lượng kiến thức ôn tập.
Trong thời gian học bài, có một số điểm học sinh cần lưu ý để hỗ trợ việc học tốt hơn.
Khoảng thời gian tập trung học không nên kéo dài liên tục quá một tiếng mà nên nghỉ giữa giờ 5-10 phút.
Khi nghỉ giải lao, hạn chế nhìn vào màn hình máy tính hay điện thoại mà nên nghe nhạc, chợp mắt hoặc đi dạo.
Ôn tập với bạn bè đúng cách (như chơi đố vui) không những làm tăng hiệu quả học tập mà cũng làm góp phần giảm căng thẳng.
Ngoài ra, một số mẹo ghi nhớ từ bạn bè hoặc sách kỹ năng có thể giúp các em học ít mà nhớ lâu.
Sinh viên khoa dược – Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh tham gia hội thao truyền thống (Ảnh: NTCC)
Video đang HOT
Bên cạnh đó, nguyên tắc 3T có thể giúp học sinh bớt lo lắng trong lúc ôn tập.
Chữ “T” đầu tiên là “Thể dục- thể thao”, là phương pháp rất hữu hiệu để giải tỏa căng thẳng, đặc biệt với bất kỳ hoạt động nào các em thích, từ đá banh, chạy bộ, bơi lội, cho đến yoga, nhảy hiện đại hay múa.
Chữ “T” thứ hai là “Thực phẩm” vì dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp các em có thêm nguồn năng lượng tốt cho cơ thể.
Các thực phẩm lành mạnh như rau củ, trái cây, các loại hạt bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể, đặc biệt cho bộ não. Uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể cũng quan trọng vì sẽ giúp duy trì tốt hoạt động của cơ thể trong ngày.
Chữ “T” cuối cùng là “Tinh thần”. Học sinh nên luôn giữ tinh thần sảng khoái, ổn định bằng cách ngủ đủ giấc (6-8 tiếng/ngày), sắp xếp giờ học-giờ nghỉ hợp lý, có thời gian kết nối với mọi người, kể cả người thân trong gia đình.
Theo Dược sĩ Nguyễn Quốc Hòa: Trong mùa thi, học sinh sẽ dùng não bộ khá nhiều trong việc ghi nhớ, phân tích và xử lý thông tin.
Bên cạnh đó, tâm lý căng thẳng và các hoạt động giải tỏa stress cũng góp phần tiêu hao năng lượng trong ngày. Vì vậy, chế độ ăn uống khoa học rất quan trọng vì cung cấp chất dinh dưỡng có lợi và bổ sung đầy đủ năng lượng cho sĩ tử.
Về cơ bản, học sinh nên ăn uống đầy đủ chất (đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất) và đúng bữa như bình thường.
Các thực phẩm thức ăn nhanh chế biến sẵn như gà rán, thịt đóng hộp, hoặc thực phẩm nhiều đường như bánh ngọt, nước có ga… cần hạn chế tối đa vì có thể làm tăng tâm lý căng thẳng, tăng nguy cơ rối loạn lo âu và trầm cảm.
Các thực phẩm tươi như rau củ, trái cây cần được khuyến khích ăn vì cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể và não bộ.
Ngoài ra, việc bổ sung nước đầy đủ theo nhu cầu cơ thể rất quan trọng vì liên quan đến khả năng tập trung và hoạt động của não bộ.
Thuốc “bổ não”…đến từ chế độ ăn khoa học
Thực tế có một số thí sinh đã dùng các loại thuốc với mong muốn “bổ não” để giúp học thi. Tuy nhiên, theo Dược sĩ Nguyễn Quốc Hòa không có thuốc Tây nào có tác dụng “bổ não” thực sự. Trong những thuốc “điểm danh”, có những thuốc chỉ bổ sung vitamin khoáng chất, nhưng có những thuốc chỉ dùng cho những trường hợp bệnh lý về thần kinh.
Việc lạm dụng các thuốc này đôi khi lại phản tác dụng, gây tác dụng phụ, chẳng hạn như ban đầu tạo sự tỉnh táo, nhưng về lâu dài dẫn đến mất ngủ, cơ thể kiệt quệ và có thể dẫn đến những hệ lụy khác.
Một số vitamin khi bổ sung quá nhiều so với nhu cầu cũng dẫn đến các tác dụng phụ như tiêu chảy, mất ngủ, nhức đầu, thậm chí tổn thương cơ quan. Ngoài ra, một số thuốc hoặc thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc có thể chứa tạp chất, gây độc với cơ thể.
Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp thí sinh có được sức khỏe tốt để vượt qua kỳ thi (Ảnh: IT)
Thuốc “bổ não” thực sự lại đến từ chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng đạm, đường, béo, đặc biệt từ các loại rau củ, trái cây tươi và các loại hạt/đậu (như hạt điều, đậu phộng,…). Các thực phẩm có thể tốt cho não bộ như các loài cá béo (cá hồi, cá mòi), cam, bưởi, chuối, bí đỏ (kể cả hạt bí), các loại hạt (hạt điều, hạt óc chó), bông cải xanh,…
Ngoài ra, việc bổ sung nước đầy đủ theo nhu cầu cơ thể rất quan trọng. Bên cạnh đó, duy trì các bữa ăn trong ngày, ngủ đủ giấc và chế độ sinh hoạt học tập nghỉ ngơi khoa học cũng góp phần giảm stress và “tẩm bổ” cho não bộ.
Dưới đây là một số thực phẩm có lợi cho khả năng tập trung, ghi nhớ của học sinh:
Bơ hoặc trái cây có vị chua ngọt gồm cam, quýt, bưởi, dâu tây, việt quất: Thành phần trong các loại trái cây tươi này (gồm vitamin, chất chống oxi hóa) giúp tăng hoạt động và cải thiện chức năng của não bộ.
Rau củ có màu đỏ, xanh, vàng như ớt chuông, cà rốt, bông cải, bí đỏ, củ dền…: Các thực phẩm này bổ sung chất xơ, khoáng chất và vitamin, tốt cho sức khỏe toàn cơ thể, kể cả não bộ. Nhiều em không dám ăn bí vì sợ bị “bí” khi làm bài nhưng đừng vì tên gọi mà bỏ qua loại thực phẩm bổ dưỡng và có lợi cho não bộ này.
Các loại hạt (như hạt điều, hạt đậu phộng, hạt dẻ,…) và đậu (như đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh,…): Các loại thực phẩm này có chứa cả chất béo không bão hòa, vitamin E và kẽm giúp cải thiện sức khỏe tinh thần.
Trứng: Là thực phẩm rất phổ biến và chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho não bộ như vitamin B12, cholin và selen. Đừng vì sợ ăn “trứng ngỗng” mà bỏ qua loại thực phẩm tốt cho não bộ này.
Cá: Các loại cá béo như cá hồi, các basa, cá thu, cá mòi,… giàu chất béo không bão hòa như omega-3 và omega-6, là những chất tốt cho não bộ. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra thường xuyên ăn cá sẽ giúp cải thiện trí nhớ và sức khỏe của não bộ. Dù vậy, cần lưu ý hạn chế ăn cá biển ở tầng nước sâu vì có thể có thủy ngân hoặc chất ô nhiễm.
Các loại chất kích thích tỉnh táo như trà, cà phê có giúp cơ thể tỉnh táo trong ngày nhưng lạm dụng quá mức (như dùng buổi tối) sẽ làm cơ thể mệt mỏi, không có lợi cho việc học tập.
10 cách giúp mạch máu vận hành tốt
Duy trì tuần hoàn máu tốt là một trong những nền tảng quan trọng nhất để giữ gìn sức khỏe.
Quản lý huyết áp giúp máu vận hành tốt hơn - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Tiến sĩ Vincent Varghese, bác sĩ can thiệp tim tại Trung tâm Tim và Phổi Deborah ở New Jersey (Mỹ) cho biết: "Hệ tuần hoàn của cơ thể cung cấp oxy và chất dinh dưỡng quan trọng đến tất cả các cơ và cơ quan của chúng ta. Khi mảng bám hoặc tắc nghẽn động mạch, lưu lượng máu bình thường bị cản trở và có thể tàn phá các cơ quan nội tạng gây đau tim, đột quỵ hoặc thậm chí phải cắt bỏ chân nếu nghiêm trọng".
Quá trình hình thành mảng bám diễn ra chậm và thường mất nhiều năm, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiền thân của mảng bám phát triển sớm nhất là ở độ tuổi đôi mươi. Lối sống ít vận động, ăn uống không lành mạnh, huyết áp cao, tiểu đường, hút thuốc và tiền sử gia đình mắc bệnh tim hoặc mạch máu sớm đều có thể góp phần làm lưu thông máu kém, theo Prevention .
Tiền sử gia đình mắc bệnh tim hoặc mạch máu sớm đều có thể góp phần làm lưu thông máu kém - SHUTTERSTOCK
Tiến sĩ Caitlin W. Hicks - bác sĩ phẫu thuật mạch máu và là phó giáo sư phẫu thuật tại Bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore (Mỹ) - cho biết: "Triệu chứng phổ biến nhất của suy giảm tuần hoàn đến chân là đau nhức. Đau ở mông hoặc bắp chân khi đi bộ và kết thúc khi nghỉ ngơi là triệu chứng của tuần hoàn máu kém".
Chân tay lạnh, phù chân và vết thương ở chân mất một thời gian mới lành, đặc biệt nếu bạn có tiền sử gia đình, đều là những dấu hiệu nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa mạch máu để kiểm tra. Do vậy, việc duy trì vận hành máu tốt theo những cách đơn giản dưới đây sẽ giúp ích cho sức khoẻ của chúng ta, theo Prevention .
Thường xuyên đi bộ . Đi bộ có lợi cho cả động mạch và tĩnh mạch. Misty Humphries, bác sĩ phẫu thuật mạch máu và phó giáo sư phẫu thuật mạch máu ở Sacramento, California (Mỹ) cho biết: "Sự co rút của các cơ bắp chân khiến máu tĩnh mạch bị đẩy ngược lên tim. Các động mạch giãn ra khi bệnh nhân đi bộ và cải thiện lưu lượng máu đi khắp cơ thể". Vì vậy, đặt mục tiêu đi bộ tối thiểu 30 phút 3 lần mỗi tuần là một trong những cách giúp máu vận hành tốt.
Nghỉ ngơi nhiều hơn . Lợi ích của việc nghỉ giải lao trong giờ học, giờ làm việc có lợi ích nhiều hơn gấp đôi cho mạch máu. Cố gắng nghỉ ngơi sau mỗi 15 đến 20 phút và nghỉ ngơi sau khi ngồi dậy mỗi giờ bằng cách đi bộ quanh nhà, quanh nơi làm việc rất cho ích cho mạch máu.
Ăn nhiều trái cây và rau . Bên cạnh việc giảm lượng đường và thức ăn béo để tránh cao huyết áp, hình thành mảng bám và bệnh tiểu đường, thêm nhiều trái cây và rau vào món ăn cung cấp nhiều nitrat và các hợp chất khác trong chế độ ăn uống. Tiến sĩ Patel nói, các hợp chất này giúp tạo oxit nitric - hợp chất hóa học mà chúng ta thở ra có tác dụng thúc đẩy lưu lượng máu bằng cách thư giãn các mạch máu.
Thực phẩm có nhiều chất chuyển đổi oxit nitric bao gồm các loại rau lá xanh (rau xà lách son, cải xoăn, cải ngọt), củ cải đường, súp lơ, cà rốt, bông cải xanh, trái cây họ cam quýt, dưa hấu và lựu. Đĩa thức ăn càng nhiều màu sắc, bạn sẽ càng trở nên tốt hơn.
Uống đủ nước . Tiến sĩ Patel cho biết: "Máu chứa khoảng một nửa nước, do đó, được cung cấp đủ nước sẽ giúp duy trì hoạt động của nó. Khi mất nước, không chỉ lượng máu lưu thông qua cơ thể giảm mà máu giữ lại nhiều natri hơn, khiến nó đặc lại và khiến hệ tuần hoàn khó hoạt động hơn rất nhiều".
Cách dễ nhất để đảm bảo cung cấp đủ chất lỏng là kiểm tra nước tiểu: Màu vàng nhạt hoặc trong có nghĩa là bạn uống đủ nước, trong khi màu vàng đậm có nghĩa là bạn cần tăng lượng nước uống.
Bỏ thuốc lá . Hút thuốc gây ra sự tích tụ mảng bám trong động mạch và có thể gây ra bệnh động mạch ngoại vi (PAD). Tiến sĩ Hicks cho biết: "Các triệu chứng của PAD có thể bao gồm từ đau chân khi đi bộ đến đau khi nghỉ ngơi đến hoại thư (chết mô do thiếu lưu lượng máu). Bỏ thuốc lá làm chậm quá trình hình thành mảng bám và tổn thương mạch máu".
Đi bộ là một trong những cách giúp máu vận hành tốt - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Quản lý huyết áp . Huyết áp cao gây rối loạn tuần hoàn bằng cách làm cho tim và mạch máu hoạt động khó khăn và kém hiệu quả hơn. Tập thể dục, cắt giảm lượng natri và giảm căng thẳng là một số yếu tố trong lối sống có thể giúp giảm huyết áp và cải thiện tuần hoàn.
Kiểm soát lượng đường trong máu . Mức đường huyết tăng cao có thể gây ra tổn thương cho niêm mạc của các mạch máu nhỏ và có thể gây rối loạn tuần hoàn. Bệnh tiểu đường cũng thúc đẩy sự hình thành các mảng bám trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc PAD. Các chất béo tích tụ làm hẹp các mạch máu (đặc biệt là ở chân và bàn chân).
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát đường máu, cần ăn nhiều thực phẩm có thể giúp giảm lượng đường trong máu tự nhiên, chẳng hạn như rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và các loại đậu, có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
Nâng cao chân . Nâng cao chân (bằng hoặc cao hơn tim) giúp cải thiện lưu lượng máu đến phần còn lại của cơ thể bằng cách giữ cho máu không đọng lại ở cẳng chân, tiến sĩ Patel cho biết. Thời điểm thuận tiện nhất để nâng cao chân sẽ là khi bạn đang xem TV hoặc ngủ trưa - nằm xuống và đưa chân lên cao trong 15 phút hoặc hơn.
Uống trà xanh . Trà xanh có chứa catechin, là hợp chất giúp cải thiện chức năng mạch máu. Tiến sĩ Patel cho biết: "Catechin đã được chứng minh là có khả năng ức chế quá trình oxy hóa (sự mất cân bằng của các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể), giảm viêm mạch máu cũng như sự tích tụ mảng bám động mạch. Trà xanh giúp thư giãn các mạch máu để cơ thể có thể bơm máu dễ dàng hơn.
Cân nhắc tiền sử gia đình . Nếu tiền sử gia đình mắc bệnh tim hoặc mạch máu sớm, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa ít nhất 10 năm trước khi đến tuổi này, tiến sĩ Varghese nói. "Các yếu tố nguy cơ cổ điển như di truyền và tiền sử gia đình đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển mảng bám", tiến sĩ Varghese cho biết.
Giữ sức khỏe mùa thi Nhiều kỳ thi quan trọng trong năm học thường rơi vào thời điểm giao mùa khiến sức khỏe học sinh bị ảnh hưởng đáng kể. Làm cách nào để bảo vệ sức khỏe trước và trong những kỳ thi? Học sinh đến khám bệnh tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) - PHẠM HỮU Không nên thức khuya Thạc sĩ -...